Nội dung toàn văn Nghị quyết 205/2016/NQ-HĐND đầu tư kiên cố hóa kênh mương thủy lợi Quảng Nam 2016 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 205/2016/NQ-HĐND | Quảng Nam, ngày 26 tháng 4 năm 2016 |
NGHỊ QUYẾT
CƠ CHẾ ĐẦU TƯ KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG, THỦY LỢI ĐẤT MÀU VÀ THỦY LỢI NHỎ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, GIAI ĐOẠN 2016-2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 16
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương;
Sau khi xem xét Tờ trình số 1337/TTr-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị ban hành Nghị quyết tiếp tục thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi đất màu và thủy lợi nhỏ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Ban hành Cơ chế đầu tư kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi đất màu và thủy lợi nhỏ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020 như sau:
Điều 1. Mục tiêu đến năm 2020
1. Về kiên cố hóa kênh mương: Đầu tư kiên cố hóa kênh mương nhằm ổn định công trình, tăng khả năng chống chịu với thiên tai, giảm tổn thất nước trên kênh, giảm chi phí duy tu bảo dưỡng kênh, gắn với việc phát triển giao thông nội đồng, chỉnh trang diện mạo nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ kênh mương được kiên cố đạt 60% và đến năm 2025 đạt 70%.
a) Đối với kênh mương loại II: Thực hiện kiên cố ít nhất 100 km, bình quân mỗi năm kiên cố ít nhất 20 km.
b) Đối với kênh mương loại III: Thực hiện kiên cố ít nhất 500 km, bình quân mỗi năm kiên cố ít nhất 100 km.
2. Về thủy lợi đất màu
Đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới cho cây màu, cây trồng cạn ở khu vực đất ven sông, bãi bồi, vùng cát ven biển... chưa có hệ thống công trình thủy lợi cấp nước tưới, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.
Đầu tư xây dựng trên 50 công trình thủy lợi đất màu, bình quân mỗi năm đầu tư 10 công trình.
3. Về thủy lợi nhỏ
Nâng cao năng lực phục vụ các công trình thủy lợi hiện có; mở rộng diện tích lúa chủ động nước tại các địa phương trung du miền núi.
Đầu tư xây dựng 50 công trình thủy lợi nhỏ (nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới), bình quân mỗi năm đầu tư 10 công trình.
Điều 2. Nội dung cơ chế, chính sách
1. Về kiên cố hóa kênh mương
a) Kênh loại II
Thực hiện trình tự xây dựng cơ bản theo quy định hiện hành của Nhà nước; đầu tư 100% bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung hằng năm của tỉnh và nguồn vốn ODA.
b) Kênh loại III
Tuỳ theo điều kiện, mỗi địa phương tự tổ chức huy động sức dân cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện chương trình theo phương châm “Nhân dân thực hiện, Nhà nước hỗ trợ”, trong đó có sự tham gia giám sát của người dân vùng hưởng lợi; riêng đối với một số tuyến kênh phức tạp về địa chất, địa hình, thổ nhưỡng... có thể thực hiện theo trình tự xây dựng cơ bản.
Cơ chế đầu tư (áp dụng đối với cả kênh hở và kênh kín ống nhựa) phân theo 02 khu vực như sau:
- Khu vực I: Gồm các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh, Núi Thành (trừ các xã miền núi, xã đảo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển thuộc các địa phương nêu trên). Tỷ lệ đầu tư được quy định như sau:
+ Ngân sách tỉnh đầu tư: 60 %;
+ Ngân sách cấp huyện, cấp xã, Hợp tác xã và nhân dân: 40 %; trong đó, tỷ lệ đóng góp của cấp huyện, cấp xã, Hợp tác xã và nhân dân do Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định trên cơ sở thống nhất của Hội đồng nhân dân cấp huyện.
- Khu vực II: Gồm các xã, thị trấn thuộc các huyện miền núi: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn; các xã miền núi, xã đảo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển thuộc các huyện, thị xã, thành phố còn lại đã nêu ở khu vực I. Tỷ lệ đầu tư được quy định như sau:
+ Ngân sách tỉnh đầu tư: 90 %;
+ Ngân sách cấp huyện: 10 %.
2. Về phát triển thủy lợi đất màu
Thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, theo đó:
a) Đối với các hạng mục công trình: Trạm biến áp, đường dây điện trung cao thế, hạ thế: Ngân sách tỉnh đầu tư 100% đối với cả 02 khu vực.
b) Các hạng mục còn lại như: Khoan giếng, máy bơm, vật tư lắp đặt giếng và thiết bị tưới:
- Khu vực I: Nhân dân tự đóng góp và tự thực hiện.
- Khu vực II: Ngân sách tỉnh đầu tư 100%.
c) Đối với công trình ao thu gom nước nhỉ trong cát: Ngân sách tỉnh đầu tư 100% phần đầu mối và kiên cố kênh mương, kể cả công trình trên kênh.
d) Đối với các loại công trình: tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt: Ngân sách tỉnh đầu tư 100% cho các hạng mục vật tư, trang thiết bị tưới.
3. Về phát triển thủy lợi nhỏ: Thực hiện theo trình tự xây dựng cơ bản quy định hiện hành của Nhà nước. Tỷ lệ đầu tư được quy định như sau:
a) Khu vực I: Ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa 70% tổng mức đầu tư xây dựng và không quá 03 tỷ đồng/công trình; ngân sách cấp huyện, cấp xã, đóng góp của Hợp tác xã và nhân dân: 30 %; trong đó tỷ lệ đóng góp của cấp huyện, cấp xã, Hợp tác xã và nhân dân do Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định trên cơ sở thống nhất của Hội đồng nhân dân cấp huyện.
b) Khu vực II: Ngân sách tỉnh đầu tư 90% tổng mức đầu tư xây dựng nhưng không quá 03 tỷ đồng/công trình; ngân sách cấp huyện: 10%.
4. Phần kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi đất màu, thủy lợi nhỏ do địa phương và nhân dân đóng góp thực hiện (không tính vào giá trị dự toán).
Điều 3. Nhu cầu vốn đầu tư
1. Đối với kiên cố hóa kênh mương loại III
Tổng nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 500 tỷ đồng; bình quân mỗi năm 100 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 70 tỷ đồng, ngân sách địa phương, đóng góp của hợp tác xã và nhân dân khoảng 30 tỷ đồng.
2. Đối với thủy lợi đất màu
Tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 khoảng 50 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng.
3. Đối với thủy lợi nhỏ
Tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2016- 2020 khoảng 150 tỷ đồng; bình quân mỗi năm 30 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 24,6 tỷ đồng, còn lại địa phương bố trí lồng ghép nguồn vốn từ các dự án, chương trình khác.
Điều 4. Nguồn vốn đầu tư
1. Đối với kiên cố hóa kênh mương
Chủ yếu sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung hằng năm của tỉnh.
Sử dụng nguồn vốn ngân sách của tỉnh (kể cả phần vượt thu hằng năm); vốn Trái phiếu Chính phủ; vốn vay tín dụng ưu đãi; nguồn vốn đối ứng của địa phương (huyện, xã, hợp tác xã, nhân dân đóng góp) và các nguồn vốn hợp pháp khác.
2. Đối với thủy lợi đất màu và thủy lợi nhỏ
Sử dụng nguồn vốn ngân sách của tỉnh (kể cả phần vượt thu hằng năm); vốn Trái phiếu Chính phủ; nguồn vốn đối ứng của địa phương (huyện, xã, hợp tác xã, nhân dân đóng góp); nguồn vốn lồng ghép từ các dự án, chương trình và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 5. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam Khóa VIII, Kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 26 tháng 4 năm 2016 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |