Nội dung toàn văn Nghị quyết 117/2014/NQ-HĐND điều chỉnh 114/2008/NQ-HĐND phát triển nhà ở Đồng Nai 2010 định hướng 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 117/2014/NQ-HĐND | Đồng Nai, ngày 11 tháng 7 năm 2014 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ ĐIỀU CHỈNH NGHỊ QUYẾT SỐ 114/2008/NQ-HĐND NGÀY 24/7/2008 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở;
Căn cứ Nghị định số 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 84/2013/NĐ-CP ngày 25/7/2013 của Chính phủ quy định về phát triển quản lý nhà ở tái định cư;
Căn cứ Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;
Căn cứ Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;
Căn cứ Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê;
Căn cứ Quyết định số 67/2010/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;
Căn cứ Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;
Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 16/6/2008 của Tỉnh ủy về một số giải pháp khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng nhà ở cho công nhân trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và định hướng năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20/01/2014 của Tỉnh ủy về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2014;
Trên cơ sở Nghị quyết số 114/2008/NQ-HĐND ngày 24/7/2008 của HĐND tỉnh về Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Trên cơ sở Nghị quyết số 115/2008/NQ-HĐND ngày 24/7/2008 của HĐND tỉnh về thông qua Đề án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Trên cơ sở Nghị quyết số 88/2013/NQ-HĐND ngày 18/9/2013 của HĐND tỉnh về điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;
Sau khi xem xét Tờ trình số 5705/TTr-UBND ngày 26/6/2014 của UBND tỉnh về điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 114/2008/NQ-HĐND ngày 24/7/2008 của HĐND tỉnh về Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua nội dung điều chỉnh Nghị quyết số 114/2008/NQ-HĐND ngày 24/7/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 như sau:
1. Thống nhất với nội dung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 114/2008/NQ-HĐND (kèm theo Tờ trình số 5705/TTr-UBND ngày 26/6/2014 của UBND tỉnh).
2. Điều chỉnh, bổ sung mục tiêu phát triển nhà ở tại Nghị quyết số 114/2008/NQ-HĐND cụ thể:
a) Mục tiêu được điều chỉnh đến năm 2020:
- Diện tích bình quân đầu người: 25 m²/người.
+ Đối với nhà ở đô thị: 24,6m²/người.
+ Đối với nhà ở nông thôn: 25,2m²/người.
- Nhà ở thương mại: Giai đoạn 2014 - 2020 bình quân hàng năm hoàn thành đưa vào sử dụng 150.000 m² nhà ở thương mại, trong đó, lưu ý phát triển nhà ở chuyên gia theo hướng tập trung nhằm đảm bảo an ninh và thuận lợi trong sinh sống, ổn định làm việc trên địa bàn.
- Nhà ở xã hội: Giai đoạn 2014 - 2015 hoàn thành đưa vào sử dụng 1.500 căn; giai đoạn 2016 - 2020 là 20.000 căn. Tổng cộng giai đoạn 2014 - 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng 21.500 căn, trong đó: 16.000 căn phục vụ 9 nhóm đối tượng khó khăn về nhà ở theo quy định; 2.800 căn cho công nhân; 2.200 căn cho học sinh, sinh viên (ký túc xá); 500 căn nhà ở cho các hộ giải tỏa trắng.
- Nhà ở công vụ: chỉ tiêu nhà ở công vụ đã vượt mục tiêu Nghị quyết số 114/2008/NQ-HĐND đề ra, tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tế trên địa bàn, mục tiêu này sẽ được quan tâm để phát triển nhà ở đúng theo nhu cầu của tỉnh.
b) Mục tiêu được bổ sung
- Chất lượng nhà ở: Đến năm 2020 tăng tỷ lệ nhà kiên cố đạt trên 11%; nhà bán kiên cố đạt 84%; giảm nhà thiếu kiên cố xuống dưới 3% và nhà đơn sơ xuống dưới 2%.
- Nhà ở tái định cư: Giai đoạn 2014 - 2020 giải quyết 100% nhu cầu chỗ ở tái định cư cho 7.882 hộ giải tỏa trắng (đã trừ 500 căn được bố trí nhà ở xã hội tại Điểm a của mục tiêu nhà ở xã hội), bằng các hình thức tái định cư phân tán bằng tiền, tái định cư bằng đất nền hoặc bằng nhà ở.
- Nhà ở cho người có công: Giai đoạn 2014 - 2015 hoàn thành hỗ trợ xây mới 183 căn, sửa chữa 853 căn nhà ở cho người có công.
- Nhà ở cho người nghèo tại nông thôn: Giai đoạn 2014 - 2020 hỗ trợ 1.194 hộ nghèo tại nông thôn cải thiện nhà ở trong đó giai đoạn 2014 - 2015 hỗ trợ cho 819 hộ theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg; giai đoạn 2016 - 2020 hỗ trợ 375 hộ theo các chương trình hỗ trợ khác.
3. Thống nhất với giải pháp điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở theo Nghị quyết số 114/2008/NQ-HĐND đề ra.
a) Nhiệm vụ và giải pháp chung
Điều chỉnh 01 giải pháp, bỏ 01 giải pháp và giữ nguyên 15 giải pháp, cụ thể như sau:
- Điều chỉnh giải pháp thứ nhất: bỏ cụm từ “Nhà ở công vụ” tại Điểm a, Khoản 3, Điều 1 Nghị quyết 114/2008/NQ-HĐND.
- Bỏ giải pháp thứ 5 “Thành lập và củng cố Quỹ phát triển nhà ở” tại Điểm a, Khoản 3, Điều 1 Nghị quyết số 114/2008/NQ-HĐND.
b) Chính sách, giải pháp về huy động vốn và tài chính:
- Tại Điểm b, Khoản 3, Điều 1 về Chương trình mục tiêu: Bỏ giải pháp “Về nhu cầu vốn giai đoạn 2006 - 2010”; đồng thời, bổ sung giải pháp “Tạo điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để giảm giá thành xây dựng, giúp các đối tượng xã hội có nhu cầu có thể tiếp cận với nhà ở”.
- Giữ nguyên 02 giải pháp: Xây dựng các cơ chế huy động vốn đặc biệt là vốn trung và dài hạn cho lĩnh vực nhà ở; các hình thức huy động vốn.
c) Các giải pháp cho một số nhóm đối tượng tại Điểm c, Khoản 3, Điều 1 của Nghị quyết số 114/2008/NQ-HĐND:
- Bổ sung giải pháp cho 03 nhóm đối tượng theo quy định tại Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 và Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013, cụ thể như sau:
+ Gia đình chính sách có công với cách mạng: Tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng khi mua nhà ở đang thuê thuộc sở hữu nhà nước, khi giao đất làm nhà ở, khi thuê, thuê mua hoặc nhà ở xã hội; tiếp tục vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để giải quyết khó khăn về nhà ở cho người có công, tạo mọi điều kiện để các hộ phát triển kinh tế tăng thu nhập để nâng cấp nhà ở.
+ Cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách (có thu nhập thấp): Giải quyết theo hướng Nhà nước trực tiếp đầu tư hoặc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội để bán, cho thuê, thuê mua theo quy định của pháp luật về nhà ở theo hình thức trả tiền một lần hoặc trả dần; người mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi.
+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có khó khăn về nhà ở: Bộ Quốc phòng và Bộ Công an áp dụng triển khai các dự án nhà ở xã hội theo quy định phù hợp của pháp luật và các chính sách ưu đãi của Chính phủ và điều kiện đặc thù của địa phương, tuy nhiên vẫn đảm bảo nguyên tắc mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ một lần.
- Điều chỉnh, bổ sung giải pháp chi tiết cho 05 nhóm đối tượng như sau:
+ Các hộ gia đình thuộc chính sách tại khu vực đô thị cải thiện nhà ở:
Điều chỉnh toàn bộ nội dung tại Chương trình theo Nghị quyết số 114/2008/NQ-HĐND thay đổi nội dung cho phù hợp các chính sách hiện nay; cụ thể như sau: Việc hỗ trợ nhà ở giải quyết theo hướng: Đối với các trường hợp đã có nhà ở, nhưng là nhà tạm, hư hỏng, dột nát thì Nhà nước, các tổ chức kinh tế – xã hội, cộng đồng hỗ trợ một phần kinh phí, kết hợp cho vay ưu đãi để các hộ tự cải tạo, sửa chữa nhà ở; đối với các hộ nghèo đặc biệt khó khăn thì thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước, cộng đồng, các tổ chức kinh tế - xã hội xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương để giúp họ có chỗ ở phù hợp; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội giá thấp có diện tích trung bình và nhỏ (đặc biệt đối với nhà ở chung cư cao tầng tại các khu đô thị lớn) với những ưu đãi đặc biệt tạo điều kiện cho các hộ có cơ hội mua, thuê mua.
+ Nhà ở phục vụ tái định cư, bổ sung nội dung:
Đối với dự án phát triển khu đô thị mới, khu nhà ở mới có nhu cầu tái định cư thì ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở tái định cư ngay trong khu đô thị mới hoặc trong dự án khu nhà ở đó.
Đối với khu vực đô thị, hạn chế đầu tư xây dựng các dự án tái định cư riêng lẻ mà tập trung đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội hoặc mua các căn hộ trong các dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị mới để bố trí tái định cư.
+ Nhà ở cho công nhân: điều chỉnh thay thế 02 nội dung của chương trình theo Nghị quyết số 114/2008/NQ-HĐND do cơ chế chính sách thay đổi đối với thuế GTGT và thuế TNDN của các doanh nghiệp sử dụng lao động xây dựng nhà ở cho công nhân.
+ Hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với các hộ gia đình nông thôn có khó khăn về nhà ở:
Bỏ các giải pháp về quy hoạch mạng lưới và các điểm dân cư nông thôn theo kế hoạch 03 năm (2006 - 2008); giải pháp hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ; bỏ giải pháp phát triển chỗ ở nông thôn gắn liền với phát triển kinh tế theo hệ sinh thái VAC (vườn - ao - chuồng) và VACR (vườn - ao - chuồng - rừng).
Bổ sung 03 nội dung: Chính sách nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, người dân tự làm; chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg; kết hợp sự linh hoạt giữa trách nhiệm của nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo thông qua nhiều hình thức...
+ Nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp:
Bỏ nội dung “Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xây dựng ký túc xá cho sinh viên tại Khu Đại học Thủ Đức - thành phố Hồ Chí Minh”.
Bổ sung 02 giải pháp: Chính sách nhà nước và các thành phần kinh tế, các trường đại học, cao đẳng tham gia xây dựng nhà ở cho sinh viên thuê; chính sách về giá cho thuê nhà ở sinh viên.
d) Bổ sung một số giải pháp khác
- Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách
+ Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ và hàng năm để triển khai thực hiện.
+ Rà soát các chính sách đã ban hành và bãi bỏ các chính sách không hiệu quả; ban hành các cơ chế chính sách về phát triển nhà ở trong giai đoạn hiện nay phù hợp với các quy định của Luật Nhà ở.
+ Rà soát các dự án nhà ở thương mại quy định tại Nghị quyết số 114/2008/NQ-HĐND để đề ra giải pháp thực hiện hữu hiệu trong thời gian tới.
- Giải pháp về đất đai
+ Rà soát quy hoạch sử dụng đất trong đó chú trọng đến diện tích đất phát triển nhà ở xã hội và đất xây dựng khu tái định cư tại thành phố Biên Hòa.
+ Thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại những vị trí thuận lợi sau khi đầu tư đường giao thông, chủ động điều tiết chênh lệch giá trị gia tăng từ đất do Nhà nước đầu tư hạ tầng mà có.
+ Rà soát quỹ đất trong các khu công nghiệp để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân khu công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 188/2013/NĐ-CP.
+ Rà soát, sắp xếp, bố trí lại quỹ nhà đất không phù hợp quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng đất để ưu tiên phát triển quỹ nhà ở xã hội.
- Giải pháp quy hoạch, kiến trúc:
+ Đẩy nhanh việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, đảm bảo quy hoạch đi trước một bước.
+ Công bố công khai các đồ án quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị, đồng thời tăng cường công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp xây dựng không phép, trái phép, lấn chiếm đất công.
- Giải pháp về khoa học công nghệ:
+ Hướng dẫn và có chính sách khuyến khích các chủ đầu tư áp dụng các loại công nghệ xây dựng hiện đại, vật liệu xây dựng thân thiện môi trường; sử dụng các loại vật liệu xây và trang thiết bị trong nước xây dựng nhà ở xã hội để giảm giá thành nhà ở và rút ngắn thời gian xây dựng, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
+ Tăng cường quản lý chất lượng trong thiết kế, thi công xây dựng nhà ở để các công trình nhà ở đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn trong sử dụng, có khả năng ứng phó với thiên tai, động đất và biến đổi khí hậu...
+ Xây dựng và tin học hóa hệ thống thông tin về nhà ở, hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
- Giải pháp phát triển thị trường nhà ở và quản lý nhà ở sau đầu tư:
+ Hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê.
+ Ưu đãi, hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu về nhà ở đặc biệt là các đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội.
+ Ban hành các chính sách, cơ chế quản lý các dự án phát triển nhà ở sau đầu tư xây dựng và quá trình bàn giao đưa vào sử dụng.
+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cộng đồng trong việc xây dựng và thực thi pháp luật về nhà ở.
+ Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định của pháp luật về giao dịch bất động sản, nhà ở.
- Công tác tuyên truyền, vận động:
+ Thông tin, tuyên truyền vận động thay đổi phương thức, tập quán từ hình thức ở nhà riêng lẻ sang căn hộ chung cư; chuyển từ tái định cư bằng đất sang tái định cư bằng căn hộ chung cư; giới thiệu các mẫu thiết kế, công nghệ thi công, vật liệu xây dựng nhà ở phù hợp.
+ Tăng cường công tác tuyên truyền, chọn hình thức phù hợp để triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng, thuế, quỹ đất,... các cơ chế, chính sách phát triển nhà ở mới được ban hành.
đ) Bỏ giải pháp xác định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh tại Điểm d, Khoản 3, Điều 1 của Nghị quyết số 114/2008/NQ-HĐND do đã có giải pháp về đất đai và giải pháp phát triển thị trường nhà ở và quản lý nhà ở sau đầu tư tại Điểm d, Khoản 3 của Nghị quyết này.
e) Bỏ một số giải pháp cụ thể tập trung trong năm 2008 - 2009 tại Điểm e, Khoản 3, Điều 1 Nghị quyết số 114/2008/NQ-HĐND: Do UBND tỉnh đã triển khai thực hiện và được đánh giá kết quả thực hiện trong giai đoạn vừa qua.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh trên cơ sở Nghị quyết này thực hiện điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này theo luật định.
Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, các nội dung khác của Nghị quyết số 114/2008/NQ-HĐND ngày 26/7/2008 của HĐND tỉnh vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2014./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |