Nội dung toàn văn Nghị quyết 21/NQLT-HĐND-UBND-UBMTTQ Quy chế phối hợp công tác giữa các ban ngành Tiền Giang 2016
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/NQLT-HĐND-UBND-UBMTTQ | Tiền Giang, ngày 12 tháng 10 năm 2016 |
NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ỦY BAN NHÂN DÂN, BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH TIỀN GIANG, NHIỆM KỲ 2016 - 2021
THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN - ỦY BAN NHÂN DÂN -
BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH TIỀN GIANG
- Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
- Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015;
- Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;
- Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015;
Trên cơ sở Nghị quyết liên tịch ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang, nhiệm kỳ 2011 - 2016,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Điều 2. Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tổ chức, thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết liên tịch số 26/NQLT-HĐND-UBND-UBMTTQVN ngày 17 tháng 10 năm 2011 của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tiền Giang ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang, nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
TM. BAN THƯỜNG TRỰC UBMTTQVN TỈNH | TM. UBND TỈNH | TM. THƯỜNG TRỰC |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ỦY BAN NHÂN DÂN, BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH TIỀN GIANG, NHIỆM KỲ 2016 - 2021
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 21NQLT-HĐND-UBND-UBMTTQ ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Thường trực HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh Tiền Giang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mối quan hệ công tác giữa Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) phải đảm bảo thực hiện đúng pháp luật, vì mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động HĐND, UBND và UBMTTQVN.
Điều 2. Sự phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực UBMTTQVN dựa trên nguyên tắc bình đẳng, dân chủ, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ nhằm tạo điều kiện để các bên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. TRÁCH NHIỆM CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
Điều 3. Thường trực HĐND chủ trì phối hợp với UBND, Ban Thường trực UBMTTQVN tổ chức các kỳ họp HĐND. Chậm nhất 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND có trách nhiệm mời lãnh đạo UBND, Ban Thường trực UBMTTQVN họp liên tịch để thống nhất kế hoạch, nội dung tổ chức kỳ họp, quy định thời gian tổ chức tiếp xúc cử tri, thảo luận nội dung kỳ họp tại Tổ đại biểu HĐND, thời gian gửi các văn bản đến Thường trực HĐND.
Điều 4. Thường trực HĐND chủ trì, phối hợp với UBND và cơ quan hữu quan xem xét giải quyết những vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp thuộc thẩm quyền của HĐND, của Thường trực HĐND.
Điều 5. Thường trực HĐND chủ trì, phối hợp với UBND và các cơ quan có liên quan dự kiến chương trình ban hành nghị quyết HĐND; xem xét, quyết định các đề nghị xây dựng ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật do UBND, Ban Thường trực UBMTTQVN, các Ban HĐND trình; đôn đốc UBND, các cơ quan liên quan trong việc thực thi pháp luật ở địa phương, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND.
Khi cần thiết, Thường trực HĐND phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN giám sát việc thực thi pháp luật ở địa phương, việc thực hiện Nghị quyết của HĐND; giám sát các cá nhân, cơ quan trả lời chất vấn, kiến nghị của đại biểu HĐND, kiến nghị của cử tri và thông báo cho cử tri về kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng.
Điều 6. Thường trực HĐND chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN dự kiến chương trình giám sát năm sau trình HĐND ở kỳ họp giữa năm trước.
Điều 7. Thường trực HĐND phối hợp với UBND trong công tác tiếp dân, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đối với các vụ khiếu nại của tập thể, cá nhân phức tạp, kéo dài khi phát hiện quá trình giải quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Thường trực HĐND phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN, các ngành có liên quan tổ chức giám sát theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Điều 8. Thường trực HĐND chủ trì, phối hợp với UBND, UBMTTQVN tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về các dự thảo văn bản luật, chủ trương lớn liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân địa phương.
Điều 9. Thường trực HĐND phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND.
Điều 10. Thường trực HĐND phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm, đưa ra HĐND bãi nhiệm đại biểu HĐND hoặc đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND theo đề nghị của UBMTTQVN.
Điều 11. Mỗi năm 2 lần, Thường trực HĐND có trách nhiệm thông báo cho UBMTTQVN về hoạt động của HĐND.
Điều 12. Thường trực HĐND có trách nhiệm mời UBND, đại diện Ban Thường trực UBMTTQVN tham dự các kỳ họp HĐND, các hội nghị sơ kết quý, hội nghị chuyên đề, các phiên họp của Thường trực HĐND. Trường hợp cần thiết, Thường trực HĐND mời đại diện các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh tham dự để báo cáo các nội dung có liên quan.
Điều 13. Thường trực HĐND, UBND tạo điều kiện để các ban HĐND, các sở, ngành phối hợp tốt trong công tác thẩm tra các nội dung trình kỳ họp HĐND, trong công tác giám sát, khảo sát của các ban HĐND.
Điều 14. Thường trực HĐND có trách nhiệm tham dự các cuộc họp do UBND, UBMTTQVN mời.
Mục 2. TRÁCH NHIỆM ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Điều 15. UBND có trách nhiệm chuẩn bị các văn bản trình HĐND đúng trình tự, thủ tục và gửi đến Thường trực HĐND trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND theo thời gian được thống nhất tại hội nghị liên tịch, nhằm tạo điều kiện để các ban HĐND có đủ thời gian thẩm tra. Trong trường hợp UBND gửi văn bản trình kỳ họp chậm so với thời hạn thỏa thuận, ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra, Thường trực HĐND có thể chuyển văn bản đó sang kỳ họp sau.
Đối với các phiên họp của Thường trực HĐND, UBND, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND có trách nhiệm chuẩn bị các dự án, đề án, báo cáo thuộc nội dung phiên họp theo sự phân công của Thường trực HĐND hoặc theo nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.
Điều 16. UBND phối hợp với Thường trực HĐND dự kiến chương trình ban hành nghị quyết của HĐND hàng năm.
Đối với các nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật, UBND phải lập đề nghị xây dựng nghị quyết và thực hiện các thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 trình Thường trực HĐND xem xét, quyết định.
Trường hợp dự thảo nghị quyết không do UBND trình, UBND có trách nhiệm tham gia ý kiến bằng văn bản và gửi đến cơ quan, tổ chức trình dự thảo nghị quyết chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND.
Định kỳ hàng năm, UBND có trách nhiệm báo cáo kết quả việc tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND, đồng thời tổ chức sơ, tổng kết để rút kinh nghiệm.
Điều 17. UBND có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật và thường xuyên thông tin kết quả đến Thường trực HĐND và Ban Thường trực UBMTTQVN. Định kỳ 3 tháng, Thường trực HĐND, UBMTTQVN nghe UBND báo cáo về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân do Thường trực, các ban HĐND, đại biểu HĐND chuyển đến.
Điều 18. UBND có trách nhiệm tham dự và chỉ đạo các sở, ngành tham dự đầy đủ các kỳ họp HĐND, các phiên thảo luận của đại biểu HĐND để kịp thời giải đáp các ý kiến thảo luận, giúp đại biểu HĐND có cơ sở quyết nghị các nội dung tại kỳ họp.
UBND có trách nhiệm cử thành viên UBND và chỉ đạo UBND cấp dưới tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND để tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và kịp thời giải đáp những vấn đề bức xúc của cử tri tại buổi tiếp xúc.
Điều 19. UBND có trách nhiệm thực hiện và chỉ đạo thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND giải quyết, trả lời những kiến nghị của cử tri, của Thường trực HĐND, các ban HĐND, đại biểu HĐND và Ban Thường trực UBMTTQVN trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị. Riêng ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND phải được trả lời ngay tại kỳ họp, nếu nội dung chất vấn phức tạp, không thể trả lời ngay thì có thể trả lời sau, nhưng không quá 20 ngày kể từ ngày bế mạc kỳ họp.
Nội dung trả lời kiến nghị và chất vấn phải thể hiện bằng văn bản và do thủ trưởng cơ quan ký. Chủ tịch UBND chịu trách nhiệm về các nội dung trả lời của thành viên UBND được Chủ tịch UBND ủy quyền.
Điều 20. UBND mời Thường trực HĐND, Ban Thường trực UBMTTQVN tham dự các phiên họp của UBND. Các ban HĐND được mời tham dự khi bàn về các vấn đề có liên quan. Kết quả phiên họp được thông báo kịp thời đến Thường trực HĐND, Ban Thường trực UBMTTQVN, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.
Điều 21. UBND phân công, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thường xuyên quan hệ công tác, xây dựng quy chế phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN và các tổ chức thành viên của UBMTQVN để thực hiện nhiệm vụ có liên quan, góp phần thực hiện tốt quy chế phối hợp này.
Điều 22. UBND phối hợp với Thường trực HĐND tổ chức việc khen thưởng các đại biểu HĐND, các cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong hoạt động HĐND hàng năm và cả nhiệm kỳ.
Điều 23. UBND tạo điều kiện và đảm bảo kinh phí, phương tiện làm việc theo quy định của nhà nước cho HĐND, các ban của HĐND, Ban Thường trực UBMTTQVN hoạt động.
Điều 24. UBND đảm bảo việc gửi các văn bản có liên quan của Chính phủ, của UBND đến Thường trực HĐND, Ban Thường trực UBMTTQVN và Thường trực HĐND cấp huyện để nghiên cứu và tổ chức thực hiện. UBND chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND gửi các văn bản do cơ quan ban hành đến Thường trực HĐND và các ban HĐND như: báo cáo (tuần, tháng, quý, năm), các dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để HĐND giám sát việc thực hiện.
Mục 3. TRÁCH NHIỆM BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH
Điều 25. Tại kỳ họp HĐND, Chủ tịch UBMTTQVN phát biểu ý kiến, kiến nghị của cử tri, tham gia góp ý kiến xây dựng chính quyền, đồng thời theo dõi việc giải quyết các kiến nghị, giám sát việc thực hiện theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điều 26. Ban Thường trực UBMTTQVN phối hợp với Thường trực HĐND kiến nghị chương trình giám sát hàng năm của HĐND.
Điều 27. Khi cần thiết, Ban Thường trực UBMTTQVN kiến nghị Thường trực HĐND xem xét trình ra HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu.
Điều 28. Ban Thường trực UBMTTQVN thường xuyên phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đến HĐND, UBND, đồng thời theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo luật định.
Điều 29. Ban Thường trực UBMTTQVN chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND, UBND tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri theo luật định. Phối hợp với Thường trực HĐND tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương.
Điều 30. Ban Thường trực UBMTTQVN phối hợp với các tổ chức thành viên của UBMTTQVN tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND, quyết định, chỉ thị của UBND.
Điều 31. Ban Thường trực UBMTTQVN có trách nhiệm mời Thường trực HĐND, UBND tham dự các cuộc họp thường kỳ và họp chuyên đề do UBMTTQVN tổ chức.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 32. Quy chế này được phổ biến đến đại biểu HĐND, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và Thường trực HĐND, UBND, Ban thường trực UBMTTQVN cấp huyện để phối hợp thực hiện.
Điều 33. Trong quá trình thực hiện, nội dung nào không phù hợp, cần phải chỉnh sửa, bổ sung thì phải được sự thống nhất của Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực UBMTTQVN.
Định kỳ hàng năm Thường trực HĐND tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm trong việc thực hiện Quy chế.
Điều 34. Căn cứ vào Quy chế này và tình hình thực tế ở địa phương, Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQVN cấp huyện và cấp xã, xây dựng Quy chế phối hợp của cấp mình./.