Nội dung toàn văn Nghị quyết 10-CP công tác giá trong tình hình mới
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10-CP | Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 1978 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CÔNG TÁC GIÁ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng, các nghị quyết lần thứ II, lần thứ III của Ban chấp hành trung ương Đảng và Nghị quyết kỳ họp lần thứ III, khóa 6 của Quốc hội về kế hoạch Nhà nước 5 năm 1976 – 1980 và kế hoạch Nhà nước năm 1978, Hội đồng Chính phủ quyết định về công tác giá như sau.
I. PHƯƠNG HƯỚNG
Bước sang giai đoạn mới, cả nước hòa bình, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc phát triển và cải tạo kinh tế được tiến hành theo đường lối của Đại hội lần thứ IV của Đảng. Tình hình đó đòi hỏi phải “nghiên cứu xây dựng một hệ thống giá hợp lý hơn”, phải xác định một phương thức quản lý giá thích hợp.
Muốn vậy, một mặt phải chú ý tới những thành quả và kinh nghiệm của công tác giá trong những năm qua; mặt khác, phải nắm vững đặc điểm, yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới
Hệ thống giá phải thể hiện đầy đủ các quy luật kinh tế, lấy kế hoạch làm khâu trung tâm, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, phục vụ công cuộc phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hóa, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, nhằm bảo đảm tận dụng lực lượng lao động, tài nguyên, đất, rừng, biển và mọi tư liệu sản xuất khác, làm ra nhiều giá trị sử dụng với hiệu quả kinh tế ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Trên quy mô cả nước, giá phải phục vụ và thúc đẩy việc tổ chức lại nền sản xuất xã hội phân công mới lao động, hình thành cơ cấu kinh tế mới gắn bó công nghiệp với nông nghiệp, kinh tế trung ương với kinh tế địa phương, đẩy mạnh xuất khẩu để có thể tăng cường nhập khẩu kỹ thuật hiện đại.
Giá phải phục vụ và thúc đẩy sản xuất phát triển với tốc độ nhanh, đẩy mạnh cách mạng khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động xã hội, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.
Giá phải kết hợp chặt chẽ với các công cụ phân phối thu nhập quốc dân như tiền lương, lợi nhuận, với việc phân phối hàng hóa hợp lý, nhằm bảo đảm quan hệ đúng đắn giữa tích luỹ và tiêu dùng, bảo đảm thu nhập thực tế của người lao động, thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động, đồng thời mở rộng phúc lợi công cộng và bảo hiểm xã hội trên cơ sở phát triển sản xuất.
Giá phải phục vụ và thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là ra sức phát triển nông nghiệp, mở rộng diện tích canh tác, chuyên canh và thâm canh trên đất thục cũng như đất mới, phát triển mạnh chăn nuôi, thúc đẩy cải tiến kỹ thuật, tăng cường và cải tiến quản lý, tăng năng suất lao động trong nông nghiệp.
Giá phải phục vụ và thúc đẩy cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam đối với thương nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp tư nhân và nông nghiệp cá thể, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả nước, mở rộng trận địa kinh tế xã hội chủ nghĩa, thu hẹp thị trường không có tổ chức.
Giá phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất theo những định mức kinh tế - kỹ thuật trung bình tiên tiến và có lợi nhuận thỏa đáng, thể hiện cả hai mặt nghĩa vụ và quyền lợi đối với đơn vị kinh tế và người sản xuất. Giá là thước đo góp phần đánh giá đúng đắn hiệu quả công việc của mỗi cơ sở sản xuất, là đòn bẩy mạnh mẽ khuyến khích lợi ích vật chất chính đáng của cơ sở và người sản xuất; vừa đòi hỏi mỗi người phải làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật, đạt năng suất cao, vừa phục vụ đời sống vật chất và văn hóa của người lao động ngày càng tốt hơn nữa.
Đi đôi với việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giá chỉ đạo của Nhà nước phải cải tiến công tác tiền tệ, tài chính, tín dụng, mở rộng mạng lưới lưu thông, phân phối hàng hóa một cách có kế hoạch, tăng cường quản lý thị trường, đấu tranh mạnh mẽ chống các hoạt động đầu cơ, buôn lậu, nâng giá, ép giá, sớm xóa bỏ thương nghiệp tư bản chủ nghĩa và cải tạo trung thương, tiểu thương, làm cho hệ thống giá chỉ đạo của Nhà nước có hiệu lực trong toàn bộ thị trường xã hội.
Về phương thức quản lý giá: trên cơ sở trung ương quản lý thống nhất chính sách và những giá có quan hệ đến quốc kế dân sinh, bảo đảm những cân đối kinh tế có ý nghĩa toàn quốc, đề cao kỷ luật về giá, cần phân cấp quản lý giá cho các ngành, các cấp chính quyền địa phương, theo danh mục do Chính phủ quy định.
Việc xây dựng, thực hiện chính sách và quản lý giá phải được tiến hành một cách toàn diện, đồng bộ, hỗ trợ và phục vụ lẫn nhau giữa giá với các chủ trương và biện pháp khác về sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng, trước hết là giữa các chính sách giá cả, tiền lương, tài chính, tiền tệ, thu mua và phân phối hàng hóa theo hợp đồng hai chiều.
Trước mắt, Hội đồng Chính phủ quyết định điều chỉnh giá thu mua một số nông sản quan trọng, ổn định và có điều chỉnh giá một số tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng thiết yếu liên quan nhiều đến nông nghiệp, có tính đến yêu cầu tiến tới thống nhất giá trong cả nước thành một hệ thống duy nhất, nhưng trước mắt, chỉ thống nhất những giá xét có điều kiện.
Trong tình hình kinh tế còn nhiều mặt không cân đối, tổ chức quản lý còn chưa được chặt chẽ, việc điều chỉnh giá lần này phải tiến hành tích cực, nhưng thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng và toàn diện.
Để phục vụ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của trung ương Đảng, chính sách giá thu mua nông sản phải đáp ứng yêu cầu như sau:
- Giá thu mua phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất và có lãi thích đáng nhằm phục vụ tốt, đúng yêu cầu thâm canh, tăng vụ và đẩy mạnh khai hoang, mở rộng vùng kinh tế mới, bảo đảm tái sản xuất mở rộng và từng bước cải thiện đời sống nông dân. Phát huy tác dụng của giá thúc đẩy cải tiến kỹ thuật, tăng cường và cải tiến quản lý, không ngừng tăng năng suất lao động, năng suất đất đai để làm ra nhiều sản phẩm, bảo đảm hiệu quả sử dụng lao động, vật tư, thiết bị và tiền vốn trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện ba mục tiêu: một lao động làm từ 1 đến 2 hécta gieo trồng, tiến tới đạt bình quân 3 tấn thóc và từ 3 đến 4 con lợn/hécta gieo trồng.
- Chính sách giá phải gắn chặt với chính sách và kế hoạch Nhà nước thu mua nông sản và cung ứng tư liệu sản xuất cho nông nghiệp, hàng tiêu dùng cho nông dân, phục vụ các hợp tác xã và nông dân thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất, đồng thời bảo đảm cho Nhà nước nắm được đại bộ phận nông sản hàng hóa theo hợp đồng hai chiều giữa Nhà nước với hợp tác xã nông nghiệp và nông dân.
- Chính sách giá Nhà nước thu mua nông sản và cung ứng vật tư, hàng hóa phải chiếu cố thích đáng những vùng sản xuất có nhiều khó khăn và xa xôi, phục vụ tốt việc phân bổ lại lao động và sản xuất ở các vùng, đồng thời khuyến khích thỏa đáng những vùng sản xuất tập trung, có khối lượng nông sản hàng hóa lớn và phẩm chất cao.
- Chính sách giá phải gắn chặt với chính sách đầu tư, tín dụng, với các chính sách và biện pháp khác của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân công lại lao động, tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện, kết hợp tốt nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp với công nghiệp, từng bước đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Tiếp theo việc điều chỉnh giá nông sản lần này, cần tiếp xúc tích cực việc nghiên cứu xây dựng hệ thống giá hoàn chỉnh và tăng cường quản lý giá.
II. QUYẾT ĐỊNH CỤ THỂ VỀ ĐIỀU CHỈNH GIÁ
1. Giá mua lương thực
Hàng năm, Nhà nước ký hợp đồng hai chiều với hợp tác xã nông nghiệp và nông dân thu mua 90% sản lượng lương thực hàng hóa theo kế hoạch. Số còn lại sẽ mua theo giá thưởng vượt kế hoạch; tùy theo mức bán vượt kế hoạch 5%, 10% và trên 10% mà khuyến khích với tỷ lệ lũy tiến 30%, 40% và 50% trên giá trong kế hoạch.
Giá thu mua lương thực có mức chênh lệch nhất định giữa các vùng, căn cứ vào điều kiện sản xuất (đất, nước, thời tiết, khí hậu) khác nhau giữa các vùng.
a) Giá thu mua thóc tính theo tiền miền Bắc trong tình hình hiện nay ở các vùng như sau:
Vùng I gồm các tỉnh: Minh Hải, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Cửu Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang và Long An; giá mua trong kế hoạch 0,32đ một kilôgam thóc. Trong vùng này, ở những nơi điều kiện sản xuất có khó khăn hơn, giá mua trong kế hoạch 0,35đ một kilôgam thóc.
Vùng II gồm các tỉnh: Thái Bình, Hải Hưng, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình (trừ tỉnh Hòa Bình cũ), Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh; giá mua trong kế hoạch 0,40đ một kilôgam thóc. Ở những nơi bán sơn địa đất bạc màu, chua mặn, đồng chiêm trũng, chưa có công trình thủy lợi, giá mua trong kế hoạch 0,43đ một kilôgam thóc.
Vùng III gồm các tỉnh: Vĩnh Phú, Hà Bắc, Thanh Hóa; giá mua trong kế hoạch 0,46đ một kilôgam thóc. Ở những nơi có công trình thủy lợi giá mua trong kế hoạch 0,43đ một kilôgam thóc.
Vùng IV là vùng đất chạy dài ven biển của các tỉnh: Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Quảng Nam – Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải; giá mua trong kế hoạch 0,46đ một kilôgam thóc. Ở những nơi đất xấu, có khó khăn về thời tiết và thủy lợi, giá mua trong kế hoạch là 0,50đ một kilôgam thóc.
Vùng V gồm các tỉnh: Cao Lạng, Quảng Ninh, Bắc Thái, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Sơn La, Gia Lai – Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng, tỉnh Hòa Bình cũ và các vùng núi cao của các tỉnh khác ở miền Bắc và miền Nam; giá mua trong kế hoạch 0,55đ một kilôgam thóc. Ở những nơi có điều kiện thuận lợi, giá mua trong kế hoạch là 0,50đ một kilôgam thóc.
Ở những nơi giáp ranh giữa các vùng, khi quy định giá, phải xem xét sắp xếp cho hợp lý trên cơ sở các mức giá nói trên, để tránh chênh lệch không hợp lý và không nên chia ra quá nhiều khu vực nhỏ sinh ra nhiều phức tạp, gây ra lợi dụng buôn bán làm khó khăn cho việc quản lý thị trường.
Đối với một số hợp tác xã, qua nhiều năm, đã bán nhiều thóc ngoài nghĩa vụ và nay vẫn bán nhiều lương thực cho Nhà nước thì Nhà nước có chính sách chiếu cố trong vài năm đầu thực hiện giá mới, nhằm giữ cho thu nhập của các hợp tác xã đó không bị giảm.
b) Giá thu mua màu phải khuyến khích mạnh mẽ việc thâm canh, chuyên canh màu, chế biến màu và bán nhiều màu chế biến cho Nhà nước, đồng thời khuyến khích mạnh mẽ việc giao lưu giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ, góp phần thay đổi cơ cấu lương thực và phát triển chăn nuôi.
Giá mua ngô, cao lương, khoai lang khô theo kế hoạch bình quân cao hơn từ 10 đến 20%; giá mua sắn lát khô theo kế hoạch bình quân cao hơn từ 20 đến 25% so với giá thóc bình quân trong kế hoạch ở vùng II.
Kế hoạch thu mua màu nằm trong kế hoạch sản xuất và thu mua lương thực của Nhà nước; phần màu bán vượt kế hoạch cũng được giá khuyến khích lũy tiến như đối với thóc.
2. Giá thu mua lợn thịt.
Nhà nước giao kế hoạch chăn nuôi và bán sản phẩm cho Nhà nước theo hợp đồng hai chiều.
Đối với cơ sở chăn nuôi quốc doanh thì thực hiện chế độ giao nộp sản phẩm.
Đối với các hợp tác xã nông nghiệp thì giao kế hoạch bán 90% số lợn thịt chăn nuôi được theo kế hoạch.
Đối với gia đình xã viên và nông dân thì giao kế hoạch bán 50% số lợn thịt nuôi được theo kế hoạch.
Giá thu mua lợn phải khuyến khích nâng cao trọng lượng lợn xuất chuồng và khuyến khích chăn nuôi giống lợn có năng suất và chất lượng sản phẩm cao. Phần sản phẩm hàng hóa bán vượt kế hoạch đã giao thì được hưởng giá thưởng một đồng một kilôgam.
Giá thu mua 1 kilôgam lợn thịt ở các tỉnh miền Bắc, tương đương giá từ 7 đến 7,5 kilôgam thóc theo giá thóc bình quân trong kế hoạch ở miền Bắc. Giá này áp dụng thống nhất cho lợn chăn nuôi gia đình, chăn nuôi tập thể và quốc doanh, và không kèm theo việc bán lương thực cho người chăn nuôi.
Ở các tỉnh miền Nam, trước mắt, vẫn tiếp tục áp dụng giá 1kilôgam lợn thịt là 3 đồng như hiện nay.
3. Giá thu mua sản phẩm cây công nghiệp không điều chỉnh đồng loạt theo giá lương thực, mà chỉ điều chỉnh giá thu mua một số sản phẩm cần thiết mía, chè, đỗ tương, lạc, đay,…
Đi đôi với việc xem xét giá thu mua, cần chú trọng giải quyết tốt những yêu cầu sản xuất của từng cây và từng vùng, bảo đảm cung ứng lương thực cho những vùng chuyên canh, cung ứng vật tư kỹ thuật, bảo đảm thủy lợi, phân bón…cho sản xuất.
4. Giá bán tư liệu sản xuất cho nông nghiệp theo nguyên tắc khuyến khích cách mạng kỹ thuật và thâm canh, Nhà nước không lấy lãi và nếu cần thì có thể chịu lỗ. Trước mắt, chỉ điều chỉnh giá một số ít mặt hàng, để giảm bớt chênh lệch quá đáng giữa các vùng trong nước.
Giữ giá bán phân hóa học các loại. Ở các tỉnh miền Nam, trên cơ sở giá bán hiện nay tại cấp I, Ủy ban Vật giá Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Bộ Tài chính làm việc với các tỉnh, thành phố để căn cứ vào mức phí lưu thông bình quân mà quy định giá bán thống nhất cho các huyện, thị trấn, thị tứ.
Điều chỉnh giá bán các loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ, diệt chuột ở miền Nam cho thống nhất với hệ thống giá bán hiện nay ở miền Bắc.
5. Giá bán lẻ hàng tiêu dùng phải gắn với tiền lương của cán bộ, công nhân, viên chức và thu nhập của các tầng lớp nhân dân lao động khác gắn với việc cung ứng hàng hóa. Phải ra sức ổn định giá để ổn định và từng bước cải thiện đời sống.
Trong thời gian tới, cần thu hẹp một bước chênh lệch giá hàng tiêu dùng giữa các vùng, điều chỉnh trong phạm vi thật cần thiết giá một số loại hàng tiêu dùng. Đối với những mặt hàng phẩm cấp cao hoặc có tính chất xa xỉ, cần xét nâng lên để điều tiết tiêu dùng và giảm khó khăn cho ngân sách.
Đối với gạo và thịt lợn bán theo định lượng cho những nhu cầu trong diện được Nhà nước bảo đảm cung cấp thì áp dụng mức giá bán lẻ thống nhất trong cả nước là:
- Gạo 0,40đ một kilôgam tiền miền Bắc.
- Thịt lợn xô 2,50đ một kilôgam tiền miền Bắc.
Về tiền lương
Chế độ tiền lương hiện nay có nhiều nhược điểm; cải tiến chế độ tiền lương là vấn đề lớn và là yêu cầu gấp nhưng cần phải nghiên cứu thêm. Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Ủy ban Vật giá, Ủy ban Kế hoạch phối hợp với công đoàn và các ngành có liên quan xúc tiến nghiên cứu cải tiến chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể của công nhân viên chức để Hội đồng Chính phủ xét vào giữa năm 1978.
Trước mắt cần:
Thống nhất chế độ tiền lương trong cả nước; quản lý chặt chẽ lao động và tiền lương; mở rộng diện trả lương theo sản phẩm trên cơ sở định mức tiến bộ và kiểm tra chặt chẽ chất lượng sản phẩm.
Tổ chức tốt việc cung ứng hàng tiêu dùng và các dịch vụ; ra sức khôi phục tiền lương thực tế cho cán bộ, công nhân, viên chức. Trước hết, phải tập trung sức bảo đảm bữa ăn cho công nhân, viên chức, chú trọng những ngành và khâu lao động nặng nhọc tiếp xúc với môi trường độc hại. Phải thực hiện dần việc tổ chức bữa ăn giữa ca cho công nhân, viên chức ở các cơ sở sản xuất, trước hết ở những xí nghiệp quan trọng, những công trường trọng điểm, những cơ sở sản xuất có điều kiện lao động nặng nhọc, có độc hại.
Các ngành thương nghiệp, lương thực thực phẩm phải cùng với các Bộ Nông Nghiệp, Hải sản, Giao thông vận tải, các Ủy ban nhân dân địa phương tổ chức tốt việc thu mua, vận chuyển và phân phối lương thực thực phẩm, chống tham ô, lạm dụng, cửa quyền, bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm theo định lượng và có chất lượng tốt cho các hộ công nhân, viên chức.
III. TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC VÀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH GIÁ
Việc thực hiện chính sách giá phải đi đôi với việc đẩy mạnh sản xuất, cải tiến quản lý kinh tế, cải tạo và hoàn thiện quan hệ sản xuất, tăng cường quản lý thị trường.
1. Bảo đảm quán triệt nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về giá
Cơ quan vật giá cùng với các cơ quan thông tin, tuyên truyền giải thích rộng rãi để cho nhân dân và cán bộ, đảng viên hiểu rõ: Nhà nước không ngừng tập trung sức đầu tư xây dựng thủy lợi, trang bị cơ giới, sản xuất phân bón và tạo ra nhiều cơ sở vật chất - kỹ thuật khác cho nông nghiệp. Giá Nhà nước thu mua nông, lâm, hải sản cân đối với giá Nhà nước bán tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng nhằm giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng tạo điều kiện cho tái sản xuất mở rộng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và củng cố quốc phòng. Chính sách giá không chỉ là quan hệ mua bán giữa Nhà nước với nhân dân, mà còn thể hiện việc Nhà nước cùng nhân dân chăm lo phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu đẹp.
2. Tích cực chuẩn bị để công bố kịp thời việc điều chỉnh giá mua thóc, màu, thịt lợn để phát huy tác dụng đối với sản xuất và thu mua. Việc công bố giá mới phải tiến hành cùng một lúc với việc công bố chính sách lương thực, với việc giao kế hoạch sản xuất và bán lương thực cho Nhà nước, việc thực hiện hợp đồng kinh tế hai chiều giữa Nhà nước với hợp tác xã nông nghiệp và nông dân.
3. Tăng cường quản lý và kiểm tra giá.
Chính sách giá phải được quản lý thống nhất và chặt chẽ, đi đôi với phân công, phân cấp hợp lý, sát với điều kiện của từng ngành, từng địa phương. Phải căn cứ vào tầm quan trọng, tính chất của từng loại sản phẩm để định danh mục, loại giá nào do Chính phủ quy định, loại giá nào phân cấp cho ngành hoặc địa phương quy định dựa trên những nguyên tắc, chính sách, tiêu chuẩn của trung ương.
Cần tăng cường kiểm tra bảo đảm thực hiện chính sách giá chặt chẽ và có hiệu lực trong cả nước. Kiên quyết chấm dứt tình trạng tự ý nâng giá hoặc ép cấp, ép giá thu mua, nâng cấp và nâng giá bán tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng. Phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc đối với những trường hợp không chấp hành đúng chính sách giá của Đảng và Nhà nước.
4. Trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc thực hiện chính sách giá.
- Các ngành quản lý và đơn vị sản xuất, kinh doanh phải soát lại tình hình sản xuất kinh doanh trong ngành, trong từng đơn vị, đẩy mạnh việc làm giá bán buôn xí nghiệp, gắn với thu quốc doanh và đề ra những biện pháp cụ thể, nhằm sớm trở lại và vượt năng suất lao động, hạ giá thành hơn mức trước chiến tranh.
- Các ngành giao thông vận tải, lưu thông phân phối cần chấn chỉnh tổ chức và phương thức kinh doanh, tổ chức vận chuyển hàng hóa; triển khai nhanh việc thực hiện hợp đồng kinh tế hai chiều; phấn đấu giảm chi phí và hao hụt, đưa vật tư, hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng đúng số lượng, chất lượng, địa điểm, thời gian và giá cả quy định, phân phối công bằng, hợp lý, không gây phiền hà cho dân.
- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Vật giá Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Ngân hàng Nhà nước…căn cứ vào giá mới, tính toán lại kế hoạch, cân đối lao động, vật tư, hàng hóa, tiền tệ một cách tích cực; phối hợp với các ngành có trách nhiệm soát lại và xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật tiến bộ, quản lý biên chế, tiền lương chặt chẽ; giúp các ngành sản xuất, kinh doanh tăng cường quản lý từ cơ sở và thực hiện chế độ hạch toán kinh tế.
- Ủy ban nhân dân địa phương phải tăng cường quản lý kinh tế, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách giá đồng thời phải kiểm tra các đơn vị trực thuộc các ngành trung ương hoạt động ở địa phương mình cũng như các ngành và đơn vị của địa phương trong việc chấp hành chính sách giá. Trong phạm vi được trung ương phân cấp quản lý, địa phương phải phối hợp tốt với các ngành có trách nhiệm, bảo đảm việc quản lý giá của địa phương ăn khớp với việc quản lý giá của các ngành trung ương.
- Ngành vật giá phối hợp chặt chẽ với các ban chấp hành các cấp của công đoàn, thanh niên, phụ nữ và nông dân đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục trong các đoàn thể về chính sách giá; phát động phong trào quần chúng làm chủ tập thể, đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất lao động và thực hành tiết kiệm, chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách của Đảng và Nhà nước, kiểm tra và thúc đẩy chính quyền các cấp và các ngành làm đúng chính sách, chống quan liêu, hách dịch, cửa quyền, ăn cắp của công, tăng cường quản lý, kiên quyết bài trừ nạn đầu cơ buôn lậu phá rối thị trường, gây khó khăn đến đời sống của nhân dân.
Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ xác định những quan điểm cần nắm vững trong khi xem xét vấn đề giá, giải quyết một bước việc xây dựng hệ thống giá thống nhất cả nước trong tình hình mới. Các ngành, các cấp phải thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết này, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, đưa việc quản lý kinh tế vào nền nếp và đặt cơ sở cho việc tiếp tục nghiên cứu cải tiến chính sách giá đi đôi với chính sách tiền lương và các chính sách kinh tế tài chính khác.
(Kèm theo nghị quyết này, có các bản phụ lục) (Không in các bản phụ lục).
Ủy ban Vật giá Nhà nước có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành nghị quyết này.
Nghị quyết này được công bố và phổ biến rộng rãi trong nhân dân.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |