Nghị quyết 0163-CP

Nghị quyết số 163-CP về cuộc vận động “Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” do Hội đồng Chính phủ ban hành.

Nội dung toàn văn Nghị quyết 163-CP “Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu"


HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

*******

Số: 163-CP

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1963

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CUỘC VẬN ĐỘNG NÂNG CAO Ý THỨC TRÁCH NHIỆM, TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ KINH TẾ TÀI CHÍNH, CẢI TIẾN KỸ THUẬT, CHỐNG THAM Ô, LÃNG PHÍ, QUAN LIÊU

Từ ngày hòa bình được lập lại đến nay, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng và Chính phủ, với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhân dân miền Bắc nước ta đã phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn và đã “giành được những thắng lợi to lớn trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và đang ra sức thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”.

Trong một thời gian tương đối ngắn, thành phần kinh tế quốc doanh đã được xây dựng và phát triển nhanh chóng trong tất cả các ngành. Công nghiệp quốc doanh trung ương đang được xây dựng và phát triển, ngày càng phát huy tác dụng lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân. Cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội đang dần dần được xây dựng. Trên cơ sở quan hệ sản xuất được đổi mới và cơ sở vật chất và kỹ thuật được tăng cường một bước, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nói chung mọi hoạt động kinh tế tài chính của ta đang phát triển khá nhanh. Đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật đã lớn hơn trước cả về số lượng và chất lượng.

Công tác quản lý kinh tế tài chính đã được nâng cao một bước. Trình độ kế hoạch hóa, quản lý sản xuất, quản lý kinh doanh, hạch toán kinh tế có những tiến bộ. Nhiều chính sách, chế độ thể lệ cụ thể về kinh tế tài chính đã được ban hành nhằm đưa công tác quản lý dần dần đi vào nền nếp. Các cơ sở và các ngành cũng được quản lý tập trung và thống nhất dần dần lại. Đáng chú ý là việc thực hiện hạch toán kinh tế từ năm 1957, cuộc vận động cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp quốc doanh năm 1959 và bản điều lệ về chế độ giám đốc phụ trách quản lý xí nghiệp của Hội đồng Chính phủ ban hành năm 1962 đã có tác dụng quan trọng đối với công tác quản lý kinh tế tài chính. Công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp cũng có tiến bộ hơn trước.

Với những tiến bộ nói trên, các ngành và các cơ sở đã phấn đấu hoàn thành, kế hoạch Nhà nước, làm cho sản xuất và kinh doanh phát triển thuận lợi và nhanh chóng.

Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng phát triển, quy mô sản xuất và xây dựng ngày càng mở rộng. Phát huy những khả năng mới và thuận lợi mới chúng ta ra sức phấn đấu để khắc phục những khó khăn, những nhược điểm và khuyết điểm trong công tác quản lý kinh tế tài chính.

Quan hệ sản xuất mới tuy đã hình thành nhưng chưa được củng cố và hoàn thiện. Cơ sở vật chất và kỹ thuật mới bắt đầu được xây dựng, đang còn yếu.

Kinh nghiệm về quản lý Nhà nước nhất là về quản lý kinh tế tài chính của ta còn ít. Năng lực quản lý và trình độ hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ của cán bộ và công nhân ta còn non kém.

Ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa và quan điểm kinh doanh xã hội chủ nghĩa của cán bộ và công nhân chưa được bồi dưỡng và nâng lên kịp với yêu cầu. Tinh thần trách nhiệm chưa đầy đủ, kỷ luật lao động còn lỏng lẻo.

Tổ chức quản lý từ trên xuống dưới còn nhiều chỗ bất hợp lý, chế độ quản lý còn lỏng lẻo tạo nên nhiều sơ hở trong quản lý sản xuất và kinh doanh. Phương hướng, nhiệm vụ sản xuất và kinh doanh của nhiều cơ sở và một số ngành kinh tế chưa được xác định đầy đủ và cụ thể cho phù hợp với tình hình phát triển hiện nay. Tổ chức quản lý còn có nhiều cấp trung gian, nhiều đầu mối, quá phân tán, không phù hợp với yêu cầu quản lý tập trung thống nhất trong một xí nghiệp. Bộ máy quản lý của các ngành, các đơn vị cồng kềnh, chức năng của từng bộ môn, trách nhiệm của mỗi cá nhân chưa rõ ràng. Bệnh quan liêu, giấy tờ nặng. Giây chuyền sản xuất, tổ chức lao động chưa được bố trí hợp lý, chưa phát huy mạnh mẽ công suất của thiết bị và khả năng lao động của công nhân. Chế độ thủ trưởng phụ trách quản lý xí nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, công nhân tham gia quản lý, chưa được quán triệt và thực hiện đúng đắn. Nhiều chính sách, thể lệ, chế độ về kinh tế tài chính chưa được chấp hành nghiêm chỉnh và có nhiều trường hợp bị vi phạm nghiêm trọng. Trong các chính sách, chế độ, thể lệ đã ban hành, có điểm chưa hợp lý hoặc chưa đầy đủ nhưng cũng chưa được sửa đổi và bổ sung. Có nhiều chính sách, chế độ cần thiết chưa được nghiên cứu ban hành. Các mặt nghiệp vụ quản lý còn yếu nhất là về quản lý kỹ thuật. Chất lượng hạch toán kinh tế còn thấp, chưa phản ánh được chính xác và kịp thời mọi hoạt động kinh tế của các ngành, các đơn vị.

Việc hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật chưa được coi trọng đúng mức, tiến bộ kỹ thuật còn chậm.

Sự chỉ đạo của các ngành, các cấp đối với các cơ sở chưa được toàn diện, thiếu sâu sát và kịp thời. Công tác kế hoạch hóa kinh tế quốc dân còn yếu, chưa được cải tiến và tăng cường đúng mức để bảo đảm sự phát triển cân đối của các ngành kinh tế và văn hóa.

Tình hình trên đã làm cho sản xuất và kinh doanh phát triển chưa được mạnh mẽ. Công suất của các thiết bị, máy móc sử dụng chưa được tốt, “năng suất lao động chung tăng chậm, giá thành còn cao, chất lượng còn kém, hiệu quả kinh tế đạt được còn thấp. Tệ tham ô, lãng phí, quan liêu xảy ra khá phổ biến, có nơi khá nghiêm trọng, đã gây nhiều thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân ta”.

Để phát huy mọi khả năng và thuận lợi và khắc phục những khuyết điểm, nhược điểm hiện nay nhằm đẩy mạnh sản xuất phát triển và cải thiện đời sống nhân dân, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết về cuộc vận động “nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Quốc hội trong kỳ họp thứ 6 khóa II đã ra nghị quyết nhất trí tán thành chủ trương tiến hành cuộc vận động này.

Để thi hành nghị quyết của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và nghị quyết của Quốc hội, từ nay cho đến cuối năm 1965, Hội đồng Chính phủ quyết định mở rộng cuộc vận động này trong khu vực kinh tế quốc doanh, trong các đơn vị sự nghiệp và cơ quan hành chính các cấp. Cuộc vận động này cùng với cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp, sẽ có tác dụng to lớn là đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, đưa miền Bắc tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội làm cơ sở vững mạnh cho công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CỦA CUỘC VẬN ĐỘNG

Hội đồng Chính phủ hoàn toàn nhất trí với mục đích và yêu cầu của cuộc vận động này do Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra trong bản nghị quyết số 83-QN-TƯ. Trên cơ sở đó Hội đồng Chính phủ quyết định cụ thể về yêu cầu và trách nhiệm của các ngành, các cấp, và cách tiến hành cuộc vận động.

“A. Mục đích của cuộc vận động này là: tăng cường và cải tiến quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, nhằm đẩy mạnh sản xuất phát triển, tăng năng suất lao động xã hội, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tích cực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và cải thiện đời sống của nhân dân”.

Trước mắt, cuộc vận động này nhằm động viên toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất về phát triển kinh tế quốc dân.

“B. Yêu cầu chung của cuộc vận động: trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 1965, làm cho các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, đến các cơ sở, quán triệt đường lối và nhiệm vụ cách mạng hiện nay, ra sức thực hiện một sự chuyển biến cách mạng trên các mặt tư tưởng và tổ chức, đưa công tác quản lý kinh tế tài chính tiến lên trình độ mới, theo đúng quan điểm và nguyên tắc quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đây là một cuộc đấu tranh cách mạng nhằm xóa bỏ những tư tưởng, những thói hư tật xấu của giai cấp tư sản, những tàn dư của chế độ bóc lột, khắc phục ảnh hưởng của những tập quán kinh doanh cá thể, nhằm hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế toàn diện và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cụ thể là:

1. “Bồi dưỡng và nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa và quan điểm quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa:

Tăng cường giáo dục chính trị và tư tưởng, làm cho cán bộ, công nhân, viên chức quán triệt nghị quyết đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng và các nghị quyết hội nghị lần thứ 5, thứ 7, thứ 8 của Trung ương Đảng. Trên cơ sở đó, nâng cao giác ngộ giai cấp, xây dựng và bồi dưỡng quan điểm quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, phát huy mạnh mẽ ý thức làm chủ tập thể của mọi người, nâng cao nhiệt tình cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật, tinh thần tự lực cánh sinh và cần kiệm xây dựng nước nhà.

- Kiên quyết và bền bỉ đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành động trái với quan điểm và nguyên tắc quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, nhất là tình trạng quản lý phân tán, vô tổ chức.

- Tăng cường đoàn kết nhất trí, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, thi đua làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ.

2. “Tăng cường và cải tiến tổ chức quản lý và nghiệp vụ quản lý:

“Xác định rõ ràng phương hướng, nhiệm vụ sản xuất và kinh doanh của mỗi đơn vị, mỗi ngành”.

- Chấn chỉnh và củng cố tổ chức của các cấp, các ngành, các đơn vị cho hợp lý, mạnh mẽ, gọn, nhẹ, phù hợp với nguyên tắc quản lý tập trung thống nhất và tập trung dân chủ. Quy định rõ ràng chức năng và trách nhiệm của từng tổ, từng cá nhân. Tinh giản biên chế, cải tiến tác phong lãnh đạo và lề lối làm việc, cải tiến tác phong lãnh đạo và lề lối làm việc, khắc phục tình trạng quan liêu, sự vụ, giấy tờ, hội họp quá nhiều.

- Đưa vào nền nếp và quy củ việc chấp hành các chính sách, chế độ, thể lệ về kinh tế tài chính. Bổ sung những điểm còn thiếu, sửa đổi những điểm chưa hợp lý. Nghiên cứu và ban hành các chính sách, chế độ, thể lệ cần thiết. Đưa công tác kiểm tra vào chế độ thường xuyên.

- Tăng cường và cải tiến các mặt quản lý: quản lý kế hoạch, quản lý kỹ thuật, quản lý lao động, quản lý vật tư và quản lý tài vụ.

Nâng cao chất lượng và mở rộng việc thực hiện hạch toán kinh tế trong tất cả các cơ sở sản xuất và kinh doanh. Tăng cường công tác thống kê, biểu báo.

- Chấn chỉnh và tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật, cán bộ quản lý. Sử dụng tốt lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật.

3. “Cải tiến kỹ thuật, phát triển lực lượng sản xuất.

“Cuộc vận động này phải kết hợp chặt chẽ với phong trào thi đua yêu nước mà tiến hành việc cải tiến kỹ thuật, hoặc bổ sung thiết bị máy móc để thực hiện tái sản xuất mở rộng. Qua cuộc vận động, phải nắm vững kỹ thuật, sử dụng đầy đủ công suất của máy móc thiết bị hiện có và sử dụng hợp lý sức lao động, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy phong trào thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất trong tất cả các ngành, các đơn vị”.

Mỗi ngành, mỗi đơn vị cần nghiên cứu đề ra chương trình của mình về hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật để thực hiện trong thời gian kế hoạch 5 năm này.

4. Chống tham ô, lãng phí, quan liêu:

“Cần giáo dục cho cán bộ, công nhân, viên chức nhận thức rõ tham ô, lãng phí, quan liêu và tệ nạn xấu xa của chế độ bóc lột, nó tác hại rất nhiều đến công tác quản lý kinh tế tài chính, đến phát triển sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân. “Tham ô, lãng phí là trái với đạo đức cách mạng, là có tội lỗi đối với Nhà nước và nhân dân. Quan liêu vừa là nguyên nhân đẻ ra tham ô, lãng phí, vừa hạn chế tác dụng lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước”.

“Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là một cuộc đấu tranh cách mạng, cần phát động tư tưởng của mọi người căm ghét và lên án tệ nạn xấu xa ấy, mặt khác cần có biện pháp cụ thể về tổ chức, về quản lý, để ngăn ngừa từ nay về sau.

5. “Tăng cường sự lãnh đạo của Nhà nước đối với công tác quản lý kinh tế tài chính:

- Chấn chỉnh và kiện toàn tổ chức chỉ đạo, bảo đảm sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Chính phủ. Tăng cường trách nhiệm và quyền hạn của các bộ, các tỉnh, thành và thực hiện tốt các quy định về phân cấp quản lý. Đề cao sự hợp tác xã hội chủ nghĩa giữa các ngành và các địa phương. Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện ở các cơ sở.

- Tăng cường sự lãnh đạo của Nhà nước về kế hoạch, về chính sách, thể lệ, chế độ. Thống nhất lãnh đạo chính trị và kinh tế, thực sự đi đâu vào lãnh đạo kinh tế tài chính.

C. Yêu cầu đối với các cấp:

“Trên đây là những yêu cầu chung mà các cấp, các ngành đều phải quán triệt và thực hiện. Đối với từng cấp cần chú trọng những yêu cầu sau đây:

1. Yêu cầu đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh.

- Xác định rõ ràng nhiệm vụ và phương hướng sản xuất và kinh doanh của cơ sở. Chấn chỉnh và củng cố tổ chức sản xuất và kinh doanh cho phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ mới của cơ sở và của ngành. Xây dựng điều lệ tổ chức của từng đơn vị.

- Tăng cường và cải tiến các mặt quản lý kỹ thuật và nghiệp vụ, xúc tiến việc xây dựng các chỉ tiêu kinh tế và kỹ thuật, các định mức lao động… nhằm tận dụng năng lực sẵn có, khai thác mọi khả năng tiềm tàng. Tích cực củng cố và mở rộng việc thực hiện hạch toán kinh tế.

- Tăng cường đoàn kết nhất trí, ra sức thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, nhằm hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch Nhà nước.

- Hết sức đề cao trách nhiệm và quyền lực của giám đốc phụ trách quản lý xí nghiệp. Phát huy đầy đủ vai trò của công đoàn trong việc hướng dẫn quần chúng công nhân, viên chức tham gia quản lý xí nghiệp. Tăng cường đúng mức lãnh đạo của Đảng.

2. Yêu cầu đối với các địa phương (thành, tỉnh).

- Phát huy hơn nữa vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý kinh tế tài chính. Chú trọng đi sâu vào việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch Nhà nước. Mặt khác, phải có kế hoạch trang bị kỹ thuật cho các ngành kinh tế trong địa phương, phù hợp với khả năng và yêu cầu.

- Cải tiến và kiện toàn các bộ máy quản lý kinh tế của địa phương, kiên quyết tinh giản bộ máy quản lý, chống tình trạng tổ chức phân tán và nhiều cấp trung gian, phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp, động viên mọi khả năng và trí tuệ dồi dào của nhân dân địa phương trong việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa.

- Tăng cường sự chỉ đạo và kiểm tra của Ủy ban hành chính thành, tỉnh đối với các xí nghiệp của trung ương hoạt động ở địa phương.

D. Yêu cầu đối với các ngành quản lý sản xuất và kinh doanh của Nhà nước:

Ngoài những yêu cầu chung đã nêu ở trên, mỗi ngành phải nắm vững những yêu cầu chủ yếu của ngành mình và ra sức thực hiện cho tốt:

1. Ngành công nghiệp:

- Xác định rõ nhiệm vụ, chức năng của từng ngành công nghiệp, từng cấp quản lý công nghiệp… Xác định rõ ràng nhiệm vụ và phương hướng sản xuất của các cơ sở, nhất là các xí nghiệp cơ khí. Xác định nhiệm vụ và phương hướng sản xuất của ngành cơ khí theo nguyên tắc chuyên môn hóa và hợp tác hóa là một yêu cầu rất trọng yếu và cấp bách của công nghiệp nước ta hiện nay.

- Chấn chỉnh và kiện toàn bộ máy quản lý công nghiệp cho phù hợp với tính chất, đặc điểm và quy mô của từng ngành công nghiệp. Việc chấn chỉnh và kiện toàn này phải đi đôi với việc giảm nhẹ bộ máy.

- Tăng cường và cải tiến công tác quản lý về mọi mặt, nhất là công tác kế hoạch hóa và quản lý kỹ thuật. Coi trọng việc cân đối giữa sản xuất và nguyên liệu, giữa sản xuất và tiêu thụ. Chấp hành đúng đắn chế độ hạch toán và chế độ báo cáo thống kê của Nhà nước.

- Về quản lý kỹ thuật và cải tiến kỹ thuật, cần chú ý cả hai mặt: biện pháp kỹ thuật và chế độ quản lý kỹ thuật. Tích cực xây dựng và bổ sung các chế độ quản lý kỹ thuật và tăng cường kiểm tra đôn đốc việc thực hiện. Chú trọng xây dựng chế độ sử dụng và tu sửa máy móc để nâng cao công suất sử dụng. Trước mắt, cần bổ sung và xây dựng các quy trình công nghệ, quy phạm kỹ thuật, tăng cường công tác thiết kế chế tạo. Xúc tiến việc xây dựng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, định mức lao động, định mức tiêu hao vật tư kỹ thuật. Xây dựng chế độ và hệ thống tổ chức kiểm tra chất lượng. Nghiên cứu đề ra chương trình và biện pháp cụ thể về hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật.

Ra sức bồi dưỡng và nâng cao trình độ kỹ thuật của cán bộ và công nhân, tích cực thực hiện từng bước việc chuyên môn hóa, hiệp tác hóa và hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nhằm nâng cao công suất của máy móc, thiết bị, tăng năng suất lao động, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Chống hiện tượng để bán thành phẩm tăng quá mức và ứ đọng quá lâu.

- Nghiên cứu quy hoạch phát triển lâu dài của những ngành công nghiệp chủ yếu. Xúc tiến công tác quy hoạch phát triển công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp.

Trên đây là yêu cầu chung đối với các ngành công nghiệp gồm cả công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ. Đối với những ngành dưới đây cần chú ý mấy điểm như sau:

Ngành lâm nghiệp:

- Cải tiến và tăng cường quản lý các lâm trường quốc doanh, kết hợp chặt chẽ và thực hiện cân đối giữa khai thác chế biến, tái sinh rừng, nuôi rừng, trồng rừng và bảo vệ rừng; giữa các khâu khai thác, vận chuyển, phân phối, sử dụng và bảo quản gỗ. Tích cực chống tham ô, lãng phí trong tất cả các khâu quản lý nhất là những khâu khai thác và phân phối gỗ. Khắc phục hiện tượng vận chuyển chậm, và phân phối tùy tiện, không đúng chỗ, không đúng yêu cầu. Tập trung chỉ đạo và lực lượng nhằm vận chuyển nhanh và phân phối đúng yêu cầu những ngành rất quan trọng như xây dựng cơ bản, đóng thuyền, tàu, làm công cụ nông nghiệp…

- Quản lý chặt chẽ việc sử dụng, bảo quản, tu sửa các máy móc, công cụ khai thác, vận chuyển và bốc dỡ gỗ. Chăm sóc tốt trâu, voi và đường sá. Đẩy mạnh phong trào cải tiến công cụ thô sơ, kết hợp bán cơ giới, đồng thời áp dụng cơ giới thích hợp với đặc điểm rừng núi nước ta;

- Kiện toàn các chế độ, thể lệ về kinh tế tài chính, nhất là chế độ hạch toán kinh tế thích hợp với ngành lâm nghiệp.

- Bổ sung, xây dựng các chính sách, thể lệ, chế độ bảo vệ rừng. Triệt để phòng chống lửa.

- Xúc tiến công tác điều tra, quy hoạch, thiết kế, phục vụ kịp thời yêu cầu mở rộng sản xuất và làm cơ sở vững chắc cho việc kinh doanh lâu dài.

Chấn chỉnh tổ chức sản xuất theo phương hướng cố định lâu dài vững chắc. Giải quyết tốt vấn đề phân cấp quản lý bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Kiện toàn tổ chức quản lý ở trung ương. Chấn chỉnh tổ chức quản lý ở cấp tỉnh. Nói chung các cơ sở lâm nghiệp phải tiến tới tự túc về lương thực.

Ngành thủy sản:

- Chú trọng cải tiến và tăng cường nghề lộng, phát triển mạnh nghề khơi, tích cực tăng thêm thuyền buồm và thuyền máy đi khơi. Tăng cường việc giúp đỡ các hợp tác xã phát triển các cơ sở đóng thuyền, đan lưới và sắm thêm thuyền lưới. Kết hợp chặt chẽ nghề đánh cá biển với nghề chế biến thủy sản.

- Xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ và kịp thời giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể cho từng xí nghiệp. Tăng cường và cải tiến các mặt quản lý nhất là quản lý kế hoạch và quản lý kỹ thuật, đưa trình độ tổ chức quản lý và nghiệp vụ quản lý tiến lên một bước mới, bảo đảm quản lý tập trung thống nhất, tập trung dân chủ phù hợp với đặc điểm của ngành.

- Kết hợp cuộc vận động ba xây ba chống với cuộc vận động cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật của hợp tác xã nghề cá.

Qua cuộc vận động này, toàn ngành thủy sản của Nhà nước phải cố gắng lớn lên về mọi mặt và thu được kết quả rõ rệt hơn trong hoạt động.

Ngành địa chất:

- Tập trung giải quyết tốt yêu cầu về khoáng sản trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, chuẩn bị tốt cho kế hoạch 5 năm lần thứ hai: phục vụ cho việc xây dựng quy hoạch dài hạn về phát triển kinh tế và phân bố công nghiệp. Đưa công tác tìm kiếm đi trước và phấn đấu xây dựng sớm kế hoạch dài hạn về công tác thăm dò. Trước mắt ngành địa chất phải kịp thời giải đáp những yêu cầu rất thiết thực của việc thiết kế các công trình khai thác.

- Chấn chỉnh và kiện toàn bộ máy quản lý từ Tổng cục đến Đoàn thăm dò. Tăng cường các mặt quản lý chủ yếu là quản lý kỹ thuật và kế hoạch cho thích hợp với đặc điểm phân tán và lưu động của công tác địa chất.

Ngành quản lý vật tư:

- Tăng cường và cải tiến tổ chức quản lý kinh tế tài chính trong toàn ngành, cải tiến các phương thức cung cấp vật tư kỹ thuật, tăng cường công tác quản lý và kiểm tra việc sử dụng vật tư kỹ thuật. Tích cực đưa công tác cung cấp vật tư vào chế độ định mức kỹ thuật.

- Cải tiến kỹ thuật bốc rót, sắp xếp, bảo quản vật tư và kho tàng.

Qua cuộc vận động này, ngành vật tư cần rút ra những kinh nghiệm đích đáng nhất về tổ chức quản lý vật tư, tổ chức như thế nào thì hợp lý nhất.

2. Ngành nông trường quốc doanh:

- Nghiên cứu quy hoạch cụ thể các nông trường, trên cơ sở đó xác định phương hướng, nhiệm vụ sản xuất của từng ngành, từng nông trường và quy mô hợp lý của mỗi nông trường. Thực hiện chuyên môn hóa sản xuất, phát triển trồng trọt, chăn nuôi chế biến một cách cân đối.

- Nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, trong việc sản xuất và nộp sản phẩm. Tăng cường việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch, tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm hoàn thành kế hoạch sản xuất và kế hoạch nộp sản phẩm cho Nhà nước.

- Cải tiến quản lý về mọi mặt, đặc biệt coi trọng việc xây dựng các chế độ, thể lệ cụ thể về quản lý, quy định chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, từng bộ phận và chế độ trách nhiệm của từng cá nhân, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, bảo đảm sự chỉ đạo được tập trung và thống nhất từ trên xuống dưới.

- Thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật, nâng cao hơn nữa tỷ lệ sử dụng cơ giới vào các khâu canh tác, nâng cao công suất của các loại thiết bị máy móc nhất là máy kéo, áp dụng rộng rãi công cụ cải tiến và tận dụng sức kéo của súc vật. Hết sức chú ý quản lý và sử dụng tốt sức lao động, quản lý và sử dụng tốt đất đai trồng trọt. Ra sức thực hiện thâm canh, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở cho công tác hạch toán kinh tế đến đội sản xuất.

- Nâng cao ý thức về hiệu quả kinh tế của vốn đầu tư, trên cơ sơ đó, động viên toàn ngành nông trường quốc doanh và mọi người trong mỗi nông trường cố gắng hơn nữa trong việc định nhiệm vụ và phương hướng sản xuất hết lòng hết sức phấn đấu để phát huy mọi khả năng của nông trường quốc doanh về mọi mặt: phát triển một số ngành nông nghiệp, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp trong nước, tăng cường sản phẩm xuất khẩu, tăng tích lũy cho Nhà nước, gương mẫu cho các hợp tác xã.

3. Ngành nông nghiệp:

- Tăng cường và cải tiến hệ thống tổ chức quản lý của ngành mình từ trên xuống dưới nhằm quản lý tốt sản xuất nông nghiệp. Tăng cường quản lý các cơ sở quốc doanh và đơn vị sự nghiệp của ngành, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

- Lãnh đạo tốt kỹ thuật canh tác. Có phương hướng sản xuất toàn diện và xây dựng các mặt quản lý lao động, quản lý tài vụ, quản lý kế hoạch sản xuất của hợp tác xã nông nghiệp ngày càng tiến bộ.

- Kết hợp chặt chẽ cuộc vận động ba xây ba chống và cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, trên cơ sở đó, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, thực hiện tốt kế hoạch trồng trọt, chăn nuôi bảo đảm kế hoạch lương thực, thực phẩm nguyên liệu cho công nghiệp trong nước và sản phẩm để xuất khẩu, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

- Qua cuộc vận động này, bộ Nông nghiệp phải cố gắng nâng cao lên một bước năng lực của mình về hai mặt: quản lý kỹ thuật và quản lý sản xuất của nông nghiệp.

4. Ngành thủy lợi:

Tăng cường quản lý việc xây dựng các công trình thủy lợi, kể cả công trình trên và dưới hạn ngạch. Chỉ đạo chặt chẽ công tác khảo sát thiết kế và việc lập kế hoạch thiết kế thi công, tăng cường quản lý kỹ thuật, quản lý vật tư, tài vụ, lao động, đẩy mạnh tốc độ thi công, bảo đảm chất lượng tốt, giá thành hạ, sớm đưa công trình vào phục vụ sản xuất. Bảo quản tốt và tích cực phát huy tác dụng của các công trình thủy lợi, khai thác tốt các hệ thống nông giang, mở rộng diện tích tưới nước tiêu nước theo phương pháp khoa học. Tích cực chống xói lở, bạc màu, kết hợp cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng.

- Bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch thủy lợi của tỉnh, huyện, xã và quy hoạch chống úng, chống hạn cho những vùng trọng điểm, cho từng khu vực ở mỗi địa phương; tích cực phòng và chống bão, chống lụt có hiệu quả để bảo vệ sản xuất và tính mạng, tài sản của nhân dân.

5. Ngành xây dựng cơ bản:

- Xác định rõ trách nhiệm của các bộ, các tỉnh, các đơn vị cơ sở trong công tác xây dựng cơ bản.

- Tăng cường công tác chỉ đạo thiết kế quy hoạch, thiết kế kiến trúc, khảo sát thiết kế và hết sức tiết kiệm sử dụng đất đai trong xây dựng. Hết sức hạn chế dùng đất trồng trọt, nhất là trồng lương thực để xây dựng cơ bản.

- Cải tiến việc lập kế hoạch xây dựng cơ bản theo đúng trình tự xây dựng. Chấm dứt tình trạng chưa có thiết kế đã thi công. Cơ quan chủ quản và cơ quan thiết kế phải phấn đấu giao bản vẽ thi công kịp thời cho cơ quan thi công, tạo điều kiện tốt chuẩn bị thi công chu đáo. Định rõ tiến độ thi công, xác định biện pháp kỹ thuật thi công tiên tiến nhất đối với trình độ nước ta, sử dụng ngày càng nhiều các cấu kiện bê tông đúc sẵn, để đẩy mạnh tốc độ thi công theo đúng kế hoạch tiến độ của Nhà nước, đưa sớm công trình vào sản xuất, bảo đảm chất lượng tốt, giá thành hạ và an toàn lao động trong thi công.

Tăng cường quản lý thi công, hết sức chú trọng công tác thiết kế, tổ chức thi công, đi sâu vào việc quản lý định mức vật tư, quản lý kỹ thuật, quản lý tài vụ, quản lý lao động. Chống tham ô, lãng phí trong việc cung cấp và sử dụng nguyên liệu, vật liệu, xây dựng bộ máy quản lý công trường vững mạnh nhưng rất gọn, nhẹ. Thực hiện chế độ hạch toán kinh tế trong tất cả các loại công trình; từng bước thực hiện hạch toán đến đội, tổ sản xuất. Mở rộng diện trả lương khoán.

- Đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, tận dụng công suất máy móc, thiết bị, cải tiến công cụ hiện có, để nâng cao năng suất lao động, giảm bớt lao động thủ công nặng nhọc. Có chính sách và biện pháp tích cực giải quyết tình hình lao động thừa thiếu thường xảy ra ở các công trường và công ty.

Tùy theo tính chất từng loại công trình mà định chế độ người xây dựng phải bảo đảm chất lượng công trình trong một thời gian nhất định.

6. Ngành vận tải và bưu điện:

Ngành giao thông vận tải:

- Bước đầu cải tạo và xây dựng hợp lý màng lưới giao thông vận tải. Nghiên cứu và ban bố các quy định về việc xây dựng, bảo quản đường sá, lòng lạch, phương tiện vận tải và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện.

- Đẩy mạnh công tác vận doanh tiến lên một bước quan trọng, nắm chắc nguồn hàng và sử dụng hợp lý các phương tiện vận tải, có chế độ vận tải chặt chẽ để khai thác có hiệu quả cao hơn nữa các phương tiện vận tải theo phương châm “nhanh, nhiều, tốt, rẻ và an toàn”. Đồng thời chuẩn bị những trường hợp bất thường vì sản xuất thất bát mà phải thay đổi kế hoạch vận chuyển.

- Coi trọng một cách thiết thực vận chuyển đường sông.

- Cải tiến tổ chức và chế độ bốc dỡ để giải phóng phương tiện, bến, cảng được nhanh chóng, bảo đảm đầy đủ và kịp thời yêu cầu vận chuyển.

- Ra sức cải tiến công tác quản lý vận tải. Tổ chức phân bố và điều độ công tác vận tải được nhanh chóng và hợp lý. Ra sức phấn đấu nâng cao công suất của phương tiện, năng suất lao động, hạ giá thành và nâng cao chất lượng vận chuyển, đáp ứng kịp thời yêu cầu lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế, văn hóa và củng cố quốc phòng.

Ngành bưu điện và truyền thanh:

- Mở rộng và củng cố màng lưới bưu điện và truyền thanh nhằm phục vụ kịp thời sự chỉ đạo của các cấp, phục vụ tốt cho sản xuất, cho trị an và quốc phòng, phục vụ dân sinh và phát triển văn hóa. Bảo đảm chất lượng thông tin nhanh chóng, chính xác, an toàn tiện lợi và phục vụ chặt chẽ yêu cầu chính trị.

Ra sức cải tiến tổ chức quản lý và nghiệp vụ quản lý. Củng cố bưu điện xã, tổ chức tốt công tác phát hành báo chí.

7. Ngành thương nghiệp:

Nội thương:

- Tổ chức tốt việc giao lưu kinh tế, lưu thông hàng hóa nhằm tăng cường quan hệ giữa các ngành kinh tế quốc dân, kích thích và phục vụ sản xuất phát triển, đồng thời phục vụ tốt việc cải thiện đời sống nhân dân.

- Ra sức tăng cường và mở rộng màng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, củng cố thương nghiệp công tư hợp doanh, tiếp tục cải tạo thương nghiệp nhỏ, làm tốt ba mặt trên để xây dựng thị trường xã hội chủ nghĩa thống nhất, tăng cường quản lý thị trường, kiên quyết đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Trừng trị đúng đắn mọi hành động đầu cơ tích trữ.

- Cải tiến tổ chức quản lý nhằm thực hiện việc quản lý thống nhất của toàn ngành, làm cơ sở cho việc xây dựng và quản lý thị trường thống nhất. Đi đôi với việc phát triển màng lưới thương nghiệp, củng cố cơ sở, kiện toàn bộ máy quản lý gọn, nhẹ, hiệu suất cao; tăng cường và cải tiến các mặt nghiệp vụ quản lý, củng cố và mở rộng việc thực hiện hạch toán kinh tế, để nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, hạ thấp chi phí lưu thông, tăng tích lũy cho sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

- Giảm nhẹ bộ máy hành chính hợp lý hóa tổ chức bộ máy thu mua và bộ máy quản lý kinh doanh ở các khâu cho đến cơ sở, giảm các tổ chức trung gian không cần thiết.

- Tăng cường công tác thu mua, nắm khối lượng hàng hóa cần thiết. Chấn chỉnh công tác bảo quản. Ra sức cải tiến công tác phân phối và cung cấp hàng hóa.

- Ngành nội thương của ta phải vươn lên để làm tròn trách nhiệm của mình. Nội thương là phân phối. Đó là một mặt rất quan trọng của chủ nghĩa xã hội. Vậy ngành nội thương phải cố gắng to lớn và bền bỉ để tranh thủ qua cuộc vận động này giành những kết quả tốt đẹp về mọi mặt nhất là về mặt quản lý kinh doanh.

Ngoại thương:

- Ra sức thực hiện một sự chuyển biến căn bản về nhận thức tư tưởng, về ý thức trách nhiệm, về tổ chức và nghiệp vụ trong công tác ngoại thương nhằm phục vụ đường lối kinh tế, đường lối ngoại giao của Đảng và Chính phủ.

Ra sức đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác mọi khả năng tiềm tàng của nền kinh tế miền Bắc nước ta, trong nông nghiệp, công nghiệp và thủ công nghiệp, tạo thêm ngoại hối cần thiết cho nhập khẩu. Thực hiện hợp tác kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng việc trao đổi mua bán với các nước khác.

- Nghiêm chỉnh thực hiện các chỉ tiêu nhập khẩu về thiết bị và máy móc kỹ thuật, nguyên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu, đúng yêu cầu về số lượng, chất lượng, về quy cách và thời gian giao hàng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và cải thiện đời sống nhân dân.

- Tăng cường và cải tiến công tác quản lý kinh doanh trong nước và ngoài nước, bồi dưỡng và nâng cao trình độ nghiệp vụ, trình độ quản lý. Chú trọng theo dõi thị trường quốc tế, nâng cao chất lượng công tác ngoại thương. Củng cố và mở rộng việc thực hiện hạch toán kinh tế nhằm tiết kiệm vốn, hạ thấp chi phí lưu thông, tiết kiệm chỉ tiêu về ngoại tệ, giảm bớt hao hụt, hư hỏng, mất mát hàng hóa, tích cực đóng góp vào nguồn thu ngoại hối và tăng nguồn tích lũy vốn cho Nhà nước.

- Cố gắng hết sức điều hòa việc xuất khẩu và nhập khẩu cho phù hợp với quá trình sản xuất và thực hiện kế hoạch Nhà nước trong mỗi một năm.

Lương thực:

- Phải thật quán triệt nhiệm vụ của ngành lương thực là: tổ chức và quản lý việc thu mua lương thực cho thật tốt, quản lý chặt chẽ việc phân phối lương thực, hướng dẫn và quản lý việc tiêu dùng cho thật tiết kiệm, nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh chính sách lương thực của Đảng và Nhà nước.

- Qua những công tác thực tế, nghiên cứu và đề nghị bổ sung chính sách lương thực nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, đáp ứng nhu cầu của Nhà nước và phù hợp với khả năng của nông dân.

- Toàn ngành cần nỗ lực phấn đấu để cải tiến mọi mặt công tác và chấn chỉnh, kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý của ngành từ Tổng cục đến cơ sở, tích cực chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Củng cố hệ thống kho tàng cho thích hợp, tăng cường chế độ bảo quản lương thực. Quản lý tốt hệ thống máy xay và thực hiện tốt việc chế biến lương thực, đi sâu vào quản lý kinh doanh, quản lý tài sản, quản lý kỹ thuật.

Đ) Yêu cầu đối với các cơ quan tổng hợp của Nhà nước

1. Ủy ban kế hoạch Nhà nước:

- Cải tiến công tác lập kế hoạch nhằm tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng và Chính phủ, đồng thời phát huy tốt hơn tính chủ động và sáng tạo của các ngành, các địa phương và các cơ sở. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác cân đối trong các kế hoạch.

Quy định hệ thống chỉ tiêu của kế hoạch có tính chất pháp lệnh mà các ngành, các địa phương phải chấp hành nghiêm chỉnh, đồng thời xác định những chỉ tiêu tham khảo có tính chất hướng dẫn.

Cải tiến phương pháp lập kế hoạch: hệ thống biểu mẫu, phương pháp tính toán cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế Việt Nam.

- Giúp Chính phủ xác định phương hướng và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của các ngành và các đơn vị lớn, chú trọng các ngành đang có sự thay đổi trong sản xuất.

Tiến hành từng bước việc lập các quy hoạch phát triển các ngành chính trong nền kinh tế quốc dân.

- Cùng các bộ, các ngành đánh giá đúng khả năng thực tế và khả năng tiềm tàng của các ngành, các đơn vị, kịp thời đề ra những biện pháp nhằm cải tiến tổ chức, cải tiến quản lý sản xuất và kinh doanh, nhằm khai thác tốt mọi khả năng của nền kinh tế quốc dân.

Hướng dẫn các bộ, các ngành, các cấp xây dựng các định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật… để trình Chính phủ xét duyệt.

- Tăng cường công tác theo dõi tình hình thực hiện kế hoạch của các ngành để kịp thời đề ra trước Chính phủ những kiến nghị nhằm giải quyết những khó khăn chủ yếu và những khâu mất cân đối trong quá trình thực hiện kế hoạch.

2. Bộ Tài chính:

- Tăng cường việc quản lý tài chính xí nghiệp, việc quản lý ngân sách Nhà nước và việc tổ chức hạch toán kế toán ở các xí nghiệp và cơ quan, phải phát huy chức năng tài chính thông qua phân phối và giám đốc tài chính thúc đẩy việc khai thác khả năng tiềm tàng của các ngành kinh tế quốc dân, thúc đẩy sản xuất và lưu thông, thúc đẩy tiết kiệm, tăng tích lũy cho Nhà nước.

- Đi sát các cơ sở, nắm chắc tình hình để hướng dẫn và kiểm tra việc chấp hành các chế độ, thể lệ tài chính, nhất là chế độ hạch toán kinh tế cho thích hợp với từng ngành.

- Tăng cường hệ thống tổ chức tài chính, tài vụ và kế toán ở các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương và các cơ sở trên tinh thần làm cho bộ máy vừa mạnh vừa gọn. Cải tiến lề lối làm việc để đi sát cơ sở, tăng cường nhiệm vụ phục vụ sản xuất đi đôi với giám đốc tài chính chặt chẽ.

- Phối hợp và giúp đỡ các ngành đào tạo cán bộ, chấn chỉnh tổ chức để tăng cường và cải tiến công tác tài vụ và kế toán.

Nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành những quy định về tài chính nhằm tăng cường một cách đúng mức và vững chắc quyền hạn và trách nhiệm về quản lý tài chính cho những ngành quan trọng, những xí nghiệp quan trọng.

3. Ngân hàng Nhà nước:

- Cải tiến chế độ tín dụng, chế độ thanh toán, chế độ quản lý tiền lương, chế độ tiền mặt… nhằm giúp các xí nghiệp và các cơ quan quản lý kinh tế tài chính sử dụng tốt vốn tự có và vốn vay mượn, tăng cường quản lý tài vụ, tăng cường kỷ luật hợp đồng kinh tế, thúc đẩy việc thực hiện hạch toán kinh tế.

- Thông qua việc cải tiến các chế độ trên, Ngân hàng Nhà nước phát huy hơn nữa vai trò trung tâm phát hành tiền mặt, trung tâm tín dụng và trung tâm thanh toán, phát huy vai trò giám đốc bằng đồng tiền đối với hoạt động kinh tế quốc dân và đối với việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch Nhà nước.

- Chấn chỉnh tổ chức, tăng cường công tác thu nộp kho bạc, để bảo đảm tập trung kịp thời và đầy đủ các khoản thu cho ngân sách Nhà nước.

4. Bộ Lao động:

- Cùng với Bộ chủ quản và Tổng công đoàn đi sâu kiểm tra các chính sách, chế độ, thể lệ về lao động và tiền lương, đặc biệt chú ý việc định mức lao động và chế độ lương khoán, lương sản phẩm. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, kiện toàn chế độ quản lý quỹ tiền lương. Thông qua việc quản lý quỹ tiền lương để quản lý chặt chẽ hơn nữa chỉ tiêu biên chế công nhân và nhân viên công tác trong các cơ sở sản xuất và kinh doanh. Có kế hoạch và biện pháp hướng dẫn việc thực hiện các chính sách, điều lệ, chế độ đã ban hành về chế độ lao động tiền lương.

- Kiện toàn hệ thống tổ chức công tác lao động và tiền lương, nhất là ở cơ sở. Giúp đỡ các ngành, các cấp tăng cường và cải tiến tổ chức quản lý ở các đơn vị sản xuất. Bổ sung chính sách, thể lệ, chế độ về lao động và tiền lương, nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ công tác lao động và tiền lương, tăng cường kỷ luật lao động, tăng năng suất lao động, đẩy mạnh sản xuất phát triển và cải thiện đời sống của công nhân, cán bộ.

5. Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước:

- Kiện toàn tổ chức và xây dựng chế độ, chức trách, nhiệm vụ của các bộ môn nghiệp vụ theo đúng chức năng đã được Hội đồng Chính phủ quy định.

- Tăng cường chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản của Nhà nước theo đúng trình tự xây dựng, theo đúng tiến độ và đưa công trình vào sản xuất sớm:

- Tăng cường kiểm tra việc thực hiện và xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật, xét duyệt thiết kế và dự toán, kiểm tra tình hình thực hiện các chế độ hợp động kinh tế về thiết kế, xây lắp, tạo điều kiện tốt cho công tác thi công theo đúng phương châm “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.

- Giúp đỡ các đơn vị thi công về mặt quản lý kỹ thuật nhằm đẩy mạnh việc sử dụng máy móc thi công trong các ngành xây dựng công nghiệp, giao thông, thủy lợi…

- Cùng với Bộ Kiến trúc và các bộ khác nghiên cứu tổ chức thi công hợp lý đối với từng loại công trình xây dựng cơ bản.

- Phối hợp với Ủy ban khoa học Nhà nước, đẩy mạnh công tác xây dựng định mức tiêu chuẩn, có kế hoạch áp dụng kỹ thuật mới trong ngành xây dựng.

6. Ủy ban khoa học Nhà nước:

- Đi sâu nghiên cứu các vấn đề về quản lý kỹ thuật và cải tiến kỹ thuật. Thông qua cuộc vận động, theo dõi tình hình quản lý kỹ thuật và cải tiến kỹ thuật, xây dựng hệ thống tổ chức của mình cho hợp lý và kịp thời góp ý kiến về quản lý kỹ thuật và cải tiến kỹ thuật với Ban chỉ đạo vận động trung ương.

7. Tổng cục thống kê:

- Tích cực phục vụ cuộc vận động bằng cách cung cấp và xác minh tài liệu, góp ý kiến phân tích hoạt động kinh tế của các đơn vị, phát hiện những ưu điểm, những khuyết điểm và những vấn đề tồn tại trong việc quản lý, kiểm tra để chấn chỉnh và bổ sung chế độ và phương pháp báo cáo thống kê. Thông qua cuộc vận động, phát huy chức năng của công tác thống kê trong việc quản lý kinh tế tài chính và kiện toàn tổ chức ngành thống kê. Quy định thống nhất chỉ tiêu, phương pháp tính toán và hạch toán, phổ biến tận cơ sở và kiểm tra việc chấp hành nghiêm chỉnh, bảo đảm cho việc nắm tình hình của Nhà nước được tập trung thống nhất.

- Cải tiến nghiệp vụ, nâng cao mức độ chính xác của tài liệu và chất lượng báo cáo phân tích, nâng cao hiệu suất công tác để công tác thống kê được kịp thời, đầy đủ và bớt tốn kém.

8. Ủy ban thanh tra của Chính phủ có trách nhiệm chính trong việc phối hợp với các ngành và các địa phương:

Thường xuyên tiến hành thanh tra chống tham ô, lãng phí, quan liêu, kịp thời kiện toàn các khâu sơ hở trong các mặt quản lý kinh tế tài chính của các ngành. Thông qua cuộc vận động và các cuộc thanh tra thường xuyên, tổng hợp phân tích tình hình tham ô, lãng phí, quan liêu để có kiến nghị về phương hướng, yêu cầu giáo dục và tăng cường quản lý và về chính sách thưởng, phạt nhằm ngăn chặn những tệ nạn ấy.

- Kiểm tra lại một số đơn vị sau khi cuộc vận động đã kết thúc trên các mặt: kết quả sửa chữa, thi hành chính sách thưởng, phạt và giải quyết những vụ tồn tại về xử lý.

9. Bộ Nội vụ:

Giúp Hội đồng Chính phủ hướng dẫn các ngành, các cấp, cải tiến và tăng cường bộ máy hành chính giảm nhẹ biên chế, cải tiến lề lối làm việc và xây dựng điều lệ tổ chức làm cho bộ máy Nhà nước được gọn, nhẹ, sát với dân, phục vụ tốt cho sản xuất. Giúp đỡ các ngành, các cấp xác định nhiệm vụ, quyền hạn của mình, làm tốt việc phân cấp quản lý và xây dựng chế độ chức trách cho từng đơn vị tổ chức. Hướng dẫn Ủy ban hành chính các cấp đẩy mạnh hoạt động nhằm phát huy năng lực quản lý kinh tế tài chính, quản lý mọi mặt công tác của địa phương. Xây dựng các điều lệ tổ chức chung của Nhà nước: điều lệ tổ chức các bộ, điều lệ tổ chức cấp tỉnh, huyện, điều lệ tổ chức cấp xã.

10. Các văn phòng của Phủ Thủ tướng:

- Các văn phòng của Phủ Thủ tướng có trách nhiệm phối hợp với Ban chỉ đạo trung ương hướng dẫn và giúp đỡ các ngành tiến hành tốt cuộc vận động.

- Qua cuộc vận động, tổng hợp nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ giải quyết những vấn đề nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Chính phủ đối với công tác quản lý kinh tế tài chính.

E. Yêu cầu đối với các cơ quan sự nghiệp và hành chính.

Yêu cầu chung là:

- Quy định rõ ràng chức năng của từng tổ chức, từng cá nhân, đề cao trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị, từng cá nhân nhằm tăng cường hơn nữa, hiệu lực của các cơ quan Nhà nước, thực hiện tốt việc phân cấp quản lý!

- Tăng cường việc nghiên cứu và chấp hành các chính sách chế độ, thể lệ về các mặt chuyên môn, nghiệp vụ, hành chính.

- Cải tiến và kiện toàn bộ máy hành chính giảm nhẹ biên chế, sửa đổi lề lối làm việc và xây dựng điều lệ tổ chức của cơ quan, làm cho tổ chức bộ máy Nhà nước được mạnh, gọn, sát dưới phục vụ tốt cho sản xuất. Tránh tình trạng tổ chức cồng kềnh, phân tán, nhiều cấp trung gian. Tích cực chống bệnh quan liêu, sự vụ và giấy tờ, hội họp quá nhiều.

- Nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ. Ra sức phấn đấu nâng cao hiệu suất và chất lượng công tác và mở rộng phạm vi phục vụ.

Ngoài yêu cầu chung trên đây, mỗi ngành, mỗi cơ quan tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình mà đề ra yêu cầu cụ thể để làm tốt cuộc vận động trong cơ quan mình, ngành mình và phục vụ cuộc vận động chung được tốt.

1. Bộ Y tế:

Tăng cường quản lý các cơ sở chữa bệnh, khám bệnh, các cơ sở sản xuất và kinh doanh chống tham ô, lãng phí trong các khâu chế biến, bảo quản buôn bán và sử dụng dược liệu, dược phẩm. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ra sức phấn đấu nâng cao chất lượng công tác vệ sinh, phòng bệnh và điều trị, củng cố và mở rộng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng thêm phương tiện và nâng cao ý thức trách nhiệm nhằm phục vụ tốt sức khỏe, góp phần cải thiện đời sống vật chất của nhân dân.

2. Bộ Văn hóa:

Tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các đơn vị sự nghiệp.

- Nâng cao trình độ chính trị, nghệ thuật, kỹ thuật, nghiệp vụ và mở rộng phạm vi phục vụ nhằm nâng cao chất lượng và tăng thêm hoạt động văn hóa, góp phần cải thiện đời sống tinh thần của nhân dân.

- Tuyên truyền sâu rộng về cuộc vận động trong quần chúng.

3. Bộ Công an:

Quan tâm đầy đủ đến việc bảo vệ sản xuất, bảo vệ bí mật kinh tế, bảo vệ tài sản của Nhà nước, bảo vệ cuộc vận động, đề phòng kẻ địch phá hoại.

4. Bộ Quốc phòng:

Cần có kế hoạch thực hiện cuộc vận động này đối với các công trường, xí nghiệp và hoạt động hậu cần trong quân đội, đồng thời có kế hoạch phối hợp với cuộc vận động xây dựng quân đội.

Trên đây chỉ nêu rõ một số ngành, một số cơ quan, vì không cần thiết nêu đầy đủ tất cả các ngành, các cơ quan. Tất cả các bộ, các cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và các ủy ban hành chính các cấp cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình và tình hình cụ thể của ngành mình, địa phương mình mà đề ra yêu cầu cụ thể và toàn diện cho cuộc vận động, phù hợp với đặc điểm của mỗi ngành, mỗi cấp.

Việc tinh giản bộ máy và điều chỉnh biên chế cần kết hợp chặt chẽ với cuộc vận động này mà tiếp tục làm. Cố gắng sớm đi đến kết quả thiết thực.

 

II. PHƯƠNG CHÂM VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH CUỘC VẬN ĐỘNG

A. Phương châm:

Cuộc vận động “nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” là một cuộc vận động cách mạng của quần chúng đi sâu vào sản xuất, đi sâu vào quản lý kinh tế tài chính. Trong khi tiến hành, cần nắm vững phương châm sau đây:

1. Phải coi trọng cả hai mặt “xây và chống”, muốn xây tốt thì phải chống tốt, và chống thì phải nhằm phục vụ xây”.

2. Coi trọng phát động tư tưởng, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình.

3. Kết hợp tốt cuộc vận động với việc thực hiện kế hoạch sản xuất và công tác, bảo đảm sản xuất tốt và vận động tốt.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ với quần chúng, cấp trên phải gương mẫu, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc thực hiện tự phê bình và phê bình, quyết tâm sửa chữa khuyết điểm. Cấp trên phải có kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo, giúp đỡ thiết thực cấp dưới và cơ sở làm tốt cuộc vận động.

5. Chuẩn bị thật chu đáo nhưng làm cho gọn, tranh thủ đạt kết quả tốt.

Trong quá trình tiến hành cuộc vận động, phải luôn luôn đề cao cảnh giác cách mạng, tăng cường bảo vệ sản xuất, bảo vệ bí mật kinh tế của Nhà nước, đề phòng kẻ địch phá hoại.

B. Phương pháp tiến hành:

1. Trước khi mở rộng cuộc vận động, các cấp, các ngành cần chọn một số cơ sở tiêu biểu cho các mặt hoạt động chủ yếu của cấp mình, ngành mình để làm thí điểm trước.

2. Đối với các bộ, các cơ quan ngang bộ ở trung ương, khi tiến hành cuộc vận động, sẽ theo trình tự sau đây:

a) Đối với các bộ và tổng cục quản lý sản xuất và kinh doanh toàn bộ cuộc vận động sẽ chia làm bốn đợt lớn:

- Đợt làm thí điểm.

- Đợt tiến hành cuộc vận động ở trên Bộ và Tổng cục.

- Đợt làm các cơ sở trọng điểm.

- Đợt kết thúc.

Từ nay cho đến cuối năm 1963, các bộ và tổng cục phải làm xong đợt thí điểm (kể cả việc làm thêm thí điểm) và làm xong công tác chuẩn bị về mọi mặt: tư tưởng và tổ chức cho đợt vận động ở bộ và tổng cục, kết hợp với tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước 1963 và xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1964. Bắt đầu từ tháng 1-1964 tiến hành cuộc vận động ở trên bộ và tổng cục cho đến tháng 5-1964 thì kết thúc đợt vận động này. Trong khi tiến hành ở trên bộ và tổng cục cần xúc tiến công tác chuẩn bị cho đợt làm ở các cơ sở trọng điểm để có thể tiến hành tiếp luôn sau khi làm xong đợt ở bộ và tổng cục.

Trong đợt tiến hành ba tháng ở bộ và tổng cục, chỉ mới đề xuất phương hướng, nội dung và biện pháp tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật và tranh thủ sửa chữa, cải tiến một số điểm cấp thiết. Sau này trong quá trình chỉ đạo cuộc vận động ở các cơ sở, những vấn đề nêu ra trong phương án sẽ lần lượt được giải quyết. Phải chú ý điểm rất quan trọng này: đợt làm ở bộ và tổng cục nhằm cải tiến công tác ở bộ và tổng cục, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục làm ở cơ sở. Phải nhớ rằng nếu ở trên mà không cải tiến thì khó nói cải tiến ở dưới.

Đến đầu năm 1965, các bộ và tổng cục sẽ kiểm tra lại về mọi mặt để sơ bộ đánh giá kết quả, phát hiện tình hình mới và bổ sung thêm cho phương án sửa chữa, cải tiến của mình nhằm đẩy mạnh việc hoàn thành thắng lợi cuộc vận động và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Đợt làm các trọng điểm bắt đầu từ giữa năm 1964 và kết thúc vào cuối năm 1964.

Đợt kết thúc sẽ làm tiếp đợt trọng điểm và hoàn thành vào khoảng tháng 9 năm 1965.

b) Các bộ, các cơ quan tổng hợp của Nhà nước sẽ tiến hành cuộc vận động đồng thời với các bộ và tổng cục quản lý sản xuất và kinh doanh. Dự kiến thời gian bắt đầu tiến hành từ cuối tháng 2-1964 và kết thúc vào khoảng tháng 5-1964. Ngay từ bây giờ phải tích cực chuẩn bị về mọi mặt và xúc tiến việc lập phương án tiến hành cuộc vận động trong ngành mình.

c) Các cơ quan sự nghiệp và hành chính: sẽ tiến hành cuộc vận động ở bộ vào khoảng tháng 6 năm 1964.

Đặc biệt đối với những bộ có quản lý một số cơ sở sản xuất và kinh doanh (như bộ Y tế, bộ Văn hóa…) thì có thể tích cực chuẩn bị để làm ở bộ sớm hơn (vào khoảng tháng 2-1964). Trong khi chuẩn bị, vẫn phải chỉ đạo các cơ sở tiến hành cuộc vận động nhưng chưa nên mở rộng.

3. Đối với các địa phương:

Khi tiến hành cũng chia thành từng đợt. Hiện nay, các địa phương cần tập trung chỉ đạo tốt các thí điểm và cố gắng từ nay đến cuối năm 1963 thì tổng kết xong các thí điểm. Riêng Hải Phòng sẽ tổng kết sớm để rút kinh nghiệm cho các nơi khác. Mặt khác, phải tích cực chuẩn bị về mọi mặt, để sau khi kết thúc đợt thí điểm, có thể mở rộng cuộc vận động ở địa phương. Khi đợt vận động ở Bộ và Tổng cục kết thúc (vào khoảng tháng 5-1964) các địa phương sẽ phối hợp để làm tốt cuộc vận động trong các xí nghiệp của trung ương. Vì vậy, địa phương phải có kế hoạch chu đáo để vừa làm tốt cuộc vận động trong các đơn vị do địa phương quản lý, vừa phối hợp chặt chẽ với các bộ và tổng cục để làm tốt cuộc vận động trong các xí nghiệp của trung ương và phải bảo đảm thời gian chung từ nay đến cuối năm 1965 thì kết thúc toàn bộ cuộc vận động ở địa phương.

4. Ở các cơ sở:

Trước khi tiến hành cuộc vận động, cần coi trọng và làm tốt công tác chuẩn bị, nhưng phải làm gọn, không kéo dài. Khi tiến hành, sẽ chia ra mấy bước, nhằm làm thật tốt trong cán bộ rồi mới phát động quần chúng. Không kể thời gian chuẩn bị, thời gian chung của các bước vào khoảng bốn tháng.

Lúc nào chuẩn bị, lúc nào bắt đầu và làm như thế nào, bộ và tổng cục sẽ có hướng dẫn thiết thực, vững chắc và kịp thời.

5. Vấn đề thưởng, phạt trong cuộc vận động:

Trong cuộc vận động này, cần thi hành cả thưởng và phạt mục đích là nhằm giáo dục nâng cao tư tưởng, nâng cao trình độ quản lý và cải tiến tác phong của mọi người. “Chính sách chung là lấy giáo dục làm chính, khuyến khích mọi người phát huy ưu điểm, thành khẩn nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa để tiến bộ không ngừng”.

Việc thưởng, phạt phải thận trọng, nghiên cứu kỹ về mọi mặt và phải căn cứ vào chính sách hiện có của Nhà nước mà thi hành. Đối với những phần tử quá xấu, đã gây những thiệt hại lớn, thì phải xử trí nghiêm khắc.

 

III. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO CUỘC VẬN ĐỘNG

1. Cuộc vận động “nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” là một cuộc vận động cách mạng rộng lớn của quần chúng, đi sâu vào sản xuất, đi sâu vào quản lý kinh tế tài chính. Cho nên khi tiến hành, từ Chính phủ cho đến thủ trưởng của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị đều phải tăng cường lãnh đạo và thực sự chỉ đạo có khi trực tiếp chỉ đạo cuộc vận động.

a) Trách nhiệm của Bộ trưởng và Tổng cục trưởng là chỉ đạo cuộc vận động trong tất cả các đơn vị do Bộ và Tổng cục quản lý. Phải tập trung chỉ đạo thí điểm cho thật tốt, qua đó rút kinh nghiệm để chỉ đạo chung và chuẩn bị tốt cho việc tiến hành đợt vận động ở Bộ và Tổng cục.

Sau khi tiến hành đợt vận động ở Bộ và Tổng cục và đã đề ra được phương án tăng cường và cải tiến quản lý đối với toàn ngành, các bộ và tổng cục phải huy động các cục, các vụ tập trung chỉ đạo cuộc vận động ở các cơ sở. Trong quá trình chỉ đạo, vừa phải tiếp tục hoàn thiện phương án, vừa phải thực hiện tốt những yêu cầu mà phương án đã đề ra. Đối với những vấn đề quan trọng như cải tiến tổ chức quản lý, xác định phương hướng, nhiệm vụ cho từng đơn vị, hoặc đối với những vấn đề cần đề nghị Chính phủ giải quyết, thì cần có sự phân công cụ thể cho từng cục, vụ chịu trách nhiệm và định thời hạn phải hoàn thành. Phải gắn chặt cuộc vận động này với công tác chỉ đạo thường xuyên và coi các biện pháp tăng cường và cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật là những biện pháp chủ yếu để hoàn thành kế hoạch Nhà nước. Sau cuộc vận động này, ở tất cả các đơn vị do Bộ và Tổng cục quản lý, đều phải đạt được một chuyển biến cách mạng trên các mặt tư tưởng và tổ chức, đưa công tác quản lý kinh tế tài chính lên trình độ mới, bảo đảm hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất.

Ban chỉ đạo cuộc vận động ở Bộ và Tổng cục do Bộ trưởng, Tổng cục trưởng phụ trách, có Thứ trưởng, Tổng cục phó chuyên trách.

Trong các cuộc họp thường kỳ của Hội đồng Chính phủ nhân dịp các quý, nhất là nhân dịp sáu tháng và cuối năm, các bộ trưởng, tổng cục trưởng phải báo cáo tình hình tiến hành và kết quả cuộc vận động trong ngành mình phụ trách.

Đối với các đơn vị do địa phương quản lý, các bộ, các tổng cục phải giúp đỡ về mặt nghiệp vụ, kỹ thuật.

Từng Bộ, từng Tổng cục cần giải quyết tốt những việc mình phụ trách mà có liên quan đến cuộc vận động ở các ngành khác.

b) Trách nhiệm của Ủy ban hành chính thành, tỉnh là chỉ đạo cuộc vận động trong tất cả các đơn vị do địa phương mình quản lý. Phải huy động các sở, ty có liên quan và phối hợp chặt chẽ với các bộ chủ quản đi sâu vào quản lý kinh tế tài chính, đi sâu vào nghiệp vụ và kỹ thuật để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm tốt cuộc vận động. Địa phương phải giải quyết tốt những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình và phát hiện, báo cáo lên Chính phủ giải quyết những vấn đề ngoài quyền hạn của mình.

Đối với các xí nghiệp của trung ương ở tại địa phương, Ủy ban hành chính thành, tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các bộ chủ quản, tham gia chỉ đạo, bảo đảm cho cuộc vận động tiến hành thuận lợi và đạt kết quả tốt.

Ở các địa phương (thành, tỉnh) cần thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động. Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Ủy ban hành chính thành, tỉnh phải làm trưởng ban và thực sự làm việc.

Các thành, tỉnh phải chấp hành đúng chế độ báo cáo, thỉnh thị lên Trung ương và Chính phủ.

Đối với Ủy ban hành chính khu tự trị, cần tăng cường kiểm tra đôn đốc các tỉnh, bảo đảm thực hiện đúng nội quy, yêu cầu và thời gian của cuộc vận động.

c) Đối với các cơ sở:

Đối với cuộc vận động, thủ trưởng đơn vị phải chỉ đạo, đảng ủy lãnh đạo, công đoàn và đoàn thanh niên lao động chịu trách nhiệm động viên và tổ chức công nhân, viên chức, thanh niên tích cực hưởng ứng và thực hiện cuộc vận động.

Các cơ sở phải làm tốt cuộc vận động ở cơ sở mình. Phải liên hệ mật thiết với cấp trên trong cuộc vận động và đề nghị với cấp trên giải quyết những vấn đề cần thiết cho cuộc vận động nhằm tăng cường và cải tiến quản lý ở đơn vị mình và góp phần tăng cường và cải tiến quản lý cho cấp trên.

2. Các cơ quan tổng hợp của Nhà nước:

Các cơ quan tổng hợp của Nhà nước phải hết sức quan tâm làm tốt cuộc vận động trong cơ quan mình để góp phần tăng cường quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho các bộ, các tổng cục quản lý và các cơ sở sản xuất và kinh doanh tiến hành cuộc vận động được thuận lợi và đạt kết quả tốt.

Phải có trách nhiệm phát hiện tình hình, góp ý kiến xây dựng các mặt chuyên môn, nghiệp vụ như hạch toán kinh tế, kế toán, thống kê, an toàn lao động… và những vấn đề do các ngành và các đơn vị đề ra trong quá trình cuộc vận động.

Hội đồng Chính phủ nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Tổng công đoàn, Đoàn thanh niên lao động và Hội liên hiệp phụ nữ trong việc động viên, giáo dục và tổ chức cán bộ, công nhân, viên chức, thanh niên tích cực hưởng ứng và hăng hái thực hiện cuộc vận động.

3. Ở trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động trung ương để giúp Trung ương Đảng, và Chính phủ lãnh đạo cuộc vận động. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo trung ương là:

- Giúp Trung ương Đảng và Chính phủ nghiên cứu nội dung và kế hoạch cụ thể của cuộc vận động, hướng dẫn các bộ, các cơ quan ngang bộ và các địa phương lập kế hoạch tiến hành cuộc vận động.

- Giúp Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo và kiểm tra, đôn đốc cuộc vận động ở các cấp, các ngành và các địa phương.

- Nghiên cứu những chủ trương và biện pháp nhằm giải quyết những việc có liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương trong quá trình cuộc vận động.

- Tổ chức chỉ đạo thí điểm của trung ương.

- Từng thời kỳ sơ kết để rút kinh nghiệm và giải quyết những vấn đề chung nhằm đẩy mạnh cuộc vận động. Tổng kết cuộc vận động.

Ban chỉ đạo trung ương, cần được tăng cường thêm cán bộ có năng lực để giúp Ban chỉ đạo tốt cuộc vận động.

*

* *

Cuộc vận động “nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” là một cuộc vận động cách mạng, một phong trào rộng lớn của toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức. Cuộc vận động này có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt và bao gồm một phạm vi rộng lớn: từ quản lý toàn bộ nền kinh tế tài chính của Nhà nước đến quản lý từng đơn vị cơ sở; từ trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ và cơ quan ngang bộ đến thủ trưởng đơn vị và từng cán bộ, công nhân, viên chức; từ tổ chức, chính sách, chế độ, biện pháp đến tư tưởng, tác phong, phương pháp làm việc… đều liên quan khăng khít với nhau, đều phải được tăng cường và cải tiến thì toàn bộ cuộc vận động mới được tiến hành thuận lợi và đem lại kết quả tốt. Như vậy, nghĩa là từ nay đến cuối năm 1965 phải thực hiện một sự chuyển biến cách mạng từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, trong các cấp, các ngành, đưa công tác quản lý kinh tế tài chính tiến lên trình độ mới theo đúng quan điểm và nguyên tắc quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực nhất vào việc hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất.

Hội đồng Chính phủ tin tưởng rằng với quyết tâm của tất cả các đồng chí thành viên của Hội đồng Chính phủ, tất cả các đồng chí thủ trưởng các ngành và các địa phương, với tinh thần tích cực và hăng hái của toàn bộ cán bộ, công nhân, viên chức, nhất định cuộc vận động sẽ đạt được kết quả to lớn về chính trị và kinh tế, về tư tưởng và tổ chức về nghiệp vụ và kỹ thuật. Thắng lợi của cuộc vận động sẽ có tác dụng đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thúc đẩy sản xuất công nghiệp và nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, nhằm tăng cường lực lượng của miền Bắc làm cơ sở vững mạnh cho công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

 

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 0163-CP

Loại văn bảnNghị quyết
Số hiệu0163-CP
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành25/10/1963
Ngày hiệu lực09/11/1963
Ngày công báo13/11/1963
Số công báoSố 39
Lĩnh vựcBộ máy hành chính
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật17 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Nghị quyết 163-CP “Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu"


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Nghị quyết 163-CP “Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu"
                Loại văn bảnNghị quyết
                Số hiệu0163-CP
                Cơ quan ban hànhHội đồng Chính phủ
                Người ký***
                Ngày ban hành25/10/1963
                Ngày hiệu lực09/11/1963
                Ngày công báo13/11/1963
                Số công báoSố 39
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính
                Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
                Cập nhật17 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Nghị quyết 163-CP “Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu"

                            Lịch sử hiệu lực Nghị quyết 163-CP “Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu"

                            • 25/10/1963

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 13/11/1963

                              Văn bản được đăng công báo

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 09/11/1963

                              Văn bản có hiệu lực

                              Trạng thái: Có hiệu lực