Nội dung toàn văn Nghị quyết 1132/NQ-UBTVQH13 dự kiến cơ cấu thành phần phân bổ người được giới thiệu ứng cử Hội đồng nhân dân
UỶ BAN THƯỜNG VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1132/NQ-UBTVQH13 | Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2016 |
NGHỊ QUYẾT
HƯỚNG DẪN VIỆC XÁC ĐỊNH DỰ KIẾN CƠ CẤU, THÀNH PHẦN VÀ PHÂN BỔ SỐ LƯỢNG NGƯỜI ĐƯỢC GIỚI THIỆU ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016 - 2021
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13;
Căn cứ Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13;
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13;
Xét đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 05/TTr-CP ngày 12 tháng 01 năm 2016,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân
1. Việc xác định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu ở mỗi đơn vị hành chính được căn cứ vào quy định tại các Điều 18, 25, 32, 39, 46, 53, 60 và 67 của Luật tổ chức chính quyền địa phương và dân số của từng đơn vị hành chính tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố.
Căn cứ vào số đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu, nguyên tắc về việc bảo đảm số dư khi lập danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Khoản 3 Điều 58 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân dự kiến tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính mình.
2. Căn cứ vào tình hình cụ thể của mỗi đơn vị hành chính, trên cơ sở tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân cùng cấp, Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ hợp lý số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới (đối với cấp tỉnh, cấp huyện), các thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã), đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình.
3. Việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị hành chính phải bảo đảm các tiêu chí sau đây:
a) Bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ;
b) Bảo đảm số lượng hợp lý người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là người dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc Điểm, cơ cấu dân số của từng địa phương; phấn đấu số đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu là người dân tộc thiểu số không thấp hơn số đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016 là người dân tộc thiểu số ở đơn vị hành chính đó;
c) Phấn đấu đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là người ngoài Đảng không dưới 10%; người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là người dưới 35 tuổi không dưới 15% tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở từng cấp;
d) Phấn đấu có ít nhất 30% đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ trước tái cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021;
đ) Việc phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ở các đơn vị hành chính cấp dưới, các thôn, tổ dân phố cần bảo đảm tương quan hợp lý về dân số giữa các đơn vị này.
4. Việc phân bổ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân để bố trí làm đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách được thực hiện căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương và phải bảo đảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể như sau:
a) Ở cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; mỗi Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có ít nhất hai đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách;
b) Ở cấp huyện, Chủ tịch Hội đồng nhân dân có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; mỗi Ban của Hội đồng nhân dân cấp huyện có ít nhất một đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách;
c) Ở cấp xã, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Điều 2. Xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường thực hiện thí Điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân
Trong việc tổ chức bầu cử tại các huyện, quận, phường thực hiện thí Điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 và Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giám sát công tác bầu cử tại địa bàn theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có tham khảo ý kiến của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường có liên quan:
1. Dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các huyện, quận, phường thực hiện thí Điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân;
2. Điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở huyện, quận, phường được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp tương ứng.
Điều 3. Điều Khoản thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |