Nghị quyết 12/2006/NQ-HĐND

Nghị quyết 12/2006/NQ-HĐND thông qua Đề án "Phát triển thủy lợi nhỏ tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020"

Nội dung toàn văn Nghị quyết 12/2006/NQ-HĐND Phát triển thủy lợi nhỏ tỉnh Đắk Nông 2006 - 2010 định hướng đến 2020


HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2006/NQ-HĐND

Gia Nghĩa, ngày 03 tháng 8 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN "PHÁT TRIỂN THỦY LỢI NHỎ TỈNH ĐĂK NÔNG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020"

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG
KHÓA I, KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước, ngày 20 tháng 5 năm 1998;

Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 179/1999/ND-CP ngày 30 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ quy định việc thi hành Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Nghị quyết số 03/2005/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông về việc thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đăk Nông đến năm 2020;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông tại Tờ trình số 1237/TTr- UBND ngày 23 tháng 6 năm 2006 về việc đề nghị thông qua Đề án "Phát triển thủy lợi nhỏ tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020";

Sau khi nghe Báo cáo thẩm tra số 24/BC-KTNS ngày 20 tháng 7 năm 2006 của Ban kinh tế và Ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu tham dự kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án "Phát triển thủy lợi nhỏ tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020" (Có Đề án kèm theo).

Điều 2. Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông khóa I, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 7 năm 2006.

 

 

CHỦ TỊCH




K’BEO

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN THỦY LỢI NHỎ TỈNH ĐĂK NÔNG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 12/2006/NQ-HĐND, ngày 03 tháng 8 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông)

Phần I

HIỆN TRẠNG THỦY LỢI VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Tỉnh Đăk Nông với diện tích tự nhiên 651.345 ha, bao gồm 06 huyện: Cư Jút, Krông Nô, Đăk Mil, Đăk Song, Đăk Glong, Đăk R’lấp và 1 thị xã Gia Nghĩa, trong đó có 04 huyện biên giới: Cư Jút, Đăk Mil, Đăk Song và Đăk R’lấp. Theo số liệu thống kê đầu năm 2005, toàn tỉnh Đăk Nông hơn 400 ngàn dân, với 31 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc ít người chiếm 34%.

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

1. Điều kiện địa hình

Điều kiện địa hình trong tỉnh rất phức tạp, ngoại trừ vùng Cư Jút và vùng phía Bắc huyện Krông Nô là tương đối bằng phẳng, còn lại hầu hết là đất dốc và đồi núi.

Độ cao bình quân so với mặt nước biển dao động từ 180m ở phía Tây huyện Cư Jút cho đến trên 1500m ở đỉnh Nam Nung; vùng cao nhất thuộc dãy Nam Nung chạy từ Tây sang Đông qua khu vực trung tâm tỉnh sau đó cao độ giảm dần theo hướng Bắc, Đông - Bắc, Nam và Tây - Nam.

Địa hình tỉnh rất phức tạp, bị chia cắt mạnh, ngoại trừ vùng Cư Jút và vùng phía Bắc huyện Krông Nô, các vùng còn lại có độ dốc nhỏ biến động từ 15 đến 35%, thậm chí có nhiều vùng thuộc huyện Đăk Nông, Đăk Song, thị xã Gia Nghĩa, huyện Đăk Glong độ dốc lớn hơn 35%.

Hầu hết địa bàn tỉnh được cấu tạo bởi các đồi dốc, xen kẽ với các thung lũng hẹp và sâu, độ chia cắt mạnh dẫn tới các khu vực canh tác lúa nước thường hẹp, chạy dài theo các suối, các khu trồng cây công nghiệp chủ yếu phân bố theo các sườn đồi, chênh lệch độ cao mực nước với mực nước trong các sông suối lớn, vì vậy khai thác nước phục vụ tưới gặp nhiều khó khăn.

2. Điều kiện nguồn nước

a) Nước mưa.

Đăk Nông là tỉnh có lượng mưa tương đối phong phú, lượng mưa trung bình hàng năm theo lãnh thổ đạt 1900mm/năm, biến động mưa từ 1712 mm/năm tại Cư Jút đến 2497 mm/năm tại Gia Nghĩa. Tuy nhiên do lượng mưa phân bố theo mùa trong năm rất không đồng đều, thời gian mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau lượng mưa phổ biến các vùng trong tỉnh chỉ chiếm từ 15 đến 20% tổng lượng mưa năm.

b) Hệ thống sông suối và lượng dòng chảy mặt

Địa bàn Đăk Nông được cung cấp nước bởi 3 sông, lưu vực Sêrêpok có diện tích khoảng 360 ngàn km2 chiếm khoảng 52% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh; trên địa bàn của các huyện Cư Jút, Krông Nô, Đăk Mil và một phần của huyện Đăk Song và Đăk Glong. Diện tích còn lại thuộc lưu vực sông Đồng Nai có diện tích khoảng 319 ngàn km2 chiếm khoảng 48%, gồm hai chi lưu là Đồng Nai Thượng và Sông Bé. Do phân bố của lượng mưa và điều kiện địa chất, thổ nhưỡng nên lượng dòng chảy thay đổi rất lớn trên địa bàn tỉnh; vùng phía Nam tỉnh có lượng dòng chảy năm khá lớn, moduyn dòng chảy năm từ 40 đến 45l/s/km2; trong khi đó vùng phía Bắc và Tây Bắc moduyn dòng chảy năm chỉ từ 22 đến 26l/s/km2. Phân bố lượng mưa không đồng đều giữa các mùa trong năm, thêm vào đó do hầu hết các suối có diện tích lưu vực nhỏ, thảm phủ bị suy giảm nên phân phối dòng chảy theo mùa rất khắc nghiệt dòng chảy trong sông suối về mùa khô rất hạn chế. Lượng dòng chảy trong các sông suối về mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau) chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng dòng chảy năm. Điều kiện về nguồn nước như trên gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt và các ngành kinh tế khác.

c) Nước dưới đất

Qua tài liệu nghiên cứu của Đoàn Địa chất 704 và các tài liệu khoan và khai thác phục vụ cho cấp nước các thị trấn, các khu dân cư, chương trình nước sạch nông thôn v.v., khả năng nguồn nước dưới đất của tỉnh Đăk Nông không thật sự dồi dào. Khu vực phía Nam và trung tâm tỉnh gồm địa bàn các huyện Đăk R’lấp, Đăk Glong, thị xã Gia Nghĩa, Đăk Song và khu vực trung tâm huyện Đăk Mil khả năng nước dưới đất thuộc loại trung bình và nghèo. Lưu lượng các lỗ khoan khai thác và thăm dò phổ biến dao động từ 1 đến 2l/s; khu vực phía Bắc và Đông - Bắc còn nghèo kiệt hơn. Với lưu lượng như vậy chỉ phù hợp cho khai thác cấp nước phân tán và cấp nước cho các khu dân cư có quy mô không lớn, khó có khả năng khai thác phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hình 1: Phân phối mưa các tháng trong năm tại trạm Khí tượng Đăk Mil giai đoạn 1978 - 2004

II. HIỆN TRẠNG THỦY LỢI VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Do trước đây địa bàn Đăk Nông chú trọng chủ yếu vào sản xuất lâm nghiệp, điều kiện địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh, không thuận lợi cho việc đầu tư các công trình thủy lợi, cho nên trong 30 năm qua, tỷ trọng đầu tư cho thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đăk Nông so với các vùng khác trong cả nước đang còn ở mức rất thấp.

1. Hiện trạng các công trình thủy lợi.

a) Số lượng công trình và khả năng phục vụ tưới.

Hiện tại tỉnh có khoảng 70.000ha cà phê, 3.350ha lúa Đông-Xuân, 8.387ha lúa vụ mùa và một số diện tích các loại cây trồng cần tưới khác, với tổng lượng nước tưới yêu cầu trong mùa khô là 270 triệu m3.

Theo điều tra mới nhất, hiện tại toàn tỉnh đã xây dựng được 187 công trình thủy lợi, gồm: 153 hồ chứa, 31 đập dâng và 3 trạm bơm, trừ một vài công trình có qui mô vừa như hồ Đăk Săk (Đăk Mil), hồ Đăk Nang (Krông Nô), còn lại phần lớn các công trình có quy mô nhỏ. Tổng diện tích các công trình đang phục vụ tưới là 2.024 ha lúa, 8.500 ha các cây trồng khác (chủ yếu là cà phê và hồ tiêu), ước tính các công trình phát huy khoảng 50% năng lực thiết kế (do các công trình xây dựng qua nhiều giai đoạn, nhiều công trình không còn hồ sơ cũng như tài liệu lưu trữ, nên không biết chính xác năng lực thiết kế). Như vậy, nếu tính theo tổng lượng nước thì các công trình thủy lợi mới đáp ứng được khoảng 30% tổng nhu cầu tưới cho cây trồng trong mùa khô.

b) Hiện trạng chất lượng các công trình.

Trừ một số ít các công trình mới xây dựng trong những năm gần đây, còn phần lớn các công trình xây dựng không hoàn chỉnh, đặc biệt là tràn xả lũ, hệ thống kênh và các công trình trên kênh. Chất lượng cụ thể của các hạng mục công trình như sau:

- Phần đầu mối: Phần lớn đầu mối các công trình bị xói lở, cây cỏ mọc nhiều, không được phát dọn, hiện tượng lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình để gieo trồng, làm chuồng gia súc xảy ra rất phổ biến, thậm chí có một số trường hợp nhân dân làm nhà ở trong phạm vi bảo vệ an toàn của công trình, một số đập được sử dụng như mặt đường giao thông cho các xe cơ giới đi lại, gây xói lở, biến dạng. Một số công trình phần cửa van cống đầu mối bị hư hỏng không còn khả năng vận hành, gây rò rỉ lãng phí nước. Một phần ba số lượng hồ chứa có tràn xả lũ trên nền đất tự nhiên sau một thời gian sử dụng bị xói lở, gây mất an toàn cho công trình.

Các hồ chứa nhiều cỏ, bèo trên mặt hồ, tình trạng bồi lắng xảy ra rất phổ biến, làm cho dung tích của các hồ giảm đáng kể, thậm chí có một số hồ nhỏ không còn khả năng điều tiết. Nhiều hồ chứa giao khoán cho các cá nhân nuôi thả cá, các chủ nuôi cá không tuân thủ các qui định về đảm bảo an toàn cho công trình.

- Hệ thống kênh mương: Tổng chiều dài của các hệ thống kênh hiện có khoảng 2.150km, trong đó kênh loại II khoảng 150km, đã kiên cố hóa được 53km, tổng chiều dài kênh nội đồng xấp xỉ 2.000km. Nhìn chung, các hệ thống kênh bị bồi lấp, xói lở rất phổ biến, bờ kênh bị đào đắp gây xói lở, rò rỉ, gây nhiều khó khăn cho việc dẫn nước tưới, hiện tượng lấn chiếm bờ kênh để gieo trồng, làm chuồng gia súc và các công trình khác xảy ra rất phổ biến.

c) Hiện trạng về quản lý, khai thác.

Toàn tỉnh hiện chỉ có một trạm thủy nông Đăk Mil đang quản lý một số công trình thủy lợi có quy mô tương đối lớn, còn hầu hết các công trình đều do các xã quản lý. Tại các xã việc quản lý các công trình thủy lợi giao cho một tổ hoặc các cá nhân phụ trách, đội ngũ này hầu như chưa được trang bị kiến thức về quản lý thủy nông, do vậy công việc chủ yếu của các cán bộ này là đóng mở cống đầu mối, khi có yêu cầu tưới. Hiện nay, tại một số huyện mới thành lập một số HTX dùng nước, như ở Krông Nô, Cư Jút; do mới thành lập, chưa có kiến thức và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực quản lý khai thác công trình thủy lợi, nên rất lúng túng trong việc điều hành và không có kinh phí để hoạt động.

Hiện tại, số công trình có thu thủy lợi phí rất ít, có khoảng 7 công trình, mức thủy lợi phí thấp, tỷ lệ thu so với diện tích được tưới cũng rất thấp nên các đơn vị quản lý gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động.

Ngoài các thiếu sót trong quá trình khảo sát, thiết kế thì nguyên nhân chủ yếu để các công trình phát huy hiệu quả thấp, các công trình hư hỏng và xuống cấp nhanh là do yếu kém trong công tác quản lý, khai thác, bảo vệ công trình.

Sở dĩ tình hình phát triển thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang ở trong tình trạng yếu kém, còn xa so với yêu cầu phục vụ sản xuất hiện tại cũng như trong thời gian tới, nguyên nhân chính là công tác đầu tư cho quy hoạch trong nhiều năm qua chưa được quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức. Công tác tuyên truyền giáo dục cho nhân dân ý thức trách nhiệm cho nhân dân trong bảo dưỡng, quản lý, khai thác và nhận thức xã hội hóa về thủy lợi chưa thường xuyên, sâu sát. Công tác đào tạo cán bộ, tổ chức bộ máy quản lý thủy nông chưa phù hợp, phân cấp công trình không sát với thực tế, thiếu các chế độ chính sách phù hợp.

2. Sự cần thiết của Đề án.

Nông nghiệp là một ngành có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, đóng góp gần 60% (GDP) toàn tỉnh. Hơn 80% dân số của tỉnh sống trong khu vực nông nghiệp và nông thôn. Nhưng hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp, giá trị sản xuất trên một ha đất canh tác mới đạt bình quân 12 triệu đồng/năm; sản xuất còn manh mún, chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh hàng hóa kém. Trong nhiều nguyên nhân tồn tại, có nguyên nhân quan trọng là nguồn nước phục vụ sản xuất không đảm bảo, kể cả nguồn nước tự nhiên trong sông suối, nguồn nước trong các công trình thủy lợi.

Để thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất “Đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có khả năng cạnh tranh cao, tạo cơ sở vững chắc cho phát triển của công nghiệp chế biến và của cả nền kinh tế nói chung”; trực tiếp thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xóa đói, giảm nghèo; chương trình về phát triển kinh tế - xã hội các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc; góp phần làm giảm chênh lệch giàu nghèo và đảm bảo công bằng xã hội, thì việc triển khai Đề án phát triển thủy lợi nhỏ nhằm cải tạo cơ bản hạ tầng cơ sở thủy lợi ở khu vực nông thôn, cùng với việc hỗ trợ áp dụng các giải pháp khoa học khác. Nhằm tạo chuyển biến cơ bản, bền vững trong sản xuất nông nghiệp là đòi hỏi bức thiết, có ý nghĩa về kinh tế - xã hội và môi trường. Đồng thời, việc giải quyết nước tưới, tăng hệ số và hiệu quả sử dụng đất sẽ giảm bớt áp lực về qui mô diện tích đất sản xuất cần giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Phần II

PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

I. PHƯƠNG HƯỚNG

Gồm 4 phương hướng sau:

1. Tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đảm bảo tưới cho các loại cây trồng phục vụ dân sinh và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng trưởng cho nền kinh tế, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn.

2. Phát triển thủy lợi phải dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành: Nông nghiệp, công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp khai khoáng), thủy điện, du lịch với các chương trình Quốc gia về xóa đói giảm nghèo, 132, 134, 135... nhằm khai thác tổng hợp các công trình, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao tính bền vững về kinh tế, xã hội môi trường và sinh thái.

3. Đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo hướng đồng bộ, có hiệu quả, chú ý đến việc kết hợp hệ thống kênh mương với giao thông nội đồng; đảm bảo các công trình đầu tư xuất phát từ cơ sở những người hưởng lợi và có cam kết các bên liên quan về vai trò trách nhiệm. Trước mắt ưu tiên đầu tư cho sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình nhằm phục vụ tưới cho diện tích cây trồng hiện có, nhất là vùng đồng bào dân tộc ít người tại chỗ, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Tập trung đẩy nhanh tốc độ đầu tư trong giai đoạn 2006 - 2010, để phù hợp với hướng ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, xã hội khu vực Tây Nguyên của Chính phủ.

4. Từng bước thực hiện đa dạng hóa công tác thủy lợi, nhằm đa dạng hóa nguồn vốn, phát huy nội lực của những người hưởng lợi và nâng cao chất lượng thi công, quản lý, bảo vệ và sử dụng công trình. Đảm bảo toàn bộ các công trình đều có chủ quản lý thực sự, nhằm sử dụng các công trình có hiệu quả, bền vững, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư.

II. MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu của Đề án

a) Mục tiêu tổng quát

Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thủy lợi đồng bộ, góp phần tạo sự chuyển biến nhanh và bền vững trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc ít người tại chỗ, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Đảm bảo nhu cầu vốn đầu tư cho xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2006 - 2020 khoảng 2400 tỷ đồng (trong đó chưa tính tiền đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 4.000 ha và các khoản dự phòng cho phát sinh khác). Cùng với các chương trình giải quyết đất sản xuất theo Quyết định 132, 134 của Thủ tướng Chính phủ và chương trình khuyến nông, từng bước thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn một cách bền vững, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc ít người tại chỗ, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

b) Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh, ngoài các công trình thủy lợi có quy mô vừa sẽ đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2006 - 2010 như hồ Đăk Rồ, hệ thống bơm Buôn Choah (huyện Krông Nô), hồ Đăk Diêr (Cư Jút), cụm hồ trung tâm (thị xã Gia Nghĩa). Sẽ sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống các công trình thủy lợi nhỏ với tổng dung tích trữ của hệ thống khoảng 127 triệu m3 nước, đảm bảo tưới cho 3.700 ha lúa 2 vụ, 49.700 ha cây công nghiệp và các loại cây trồng cạn khác; tạo ra diện tích mặt thoáng khoảng 4.000 ha phục vụ nuôi trồng thủy sản, bổ sung nước ngầm, góp phần cải tạo môi trường sinh thái. Số người hưởng lợi trực tiếp từ hệ thống các công trình thủy lợi nhỏ ước tính khoảng 185 ngàn người; diện tích cần đền bù, giải phóng mặt bằng khoảng 4.000 ha. Trong đó, trong giai đọan 2006 - 2010 sẽ xây dựng các công trình với tổng dung tích 63 triệu m3 nước, đảm bảo tưới cho 2.672 ha lúa 2 vụ, 22.734 ha cây công nghiệp và các loại cây trồng cạn khác.

2. Phạm vi của Đề án

Cho toàn bộ các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đang có nhu cầu về giải quyết nước tưới. Trong đó tập trung ưu tiên vào các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, các vùng hàng năm bị hạn hán đe dọa nghiêm trọng, chú ý ưu tiên cho các xã đang hạn chế về cơ sở hạ tầng thủy lợi.

III. CÁC GIẢI PHÁP

1. Giải pháp đầu tư xây dựng công trình

Dự kiến đến năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh, ngoài các công trình thủy lợi có qui mô vừa như: hồ Đăk Rồ, cụm bơm Buôn Choah (huyện Krông Nô), hồ Đăk Diêr (huyện Cư Jút), cụm hồ Trung tâm (thị xã Gia Nghĩa) sẽ xây dựng mới 319 công trình, sửa chữa và nâng cấp 29 công trình. Trong đó có: 317 hồ chứa, 28 đập dâng, 2 cụm trạm bơm và một tuyến kênh tiêu, với :

+ Tổng dung tích trữ : 127 triệu m3 nước.

+ Các công trình thủy lợi sẽ đảm bảo tưới thêm cho: 3.700 ha lúa nước 2 vụ và khoảng 49.700 ha cà phê và các loại cây trồng khác.

+ Nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn này, ước tính: 2.402,5 tỷ đồng.

Số lượng các công trình sẽ xây dựng mới ở các huyện, thị xã thời kỳ 2006-2020 như sau:

- Huyện Cư Jút: Ngoài hồ Đắk Diêr, sẽ xây dựng mới 25 công trình, sửa chữa và nâng cấp 4 công trình, đảm bảo tưới cho 170 ha lúa nước 2 vụ, 3.470 ha cà phê và các loại cây trồng cạn khác, với dung tích trữ của các hồ xây mới là 8,47 triệu m3 nước, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 159,2 tỷ đồng.

- Huyện Krông Nô: Ngoài hồ Đăk Rồ, hệ thống bơm Buôn Choah dọc sông Krông Knô, sẽ xây dựng mới 39 công trình, sửa chữa và nâng cấp 2 công trình, đảm bảo tưới cho 1.307 ha lúa 2 vụ và 3.780 ha cà phê và các loại cây trồng khác; dung tích trữ của các hồ xây mới là 17,1 triệu m3 nước, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 250,64 tỷ đồng.

- Huyện Đăk Mil: Xây dựng thêm mới 62 công trình, sửa chữa và nâng cấp 9 công trình, đảm bảo tưới cho 517 ha lúa nước 2 vụ, 11.655 ha cà phê và các loại cây trồng cạn khác, với dung tích trữ của các hồ xây mới là 28,1 triệu m3 nước, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 528,24 tỷ đồng.

- Huyện Đăk Song: Xây dựng mới thêm 36 công trình, sửa chữa và nâng cấp 6 công trình; đảm bảo tưới cho 339 ha lúa nước 2 vụ, 4.440 ha cà phê và các loại cây trồng cạn khác, với dung tích trữ của các hồ xây mới là 11,7 triệu m3 nước, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 222,5 tỷ đồng.

- Thị xã Gia Nghĩa: Ngoài cụm hồ Trung tâm, xây dựng mới 39 công trình, đảm bảo tưới cho 235 ha lúa nước 2 vụ, 9.845 ha cà phê và các loại cây trồng cạn khác, với dung tích trữ của các hồ xây mới là 22,32 triệu m3 nước, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 372,8 tỷ đồng.

- Huyện Đăk Glong: Sẽ xây mới 53 công trình, sửa chữa và nâng cấp 6 công trình, đảm bảo tưới cho 570 ha lúa nước 2 vụ, 4.447 ha cà phê và các loại cây trồng cạn khác, với dung tích trữ của các hồ xây mới là 13,33 triệu m3 nước, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 334,55 tỷ đồng.

- Huyện Đăk R’lấp: Trong thời kỳ này, dự kiến sẽ xây mới 65 công trình nhỏ, sửa chữa và nâng cấp 2 công trình. Đảm bảo tưới cho 569 ha lúa nước 2 vụ, 12.097 ha cà phê và các loại cây trồng cạn khác, với dung tích trữ của các hồ xây mới là 29,4 triệu m3 nước, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 545,56 tỷ đồng.

2. Các giải pháp về cơ chế chính sách.

Giao cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và các địa phương soạn thảo các cơ chế chính sách và tăng cường các giải pháp dưới đây:

+ Tiếp tục cải tiến công tác quản lý đầu tư XDCB, tăng cường phân cấp theo hướng giao quyền cho các đơn vị cơ sở nhằm phát huy vai trò trách nhiệm của các đơn vị cơ sở và nhân dân trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

+ Tăng cường chỉ đạo và soạn thảo các chính sách khuyến khích thành lập các tổ chức thủy nông cơ sở (HTX, Hội dùng nước) để tổ chức vận hành, duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ công trình; ban hành Qui định về thủy lợi phí và tiền nước theo Nghị định 143 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó cụ thể hóa đối với các công trình thủy lợi nhỏ do những người hưởng lợi đứng ra tổ chức, quản lý.

+ Ban hành Qui định về phân cấp quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền, giáo dục cũng như thanh tra xử phạt hành chính đối với các cá nhân, tập thể vi phạm pháp lệnh bảo vệ công trình thủy lợi.

+ Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích các cây trồng tiêu thụ quá nhiều nước chuyển sang các cây dùng ít nước hơn, truyên truyền giáo dục nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ của công trình.

+ Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vốn phát triển thủy lợi nhỏ; xây dựng chính sách về thực hiện xã hội hóa về thủy lợi để có nguồn kinh phí duy tu sửa chữa, nâng cấp các công trình.

IV. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN VÀ PHÂN KỲ ĐẦU TƯ

1. Hiệu quả

a) Về mặt kinh tế

+ Tạo ra một cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp có tưới, góp phần cùng với các Đề án hỗ trợ kỹ thuật khác như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, biện pháp thâm canh... thúc đẩy tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

+ Số diện tích các loại cây trồng được tưới: 3.700 ha lúa hai vụ, 49.700 ha cây công nghiệp và các loại cây trồng cạn khác.

+ Tạo điều kiện ổn định công ăn việc làm và thu nhập cuộc sống cho những người hưởng lợi trực tiếp từ công trình ước tính: 185.000 người.

+ Góp phần nâng cao và tăng cường dự trữ nguồn nước ngầm, cải thiện nước sinh hoạt, cải tạo tiểu khí hậu

+ Tạo điều kiện cho hệ thực vật phát triển, tăng độ che phủ

+ Tạo ra diện tích mặt thoáng khoảng 4.000 ha phục vụ nuôi trồng thủy sản cũng như các ngành chăn nuôi khác, cải tạo môi trường, tạo cảnh quan cho thị xã Gia Nghĩa cũng như các vùng khác trong tỉnh.

Tuy nhiên để thực hiện Đề án chúng ta cần một quỹ đất hơn 4.000 ha, trong đó chủ yếu là đất đã canh tác, cần phải đền bù, giải tỏa, đây là một khó khăn không nhỏ.

b) Về mặt chính trị, xã hội

+ Góp phần ổn định đời sống, giảm thiểu số hộ nghèo, tạo công ăn việc làm, tạo ý thức và phong trào toàn dân tham gia làm công tác thuỷ lợi.

+ Tăng lòng tin đối với chính sách của Đảng, Chính phủ, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.

2. Phân kỳ đầu tư

2.1 Giai đọan 2006 - 2010

Dự kiến trong giai đoạn này sẽ xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa 158 công trình thủy lợi, trong đó chủ yếu là công trình có qui mô nhỏ, gồm: 132 hồ chứa, 23 đập dâng và 2 cụm trạm bơm và một tuyến kênh tiêu; với :

+ Tổng dung tích trữ : 66,5 triệu m3 nước.

+ Tưới cho khoảng 2.672 ha lúa hai vụ, 22.734 ha cây công nghiệp và các cây trồng cạn khác.

+ Nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn này, ước tính: 1.195,5 tỷ đồng.

Như vậy đến năm 2010, năng lực các công trình thủy lợi sẽ đảm bảo tưới cho khoảng 5.000 ha lúa nước 2 vụ, 32.800 ha cà phê và các loại cây trồng khác. Nếu tính cả các công trình có qui mô vừa như Đăk Rồ, Đăk Diêr thì tổng toàn bộ dung tích các công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sau năm 2010 là 152,4 triệu m3 (Trong đó các công trình đã có là 65 triệu m3, các công trình có qui mô vừa sẽ xây dựng là 20,9 triệu m3, các công trình của Đề án này là 66,5 triệu m3).

Cụ thể phân bố các công trình ở các địa phương như sau:

- Huyện Cư Jút: Ngoài hồ Đăk Diêr, sẽ xây dựng mới 5 công trình và sửa chữa, nâng cấp 4 công trình. Đảm bảo tưới cho 70 ha lúa nước 2 vụ, 1.470 ha cà phê và các loại cây trồng cạn khác, với dung tích trữ của các hồ xây mới là 3,6 triệu m3 nước, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 67,2 tỷ đồng.

- Huyện Krông Nô: Ngoài hồ Đăk Rồ, hệ thống bơm Buôn Choah dọc sông Krông Knô, sẽ xây dựng thêm 14 công trình và nâng cấp 2 công trình khác, trong đó có 10 hồ chứa, 4 đập dâng và 2 hệ thống trạm bơm dọc sông Krông Knô (thuộc xã Nâm N’Diêr và xã Quảng Phú). Đảm bảo tưới cho 1.107 ha lúa nước 2 vụ, 1.240 ha cà phê và các loại cây trồng cạn khác, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 125,24 tỷ đồng.

- Huyện Đăk Mil: Xây dựng mới 29 công trình, nâng cấp và sửa chữa 9 công trình; đảm bảo tưới cho 367 ha lúa nước 2 vụ, 5.455 ha cà phê và các loại cây trồng cạn khác, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 262,24 tỷ đồng.

- Huyện Đăk Song: Sẽ xây dựng mới 8 công trình, nâng cấp và sửa chữa 6 công trình; đảm bảo tưới cho 239 ha lúa nước 2 vụ, 1.440 ha cà phê và các loại cây trồng cạn khác, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 83,28 tỷ đồng.

- Thị xã Gia Nghĩa: Ngoài cụm công trình trung tâm Thị xã Gia Nghĩa gồm 3 hồ khu vực Trung tâm, sẽ xây mới 16 công trình, đảm bảo tưới cho 60 ha lúa nước 2 vụ, 5.085 ha cà phê và các loại cây trồng cạn khác, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 176,2 tỷ đồng.

- Huyện Đăk Glong: sẽ xây dựng mới 29 công trình nhỏ, sửa chữa 4 công trình, đảm bảo tưới cho 420 ha lúa nước 2 vụ, 2.132 ha cà phê và các loại cây trồng cạn khác, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 195,19 tỷ đồng.

- Huyện Đăk R’lấp: Làm mới 30 công trình, sửa chữa và nâng cấp 2 công trình; đảm bảo tưới cho 409 ha lúa nước 2 vụ, 5.912 ha cà phê và các loại cây trồng cạn khác, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 286,16 tỷ đồng.

2.2. Giai đoạn 2011 - 2020

Dự kiến trong giai đoạn này sẽ xây dựng 188 công trình, sửa chữa, nâng cấp 2 công trình, trong đó chủ yếu là công trình có qui mô nhỏ, gồm: 185 hồ chứa, 5 đập dâng; với :

+ Tổng dung tích trữ : 64 triệu m3 nước.

+ Tưới cho khoảng 1.035 ha lúa hai vụ, 27.000 ha cây công nghiệp cà các cây trồng cạn khác.

+ Nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn này, ước tính: 1.209,93 tỷ đồng.

Tuy nhiên do biến động về sử dụng đất và các thay đổi về cơ cấu các ngành kinh tế, cơ cấu trong ngành nông nghiệp, cho nên danh mục các công trình chỉ mang tính định hướng. Trong quá trình thực hiện cần rà soát, điều chỉnh cho hợp lý.

V. NGUỒN VỐN

Nguồn vốn để thực hiện Đề án phát triển thủy lợi nhỏ tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2006 - 2010 huy động từ vốn đầu tư tập trung có mục tiêu của Trung ương và ngân sách tỉnh, trái phiếu Chính phủ, vốn theo chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, ngân sách huyện (thị xã), ngân sách xã, phường và nguồn huy động đóng góp. Tỷ lệ huy động vốn cho thực hiện Đề án, dự kiến như sau:

a) Huy động từ ngân sách Trung ương dự kiến từ 85 đến 90%

b) Huy động từ ngân sách tỉnh, huyện (thị xã), ngân sách xã, phường và nguồn huy động đóng góp từ 10 đến 15%. Kinh phí do ngân sách tỉnh quản lý sẽ đầu tư toàn cho việc thi công đầu mối, hệ thống kênh loại II trở lên và chi phí cho công tác tư vấn và hỗ trợ một phần cho kinh phí xây dựng kênh loại III.

Người hưởng lợi đóng góp:

Căn cứ vào điều kiện kinh tế của vùng hưởng lợi các công trình thủy lợi, đồng thời để đảm bảo huy động được nội lực nhân dân, từng bước xã hội hóa công tác thủy lợi, đóng góp của người hưởng lợi cho việc xây dựng kênh loại III, quy định như sau:

- Đối với các công trình thuộc khu vực III: Ngân sách tỉnh đầu tư 100%.

- Đối với các công trình thuộc khu vực I và II: Với kênh lấy nước từ trạm bơm điện: ngân sách tỉnh đầu tư 60%, ngân sách huyện, xã và vốn huy động 40%; kênh lấy nước từ hồ, đập và các nguồn khác: Ngân sách tỉnh đầu tư 50%, ngân sách huyện, xã và vốn huy động 50%.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các nguyên tắc chỉ đạo

- Các công trình khi đưa vào đầu tư phải tuân thủ quy trình chuẩn bị đầu tư như sau: UBND các huyện, thị chỉ đạo các xã, phường nơi có công trình chuẩn bị xây dựng tổ chức họp dân (kể cả các hộ hưởng lợi và các hộ bị ảnh hưởng) cam kết về: Sự cần thiết của công trình, đóng góp của người hưởng lợi trong công tác đền bù, giải tỏa, tái ĐCĐC và xây dựng hệ thống kênh mương (có biên bản kèm theo). Coi đây như là điều kiện tiên quyết cho việc ghi vốn đầu tư xây dựng công trình và đảm bảo nhu cầu đầu tư xuất phát từ cộng đồng và người hưởng lợi;

- Các hệ thống kênh mương phải được thiết kế gắn với các khu dân cư, kết hợp với giao thông nông thôn, giao thông nội đồng để tăng hiệu quả của Đề án;

- Phải có sự giám sát của cộng đồng từ khâu lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, giám sát chất lượng thi công và tổ chức, quản lý, khai thác, di tu, bảo dưỡng công trình sau khi đưa vào sử dụng;

- Mức thu, chi thủy lợi phí, tiền nước từ công trình thủy lợi, do những người hưởng lợi tự bàn bạc, quyết định trên cơ sở đảm bảo cho công tác vận hành, di tu, bảo dưỡng công trình để phục vụ lâu dài; đồng thời tuân thủ các qui định của Pháp luật hiện hành.

- Tạo các điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp và các cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình.

- Chủ đầu tư là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức, quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả của công trình, ngoài các trách nhiệm đã được pháp luật hiện hành qui định.

2. Trách nhiệm của UBND tỉnh

UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

a) Đối với UBND huyện, thị xã.

- UBND huyện, thị xã căn cứ vào Đề án đã được tỉnh phê duyệt, cụ thể hóa thành Đề án riêng của đơn vị mình, hàng năm lập kế hoạch về phát triển thủy lợi nhỏ trình UBND tỉnh và các ngành chức năng xem xét phê duyệt. Đồng thời lập kế hoạch huy động vốn giao cho UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan huy động phần vốn mà địa phương mình phải đóng góp theo qui định.

- Chỉ đạo các địa phương xã, thị trấn nơi có công trình được xây dựng tổ chức họp dân để bàn bạc, thống nhất chủ trương đầu tư, sự đóng góp của người hưởng lợi, thành lập các tổ chức thủy nông cơ sở để phối hợp với các ban ngành của huyện, thị trong việc lập kế hoạch, giải phóng mặt bằng, giám sát thi công và tổ chức quản lý, khai thác, bảo vệ và tu bổ công trình.

- Đảm bảo cho các công trình sau khi hòan thành giai đoạn thi công đưa vào sử dụng phải có tổ chức vận hành, quản lý, bảo vệ công trình; tiến hành thu thủy lợi phí để có đủ kinh phí cho công tác vận hành và di tu bảo dưỡng công trình.

- Để thuận lợi cho công tác huy động sự đóng góp của nhân dân trong công tác chuẩn bị đầu tư, đóng góp nhân lực, vật lực cho công tác thi công, tổ chức giám sát và vận hành quản lý công trình. UBND các huyện, thị, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng xã, phường có thể ủy quyền chủ đầu tư cho UBND các xã thị trấn đối với các công trình có tổng mức đầu tư không lớn và yêu cầu kỹ thuật không phức tạp.

b) Các sở, ngành cấp tỉnh

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị trong việc lập kế hoạch xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ; theo dõi về tiến độ thực hiện và chất lượng xây dựng các công trình. Nắm bắt các vướng mắc trong quá trình thực hiện trình UBND tỉnh và các ngành liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ.

+ Tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho các địa phương trong việc thành lập các tổ chức quản lý, khai thác và di tu bảo dưỡng công trình và thu chi thủy lợi phí, tiền nước.

- Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc cân đối bố trí các nguồn vốn cho Đề án theo thẩm quyền.

- Ban Dân tộc tổng hợp các công trình thuộc chương trình 135, chương trình theo Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi; tham mưu cho UBND tỉnh trình Chính phủ vốn thực hiện theo mục tiêu của các Đề án này.

3. Công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Đề án.

Hàng năm UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện Đề án, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tiến độ thực hiện, các vướng mắc cần tháo gỡ

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 12/2006/NQ-HĐND

Loại văn bảnNghị quyết
Số hiệu12/2006/NQ-HĐND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành03/08/2006
Ngày hiệu lực07/08/2006
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 12/2006/NQ-HĐND

Lược đồ Nghị quyết 12/2006/NQ-HĐND Phát triển thủy lợi nhỏ tỉnh Đắk Nông 2006 - 2010 định hướng đến 2020


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Nghị quyết 12/2006/NQ-HĐND Phát triển thủy lợi nhỏ tỉnh Đắk Nông 2006 - 2010 định hướng đến 2020
                Loại văn bảnNghị quyết
                Số hiệu12/2006/NQ-HĐND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Đắk Nông
                Người kýK’ Beo
                Ngày ban hành03/08/2006
                Ngày hiệu lực07/08/2006
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật18 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Nghị quyết 12/2006/NQ-HĐND Phát triển thủy lợi nhỏ tỉnh Đắk Nông 2006 - 2010 định hướng đến 2020

                  Lịch sử hiệu lực Nghị quyết 12/2006/NQ-HĐND Phát triển thủy lợi nhỏ tỉnh Đắk Nông 2006 - 2010 định hướng đến 2020

                  • 03/08/2006

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 07/08/2006

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực