Nội dung toàn văn Nghị quyết 21/2007/NQ-HĐND phê duyệt chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2008 - 2010 tỉnh Ninh Thuận
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2007/NQ-HĐND | Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 19 tháng 12 năm 2007 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2008 - 2010 CỦA TỈNH NINH THUẬN
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN KHOÁ VIII KỲ HỌP THỨ 11
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 94/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2006 - 2010;
Xét Tờ trình số 106/TTr-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê chuẩn Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2008 - 2010 của tỉnh Ninh Thuận;
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2008 - 2010 của tỉnh Ninh Thuận theo Tờ trình số 106/TTr-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh; cụ thể các mục tiêu và nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu:
- Xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả;
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Nội dung
a) Cải cách thể chế:
- Tập trung chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính: thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, nâng cao chất lượng và tính khả thi các thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" của các sở, ngành, huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn. Triển khai xây dựng và thực hiện các Đề án giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa liên thông" trong cùng một cấp và ba cấp trên một số lĩnh vực. Thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành trong giải quyết công vụ và các thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. Mở rộng mô hình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" ở các cơ quan Công an, Thuế, Kho Bạc, ngân hàng, Bảo hiểm xã hội, ... Xây dựng cơ chế và các hình thức giám sát có hiệu quả của Mặt trận, các đoàn thể, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và nhân dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là tính khả thi và hiệu lực của văn bản; thực hiện việc đánh giá định kỳ hằng năm về hiệu quả thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, nhất là đối với nghị quyết Hội đồng nhân dân các cấp;
b) Cải cách tổ chức bộ máy:
- Xây dựng tổ chức bộ máy hành chính cấp tỉnh tinh gọn, theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Đẩy mạnh việc rà soát chấn chỉnh về tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành. Tiếp tục xây dựng, củng cố, hoàn thiện mô hình tổ chức tự quản ở các thôn, khu phố.
- Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức làm việc của cơ quan hành chính các cấp. Xây dựng và hoàn thiện quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân các cấp theo quy chế mẫu của Chính phủ. Xây dựng quy chế làm việc mẫu của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện. Xây dựng tiêu chí đánh giá phân loại kết quả hoạt động hằng năm của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và chính quyền cơ sở. Xây dựng các quy trình giải quyết công việc có tính liên ngành trên một số lĩnh vực: đầu tư, xây dựng cơ bản, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết trật tự công cộng tại trụ sở các cơ quan công quyền (đối với trường hợp có tổ chức, đông người, phức tạp), các quy định về phòng, chống dịch, phòng ngừa và khắc phục hậu quả do thiên tai. Triển khai thực hiện phân cấp mạnh trên các lĩnh vực: đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính, đền bù, giải phóng mặt bằng,
c) Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức:
- Trên cơ sở kết quả tổng điều tra đội ngũ cán bộ, công chức, cập nhật, bổ sung, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để từng bước chuyển sang quản lý cán bộ, công chức bằng hệ thống mạng tin học. Thực hiện phân cấp về tổ chức bộ máy, biên chế và quản lý cán bộ, công chức đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chức danh và cơ cấu công chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước. Xây dựng quy chế về đánh giá và đào tạo cán bộ, công chức.
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu hội nhập theo Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đến năm 2010. Xây dựng cơ chế chính sách thu hút nhân tài và thu hút cán bộ, công chức về làm việc ở miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao giai đoạn 2008 - 2020.
- Đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao tỉnh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ theo "tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các hoạt động công vụ, đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong cán bộ, công chức và bộ máy hành chính Nhà nước;
d) Cải cách tài chính công:
- Tiếp tục hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý tài chính và ngân sách của tỉnh, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống tài chính và tăng cường tính chủ động của các đơn vị dự toán ngân sách.
- Thực hiện có chất lượng chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
- Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá - xã hội. Triển khai xây dựng và công bố quy hoạch ngành, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đầu tư phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;
e) Hiện đại hoá nền hành chính Nhà nước:
- Đẩy mạnh tin học hoá trong quản lý, đổi mới, cải tiến quy trình giải quyết công vụ của các cơ quan hành chính các cấp theo hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000.
- Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của cơ quan hành chính; đảm bảo tất cả các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã có trụ sở làm việc theo đúng quy chuẩn.
3. Các biện pháp tổ chức thực hiện.
a) Tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức và các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân các chương trình, kế hoạch, nội dung cải cách hành chính, tạo điều kiện để mọi người tham gia xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện;
b) Xây dựng kế hoạch biên chế và bố trí đủ cán bộ chuyên trách để phục vụ cho yêu cầu cải cách hành chính các cấp. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác cải cách hành chính. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch cải cách hành chính hằng năm của tỉnh và của từng cơ quan, đơn vị.
c) Hằng năm dành nguồn kinh phí cần thiết, huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Chương trình cải cách hành chính của tỉnh;
d) Trong các kỳ họp của Hội đồng nhân dân và phiên họp thường kỳ của Ủy ban nhân dân các cấp cần đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính. Làm tốt công tác tổng kết năm, tổng kết chuyên đề và nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận khoá VIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 12 tháng 12 năm 2007 và có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày./.
| PHÓ CHỦ TỊCH |