Nội dung toàn văn Nghị quyết 201/2019/NQ-HĐND dời cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường Quảng Ninh
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 201/2019/NQ-HĐND | Quảng Ninh, ngày 30 tháng 7 năm 2019 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DI DỜI CÁC CƠ SỞ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG HOẶC KHÔNG PHÙ HỢP QUY HOẠCH ĐÔ THỊ PHẢI DI DỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 13
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;
Xét Tờ trình số 5211/TTr-UBND ngày 24 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025; Báo cáo thẩm tra số 516/BC-HĐND ngày 25 tháng 7 năm 2019 của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến thảo luận thống nhất của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành chính sách hỗ trợ di dời cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
a) Phạm vi điều chỉnh:
- Các cơ sở không phù hợp quy hoạch đô thị đang tồn tại trong khu dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;
- Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo danh mục ngành nghề như sau:
TT | Ngành nghề |
1 | Sản xuất, gia công cơ khí |
2 | Chế biến và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa |
3 | Bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và các động cơ khác (phương tiện máy mỏ, máy công trình, máy công nghiệp ...) |
4 | Giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm |
5 | Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy |
6 | Sản xuất vật liệu xây dựng (gạch; sản phẩm từ xi măng, thạch cao, cát, đá, sỏi; sản phẩm gốm sứ khác ...) |
7 | Chế biến thủy hải sản (đông lạnh, khô, nước mắm ...) |
8 | Đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải đường thủy |
9 | Xay sát và sản xuất bột |
10 | Tái chế phế liệu |
b) Đối tượng áp dụng:
Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh đang hoạt động theo quy định của pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực và thuộc diện phải di dời theo quyết định của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là cơ sở di dời); các cơ sở này hiện đang sử dụng đất ở, đất vườn hoặc thuê lại đất, nhà xưởng để hoạt động (trừ trường hợp lấn chiếm).
Người lao động trực tiếp, đang làm việc liên tục từ đủ 6 tháng trở lên tại các cơ sở phải di dời, chuyển đổi nghề hoặc tự chấm dứt hoạt động tính đến thời điểm chủ cơ sở phải di dời thực hiện di dời.
2. Nguyên tắc di dời và hỗ trợ
a) Nguyên tắc di dời:
- Phải di dời toàn bộ cơ sở ra khỏi các khu dân cư; khi thực hiện di dời sang địa điểm mới theo quy hoạch phải đảm bảo về môi trường.
- Địa điểm tiếp nhận các cơ sở di dời là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo ngành nghề phù hợp với quy hoạch của khu công nghiệp, cụm công nghiệp được duyệt. Những địa phương chưa có khu công nghiệp, cụm công nghiệp, căn cứ quy hoạch của địa phương, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố sẽ xem xét, quyết định cụ thể vị trí di dời đến, đảm bảo thời gian di dời theo Kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Việc sử dụng diện tích đất tại vị trí đã di dời của các cơ sở phải di dời thực hiện theo quy hoạch xây dựng của địa phương, quy định của pháp luật đất đai và bảo vệ môi trường.
- Thời gian phải di dời: Tối đa 90 ngày kể từ ngày cơ sở sản xuất nhận được thông báo phải di dời của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đối với trường hợp đặc thù sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định nhưng tối đa không quá 180 ngày kể từ ngày có thông báo phải di dời.
b) Nguyên tắc hỗ trợ:
- Nếu cùng nội dung hỗ trợ từ nhiều chính sách khác nhau thì được lựa chọn và chỉ được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất;
- Các cơ sở di dời không thực hiện đúng thời gian phải di dời, chuyển đổi ngành nghề hoặc tự chấm dứt sản xuất theo quyết định đã được Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt và các cơ sở phát sinh sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thì không được hưởng chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết này, đồng thời phải chịu trách nhiệm theo các quy định hiện hành của pháp luật;
- Người lao động được hưởng các chính sách tại Nghị quyết này phải có hợp đồng lao động với chủ cơ sở hoặc có tên trong danh sách trả lương và trong sổ thanh toán lương của cơ sở, bảng chấm công với thời gian liên tục từ 6 tháng trở lên và có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
- Thời gian được nhận tiền hỗ trợ: Trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày cơ sở đã hoàn thành việc di chuyển (phá dỡ, di chuyển toàn bộ cơ sở ra khỏi vị trí phải di dời) và hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí di dời được thẩm định, phê duyệt theo quy định;
- Chủ doanh nghiệp phải hoàn chỉnh hồ sơ và có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn nơi có cơ sở sản xuất phải di chuyển. Việc xác định chi phí hỗ trợ phải được các phòng, ban chuyên môn cấp huyện thẩm định và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định để hỗ trợ.
3. Chính sách hỗ trợ
a) Hỗ trợ chi phí di dời: Tổng mức hỗ trợ tối đa cho mỗi chủ cơ sở 300.000.000 đồng/cơ sở.
- Các cơ sở di dời đến địa điểm mới:
Hỗ trợ một lần chi phí tháo dỡ và chi phí vận chuyển (nhà xưởng và thiết bị), mức hỗ trợ là 300.000 đồng/m2 nhà xưởng tại thời điểm dừng hoạt động để thực hiện di dời.
Đối với nhà xưởng nơi di chuyển đến: Hỗ trợ 60% chi phí thực tế đầu tư xây dựng nhà, xưởng (không bao gồm máy móc, thiết bị) tại địa điểm mới theo suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình do Bộ Xây dựng ban hành đối với loại hình công trình xây dựng mới;
- Các cơ sở tự chuyển đổi ngành nghề hoặc tự chấm dứt hoạt động: Hỗ trợ một lần kinh phí phá dỡ, dọn dẹp mặt bằng và xây dựng lại. Mức hỗ trợ là 500.000 đồng/m2 nhà xưởng.
b) Hỗ trợ thuê mặt bằng:
Hỗ trợ thuê mặt bằng trong 02 năm kể từ ngày đi vào hoạt động tại vị trí mới trên cơ sở có hợp đồng với chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp thông qua việc bù giá cho nhà đầu tư hạ tầng (cơ sở di dời không được cho thuê lại đối với phần diện tích được hỗ trợ giá thuê mặt bằng), cụ thể mức hỗ trợ như sau:
- Đối với diện tích không quá 1.000m2: Hỗ trợ 100% giá thuê mặt bằng.
- Đối với diện tích trên 1.000m2: Hỗ trợ 70% giá thuê mặt bằng.
Diện tích thuê tại địa điểm mới bằng diện tích hiện sử dụng tại cơ sở trước khi di dời hoặc theo nhu cầu thực tế sản xuất kinh doanh nhưng phần diện tích được ngân sách hỗ trợ không quá 200% diện tích sử dụng tại cơ sở trước khi di dời.
c) Hỗ trợ để thực hiện chế độ cho người lao động khi di dời:
- Hỗ trợ trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng sản xuất: Các cơ sở khi di dời đến địa điểm mới hoặc tự chuyển đổi ngành nghề phải tạm ngừng sản xuất, được hỗ trợ một lần để chi trả tiền lương cho người lao động trong thời gian ngừng hoạt động. Mức hỗ trợ: Mỗi tháng ngừng việc được hỗ trợ 01 tháng tiền lương, tối đa không quá 06 tháng tiền lương; tiền lương để tính hỗ trợ bằng tiền lương tối thiểu vùng theo quy định tại thời điểm di dời.
- Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề: Người lao động không có nhu cầu làm việc cùng cơ sở sau khi di dời đến địa điểm mới, muốn chuyển đổi nghề hoặc người lao động tại các cơ sở tự chuyển đổi nghề hoặc người lao động có nguyện vọng chuyển đổi nghề tại các cơ sở tự chấm dứt hoạt động thì được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo không quá 03 tháng. Mức hỗ trợ cho người lao động bằng 100% chi phí đào tạo theo quy định hiện hành.
- Hỗ trợ trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động tại các cơ sở tự chấm dứt hoạt động hoặc sau khi di dời đến địa điểm mới mà người lao động không tiếp tục làm việc. Mức hỗ trợ: Mỗi năm làm việc cho người sử dụng lao động được hỗ trợ 01 tháng tiền lương, tối đa bằng 03 tháng lương; tiền lương để tính hỗ trợ bằng tiền lương tối thiểu vùng theo quy định tại thời điểm di dời.
4. Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện theo cơ chế:
a) Đối với các địa phương tự cân đối ngân sách: Sử dụng ngân sách địa phương.
b) Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% nhu cầu kinh phí thực hiện, phần còn lại do địa phương tự cân đối.
5. Thời gian áp dụng chính sách: Kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết; ban hành quy định, xác định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, chủ các cơ sở doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân, tổ chức, đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết; trong quá trình thực hiện, đối với ngành nghề khác ngoài danh mục quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này có yếu tố gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch cần thiết phải di dời thì Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
- Ban hành tiêu chí xác định các chỉ số có thông số môi trường giới hạn đối với từng ngành nghề của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp thuộc trường hợp phải di dời; chỉ đạo thống kê các cơ sở gây ô nhiễm theo đúng ngành và tiêu chí gây ô nhiễm thống nhất toàn tỉnh; sắp xếp thứ tự các cơ sở tiểu thủ công nghiệp phải bắt buộc di dời ngay và cơ sở di dời theo lộ trình; hướng dẫn cụ thể khu vực phù hợp với quy hoạch để di dời tại các địa phương chưa có khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
- Các địa phương chịu trách nhiệm về việc để tồn tại hoặc phát sinh các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị sau thời điểm rà soát theo Nghị quyết.
2. Thường trực, các ban, các tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII, Kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 30 tháng 7 năm 2019 và có hiệu lực từ ngày 10 tháng 8 năm 2019./.
| CHỦ TỊCH |