Nghị quyết 10/2008/NQ-HĐND quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước đã được thay thế bởi Nghị quyết 26/2010/NQ-HĐND phân cấp quản lý tài sản nhà nước Đắk Lắk và được áp dụng kể từ ngày 20/12/2010.
Nội dung toàn văn Nghị quyết 10/2008/NQ-HĐND quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước
HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2008/NQ-HĐND |
Buôn Ma Thuột, ngày 11 tháng 07 năm 2008 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CỦA NHÀ NƯỚC THUỘC TỈNH ĐẮK LẮK
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06/3/1998 của Chính phủ về Quản lý tài sản nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý Nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Thông tư số 202/2006/QĐ-TTg">112/2006/TT-BTC ngày 27/12/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập, ban hành kèm theo Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 137/2006/NĐ-CP">35/2007/TT-BTC ngày 10/4/2007 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước;
Xét Tờ trình số 34/TTr-UBND ngày 11/6/2008 của UBND tỉnh về việc đề nghị thông qua Đề án về phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước thuộc tỉnh Đắk Lắk; Báo cáo thẩm tra số 06/BC-KTNS ngày 07/7/2008 của Ban Kinh tế - Ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành, thông qua Đề án về phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước thuộc tỉnh Đắk Lắk, như sau:
A. NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG:
I. Phạm vi điều chỉnh:
Nghị quyết này, quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp) giữa Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh với các sở, ban, ngành, đơn vị dự toán cấp I, tổ chức chính trị cấp tỉnh (gọi chung là sở, ngành), UBND huyện, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là UBND cấp huyện); giữa các sở, ngành với UBND cấp huyện.
Việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia; tài sản sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; tài nguyên thiên nhiên và đất đai; tài sản của các đơn vị Trung ương đóng tại tỉnh Đắk Lắk thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này.
II. Đối tượng áp dụng:
- Cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước.
- Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thuộc tỉnh Đắk Lắk được giao trực tiếp quản lý sử dụng tài sản nhà nước.
- Các đối tượng khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
III. Quyền hạn, trách nhiệm về quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước:
1. UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước do các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; thực hiện phân cấp cho các sở, ngành, UBND cấp huyện quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc tỉnh.
2. Các sở, ngành, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo phân cấp và các quy định khác của pháp luật có liên quan; thực hiện phân cấp quản lý tài sản cho các đơn vị cấp dưới.
IV. Tài sản nhà nước do UBND tỉnh, các tổ chức chính trị quản lý:
1. Tài sản do UBND tỉnh quản lý bao gồm:
a) Tài sản nhà nước do các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương quản lý, sử dụng;
b) Tài sản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuộc địa phương quyết định xác lập quyền sở hữu của nhà nước theo quy định của pháp luật;
c) Tài sản thuộc sở hữu nhà nước giao cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (gọi chung là tổ chức chính trị) quản lý, sử dụng thì không thuộc sở hữu của tổ chức đó; tài sản này do UBND tỉnh quản lý.
2. Tài sản do các tổ chức chính trị quản lý:
Tài sản nhà nước đã chuyển giao quyền sở hữu cho các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp là tài sản thuộc sở hữu của tổ chức đó.
B. PHÂN CẤP QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP:
I. Thẩm quyền quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản nhà nước:
Những tài sản chuyên dùng phục vụ đặc thù ở địa phương mà chưa được Trung ương quy định; căn cứ vào tính chất hoạt động đặc thù, định mức kinh tế kỹ thuật và nhu cầu sử dụng tài sản chuyên dùng phục vụ hoạt động đặc thù được phân cấp như sau:
1. UBND tỉnh sau khi xin ý kiến của Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND), ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng bao gồm: Xe ô tô chuyên dùng và các tài sản chuyên dùng khác phục vụ cho hoạt động đặc thù theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và thủ trưởng các đơn vị có liên quan.
2. UBND cấp huyện sau khi xin ý kiến của HĐND cùng cấp, quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng phục vụ cho hoạt động đặc thù của các đơn vị thuộc UBND cấp huyện có giá trị mua mới dưới 500 triệu đồng/1 tài sản (trừ xe ô tô chuyên dùng) thuộc ngân sách cấp huyện theo đề nghị của thủ trưởng đơn vị quản lý sử dụng và Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch.
II. Thẩm quyền quyết định mua sắm, sửa chữa lớn, cải tạo nâng cấp tài sản nhà nước:
1. Đối với tài sản là nhà, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn, cải tạo nâng cấp thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.
2. Đối với tài sản là phương tiện vận tải, máy móc, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản được cơ quan có thẩm quyền ban hành và dự toán ngân sách hàng năm, việc mua sắm tài sản được quy định như sau:
a) Chủ tịch UBND tỉnh:
- Sau khi xin ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh quyết định mua sắm xe ô tô con phục vụ công tác và xe ô tô chuyên dùng theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và thủ trưởng các đơn vị có liên quan;
- Quyết định phê duyệt mua sắm tài sản khác có giá trị mua mới từ 500 triệu đồng trở lên/1 tài sản hoặc các tài sản có giá trị trên 1.000 triệu đồng một lần mua theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và thủ trưởng các đơn vị có liên quan.
- Thực hiện phân cấp, ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định đầu tư mua sắm, sửa chữa các tài sản khác theo đúng quy định.
b) Các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ tài chính, thủ trưởng đơn vị quyết định mua sắm tài sản có giá trị dưới 500 triệu đồng/1 tài sản (trừ xe ô tô các loại) và sửa chữa tài sản theo kế hoạch; dự toán đã được phê duyệt từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp và các nguồn huy động, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật.
III. Thẩm quyền thu hồi tài sản nhà nước:
Tài sản nhà nước sử dụng sai mục đích, sai chế độ quy định; vượt tiêu chuẩn định mức; không có nhu cầu sử dụng; thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước phải được thu hồi thực hiện như sau:
Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thu hồi tài sản của các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp là nhà, công trình xây dựng, xe ô tô, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng/1 tài sản trở lên theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và thủ trưởng các đơn vị có liên quan;
- Thực hiện phân cấp ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thu hồi các tài sản khác theo đúng quy định.
IV. Thẩm quyền điều chuyển tài sản nhà nước:
Chủ tịch UBND tỉnh quyết định điều chuyển tài sản giữa các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tài sản là nhà, công trình xây dựng, xe ô tô, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng/1 tài sản trở lên theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan;
Thực hiện phân cấp ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện điều chuyển tài sản nhà nước theo đúng quy định.
V. Thẩm quyền bán, chuyển đổi sở hữu tài sản nhà nước:
Chủ tịch UBND tỉnh quyết định bán, chuyển đổi hình thức sở hữu tài sản nhà nước là nhà, công trình xây dựng, xe ô tô các loại và tài sản của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan;
Thực hiện phân cấp ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định bán, chuyển đổi sở hữu tài sản nhà nước theo đúng quy định.
VI. Thẩm quyền thanh lý tài sản nhà nước:
Căn cứ vào chế độ quy định, tài sản nhà nước đã hư hỏng không còn sử dụng được, sửa chữa tốn kém không hiệu quả; hoặc giải phóng mặt bằng xây dựng công trình mới cần phải thanh lý được quy định như sau:
Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thanh lý tài sản là nhà, công trình xây dựng, xe ô tô, tài sản có nguyên giá từ 500 triệu đồng/1 tài sản trở lên theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và thủ trưởng các đơn vị có liên quan;
Thực hiện phân cấp ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thanh lý tài sản nhà nước theo đúng quy định.
VII. Kiểm kê, báo cáo tài sản nhà nước:
1. Chủ tịch UBND tỉnh quyết định điều tra, thống kê tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật.
2. Thủ trưởng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm kê tài sản nhà nước tại đơn vị định kỳ hàng năm, theo đúng quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.
VIII. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước:
Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh quản lý;
Thực hiện phân cấp ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc cấp mình quản lý theo đúng quy định.
C. PHÂN CẤP QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CỦA NHÀ NƯỚC THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT:
I. Thẩm quyền xác lập quyền sở hữu tài sản của nhà nước:
1. Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước thực hiện theo quy định tại khoản 1, điều 16, chương III, Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ.
2. Đối với các tài sản khác:
a) Chủ tịch UBND tỉnh quyết định xác lập quyền sở hữu của nhà nước theo quy định của pháp luật đối với:
- Bất động sản trên địa bàn được xác định là vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu;
- Di sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng người đó không được quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản;
- Tài sản là nhà, công trình xây dựng, xe ô tô, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 tài sản của các dự án sử dụng vốn nước ngoài do địa phương quản lý sau khi kết thúc hoạt động được chuyển giao cho nhà nước Việt Nam;
- Tài sản là nhà, công trình xây dựng, xe ô tô, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 tài sản được chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu dưới hình thức biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật cho các tổ chức thuộc địa phương.
b) Chủ tịch UBND tỉnh phân cấp ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định xác lập quyền sở hữu tài sản của nhà nước theo quy định của pháp luật đối với:
- Các tài sản của các dự án sử dụng vốn nước ngoài do ngành, địa phương quản lý sau khi kết thúc hoạt động được chuyển giao cho nhà nước Việt Nam (trừ nhà, công trình xây dựng, xe ô tô, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 tài sản);
- Các tài sản được chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu dưới hình thức biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật cho các tổ chức thuộc ngành, địa phương (trừ các tài sản quy định tại điểm a, khoản 2, mục I, phần C, Nghị quyết này).
II. Thẩm quyền lập, phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước:
1. Thẩm quyền lập phương án xử lý tài sản:
Cơ quan đang quản lý hoặc được giao tạm quản lý tài sản có trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản được quy định như sau:
a) Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản quy định tại điểm a, khoản 2, mục I, phần C, Điều 1 nghị quyết này.
b) Chủ tịch UBND tỉnh phân cấp ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản quy định tại điểm b, khoản 2, mục I, phần C, Điều 1 nghị quyết này.
D. TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI SẢN NHÀ NƯỚC:
1. Tổ chức thực hiện phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước:
1. UBND tỉnh thống nhất tổ chức thực hiện phân cấp quản lý tài sản nhà nước trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý theo quy định hiện hành.
2. Cơ quan Tài chính có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện phân cấp quản lý tài sản nhà nước trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện phân cấp và tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc tỉnh quản lý.
3. Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm triển khai việc phân cấp cho các đơn vị thuộc ngành, địa phương quản lý và chịu trách nhiệm về kết quả phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo quy định này và các văn bản quy phạm khác có liên quan.
II. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản nhà nước:
1. Chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước.
2. Sử dụng tài sản nhà nước đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả.
3. Thực hiện kê khai đăng ký, kiểm kê, báo cáo tài sản nhà nước theo đúng quy định hiện hành.
4. Công khai tiêu chuẩn, định mức, tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của cơ quan, đơn vị mình.
5. Chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho UBND tỉnh quy định cụ thể về phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước thuộc tỉnh Đắk Lắk; giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết này.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa VII, kỳ họp thứ 10 thông qua.
Nơi nhận: |
CHỦ
TỊCH |