Nghị quyết 20/2007/NQ-CP

Nghị quyết số 20/2007/NQ-CP về phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2007 do Chính Phủ ban hành

Nội dung toàn văn Nghị quyết 20/2007/NQ-CP phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2007


CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/2007/NQ-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 2007 

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 3 NĂM 2007

Trong hai ngày 05 và 06 tháng 4 năm 2007, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3, bàn và quyết nghị các nội dung sau:

1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Chương trình hành động của Chính phủ nhằm cụ thể hóa những định hướng nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết thành các đề án, công việc cụ thể phải làm; đồng thời tiến hành rà soát các chương trình, đề án có liên quan đã và đang được thực hiện để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết. Trong đó, tập trung vào các đề án về biên giới lãnh thổ trên biển, điều tra cơ bản, quan trắc môi trường và quy hoạch kinh tế biển. Quy hoạch phát triển phải đi liền với các đề án cụ thể, cơ chế, chính sách và giải pháp tổ chức thực hiện. Đầu tư phát triển toàn diện ngành thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, du lịch biển, dân sự hóa biển, đảo; xây dựng và củng cố hệ thống đê biển, trồng rừng ven biển, bảo vệ môi trường biển; phòng chống thiên tai, tổ chức cứu hộ, cứu nạn; hợp tác quốc tế về biển nhằm thực hiện thành công Chiến lược biển.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 4 năm 2007. Giao Bộ Nội vụ trình Chính phủ phân công cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp về biển trong cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII.

2. Về Đề án Phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình: Phát triển nhanh, đồng bộ, vững chắc, từng bước đưa thị trường vốn, nhất là thị trường chứng khoán trở thành bộ phận quan trọng của thị trường tài chính ở nước ta, góp phần quan trọng cho việc huy động vốn đầu tư phát triển. Để thị trường chứng khoán phát triển vững chắc, có khối lượng hàng hóa lớn và tránh được tác động tiêu cực có thể xảy ra, cần quy định rõ các điều kiện và giải pháp kiểm soát chặt chẽ hàng hóa đăng ký, niêm yết, giao dịch trên thị trường, kể cả thị trường không chính thức. Đồng thời, sớm hình thành cơ quan giám sát thị trường; ban hành cơ chế, chính sách kiểm soát việc rút vốn, chuyển vốn ra nước ngoài, khuyến khích niêm yết cổ phiếu ở thị trường nước ngoài.

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Đề án phát triển thị trường vốn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 theo hướng chỉ giới hạn trong lĩnh vực chứng khoán, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong tháng 4 năm 2007.

3. Chính phủ cơ bản nhất trí nội dung dự thảo Nghị định do Tổng Thanh tra Chính phủ về Thanh tra viên và Cộng tác viên thanh tra. Riêng nội dung về thẩm quyền bổ nhiệm Thanh tra viên và Thanh tra viên chính, cần phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm trên cơ sở tiêu chuẩn quy định tại Nghị định.

Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, trong đó lưu ý về tính thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành về phân cấp quản lý, bổ nhiệm cán bộ để hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong tháng 4 năm 2007.

4. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Đề án điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, lộ trình thực hiện mức lương tối thiểu thống nhất trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2008-2012.

Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Chỉ đạo Cải cách chính sách tiền lương và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, xây dựng Đề án tổng thể về cải cách chính sách tiền lương, trong đó có các nội dung về điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, lộ trình thực hiện mức lương tối thiểu thống nhất trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2008-2012, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong tháng 5 năm 2007, trước khi Chính phủ trình Bộ Chính trị và Quốc hội.

5. Về dự thảo Nghị định khuyến khích phát triển thương mại đối với vùng khó khăn do Bộ trưởng Bộ Thương mại trình: Chính phủ nhất trí việc khuyến khích phát triển thương mại đối với vùng khó khăn cần được tiếp tục, phù hợp với tình hình mới, không trái với quy định của pháp luật hiện hành và cam kết của nước ta với Tổ chức Thương mại thế giới.

Thay cho việc ban hành Nghị định nêu trên, Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, tổ chức khảo sát, tổng kết, xây dựng và trình Chính phủ đề án về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân, thay thế chính sách trợ giá, trợ cước đối với vùng khó khăn. Giao Bộ Tài chính chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay tín dụng ưu đãi đối với thương nhân kinh doanh thương mại tại vùng khó khăn. Giao Bộ Thương mại chủ trì, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ các hoạt động về đào tạo, triển lãm, nghiên cứu xúc tiến phát triển thương mại đối với vùng khó khăn.

6. Về dự thảo Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí do Bộ Văn hóa - Thông tin trình: Việc ban hành Quy chế này nhằm tạo cơ sở pháp lý để báo chí tiếp cận thông tin chính thống, chính xác và kịp thời, thực hiện tốt việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và định hướng dư luận xã hội. Nội dung quy chế phải thể hiện rõ trách nhiệm chủ động của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước và người được ủy quyền trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đúng quy định của páhp luật, thuận lợi cho cả người có trách nhiệm phát ngôn, hoặc cung cấp thông tin và cơ quan báo chí được tiếp nhận thông tin.

Giao Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 4 năm 2007.

7. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Báo cáo về tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính quý I năm 2007, việc hợp nhất Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính Quốc gia; xem xét Báo cáo cải cách hành chính quý I năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thnàh phố Hồ Chí Minh.

Chính phủ cơ bản nhất trí với các báo cáo trên. Từ đầu năm đến nay, công tác cải cách hành chính đã được các bộ, ngành và địa phương quan tâm triển khai tích cực, đạt được một số kết quả tốt cần tiếp tục phát huy, nhất là về rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp. Chính phủ xác định trọng tâm công tác cải cách hành chính quý II năm 2007 tập trung vào các việc sau đây:

a) Trong tháng 4 năm 2007, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiến hành rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan mình theo hướng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, đẩy mạnh việc phân cấp và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các bộ đã được phân công, tiến hành triển khai cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" về thủ tục hành chính nhất là các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp. Bộ Nội vụ chủ trì báo cáo Chính phủ Đề án về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, nghiên cứu để ban hành văn bản về thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện và yêu cầu cụ thể đối với mỗi ngành nghề kinh doanh có điều kiện, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

c) Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát, chủ động bãi bỏ, sửa đổi theo thẩm quyền những thủ tục hành chính không phù hợp theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho dân và doanh nghiệp. Đối với vấn đề vượt thẩm quyền của các bộ, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, bao gồm cả việc loại bỏ các loại giấy phép "con" qua rà soát thủ tục hành chính.

d) Văn phòng Chính phủ chủ trì việc tiếp tục rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc giảm các ban chỉ đạo phối hợp liên ngành thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các bộ, ngành, địa phương rà soát và quyết định việc giảm các ban chỉ đạo phối hợp liên ngành thuộc thẩm quyền.

đ) Tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, Bộ Nội vụ trình Chính phủ Báo cáo chuyên đề cải cách hành chính về phân cấp và ủy quyền, trong đó bao gồm tình hình thực hiện Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP ngày 30 tháng 4 năm 2004 về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

e) Bộ Bưu chính, Viễn thông phối hợp với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2007 về Đề án Chính phủ điện tử giai đoạn 2007-2010.

g) Tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ, các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thông tin và Ủy ban Thể dục thể thao báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện xã hội hóa và đề án thí điểm cổ phần hóa bệnh viện, trường đại học, cao đẳng, đơn vị sự nghiệp, dịch vụ về văn hóa thông tin, khoa học và công nghệ, thể dục thể thao công lập trực thuộc. Bộ Tài chính báo cáo tình hình thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006. Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo tình hình thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005.

8. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình Báo cáo công tác quản lý xây dựng đô thị; xem xét Báo cáo về xây dựng và quản lý đô thị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Trong những năm qua, cùng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa ở nước ta đã phát triển với tốc độ khá cao cả về số lượng, chất lượng, quy mô và cở sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ. Tuy nhiên, công tác quản lý đô thị còn nhiều yếu kém bất cập, nhất là việc thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch, cấp phép, kiểm tra, giám sát chất lượng, phân cấp quản lý và xử lý vi phạm chưa tốt. Tình trạng xây dựng không phép, sai phép tuy có giảm nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn, nhất là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý xây dựng, quản lý đô thị theo quy định của pháp luật; rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật cho phù hợp với yêu cầu quản lý xây dựng, kể cả quy định về tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Tập trung làm tốt công tác quy hoạch, sử dụng vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác quy hoạch, quan tâm chỉ đạo việc thực hiện và công khai quy hoạch tỷ lệ 1/500. Giao Bộ tài nguyên và Môi trường nghiên cứu để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thủ tục cấp đất cho các dự án phát triển khu đô thị. Đồng ý triển khai thí điểm việc lập Thanh tra xây dựng tại cấp quận, huyện và phường, xã ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và việc Ủy ban nhân dân hai thành phố này ủy quyền cho cấp quận, huyện một số công việc trong lĩnh vực quản lý xây dựng.

Các tỉnh, thành phố, đặc biệt là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh phải tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý kiên quyết các công trình vi phạm, bảo đảm kỷ cương, đúng pháp luật.

9. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2007; Bộ trưởng Bộ Thương mại trình Báo cáo tình hình thương mại tháng 3 và quý I năm 2007; Tổng Thanh tra Chính phủ trình Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng quý I năm 2007; xem xét Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 3 và cả quý I năm 2007, tốc độ tăng GDP của cả nước, cũng như của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều có mức tăng cao nhất so với cùng kỳ của nhiều năm trước. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản tăng hơn cùng kỳ. Dịch cúm gia cầm được khống chế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ xã hội, bưu chính, viễn thông, du lịch và kim ngạch nhập khẩu tăng hơn cùng kỳ năm 2006. Thực hiện vốn đầu tư phát triển trong nước, vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng. Thu, chi ngân sách đạt khá. Vốn tiền gửi bằng đồng Việt Nam, dư nợ cho vay nền kinh tế tăng so với cùng kỳ. Thị trường chứng khoán cơ bản phát triển ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tăng hơn cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Hoạt động giáo dục, đào tạo được đẩy mạnh theo tinh thần đổi mới. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ và chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao sôi động, phong phú.

Phòng, chống tham nhũng được tăng cường, đã đưa ra xét xử một số vụ án trọng điểm, nổi cộm và tiến hành thanh tra một số lĩnh vực trọng tâm. Công tác bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng kim ngạch xuất khẩu; cần có giải pháp phù hợp để hoàn thành kế hoạch khai thác dầu khí. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho các dự án quan trọng, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, công nghiệp. Đi liền với thu hút vốn đầu tư phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện; bảo đảm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Kiểm soát chặt chẽ giá cả; tạo điều kiện để thị trường chứng khoán phát triển vững chắc và kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tác động tiêu cực. Thực hiện quyết liệt giải pháp giảm tai nạn giao thông, đặc biệt là giảm tử vong. Tổ chức điều hòa việc phát điện và cung cấp điện hợp lý để bảo đảm nhu cầu điện ổn định phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Chủ động phòng, chống bão lũ, giảm nhẹ thiên tai. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình, đề án về xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nông dân. Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng; chuẩn bị tốt điều kiện về cơ sở vật chất, tổ chức tuyên truyền, phổ biến và bảo đảm an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ kkhóa XII.

Các bộ, ngành theo chức năng đã phân công, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết những đề xuất, kiến nghị tại phiên họp của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VP BCĐTW về Phòng, chống tham nhũng;
- Học viện Hành chính Quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc,,BĐH 112, Website Chính phủ, Công báo, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ;
- Lưu VT, TH (5).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
 



Nguyễn Tấn Dũng

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 20/2007/NQ-CP

Loại văn bảnNghị quyết
Số hiệu20/2007/NQ-CP
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành11/04/2007
Ngày hiệu lực18/05/2007
Ngày công báo03/05/2007
Số công báoTừ số 290 đến số 291
Lĩnh vựcBộ máy hành chính
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 20/2007/NQ-CP

Lược đồ Nghị quyết 20/2007/NQ-CP phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2007


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Nghị quyết 20/2007/NQ-CP phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2007
                Loại văn bảnNghị quyết
                Số hiệu20/2007/NQ-CP
                Cơ quan ban hànhChính phủ
                Người kýNguyễn Tấn Dũng
                Ngày ban hành11/04/2007
                Ngày hiệu lực18/05/2007
                Ngày công báo03/05/2007
                Số công báoTừ số 290 đến số 291
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính
                Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
                Cập nhật18 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được căn cứ

                    Văn bản hợp nhất

                      Văn bản gốc Nghị quyết 20/2007/NQ-CP phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2007

                      Lịch sử hiệu lực Nghị quyết 20/2007/NQ-CP phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2007

                      • 11/04/2007

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 03/05/2007

                        Văn bản được đăng công báo

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 18/05/2007

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực