Nghị quyết 113/NQ-HĐND

Nghị quyết 113/NQ-HĐND năm 2018 điều chỉnh Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Nội dung toàn văn Nghị quyết 113/NQ-HĐND 2018 điều chỉnh Quy hoạch phát triển thủy sản Vĩnh Long


HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/NQ-HĐND

Vĩnh Long, ngày 06 tháng 7 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐIềU CHỉNH QUY HOạCH PHÁT TRIỂN THUỶ SẢN TỈNH VĨNH LONG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
KHOÁ IX, KỲ HỌP LẦN THỨ 08

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 195/QĐ-TTg ngày 16 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 87/TTr-UBND ngày 12 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết thông qua điều chỉnh Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua điều chỉnh Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

(Có Phụ lục nội dung điều chỉnh Quy hoạch kèm theo).

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long khoá IX, kỳ họp lần thứ 08 thông qua ngày 06 tháng 7 năm 2018 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trương Văn Sáu

 

PHỤ LỤC

NỘI DUNG ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THUỶ SẢN TỈNH VĨNH LONG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 113/NQ-HĐND ngày 06/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

1. Quan điểm phát triển

- Nâng cao hiệu quả khai thác tiềm năng diện tích đất đai, mặt nước và các nguồn lực của tỉnh để phát triển ngành thủy sản ổn định và bền vững, phù hợp với các chủ trương, định hướng của Trung ương, của tỉnh đối với thủy sản tỉnh Vĩnh Long.

- Bảo vệ và hạn chế việc chuyển mục đích sử dụng đất thủy sản tập trung có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh sang các mục đích sử dụng khác.

- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất kinh doanh, giải quyết nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.

- Phát triển thủy sản của tỉnh phải đặt trong mối quan hệ liên ngành, liên vùng, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến tiêu thụ, khai thác phải đi đôi với bảo vệ nguồn lợi, tiếp tục mở mang thị trường tiêu thụ cả xuất khẩu và nội địa.

- Phát triển thủy sản của tỉnh trên cơ sở áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, thân thiện với môi trường và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển nuôi trồng thủy sản trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường để tạo sự phát triển toàn diện, ổn định và bền vững trên cơ sở phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh thành ngành sản xuất hàng hoá lớn, tập trung các đối tượng nuôi có hiệu quả cao, có khả năng xuất khẩu lớn.

- Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng hình thức nuôi trồng thủy sản thâm canh và chuyên canh hàng hoá, đa dạng đối tượng nuôi thủy đặc sản.

- Tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động thủy sản và các nghề liên quan; góp phần xoá đói giảm nghèo, đóng góp vào an ninh thực phẩm, ổn định xã hội và phát triển kinh tế ở các địa phương.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.720 ha năm 2020, đạt 3.140 ha năm 2025 và tăng lên 3.610 ha năm 2030.

- Sản lượng thủy sản tăng bình quân 2,6%/năm giai đoạn 2017-2020, 2,5%/năm giai đoạn 2021-2025 và 1,8%/năm giai đoạn 2026-2030.

- Giá trị sản xuất thủy sản theo giá so sánh (2010) tăng bình quân 2,0%/năm giai đoạn 2017-2020, 2,4%/năm giai đoạn 2021-2025 và 1,8%/năm giai đoạn 2026-2030.

- Giá trị sản xuất thủy sản theo giá thực tế đến năm 2020 đạt 3.800 tỷ đồng, đến năm 2025 đạt 4.670 tỷ đồng và năm 2030 đạt 5.570 tỷ đồng, nuôi trồng thủy sản chiếm từ 90% tổng giá trị sản xuất thủy sản.

- Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng bình quân 29,5%/năm giai đoạn 2017 - 2020, 6,2%/năm giai đoạn 2021-2025 và 8,5%/năm giai đoạn 2026-2030.

- Thu hút một lực lượng lao động toàn ngành đến năm 2020 là 7.349 lao động, năm 2025 là 8.463 lao động và con số này năm 2030 là 9.183 lao động.

3. Nội dung quy hoạch

3.1. Nuôi trồng thủy sản

a) Phân vùng nuôi trồng thủy sản

- Vùng nuôi thủy sản khu vực cồn, bãi bồi ven sông và trên sông:

+ Vùng nuôi thủy sản khu vực cồn, bãi bồi ven sông: Bố trí các loại hình nuôi chuyên canh trong ao (thâm canh, bán thâm canh); ưu tiên phát triển nuôi cá trong ao ở khu vực cồn, bãi bồi ven sông lớn gồm các huyện dọc sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên và sông Mang Thít. Trong đó, tập trung chủ yếu ở khu vực sông Tiền, sông Hậu và sông Cổ Chiên, hạn chế nuôi ở khu vực ven sông Mang Thít. Không phát triển ở các kênh mương nhỏ cấp III và cấp IV. Nuôi cá tra bố trí ven sông lớn cách bờ sông vào phía trong không quá 500 m; vùng nuôi ven sông nhánh cách bờ sông không quá 300-400 m.

+ Vùng nuôi lồng bè: Nuôi cá lồng bè bố trí ở khu vực sông Tiền, sông Cổ Chiên và sông Mang Thít, những nơi có chế độ thủy văn, lưu tốc dòng chảy, mực nước và chất lượng nguồn nước thích hợp. Quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè của tỉnh trước đây cũng đã xác định được các khu vực thích hợp nuôi thủy sản lồng bè trên các tuyến sông của tỉnh theo các cấp độ khác nhau: Rất thích hợp, thích hợp và không thích hợp và thể hiện rất cụ thể trên bản đồ phân vùng, đây là cơ sở quan trọng để điều chỉnh quy hoạch lồng bè trong thời gian tới.

- Vùng nuôi thủy sản luân canh với trồng lúa:Bố trí nuôi thủy sản ở các vùng trũng kết hợp với trồng lúa; một năm bố trí sản xuất 1 vụ nuôi thủy sản, 1 vụ lúa. Loại hình này có thể phát triển ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh ngoại trừ thành phố Vĩnh Long, với các đối tượng như cá chép, cá mè, trôi, trắm, rô đồng, rô phi, tôm càng xanh,… nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến.

- Vùng nuôi thủy sản trong mương vườn, thủy đặc sản: Bố trí nuôi trồng thủy sản xen canh trong các mương vườn, phát triển rải rác ở tất cả các huyện, thị trên địa bàn tỉnh với các đối tượng như: Tôm càng xanh, cá các loại và các mô hình nuôi thủy đặc sản trên địa bàn tỉnh như: Cá thát lát cườm, lươn đồng, chạch lấu... Hình thức nuôi là thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến.

b) Quy hoạch diện tích, lông be nuôi trồng thủy sản

- Quy hoạch tăng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong giai đoạn 2017 - 2020 với mức tăng trưởng trung bình là 3,4%/năm và giai đoạn 2021-2030 là 2,9%/năm. Nuôi lồng bè vẫn sẽ phát triển chủ yếu ở huyện: Long Hồ và Mang Thít với số lượng tăng ở mức vừa phải. Tăng mạnh chủ yếu ở hình thức nuôi chuyên, nuôi mương vườn và luân canh ruộng lúa. Tăng diện tích nuôi cá tra thâm canh từ 471 ha năm 2016 lên 545 ha năm 2020, đat 817 ha năm 2030. Bố trí nuôi cá thâm canh ở khu vực các cồn, bãi bồi ven các sông lớn, tập trung chủ yếu ở các huyện: Vũng Liêm, Long Hồ, Bình Tân.

- Các đối tượng nuôi chuyên canh cao khác như: Cá rô phi (gồm cá rô phi đen và cá điêu hồng) và cá lóc cũng sẽ là những đối tượng chính, mang lại giá trị cao cho ngành thủy sản.

- Với đặc trưng nền địa hình tương đối thấp, vùng diện tích ruộng lúa ngập vào mùa mưa khá rộng với mức ngập trung bình 40-60 cm. Do đó, nuôi cá, tôm luân canh với lúa vào những tháng mùa lũ cũng là hướng phát triển khả quan. Diện tích nuôi ruộng lúa tăng từ 198 ha năm 2016 lên 252 ha năm 2020 (tăng bình quân 6,2%/năm). Nuôi ruộng lúa tập trung ở các vùng ruộng trũng (các huyện: Tam Bình, Long Hồ, Mang Thít).

- Diện tích nuôi mương vườn tăng từ 1.470 ha năm 2016 lên 1.617 ha năm 2020 (tăng bình quân 2,4%/năm). Năm 2030 đạt 1.942 ha. Diện tích nuôi tập trung ở các huyện: Tam Bình, Long Hồ, Mang Thít và Vũng Liêm.

- Nuôi thủy sản chuyên chuyển dần từ nuôi các đối tượng có giá trị thấp sang các đối tượng có giá trị cao hơn.

- Nuôi thủy sản mương vườn và ruộng lúa đều tăng trong giai đoạn 2016-2020; nuôi mương vườn nằm rải rác ở các huyện trong tỉnh (trừ khu vực cây ăn trái có múi); nuôi ruộng lúa tập trung ở vùng trũng ở các huyện: Tam Bình, Long Hồ, Vũng Liêm.

- Bố trí các khu nuôi công nghệ cao 100 ha ở các huyện: Mang Thít (30 ha), Vũng Liêm (30 ha), Bình Tân (40 ha).

- Nuôi cá lồng bè bố trí dọc sông Tiền ở huyện: Long Hồ và Mang Thít. Đối với thành phố Vĩnh Long, không quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè đến năm 2020 do phát triển công nghiệp và du lịch; các bè nuôi được bố trí thành từng cụm, ở những nơi không ảnh hưởng đến hệ thống giao thông thủy; đối tượng nuôi chủ yếu là cá điêu hồng, cá rô phi dòng GIFT, cá he,...

c) Sản lượng và giá trị sản lượng nuôi trồng thủy sản

- Tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản lên 121.140 tấn năm 2020 và 151.150 tấn năm 2030, tốc độ tăng trưởng sản lượng trung bình trong giai đoạn 2017-2020 là 3,0%/năm, giai đoạn 2021-2025 là 2,6%/năm và giai đoạn 2026-2030 là 1,8%/năm.

- Nuôi thủy sản chuyên đóng góp lớn nhất trong tổng sản lượng, dao động từ 77,8-78,9%; nuôi lồng bè đóng góp 7,4-8%; nuôi mương vườn và xen canh với lúa đóng góp từ 8,5-9,9% tổng sản lượng trong giai đoạn 2021-2030.

- Tăng sản lượng nuôi cá tra thâm canh lên 94.570 tấn năm 2020, 116.850 tấn năm 2030, tốc độ tăng trưởng sản lượng trung bình giai đoạn 2017-2020 là 2,7%/năm, giai đoạn 2021-2025 là 2,6%/năm và giai đoạn 2026-2030 là 1,7%/năm.

- Giá trị sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh (tính theo giá cố định năm 2010) tăng từ 2.111 tỷ đồng năm 2016 lên 2.369 tỷ đồng năm 2020. Năm 2025 và 2030, giá trị sản lượng đạt mức khoảng 2.699 tỷ đồng và 2.956 tỷ đồng. Mức tăng bình quân của giá trị sản lượng là 2,9% giai đoạn 2016-2020; 2,6% giai đoạn 2021-2025 và 1,8% giai đoạn 2026-2030.

- Giá trị sản lượng nuôi trồng thủy sản theo giá hiện hành đến năm 2020 đạt 2.992 tỷ đồng. Năm 2025 và 2030 đạt mức khoảng 3.394 tỷ đồng và 3733 tỷ đồng. Mức tăng bình quân của giá trị sản lượng là 2,4% giai đoạn 2016-2020; 2,6% giai đoạn 2021-2025 và 1,9% giai đoạn 2026-2030.

d) Lao động nuôi trồng thủy sản

- Căn cứ vào năng suất lao động , chi phí về thời gian chăm sóc, quản lý trên một đơn vị diện tích với mỗi loại hình nuôi, dự kiến tổng nhu cầu lao động phổ thông phục vụ nuôi trồng thủy sản tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 là khoảng 5.955 người, đến năm 2030 con số này là 8.196 người (không kể lao động theo thời vụ, lao động dịch vụ và lao động kết hợp với sản xuất các ngành kinh tế khác).

- Các mô hình nuôi khác nhau thì chi phí về thời gian quản lý và chăm sóc khác nhau; đối với những mô hình nuôi cấp kỹ thuật cao đòi hỏi trình độ lao động cao hơn và chi phí thời gian nhiều hơn. Những vùng nuôi thủy sản tập trung cần có những người có trình độ lao động có kỹ thuật (kỹ sư, trung cấp thủy sản), nếu cứ 20 lao động phổ thông cần 1 người kỹ thuật quản lý thì trong thời kỳ quy hoạch cần tư 298-410 lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

3.2. Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

a) Số lượng, công suất ghe thuyền khai thác

- Giảm dần số lượng phương tiện tham gia khai thác thủy sản, từ 372 chiếc (năm 2016) xuống còn 300 chiếc (năm 2020), trong đó có 290 thuyền thủ công và 10 thuyền máy với tổng công suất đạt 150 CV, bình quân 15 CV/chiếc; đến năm 2025 tiếp tục giảm số lượng tàu thuyền xuống còn 250 chiếc, trong đó có 240 thuyền thủ công và 10 thuyền máy với tổng công suất đạt 150 CV và ổn định số lượng phương tiện tham gia khai thác thủy sản của tỉnh ở mức 250 chiếc đến năm 2030.

- Với định hướng quy hoạch giảm dần số phương tiện khai thác chung của cả tỉnh, việc cắt giảm số lượng phương tiện ở các huyện cũng diễn ra trong giai đoạn 2017-2025, ổn định trong giai đoạn 2026-2030. Đến năm 2030, nghề khai thác thủy sản vẫn tập trung chủ yếu ở các huyện như: Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình và Trà Ôn.

b) Cơ cấu nghề nghiệp khai thác

- Cơ cấu lại ngành nghề khai thác hợp lý, khuyến khích các nghề khai thác có năng suất, có tính chọn lọc cao và thân thiện với môi trường; không khuyến khích và hạn chế phát triển đối với các nghề tính chọn lọc thấp và ảnh hưởng xấu đến môi trường; ngăn chặn triệt để các nghề khai thác thủy sản có tính chất hủy diệt nguồn lợi, gây ô nhiễm môi trường.

- Ưu tiên các loại nghề ít gây sát hại nguồn lợi như câu cần, câu giăng, lưới thưa nhưng cần có các quy định mùa vụ, ngư trường và sản lượng khai thác cụ thể cho từng loại ngư cụ. Các ngư cụ cần hạn chế và tiến đến cấm khai thác do sát hại nguồn lợi lớn là xung điện, hoá chất, thuốc nổ, cào sông, đáy sông.

- Quy định về loại ngư cụ, kích thước ngư cụ theo đúng Thông tư số 02/2006/TT- BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản.

c) Sản lượng và giá trị khai thác thủy sản

- Tiếp tục giảm sản lượng khai thác thủy sản tỉnh Vĩnh Long còn 5.500 tấn năm 2020 và 5.000 tấn năm 2025, ổn định sản lượng này đến năm 2030. Các đối tượng thủy sản khai thác đều giảm, trong giai đoạn 2017-2020: Cá giảm 3,51%/năm, tôm giảm 7,13%/năm, thủy sản khác giảm 5,11%/năm; giai đoạn 2021-2025: Cá giảm 1,59%/năm, tôm giảm 8,84%/năm, thủy sản khác ổn định 30 tấn/năm. Cơ cấu lại phương tiện và nghề nghiệp khai thác, tăng cường bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

- Giá trị sản xuất khai thác thủy sản theo giá so sánh 2010: Sản lượng khai thác giảm mạnh dẫn đến giá trị sản lượng cũng giảm tương ứng, từ 159.269 triệu đồng năm 2016 giảm xuống 130.000 triệu đồng năm 2020 và 120.000 triệu đồng năm 2025, ổn định giá trị sản lượng này đến 2030. Giá trị sản xuất khai thác thủy sản theo giá hiện hành: Tăng từ 323.211 triệu đồng năm 2016 lên 370.000 triệu đồng năm 2020, đến năm 2025 đạt 400.000 triệu đồng và 420.000 triệu đồng và năm 2020.

- Căn cứ vào năng lực khai thác và khả năng nguồn lợi từng địa phương, các huyện như: Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Long Hồ và Mang Thít vẫn chiếm phần lớn sản lượng khai thác của tỉnh.

d) Lao động khai thác thủy sản

Trong giai đoạn 2017-2030, giảm dần số lượng lao động tham gia đánh bắt thủy sản, đặc biệt là lực lượng lao động không chuyên. Đến năm 2020, tổng lao động tham gia đánh bắt thủy sản của tỉnh giảm xuống còn 1.300 người, trong đó lao động khai thác chuyên là 850 người và lao động theo mùa vụ là 450 người; đến năm 2025, tiếp tục giảm xuống còn 1.100 người (750 lao động chuyên và 350 lao động không chuyên); đến năm 2030, số lượng lao động tham gia khai thác ở mức 1.000 người.

đ) Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

- Phối hợp với các Viện nghiên cứu thực hiện đề tài điều tra, đánh giá lại nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực của tỉnh, đặc biệt là nguồn lợi trên các sông lớn như sông Tiền - sông Cổ Chiên, sông Hậu đoạn chảy qua địa bàn để xác định trữ lượng, thành phần loài, khả năng khai thác, mùa vụ cũng như các loại ngư cụ khai thác. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản một cách hiệu quả.

- Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động khai thác mang tính chất hủy diệt (xung điện, chất nổ, chất độc,…) và sử dụng các ngư cụ cấm; trên cơ sở điều tra nguồn lợi, điều chỉnh, cơ cấu lại các nghề khai thác thủy sản, đảm bảo phù hợp với khả năng khai thác cho phép theo hướng không phát triển và giảm dần một số loại nghề khai thác thiếu lựa chọn, nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong công tác quản lý, bảo tồn nguồn lợi, môi trường sống của các loài thủy sản.

- Tăng cường phối hợp với các tỉnh bạn trong việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản ở các địa bàn giáp ranh của tỉnh.

- Tích cực thả các giống loài thủy sản bổ sung vào một số thủy vực tự nhiên nhằm khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, lập cân bằng sinh thái, ổn định quần xã sinh vật thủy sinh; phục hồi và bảo vệ khu vực có điều kiện và vị trí quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Khoanh định để duy trì, bảo vệ đất bãi bồi mới nổi ven sông, kết hợp trồng cây chịu nước (bần, dừa nước,…) để tăng bồi tụ phù sa, duy trì và phát triển đa dạng sinh học loài thủy sản dưới thảm thực vật ở bãi bồi ven sông.

- Thực hiện tốt Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 27 tháng 05 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

3.3. Chế biến và tiêu thụ thủy sản

a) Sản lượng và cơ cấu mặt hàng chế biến

- Phấn đấu đến năm 2020 đưa tổng sản lượng chế biến thủy sản đạt 25.000 tấn, trong đó xuất khẩu 17.500 tấn, chiếm 70% tổng sản lượng với kim ngạch xuất khẩu đạt 45 triệu USD; đến năm 2030 sản lượng chế biến đạt 38.000 tấn, xuất khẩu 30.400 tấn với giá trị 90 triệu USD. Mở rộng thị trường nội địa để đạt sản lượng từ 7.500-7.600 tấn/năm trong giai đoạn 2020-2030, giá trị từ 375-456 tỷ đồng.

- Việc tăng giá trị xuất khẩu dựa trên gia tăng tỷ lệ sản phẩm GTGT cũng như đơn giá bán bình quân các mặt hàng. Theo đó, tỷ lệ sản phẩm GTGT đạt từ 10 - 15% vào năm 2020 và phấn đấu đạt trên 30% vào năm 2030.

b) Định hướng thị trường tiêu thụ

- Thị trường xuất khẩu: Đa dạng hoá thị trường. Củng cố vị trí ở những thị trường đã quen thuộc, mở rộng thị trường mới, tạo mới quan hệ bạn hàng kinh doanh chiều sâu, giảm bớt thị trường trung gian. Thường xuyên điều chỉnh không để lệ thuộc hoặc tập trung quá mức vào một thị trường. Chọn lọc thị trường trọng điểm trên hai tiêu chuẩn cơ bản: Có nhu cầu nhập thủy sản nhiều, có nền công nghệ cao. Các thị trường trọng điểm là: Trung Quốc, ASEAN, Mỹ, EU. Hướng chuyển đổi cơ cấu thị trường: Chuyển dần từ thị trường Mỹ, EU sang thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nam Mỹ, Châu Phi và Úc.

- Thị trường nội địa: Đưa sản phẩm thủy sản vào các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ đầu mối thủy sản tại các thành phố lớn (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội) và các tỉnh, thành có dân cư đông, nhiều khu công nghiệp và có nhu cầu về thủy sản lớn.

c) Nguồn nguyên liệu chế biến

Tổng nhu cầu nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh hiện khoảng 27.563 tấn năm 2016 và sẽ tăng lên 75.000 tấn năm 2020 và đạt 114.000 tấn vào năm 2030. Cơ cấu sử dụng nguồn nguyên liệu hiện trong tỉnh chỉ chiếm 30% nhu cầu nên trong thời gian tới với các giải pháp khuyến khích liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ cũng như cơ chế ràng buộc được tăng cường, các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh và thu mua nguyên liệu tại chỗ phục vụ chế biến với tỷ trọng từ 70-80%.

d) Quy hoạch năng lực chế biến thủy sản

- Hiện toàn tỉnh chỉ có 2 nhà máy chế biến đông lạnh với tổng công suất thiết kế khoảng 30.000 tấn thành phẩm/năm, tuy nhiên với sản lượng chế biến năm 2016 chỉ đạt 9.188 tấn nên hiệu suất sử dụng công suất thiết kế mới đạt trên 30%. Để đạt sản lượng chế biến như đề ra, bên cạnh việc nâng hiệu suất sử dụng công suất thiết kế của các nhà máy hiện có, cần thu hút đầu tư từ 2-3 nhà máy mới trong giai đoạn 2017-2030 với công suất bình quân 8.000-10.000 tấn thành phẩm/nhà máy, để đến năm 2020 tổng công suất chế biến thủy sản đạt 35.000 tấn thành phẩm/năm và con số này đến năm 2030 là khoảng 47.000 tấn thành phẩm/năm.

- Bên cạnh phát triển năng lực chế biến, cần khuyến khích các nhà máy hiện có đổi mới dây chuyền công nghệ cũng như khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư mới đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến thủy sản hiện đại, thân thiện môi trường, nâng dần tỷ trọng sản phẩm GTGT, cải thiện chất lượng và hiệu quả chế biến.

- Ngoài ra, với lượng thành phẩm chế biến đến năm 2020 khoảng 30.000 tấn, năm 2030 khoảng 38.000 tấn, lượng phế phẩm (đầu, da, xương, nội tạng thủy sản) tương ứng sẽ từ 50.000-76.000 tấn. Lượng “nguyên liệu” này có thể tận dụng để chế biến các sản phẩm như dầu cá, bột cá, mỡ cá, gelatin, colagen có giá trị kinh tế rất cao. Vì vậy, trong thời gian tới khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư 2-3 nhà máy chế biến phụ phẩm thủy sản với tổng công suất đạt 50.000-76.000 tấn nguyên liệu/năm.

e) Lao động chế biến thủy sản

Căn cứ yêu cầu phát triển năng lực chế biến thủy sản, nhu cầu về lao động đến năm 2020 khoảng 2.330 người, năm 2030 tăng lên 3.760 người. Để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành chế biến thủy sản theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đòi hỏi đội ngũ lao động phải được đào tạo chính quy (50-80%) thay vì chỉ tập huấn ngắn hạn hoặc truyền nghề tại chỗ như hiện nay, nhằm trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì đây là điều kiện sống còn của doanh nghiệp khi mà đòi hỏi chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu ngày càng cao, đặc biệt là thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản.

3.4. Dịch vụ thủy sản

a) Sản xuất, ương dưỡng con giống

- Tổng nhu cầu cá giống tính đến năm 2020 là 435 triệu con, nhu cầu cá bột là 5.350 triệu con; tính đến năm 2030 nhu cầu cá giống là 585 triệu con, nhu cầu cá bột là 7.350 triệu con. Số cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống thủy sản tăng từ 166 cơ sở năm 2016 lên 180 cơ sở năm 2020. Trong đó chủ yếu là tăng các cơ sở sản xuất giống và ương dưỡng cá tra; sản xuất giống tôm và các giống loài thủy sản khác mức độ tăng chậm hơn và dần đi vào ổn định.

- Quy hoạch các cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống được bố trí dựa trên hiện trạng sản xuất năm 2016, chỉ mở thêm ở những nơi có điều kiện giao thông, nguồn nước và các điều kiện cơ sở hạ tầng khác thực sự thuận lợi (các khu vực sản xuất giống thủy sản được thể hiện trên bản đồ quy hoạch). Khu vực sản xuất và ương dưỡng cá giống tập trung chủ yếu ở các huyện: Tam Bình, Long Hồ và Vũng Liêm. Khu vực sản xuất giống tôm càng xanh và thủy đặc sản nằm rải rác ở các huyện, thị trong tỉnh. Đầu tư, phát triển các cơ sở sản xuất cá bột, con giống (cá tra, điêu hồng, cá lóc…) chất lượng cao phục vụ nhu cầu của địa phương.

b) Sản xuất thức ăn, thuốc thú y thủy sản

- Với hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) hiện tại từ 1,3-1,7 tuỳ theo từng đối tượng và hình thức nuôi, quy hoạch đến năm 2030 giảm hệ số FCR xuống còn từ 1,2-1,5 tuỳ theo từng đối tượng và hình thức nuôi; ước tính tổng nhu cầu thức ăn nuôi trồng thủy sản của tỉnh đến năm 2020 là 179.990 tấn, đến năm 2030 là 224.690 tấn.

- Năng lực sản xuất thức ăn của các nhà máy trên địa bàn tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu về thức ăn của người nuôi đến năm 2030. Tuy nhiên cần tăng cường công tác kiểm tra chất lượng cũng như giảm giá thành thức ăn giúp người nuôi hạ được giá thành.

- Hiện nay, toàn tỉnh có 95 cửa hàng thuốc thú ý thủy sản, mạng lưới phân phối thức ăn, thuốc thú y thủy sản có ở tất cả các huyện, thị trong tỉnh, thường tập trung ở các thành phố, thị xã, thị trấn đáp ứng được nhu cầu cho người nuôi.

c) Dịch vụ phục vụ khai thác thủy sản

- Đóng sửa tàu thuyền nghề cá: Phát huy năng lực các cơ sở đóng tàu hiện có để đến năm 2020 các cơ sở này đóng mới được khoảng 35 chiếc tàu cá với công suất bình quân từ 400 CV/chiếc trở lên cung cấp cho các tỉnh có nghề khai thác hải sản trong và ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Đối với các dịch vụ khác như cung ứng nước đá, ngư cụ, nhiên liệu xăng dầu và các nhu yếu phẩm khác phục vụ khai thác thủy sản trong tỉnh không phát triển chuyên biệt mà chỉ tận dụng các dịch vụ có sẵn trên địa bàn.

d) Dịch vụ tiêu thụ thủy sản

- Đa dạng hoá kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm cả ở thị trường trong nước và nước ngoài, chuyển dần sang tiếp thị sản phẩm một cách chủ động. Phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sắp xếp lại hệ thống nậu vựa, chợ thủy sản trong dân. Tăng cường công tác thông tin, dự báo thị trường thủy sản giúp người dân định hướng phát triển sản xuất.

- Sắp xếp khoa học khu vực kinh doanh các ngành hàng để phát huy cao nhất công suất sử dụng các chợ hiện có, tiến hành bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa, nâng cấp, bổ sung đầy đủ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy định pháp luật. Triển khai thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật về niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và tuyên truyền, vận động thương nhân áp dụng các phương thức mua bán văn minh, hiện đại.

4. Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư

4.1. Danh mục các chương trình

- Chương trình tập huấn cho các hộ nuôi ở địa phương.

- Chương trình kiểm tra, đánh giá các hoạt động nuôi trồng thủy sản có nguy cơ gây ô nhiễm trên địa bàn.

- Chương trình thả giống hàng năm nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

4.2. Danh mục các dự án

* Nhóm dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

- Dự án xây dựng hạ tầng khu sản xuất giống thủy sản tập trung.

- Dự án xây dựng, nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

- Dự án xây dựng trung tâm kiểm định chất lượng con giống, thức ăn, hoá chất dùng trong nuôi trồng thủy sản.

- Dự án quy hoạch hạ tầng vùng nuôi cá lồng bè tỉnh Vĩnh Long.

- Dự án xây dựng và quản lý các vùng nuôi cá tra an toàn ứng dụng theo quy trình Thực hành nuôi tốt và các tiêu chuẩn quốc tế.

* Nhóm dự án về môi trường trong nuôi trồng thủy sản

- Dự án điều tra, đánh giá chất lượng nguồn tài nguyên nước mặt tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2018-2025 và 2025-2030.

- Dự án đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh.

- Dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ quản lý môi trường và dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

- Dự án nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản.

* Nhóm dự án về kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến ngư

- Dự án Phát triển công nghệ sản xuất giống và nâng cao chất lượng cá tra.

- Dự án Phát triển công nghệ sản xuất giống và nâng cao chất lượng cá rô phi/điêu hồng đảm bảo An toàn thực phẩm.

- Ứng dụng công nghệ chọn tạo, sản xuất giống các loài cá rô phi theo tính trạng màu sắc, tăng trưởng, kháng bệnh và có khả năng phát triển tốt trong nuôi lồng bè nước ngọt, lợ.

- Nhận chuyển giao công nghệ sản xuất giống một số đối tượng có giá trị kinh tế.

- Dự án “Ứng dụng công nghệ cao trong chọn lọc giống cá tra, rô phi/điêu hồng theo hướng tăng trưởng nhanh, kháng bệnh”.

- Nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao kỹ thuật nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao (giai đoạn 2).

- Dự án đầu tư xây dựng và phát triển nuôi cá lồng bè theo hướng kinh tế hợp tác và chuỗi liên kết sản xuất bền vững giai đoạn 2017-2025.

- Nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao kỹ thuật nuôi một số loài thủy sản lồng bè có giá trị kinh tế cao và có khả năng phát triển ổn định bền vững.

- Hỗ trợ phát triển một số thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao (lươn đồng, cá lóc, cá bông lau…).

- Dự án Xây dựng và ứng dụng các qui trình công nghệ nuôi thủy sản trên ruộng lúa.

- Dự án Đào tạo nguồn nhân lực quản lý phát triển thủy sản.

- Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc nuôi trồng đảm bảo an toàn thực phẩm.

* Nhóm dự án phục vụ khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

- Điều tra đánh giá nghề khai thác thủy sản, chuyển đổi nghề khai thác chuyên nghiệp quy mô nhỏ (cào, đáy, lú) sang nghề khác không xâm hại đến nguồn lợi thủy sản.

- Tăng cường công tác thanh kiểm tra chuyên ngành trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, tập huấn nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

* Nhóm dự án chế biến, tiêu thụ thủy sản

- Đầu tư xây dựng từ 2-3 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu.

- Đầu tư xây dựng từ 2-3 nhà máy chế biến phụ phẩm thủy sản.

5. Về vốn và nguồn vốn đầu tư

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển thủy sản tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 khoảng 4.327 tỷ đồng, trong đó đến năm 2020 khoảng 1.483 tỷ đồng, đến năm 2025 là 1.162 tỷ đồng và đến năm 2030 khoảng 1.682 tỷ đồng. Trong tổng số 4.327 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước khoảng 276 tỷ đồng; phần vốn còn lại được huy động từ các thành phần kinh tế.

6. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

6.1. Giải pháp về cơ chế, chính sách

Triển khai kịp thời các cơ chế chính sách của Trung ương ban hành , đồng thời cụ thể hóa các chính sách cho ngành thủy sản để giải quyết các vấn đề còn tồn tại của nghề cá của tỉnh gắn với tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị và phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành và tại từng địa phương, trong đó:

- Ưu tiên thực hiện Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 15/2015/NĐ- CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thông tư số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Ưu tiên thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, theo đó đầu tư các hạng mục hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất giống tập trung bao gồm: Hệ thống cấp thoát nước đầu mối, đê bao, kè, đường giao thông, hệ thống điện, công trình xử lý nước thải chung, Trung tâm Giống Nông nghiệp của tỉnh, Trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản,…

- Thực hiện Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 16/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra; Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

- Thực hiện Nghị quyết số 97/2018/NQ-HĐND ngày 01/02/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh Vĩnh Long.

- Thực hiện Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 15/01/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

- Triển khai thực hiện Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/01/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ- CP và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ để triển khai thực hiện các chính sách về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi trồng thủy sản.

- Áp dụng Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Bên cạnh việc khuyến khích người dân xây dựng mô hình trang trại thì đồng thời phải có các chính sách hỗ trợ ban hành kèm theo. Tỉnh cần sớm nghiên cứu, cụ thể hoá Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT để có những chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời để thúc đẩy phát triển các trang trại thủy sản.

- Tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các chính sách về huy động các nguồn lực, chính sách đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thúc đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu trong các lĩnh vực; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và hộ nông-ngư dân liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước; tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng; tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng thực hành cho lao động thủy sản; đầu tư, đổi mới hoạt động tư vấn hỗ trợ, chuyển giao khoa học - công nghệ để nâng cao trình độ sản xuất của người dân.

- Sớm hoàn thiện chính sách hỗ trợ và tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho thanh tra và bảo vệ nguồn lợi. Ban hành quy định về vùng, thủy vực nội đồng cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn nhằm bảo vệ nguồn lợi. Cấp kinh phí xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý ở các xã có nhiều hộ khai thác thủy sản.

- Đặc biệt khuyến khích, ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản nước ngọt tập trung , sản xuất giống, đặc biệt là các loại thủy đặc sản. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có điều kiện tiếp cận thị trường mới. Thực hiện thí điểm và tiến tới thực hiện trên diện rộng việc bảo hiểm nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh . Có cơ chế chính sách để các tổ chức (tổ hợp tác, hợp tác xã) vay tín chấp thực hiện dự án đầu tư nuôi cá và thủy đặc sản.

- Sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% tổng vốn đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện, giao thông, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước của vùng sản xuất tập trung để phù hợp với yêu cầu kỹ thuật GAP (hạ tầng đầu mối cho các vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh) và các khu sản xuất giống tập trung theo chính sách đã ban hành.

- Thực hiện chính sách hỗ trợ các cơ sở chế biến đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại phục vụ chế biến sản phẩm GTGT; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

- Xây dựng chính sách khuyến khích , ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất vật tư thủy sản và các dịch vụ nghề cá để cung cấp cho tỉnh và vùng.

6.2. Giải pháp về tổ chức sản xuất

- Tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của các hợp tác xã, Liên minh hợp tác xã làm cầu nối và tổ chức liên kết giữa các khâu trong quá trình sản xuất, giữa các hội viên với các tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước theo tinh thần của Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 10/4/2016 của Tỉnh Ủy về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế tập thể. Thí điểm xây dựng mô hình quản lý cộng đồng trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như tại các vùng nuôi tập trung để áp dụng các tiêu chuẩn GAP, ASC, BAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác; tiếp cận và ứng dụng tiêu chuẩn, quy chế truy xuất nguồn gốc và sử dụng mã số, mã vạch các sản phẩm nuôi, các vùng nuôi.

- Xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của các Hiệp hội. Đổi mới hoạt động của Hiệp hội Thủy sản tỉnh Vĩnh Long theo hướng làm tốt vai trò phối hợp, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất giống, thức ăn - người nuôi cá nguyên liệu - doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, tổ chức tín dụng và Nhà nước nhằm tổ chức sản xuất thủy sản theo hướng bền vững trên cơ sở hài hoà lợi ích các thành phần tham gia trong chuỗi. Người nuôi đăng ký số lượng cá bán, các doanh nghiệp thông báo giá mua, Hiệp hội thủy sản giám sát thực hiện hợp đồng mua bán, đại diện cho hội viên ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ theo hình thức doanh nghiệp cung ứng thức ăn, con giống và bao tiêu sản phẩm với mức giá sàn đảm bảo người nuôi có lãi.

- Đối với phần diện tích treo ao, cần chuyển đổi sang nuôi các đối tượng khác có giá trị theo hướng đa dạng hoá như cá thát lát cườm, cá sặc rằn, cá lóc, lươn, cá hô, chạch lấu, đặc biệt chú trọng đến những đối tượng thủy sản nuôi rộng muối có giá trị kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ ổn định. Nuôi các loài thủy đặc sản trên các ao cá tra bị treo để tái cơ cấu sản xuất: nuôi thâm canh các loài thủy sản rộng muối có giá trị kinh tế cao như cá bông lau, cá trê vàng, tôm càng xanh, cá ngát,… tại các huyện bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và có diện tích nuôi cá tra lớn như các huyện: Vũng Liêm, Trà Ôn, Bình Tân.

- Chú ý xây dựng một số doanh nghiệp nòng cốt ở các lĩnh vực, tạo được uy tín thương hiệu đối với các sản phẩm có lợi thế của địa phương, có khả năng cạnh tranh cao về đầu vào và đầu ra sản phẩm, đóng vai trò chủ lực trong quá trình công nghiệp hoá- hiện đại hoá ngành Thủy sản tỉnh Vĩnh Long.

6.3. Giải pháp về vốn và nguồn vốn đầu tư

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển thủy sản tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 khoảng 4.327 tỷ đồng, trong đó đến năm 2020 khoảng 1.483 tỷ đồng, đến năm 2025 là 1.162 tỷ đồng và đến năm 2030 khoảng 1.682 tỷ đồng. Trong tổng số 4.327 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước khoảng 276 tỷ đồng; phần vốn còn lại được huy động từ các thành phần kinh tế.

Để góp phần đảm bảo nguồn lực thực hiện quy hoạch, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, trong đó cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

- Huy động và thực hiện có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong đó chủ yếu xây mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá (điện, giao thông, thủy lợi vùng nuôi tập trung); tăng cường công tác khuyến ngư, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ đào tạo lao động, xúc tiến thương mại, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản; phát triển và xây dựng mạng lưới cung ứng giống thủy sản chủ lực, hệ thống cảnh báo và giám sát môi trường, hệ thống quản lý dịch bệnh và thú y thủy sản.

- Thực hiện và vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành như Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 55/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra;; Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 16/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra.

- Cần tranh thủ sự ủng hộ từ Bộ, ngành Trung ương và các tổ chức hợp tác quốc tế tranh thủ các nguồn vốn viện trợ, tài trợ của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ thực hiện các dự án tăng cường năng lực quản lý ngành, đào tạo và khuyến ngư, xây dựng các mô hình thí điểm đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, vùng nuôi tập trung.

- Tiếp tục nghiên cứu và thực hiện có hiệu quả Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; kết hợp nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư phát triển thủy sản.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc huy động vốn từ các thành phần kinh tế nhằm thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật để thu hút vốn của các thành phần kinh tế đầu tư các dự án thuộc danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư theo quy hoạch, nhất là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhằm thực hiện một số chính sách ưu đãi về đất đai, vốn, nguồn nhân lực để phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản nói chung.

6.4. Giải pháp khoa học và công nghệ

* Trong nuôi trồng thủy sản

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu các công nghệ sản xuất các sản phẩm nuôi trồng hữu cơ, các sản phẩm sạch, công nghệ sinh học và các hệ thống nuôi an toàn môi trường sinh thái.

- Đối với con giống, tập trung nghiên cứu kết hợp phương pháp truyền thống với công nghệ gen để chọn, lai tạo một số giống thủy sản có tốc độ sinh trưởng nhanh; tạo giống thủy sản đơn tính, giống thủy sản sạch bệnh, kháng bệnh có chất lượng tốt.

- Đầu tư nâng cấp phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO17095 của các đơn vị trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp phục vụ tổ chức giám sát dịch bệnh thủy sản của cơ quan quản lý nông nghiệp và phục vụ sản xuất tại địa phương.

- Tuyên truyền tập huấn phòng chống dịch bệnh thủy sản; xây dựng vùng nuôi đạt các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, ASC,…

- Khuyến khích, tạo cơ chế thu hút nhà đầu tư có năng lực tài chính đầu tư ứng dụng mô hình nuôi thủy sản trong hệ thống tuần hoàn nước, nuôi thủy sản trong nhà kính cho một số đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao hoặc sản xuất giống thủy sản chất lượng cao. Khuyến khích người dân nuôi thủy sản theo mô hình Aquaponics.

- Nghiên cứu, chế tạo lồng bè nuôi trồng thủy sản sử dụng vật liệu có độ bền cao, giá thành hạ để người dân có thể đầu tư.

- Nghiên cứu các biện pháp phòng và điều trị hiệu quả một số bệnh thường gặp trên thủy sản. Phát triển các kỹ thuật chuẩn đoán (sinh học phân tử,…), điều trị và kiểm soát dịch bệnh thủy sản. Ứng dụng các loại vaccine, các chất nâng cao sức đề kháng để phòng ngừa các bệnh thường xảy ra. Ứng dụng công nghệ biofloc, công nghệ sử dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ dịch bệnh và xử lý môi trường ao nuôi.

- Tăng kinh phí cho công tác khuyến ngư, tham quan học hỏi mô hình, đưa các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.

- Tạo cơ chế tài chính mở để khuyến khích các hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt là nuôi thâm canh, nuôi thủy đặc sản, sản xuất giông, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng.

* Trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

- Điều tra, đanh gia nguồn lợi thủy sản trên các sông rạch trên địa bàn tỉnh làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Tăng cường bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao giá trị của thủy sản khai thác.

* Trong chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản

- Khuyến khích doanh nghiệp chế biến thủy hải sản theo quy trình khép kín và tự động hoá với các thiết bị hiện đại như: máy cấp đông rời IQF dạng phẳng, xoắn và tầng sôi với thời gian cấp đông nhanh.

- Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ tận thu phế phẩm thủy sản (đầu, xương, da, vỏ, nội tạng) sản xuất Colagen, Gelatin, bột đạm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, chiết rút mỡ cá với nhiều ứng dụng trong thực tế.

- Khuyến khích ứng dụng các chế phẩm sinh học, các chất phụ gia thiên nhiên, ứng dụng công nghệ enzyme, lên men trong chế biến và bảo quản sản phẩm, hạn chế sử dụng các loại hoá chất độc hại, không rõ nguồn gốc.

- Tăng hiệu lực thi hành đối với Luật Công nghệ cao năm 2018 (Điều 16, 19, 32) để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến thủy sản, ưu tiên ứng dụng những công nghệ phù hợp với khả năng đầu tư của doanh nghiệp cũng như điều kiện thực tế của tỉnh.

- Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hoá trong quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến, quản lý lưu trữ dữ liệu truy nguyên nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của các thị trường.

6.5. Giải pháp thị trường

- Tập trung các giải pháp để cải thiện, nâng cao hiệu quả các kênh phân phối đã hình thành. Xây dựng, mở rộng các mô hình hợp tác mới, liên kết chặt chẽ theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ theo các đơn đặt hàng giữa nông ngư dân và các thành phần kinh tế khác, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong định hướng thị trường và sản phẩm. Trước hết nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất tiêu thụ thủy sản, hình thành chuỗi giá trị phù hợp.

- Mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, hỗ trợ người nuôi thủy sản tìm đầu ra cho sản phẩm, ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị phân phối sản phẩm thủy sản như chợ đầu mối Bình Điền (Thành phố Hồ Chí Minh); hệ thống phân phối ở các Trung tâm thương mại và siêu thị… để người dân yên tâm đầu tư và mở rộng sản xuất.

- Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là các loại thủy đặc sản đặc trưng của tinh; tổ chức các hội chợ, hội thi, triển lãm về sản phẩm thủy sản. Hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, các làng nghề và hộ nông dân tham gia, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước.

- Hỗ trợ đầu tư vốn, trang thiết bị và công nghệ mới, hiện đại cho 2 nhà máy chế biến cá tra hiện có trên địa bàn tỉnh (nhà máy chế biến thủy sản Hùng Vương, Cát Tường) để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chế biến chính là cá tra phi lê và sản phẩm phụ từ cá tra (phụ phẩm cá tra: Da, mỡ, xương cá), gia tăng sản phẩm chế biến GTGT.

- Củng cố, đẩy mạnh kinh tế tập thể làm cơ sở cho việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; củng cố, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường thủy sản, nâng cao năng lực dự báo, cung cấp thông tin về cung - cầu, giá cả thị trường trên địa bàn tinh và trong khu vực; hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.

- Tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao kỹ năng: Marketing, phân phối, nghiên cứu thị trường cho các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các thành phần kinh tế. Tổ chức tham gia các hoạt động khảo sát thị trường và tìm đối tác tiêu thụ thủy sản; thông qua việc tham gia các đoàn xúc tiến thương mại của tinh, của ngành tại các hội chợ quốc tế và tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước có liên quan đến lĩnh vực thủy sản.

- Tăng cường công tác dự báo và thông tin giá cả thị trường thủy sản trong và ngoài nước giúp cho người nuôi có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp lý.

6.6. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực

- Mở rộng phạm vi đào tạo cán bộ có trình độ sau đại học trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ nuôi: Ngư y, khuyến ngư và phát triển nông thôn.

- Có chính sách ưu đãi, thu hút lao động có trình độ chuyên môn cao tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và sản xuất.

- Kết hợp với các trường, viện nghiên cứu,… tranh thủ nguồn nhân lực có kỹ thuật cao tham gia các nghiên cứu khoa học công nghệ cho địa phương.

- Thông qua tổ chức khuyến ngư, định kỳ mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ thuật và chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất.

- Triển khai có hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, chú trọng lao động thủy sản nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho thủy sản.

- Chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động như nghiên cứu và cải tiến điều kiện làm việc, ăn, ở và sinh hoạt cho lao động, tổ chức các hoạt động giao lưu, giải trí, du lịch,… tạo sự thoải mái để tăng năng suất lao động.

6.7. Giải pháp bảo vệ môi trường

* Trong nuôi trồng thủy sản:

- Các dự án đầu tư vào các vùng nuôi tập trung phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

- Bố trí thêm các trạm quan trắc di động ở đầu nguồn nước để cảnh báo dịch bệnh và môi trường, giúp giảm các nguy cơ và rủi ro trong sản xuất cho người nuôi.

- Các vùng nuôi tập trung, các trại sản xuất giống đều phải bố trí hệ thống công trình ao nuôi, bể lắng lọc trước khi đưa vào sản xuất và hệ thống xử lý nước thải trước khi xả nước ra môi trường ngoài.

- Xây dựng quy chế vùng nuôi tập trung theo hướng áp dụng qui trình nuôi tiên tiến, thực hành nuôi tốt (GAP, ASC, BAP…) để giảm các loại thuốc và hoá chất dùng trong quá trình sản xuất.

- Tăng cường công tác kiểm dịch con giống trước khi đưa vào ao nuôi; kiểm định các loại thức ăn, thuốc, hoá chất ở các cơ sở kinh doanh thức ăn và vật tư thủy sản, đảm bảo truy xuất nguồn gốc vùng nuôi.

* Trong khai thác thủy sản:

- Tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó xử lý nghiêm các vi phạm khi sử dụng các biện pháp khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi như xuyệt điện, chất nổ, chất độc,…

- Cấm các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản trên sông, kênh rạch trong mùa sinh sản tập trung và mùa vụ xuất hiện cá con trên các thủy vực, thời gian cấm nên từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.

- Xây dựng cơ cấu nghề hợp lý; chuyển đổi và sử dụng kỹ thuật khai thác thân thiện với môi trường (các nghề có tính chọn lọc cao và ít gây ảnh hưởng đến nền đáy).

- Định kỳ bổ sung nguồn lợi vào tự nhiên, phục hồi các đối tượng khai thác bị giảm sút, có giá trị kinh tế cao hoặc có nguy cơ bị cạn kiệt.

* Trong chế biến thủy sản:

- Nâng cấp, vận hành có hiệu quả hệ thống xử lý chất thải, đặc biệt là nước thải. Đồng thời phải có chế tài, các chế độ thưởng phạt nghiêm minh nếu phát hiện doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

- Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ; áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn, giảm thiểu chất thải, nước thải, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và xử lý có hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm.

- Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến tận thu phụ phẩm từ thủy sản, qua đó giảm thiểu chất thải ra môi trường.

- Cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường tại các chợ có buôn bán thủy sản, tổ chức tốt khâu thu gom và xử lý chất thải, khơi thông hệ thống cống rãnh thoát nước, phân khu chức năng hợp lý, tận dụng tốt diện tích chợ và cần có xử phạt hành chính nghiêm khắc đối với các cá nhân và tổ chức vi phạm điều kiện vệ sinh môi trường.

- Đối với các dự án xây dựng mới phải nằm trong quy hoạch, phải được thẩm định chặt chẽ về điều kiện sản xuất và báo cáo ĐTM cần được xem xét góp ý và giám sát trong suốt quá trình sản xuất.

6.8. Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn

- Tích cực phối hợp với cơ quan quản lý , nghiên cứu về tài nguyên và môi trường trong việc dự báo tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đến sản xuất, từ đó có khuyến cáo, tổ chức thiết kế, thẩm định công trình nông nghiệp và thủy sản phù hợp.

- Xây dựng khung lịch thời vụ và phân vùng nuôi trồng thủy sản phù hợp đối với từng giống thủy sản (có thể bố trí nuôi lách vụ, nuôi xen); phát triển các mô hình nuôi trong điều kiện độ mặn và nhiệt độ cao để đánh giá chỉ số kỹ thuật, hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm.

- Cải tiến kỹ thuật hệ thống ao nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời nghiên cứu phát triển các hệ thống nuôi thủy sản mới thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn (nuôi bể, nhà kín, biofloc, tuần hoàn, kết hợp,...).

- Nâng cao hiệu lực công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản trên nguyên tắc phát triển bền vững, hiệu quả; chú trọng cải tiến kỹ thuật nuôi trồng thủy sản phù hợp với những thay đổi về thủy hoá và thủy lý.

- Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền giúp người dân nhận thức rõ về biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đến đời sống và sản xuất để người dân có thể chủ động ứng phó, phòng tránh, hạn chế tối đa thiệt hại.

- Chủ động phối hợp hành động liên ngành, liên tỉnh, liên vùng để ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.

- Đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm có Chiến lược dài hạn và tập trung cho nghiên cứu tạo các loài thủy sản chịu mặn; kỹ thuật sinh sản các loài thủy sản nước lợ; phát triển công nghệ sinh học có thể tạo ra một số loài thủy sản mới có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

- Tăng cường hợp tác quốc tế, nắm bắt kịp thời thông tin; tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia có điều kiện tương đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 113/NQ-HĐND

Loại văn bảnNghị quyết
Số hiệu113/NQ-HĐND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành06/07/2018
Ngày hiệu lực...
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật6 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 113/NQ-HĐND

Lược đồ Nghị quyết 113/NQ-HĐND 2018 điều chỉnh Quy hoạch phát triển thủy sản Vĩnh Long


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Nghị quyết 113/NQ-HĐND 2018 điều chỉnh Quy hoạch phát triển thủy sản Vĩnh Long
                Loại văn bảnNghị quyết
                Số hiệu113/NQ-HĐND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Vĩnh Long
                Người kýTrương Văn Sáu
                Ngày ban hành06/07/2018
                Ngày hiệu lực...
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật6 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Nghị quyết 113/NQ-HĐND 2018 điều chỉnh Quy hoạch phát triển thủy sản Vĩnh Long

                            Lịch sử hiệu lực Nghị quyết 113/NQ-HĐND 2018 điều chỉnh Quy hoạch phát triển thủy sản Vĩnh Long

                            • 06/07/2018

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực