Nghị quyết 23/2013/NQ-HĐND

Nghị quyết 23/2013/NQ-HĐND về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt tại sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013 - 2020 do Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành

Nội dung toàn văn Nghị quyết 23/2013/NQ-HĐND nhiệm vụ giải pháp bảo vệ nước ngọt 2013 2020 Hải Phòng


HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2013/NQ-HĐND

Thành phố Hải Phòng, ngày 06 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC NGỌT TẠI SÔNG RẾ, SÔNG GIÁ, SÔNG ĐA ĐỘ, SÔNG CHANH DƯƠNG; KÊNH HÒN NGỌC, HỆ THỐNG TRUNG THỦY NÔNG TIÊN LÃNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2013 - 2020

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21/6/2012;

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và Khai thác công trình thủy lợi số 32/2001/PL-UBBTVQH10 ngày 04/4/2001;

Sau khi xem xét Tờ trình số 82 /TTr-UBND ngày 25/11/2013 và Đề án số 8800 /ĐA-UBND ngày 25/11/2013 của UBND thành phố về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt tại các sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc; hệ thống trung thủy nông Tiên lãng trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để bảo vệ nguồn nước ngọt tại sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013 - 2020 như sau:

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Bảo vệ nguồn nước ngọt, cải thiện chất lượng nguồn nước ngọt của các sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc; hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách nhằm đảm bảo trữ lượng và chất lượng nguồn nước phục vụ cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

b) Mục tiêu cụ thể

* Giai đoạn 2013-2015:

- Ngăn chặn phát sinh mới các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước ngọt. Xử lý nghiêm, ngăn chặn hiệu quả phát sinh mới vi phạm và từng bước di dời các công trình vi phạm hành lang bảo vệ, cải thiện chất lượng nguồn nước ngọt sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ; duy trì hiện trạng chất lượng nguồn nước sông Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng.

- Đảm bảo 100% các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, chủ doanh nghiệp và người dân có liên quan khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước ngọt trên địa bàn thành phố được tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ nguồn nước.

- Đảm bảo 100% cán bộ, công chức làm công tác quản lý tài nguyên nước và môi trường các cấp được tập huấn, tăng cường chuyên môn, nghiệp vụ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quản lý, bảo vệ nguồn nước.

- Xử lý từ 30% trở lên lượng nước thải ra môi trường các lưu vực sông, trong đó 50 % - 70% do doanh nghiệp xả thải; 100% do bệnh viện xả thải; bảo đảm thu gom toàn bộ lượng nước thải, không để xả thải trực tiếp ra sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng.

- Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường tài nguyên nước thuộc thẩm quyền của thành phố phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế thành phố.

* Giai đoạn 2016 - 2020:

- Phấn đấu đến năm 2020 chất lượng nước của các sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc; hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng có độ sạch cho phép theo các tiêu chuẩn hiện hành; duy trì và áp dụng đồng bộ, thường xuyên có hiệu quả các biện pháp bảo vệ môi trường nước trên các hệ thống này.

- Xử lý dứt điểm 100% những vi phạm pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

2. Nhiệm vụ, giải pháp

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức quản lý nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người dân về khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường nguồn nước ngọt trên địa bàn thành phố:

- Xây dựng hệ thống các tài liệu tuyên truyền, tập huấn và tổ chức các khoá đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức về quản lý tài nguyên và môi trường tại các sở, ban, ngành và địa phương; tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về tầm quan trọng của nguồn nước ngọt, trách nhiệm trong khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước ngọt trên địa bàn thành phố. Triển khai việc giáo dục ngoại khóa về bảo vệ môi trường nguồn nước và môi trường cho toàn bộ học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố, trước hết trong khu vực ảnh hưởng trực tiếp các sông, hệ thống trung thủy nông.

- Xây dựng và tuyên truyền, vận động thực hiện mô hình quản lý, bảo vệ môi trường nguồn nước có sự tham gia của cộng đồng dân cư, giáo dục người dân nếp sống không xả, thải rác, nước bẩn ra sông.

- Phối hợp với các địa phương đầu nguồn để thống nhất kiểm soát chất lượng nguồn nước.

b) Tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Tập trung xử lý dứt điểm những vi phạm pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước; không để các nguồn phát sinh gây ô nhiễm mới.

- Thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng.

- Tiến hành điều tra, thống kê, kiểm kê tất cả các cơ sở phát sinh nước thải gây ô nhiễm, quan trắc phân tích theo tiêu chuẩn hiện hành, xử phạt nghiêm minh đối với những cơ sở xả thải trái phép; đóng cửa theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp xả thải, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng đối với nguồn nước ngọt. Các cơ sở xả thải phải đủ điều kiện và được cấp giấy phép xả thải vào môi trường theo quy định;

- Tiến hành kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước phục vụ cho các mục đích khác nhau trên địa bàn thành phố. Đánh giá được hiện trạng khai thác sử dụng và nhu cầu sử dụng nước trong thời gian tới trên địa bàn thành phố. Các cơ sở khi khai thác, sử dụng nguồn nước phải có giấy phép khai thác, sử dụng theo quy định;

- Thực hiện các chương trình làm sạch môi trường; lập hồ sơ danh mục các vị trí xả thải (nước thải, rác thải) ô nhiễm, lập kế hoạch xử lý và có biện pháp, giải pháp quản lý hiệu quả không để tái hình thành các bãi rác gần các khu vực nguồn nước gây ô nhiễm nước mặt và nước ngầm;

- Triển khai kiểm soát chặt chẽ việc xả thải của các phương tiện giao thông thủy trên các sông và hệ thống trung thủy nông bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường.

- Rà soát, lập danh sách các nghĩa trang ở gần nguồn nước cấp; chính quyền địa phương lập phương án từng bước di dời để bảo vệ nguồn nước ngọt.

- Các địa phương, ngành chủ quản, các bệnh viện đầu tư đưa vào sử dụng thiết bị xử lý nước thải của bệnh viện; bảo đảm nước thải của các bệnh viện phải được xử lý đúng theo quy định.

- Yêu cầu và tạo điều kiện về thủ tục hành chính để các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định về thu gom, xử lý chất thải của doanh nghiệp đúng yêu cầu bảo vệ môi trường nước.

- Xây dựng các trạm quan trắc cố định, quan trắc định kì, thường xuyên thông báo các thông tin, dữ liệu chính về chất lượng nguồn nước của các sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc; hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng theo từng giai đoạn cụ thể: Năm 2014 thực hiện ngay việc quan trắc định kì chất lượng nguồn nước; giai đoạn 2015-2020 xây dựng các trạm quan trắc tự động.

c) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên nước; chủ động tham gia và thực hiện các cơ chế, chính sách kiểm soát ô nhiễm nguồn nước liên tỉnh, liên vùng

- Rà soát tổng thể tình hình thực thi các quy phạm pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng; khắc phục những bất cập chồng chéo trong thực hiện chồng chéo và ban hành bổ sung đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND thành phố Hải Phòng phục vụ bảo vệ nguồn nước mặt trên địa bàn thành phố.

- Chủ động xây dựng cơ chế, quy chế, chính sách cụ thể về phối hợp quản lý nguồn nước liên tỉnh, liên vùng giữa thành phố Hải Phòng với các tỉnh lân cận trên cùng một lưu vực sông nhằm đảm bảo yêu cầu kiểm soát tổng thể, toàn diện về tổng lượng và chất lượng nước trên các lưu vực sông trước khi chảy vào Hải Phòng.

- Rà soát, quy định, phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể đối với từng sở, ban, ngành, cơ quan các cấp trong quản lý tổng hợp và thống nhất về tài nguyên nước trên địa bàn thành phố, tránh chồng chéo, cản trở việc thực thi các nhiệm vụ.

d) Rà soát quy hoạch hệ thống các công trình thủy lợi, quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý nước thải, tiến tới hạn chế và chấm dứt tình trạng nước thải, nước chảy tràn trên bề mặt đổ trực tiếp vào các nguồn nước trên địa bàn thành phố

- Xây dựng quy hoạch hệ thống thu gom nước thải, nước mưa tại các khu vực dân cư tập trung thuộc khu vực các nguồn nước mặt sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc; hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng. Trước mắt, ưu tiên việc lập quy hoạch và thực hiện cho sông Rế, sông Đa Độ, kênh Hòn Ngọc.

- Xây dựng quy hoạch và có kế hoạch áp dụng công nghệ nông nghiệp sạch; thay đổi thói quen canh tác nông nghiệp sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu; thống nhất áp dụng cho toàn bộ các hệ thống nguồn cấp nước của thành phố.

- Xác định phương án đầu tư để tiến tới hạn chế và chấm dứt tình trạng nước thải, nước chảy tràn trên bề mặt đổ trực tiếp vào các nguồn cấp nước sạch trên địa bàn thành phố; đảm bảo thứ tự ưu tiên trước đối với các vị trí, khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao khi xảy ra hiện tượng nước chảy tràn hay úng ngập trong các khu vực như khu chứa hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, các khu vực phát sinh nước rác.

- Xây dựng các công trình bảo vệ lòng dẫn; bảo vệ hai bên bờ sông (đắp bờ sông, kè hai bên bờ sông) các sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc; hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng.

- Xây dựng các dự án tiểu vùng để thu gom nước thải, hồ điều hòa, nhà máy xử lý nước thải trước khi xả thải vào môi trường.

- Xây dựng thực hiện kế hoạch giải tỏa hàng năm các công trình xây dựng trong phạm vi chỉ giới bảo vệ nguồn nước sau khi cắm mốc, giai đoạn 2014 - 2015 giải tỏa ngay các phát sinh mới trong hành lang bảo vệ nguồn nước, có lộ trình cụ thể di dời những công trình vi phạm trong giai đoạn 2016 - 2020.

- Xây dựng các đập điều tiết ở đầu kênh nhánh, ưu tiên xây dựng đập điều tiết kết hợp với giao thông theo quy hoạch để ngọt hóa đoạn sông Thái Bình, bảo đảm cấp nước ngọt cho khu vực Vĩnh Bảo và Tiên Lãng; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

e) Xây dựng chương trình kiểm soát nguồn gây ô nhiễm phân tán trên địa bàn thành phố Hải Phòng

- Điều tra, khảo sát, khoanh vùng các khu vực có nguồn thải phân tán, đối tượng phát thải; lập phương án kiểm soát nguồn thải phân tán đối với từng đối tượng xả thải như: Trồng cây trên các bãi lọc nhằm giảm vận tốc dòng chảy, tăng khả năng lắng cặn trên bãi; giảm xói mòn và sục cặn từ đáy; ngăn gió và tạo bóng, giảm sự phát triển của thực vật nổi; phân hủy các chất hữu cơ, loại bỏ Nitơ, Phốt pho và diệt vi trùng gây bệnh; duy trì hồ sinh học đã có, tạo mới các hồ trên cơ sở ao, hồ, đầm hiện có tạo điều kiện cho quá trình chuyển hóa các chất bẩn.

- Xây dựng mô hình thí điểm để đánh giá hiệu quả trước khi triển khai đồng bộ trên địa bàn thành phố.

f) Giải pháp về hợp tác quốc tế.

Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và tranh thủ các nguồn viện trợ của Chính phủ các nước và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

g) Giải pháp về cơ chế chính sách và nguồn vốn thực hiện.

Giao UBND thành phố cân đối nguồn ngân sách, chủ động huy động nguồn ngân sách Trung ương từ các chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm của thành phố để thực hiện Nghị quyết.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Giao UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Giao Thường trực HĐND thành phố, các Ban, Tổ đại biểu và các đại biểu HĐND thành phố đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được HĐND thành phố Hải Phòng khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 06 tháng 12 năm 2013./.

 

 

CHỦ TỊCH HĐND THÀNH PHỐ




Nguyễn Văn Thành

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 23/2013/NQ-HĐND

Loại văn bảnNghị quyết
Số hiệu23/2013/NQ-HĐND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành06/12/2013
Ngày hiệu lực16/12/2013
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật11 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 23/2013/NQ-HĐND

Lược đồ Nghị quyết 23/2013/NQ-HĐND nhiệm vụ giải pháp bảo vệ nước ngọt 2013 2020 Hải Phòng


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Nghị quyết 23/2013/NQ-HĐND nhiệm vụ giải pháp bảo vệ nước ngọt 2013 2020 Hải Phòng
                Loại văn bảnNghị quyết
                Số hiệu23/2013/NQ-HĐND
                Cơ quan ban hànhThành phố Hải Phòng
                Người kýNguyễn Văn Thành
                Ngày ban hành06/12/2013
                Ngày hiệu lực16/12/2013
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật11 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản gốc Nghị quyết 23/2013/NQ-HĐND nhiệm vụ giải pháp bảo vệ nước ngọt 2013 2020 Hải Phòng

                        Lịch sử hiệu lực Nghị quyết 23/2013/NQ-HĐND nhiệm vụ giải pháp bảo vệ nước ngọt 2013 2020 Hải Phòng

                        • 06/12/2013

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 16/12/2013

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực