Nội dung toàn văn Nghị quyết 103/2019/NQ-HĐND chính sách khuyến khích hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Gia Lai
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 103/2019/NQ-HĐND | Gia Lai, ngày 10 tháng 07 năm 2019 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ CHÍN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;
Căn cứ Luật Hợp tác xã năm 2012;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012; Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020;
Xét Tờ trình số 1331/TTr-UBND ngày 14/6/2019 của UBND tỉnh Gia Lai về việc đề nghị ban hành nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cụ thể như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách địa phương để khuyến khích phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
1.2. Đối tượng áp dụng
- Các hợp tác xã nông nghiệp thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Nguyên tắc áp dụng
Trường hợp cùng một nội dung hỗ trợ nhưng có các mức hỗ trợ khác nhau giữa Nghị quyết này và văn bản quy phạm pháp luật khác thì được lựa chọn áp dụng mức hỗ trợ cao nhất hoặc có lợi nhất.
3. Chính sách hỗ trợ:
3.1. Hỗ trợ người tốt nghiệp đại học trở lên làm việc ở hợp tác xã nông nghiệp
a) Đối tượng hỗ trợ:
Hợp tác xã nông nghiệp có người tốt nghiệp đại học trở lên làm giám đốc.
b) Điều kiện hỗ trợ: Đối tượng hỗ trợ phải đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
- Có trong kế hoạch hỗ trợ nguồn nhân lực cho hợp tác xã nông nghiệp và dự toán của tỉnh được phê duyệt hàng năm.
- Tuổi dưới 45 đối với nam và dưới 40 đối với nữ.
- Có chuyên môn phù hợp để tổ chức thực hiện phương án sản xuất kinh doanh của hợp tác xã nông nghiệp.
- Có chuyên môn, kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường.
- Có cam kết làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp trong thời gian ít nhất 05 năm.
c) Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ: Mức hỗ trợ hàng tháng tương đương mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật hiện hành cho 01 lao động/01 hợp tác xã nông nghiệp. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 36 tháng.
3.2. Hỗ trợ chi phí đánh giá và cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ hoặc quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) tại các khu, vùng tập trung đất đai
a) Đối tượng hỗ trợ: Hợp tác xã nông nghiệp thực hiện đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo quy định tại Khoản 3, 4, 5 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
b) Điều kiện hỗ trợ: Đối tượng hỗ trợ phải đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
- Hợp tác xã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Hợp tác xã có quy mô diện tích tập trung từ 03 ha trở lên.
- Hợp tác xã đã hoàn thành việc đánh giá và được cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ hoặc quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) do các cơ quan, tổ chức đủ điều kiện theo quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ đầy đủ, hợp lệ theo quy định.
c) Mức hỗ trợ:
Hỗ trợ một lần, tối đa 50% chi phí thực tế, không quá 50 triệu đồng cho hợp tác xã để thực hiện việc đánh giá và cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ hoặc quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).
4. Ngân sách thực hiện: Ngân sách tỉnh.
Điều 2. Giao UBND tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Gia Lai Khóa XI, Kỳ họp thứ Chín thông qua ngày 10 tháng 7 năm 2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2019./.
| CHỦ TỊCH |