Nghị quyết 246-HĐBT

Nghị quyết số 246-HĐBT về việc đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường do Hội Đồng Bộ Trưởng ban hành

Nội dung toàn văn Nghị quyết 246-HĐBT đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường


HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 246-HĐBT

Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 1985

 

NGHỊ QUYẾT
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 246-HĐBT NGÀY 20-9-1985 VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐIỀU TRA CƠ BẢN, SỬ DỤNG HỢP LÝ TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG.

I

Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV, lần thứ V và các chỉ thị, nghị quyết có liên quan của Trung ương Đảng và Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 127-CP ngày 24-5-1974 của Hội đồng Chính phủ về công tác điều tra cơ bản tài nguyên và điều kiện thiên nhiên, các hoạt động điều tra cơ bản đã được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu, phục vụ việc phát triển sản xuất, nghiên cứu khoa học, đời sống và quốc phòng.

Tuy nhiên, công tác điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường thời gian qua còn bộc lộ nhiều điểm tồn tại và yếu kém, đặc biệt là:

a) Việc kế hoạch công tác điều tra cơ bản làm chưa tốt. Điều tra cơ bản chuyên ngành chưa được định hướng rõ ràng, chưa có trọng điểm; có việc làm quá chậm; nói chung chưa đi trước một bước làm cơ sở cho các kế hoạch kinh tế quốc dân, nhiều việc làm chồng chéo, làm đi làm lại, gây lãng phí.

Điều tra về mặt tự nhiên chưa gắn với điều tra về kinh tế và xã hội. Điều tra tổng hợp mới làm ở một số vùng.

Công tác điều tra cơ bản biển và thềm lục địa làm được quá ít.

b) Chất lượng điều tra cơ bản chưa cao. Nhiều số liệu điều tra chưa đủ chính xác, việc tổng hợp tài liệu còn kém. Chưa tổ chức tốt công tác lưu trữ, khai thác sử dụng các tài liệu, do đó chưa phát huy tốt kết quả công việc đã làm.

c) Chưa chú trọng đến công tác bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường. Trong việc khai thác còn để tổn thất tài nguyên quá nhiều. Nhiều tài nguyên không được sử dụng hợp lý. Cùng với hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh, thiếu sót trên trong công tác khai thác quản lý là những nguyên nhân chính làm mất đi một nửa diện tích rừng, làm cho 40% diện tích lãnh thổ trở thành đất trống, đồi núi trọc, trơ sỏi đá; thế giới động vật, thực vật và nguồn lợi thuỷ sản bị suy giảm; chất lượng của môi trường có xu hướng giảm sút. Đó là nguy cơ lớn đối với quốc gia và dân tộc nếu tình trạng trên tiếp tục diễn biến như hiện nay.

d) Việc đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường chưa tương xứng với nhiệm vụ đặt ra; cơ sở vật chất kỹ thuật của các ngành điều tra cơ bản còn yếu, trình độ kỹ thuật thấp.

Đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật điều tra cơ bản chưa đáp ứng kịp thời cả về số lượng và chất lượng so với yêu cầu phát triển của công tác này.

e) Việc quản lý công tác điều tra cơ bản chưa được quan tâm thích đáng, việc sử dụng, bảo vệ tài nguyên và môi trường hầu như thả nổi, chưa có tổ chức để quản lý chặt chẽ các công tác nói trên. Việc phân công và phối hợp giữa các Bộ, Ngành, địa phương trong lĩnh vực nay còn chưa hợp lý. Nhiều chính sách, chế độ đối với những người làm công tác điều tra cơ bản chưa thoả đáng.

II

Để đẩy mạnh việc điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cần triển khai công tác theo những phương hướng chính sau đây:

a) Cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác các tư liệu về tài nguyên và môi trường, về các điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội làm căn cứ cho việc phân vùng quy hoạch, lập tổng sơ đồ phân bố và phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng các kế hoạch 5 năm 1986-1990 và những kế hoạch tiếp theo, phục vụ cho việc xây dựng các luận chứng kinh tế kỹ thuật thiết kế thi công và quản lý các công trình lớn.

b) Xác định rõ khả năng tiềm tàng và quy luật phân bố của các dạng tài nguyên cơ bản của đất nước, kết luận khoa học về đặc điểm, quy luật của các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, từng bước dự đoán, dự báo có kết quả các hiện tượng tự nhiên, sự biến động của tài nguyên và môi trường làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược kinh tế - xã hội, chiến lược khoa học và kỹ thuật, phục vụ sản xuất đời sống và quốc phòng.

c) Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, khôi phục và phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ vốn gien tự nhiên, khôi phục và phát triển tài nguyên sinh vật, sử dụng hợp lý và tổng hợp các tài nguyên khoáng sản, đất, nước, rừng, biển, khí hậu, du lịch, từng bước khắc phục hậu quả về nhiều mặt của chiến tranh, bảo vệ có hiệu quả các hệ sinh thái trong điều kiện nhiệt đới của nước ta, chủ động đề phòng, ngăn chặn các tác động có hại đối với môi trường và tài nguyên.

III

Nhằm thực hiện các phương hướng trên và khắc phục những thiếu sót trong thời gian qua, các ngành và các địa phương cần làm tốt những công tác lớn sau đây:

1. Cùng với việc phát triển công tác điều tra cơ bản toàn diện và có trọng điểm, có định hướng của các ngành, phải tăng cường công tác điều tra cơ bản tổng hợp các vùng và các địa phương, đẩy mạnh việc điều tra cơ bản về các mặt kinh tế - xã hội; triển khai mạnh mẽ công tác điều tra cơ bản biển và thềm lục địa.

a) Tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản chuyên ngành, như đo đạc và bản đồ, địa chất thăm dò, khí tượng, thuỷ văn... chú trọng tiến hành nghiên cứu địa lý từng vùng lãnh thổ và cả nước.

b) Cần đặc biệt quan tâm công tác điều tra cơ bản về các mặt kinh tế và xã hội, trước hết là lao động, các ngành nghề và tập quán sản xuất.

c) Tổ chức công tác điều tra cơ bản tổng hợp các vùng lãnh thổ, nhất là các tỉnh, thành phố và huyện trọng điểm. Xây dựng các chương trình điều tra cơ bản tổng hợp cấp Nhà nước các vùng lãnh thổ có ý nghĩa chiến lược về mặt kinh tế và các chương trình điều tra cơ bản cấp địa phương theo hướng tập trung có trọng điểm phục vụ các mục tiêu phát triển và quy hoạch kinh tế.

d) Triển khai mạnh mẽ nhưng có trọng điểm, có định hướng công tác điều tra cơ bản biển và thềm lục địa nhằm nhanh chóng có được những đánh giá cần thiết về đặc điểm tự nhiên và các dạng tài nguyên biển, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng.

2. Tăng cường các biện pháp thiết thực bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên

a) Kết hợp chặt chẽ công tác điều tra cơ bản với việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cần nghiên cứu, điều tra tình hình biến động của môi trường và sự tổn thất trong khai thác, sử dụng tài nguyên để có biện pháp ngăn chặn các hoạt động làm suy giảm tài nguyên và môi trường và cải thiện nhanh chóng chất lượng tài nguyên và môi trường.

b) Trong việc xây dựng tổng sơ đồ phân bố và phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng các dự án quy hoạch phát triển kinh tế ngành và địa phương, cũng như luận chứng kinh tế kỹ thuật của các công trình, nhất thiết phải xem xét nghiêm túc và có biện pháp cụ thể về bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên. Kinh phí dành cho việc khắc phục những hậu quả không lợi đối với môi trường do việc xây dựng công trình gây nên được tính vào vốn đầu tư xây dựng công trình đó.

Đối với những công trình đã xây dựng thì các ngành chủ quản cần có kế hoạch kiểm tra ngay độ nhiễm bẩn nước và không khí do các chất thải gây ra có hại đối với hệ sinh thái và môi trường sống và nghiên cứu những biện pháp khắc phục.

c) Bộ Lâm nghiệp phối hợp với Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước, Viện khoa học Việt Nam, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp xây dựng và trình duyệt quy hoạch các khu dự trữ thiên nhiên, vườn quốc gia và rừng cấm (do Trung ương và địa phương quản lý) và thành lập Ngân hàng gien để bảo vệ các nguồn gien quý hiếm về động vật, thực vật.

d) Uỷ ban nhân dân các địa phương phải có biện pháp chặt chẽ bảo đảm vệ sinh môi trường ở các thành phố, khu công nghiệp; xử lý tốt vấn đề phân, rác và nước thải kết hợp tận dụng vào mục đích kinh tế.

e) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức về bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường trong nhân dân.

Các ngành giáo dục, đại học và trung học chuyên nghiệp cần đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên vào chương trình giảng dạy cho học sinh.

3. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác điều tra cơ bản, bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên.

a) Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức tốt việc nghiên cứu khoa học, dự báo khoa học, xây dựng chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật trong từng ngành điều tra cơ bản, khai thác và sử dụng tài nguyên cũng như trong công tác bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

b) Viện Khoa học Việt Nam, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, Bộ Thuỷ lợi tổ chức phối hợp nghiên cứu các thiên tai như động đất, bão lũ, các hiện tượng khí hậu bất lợi khác và các biện pháp phòng chống.

c) Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước và các ngành điều tra, thăm dò và khai thác tài nguyên cần nghiên cứu xây dựng các quy trình, quy phạm và định mức hợp lý trong điều tra cơ bản, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; bổ sung và điều chỉnh hệ thống các quy chế và pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên.

d) Các ngành, các cơ quan và địa phương cần nhanh chóng áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác điều tra cơ bản, bảo vệ tài nguyên và môi trường nhằm rút ngắn thời gian điều tra, khảo sát, nâng cao độ chính xác các số liệu quan trắc, phân tích.

4. Tăng cường đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác điều tra cơ bản và kiểm soát môi trường.

a) Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước chủ trì cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành có liên quan nghiên cứu chính sách đầu tư bảo đảm đẩy mạnh công tác điều tra nghiên cứu, bảo vệ tài nguyên và môi trường. b) Bổ sung vật tư, thiết bị mới, hiện đại (bằng nhiều nguồn): chú ý tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho công tác nghiên cứu biển, xử lý chất thải cho các nhà máy. Định quy chế sử dụng những thiết bị hiện có của các ngành và cơ quan điều tra cơ bản để nâng cao hiệu suất sử dụng. Điều chỉnh lại các thiết bị, vật tư của các ngành cho hợp lý.

5. Tăng cường đội ngũ cán bộ, công nhân làm công tác điều tra cơ bản, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

a) Cần có quy hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cho từng ngành, chú trọng những ngành quan trọng như đo đạc và bản đồ, địa chất, khí tượng thuỷ văn... và những lĩnh vực còn yếu như điều tra biển, địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế, điều tra cơ bản về xã hội v.v...

Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục, Tổng cục dạy nghề cần phối hợp các ngành điều tra cơ bản và bảo vệ môi trường xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ trong kế hoạch 5 năm tới và những năm tiếp theo.

b) Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước phối hợp với các ngành điều tra cơ bản và các Bộ Lao động, Tài chính và Tổng cục dạy nghề, Đại học và trung học chuyên nghiệp nghiên cứu, trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành các chế độ, chính sách ưu đãi cần thiết đối với cán bộ, công nhân trong các ngành điều tra cơ bản như địa chất, địa lý, khí tượng - thuỷ văn, hải dương học, đo đạc và bản đồ v.v... chế độ học bổng cho sinh viên học sinh; chế độ lương, phụ cấp thâm niên, phụ cấp khó khăn, công tác lưu động và làm việc nơi hẻo lánh, thời gian tập sự, thời gian nghỉ phép cho cán bộ, nhân viên, công nhân.

6. Nhanh chóng xây dựng hệ thống lưu trữ, dịch vụ khai thác tự liệu điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường.

Tư liệu điều tra cơ bản là tài sản chung của Nhà nước, cần được bảo quản chặt chẽ theo chế độ tài liệu mật. Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng trung tâm lưu trữ quốc gia và phối hợp với các ngành, các địa phương xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống lưu trữ, ban hành quy chế lưu trữ, bảo quản tài liệu điều tra cơ bản; đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức việc dịch vụ các yêu cầu khai thác tư liệu của các ngành và địa phương.

Các ngành và các địa phương cần chú ý đầu tư cho các cơ sở lưu trữ và dịch vụ khai thác tư liệu điều tra cơ bản bảo đảm yêu cầu bảo quản nghiêm mật và khai thác thuận tiện.

7. Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt với Liên Xô, Lào và Cam-pu-chia.

a) Cần mở rộng sự hợp tác với Liên Xô trong các lĩnh vực điều tra cơ bản chuyên ngành như địa chất, khí tượng - thuỷ văn, đo đạc bản đồ, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu biển và thềm lục địa, nghiên cứu bão và khí tượng nhiệt đới. Tham gia các chương trình nghiên cứu của các nước xã hội chủ nghĩa về những lĩnh vực cần thiết.

b) Tăng cường hợp tác với Lào và Cam-pu-chia, giúp bạn đưa công tác điều tra cơ bản đi trước một bước, làm cơ sở cho các kế hoạch phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Khi xây dựng kế hoạch phát triển của ta cần tính đến lực lượng làm nhiệm vụ hợp tác với bạn.

c) Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực và với một số nước khác trong lĩnh vực nghiên cứu tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo vệ các hệ sinh thái đặc biệt.

8. Xây dựng kế hoạch điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong các kế hoạch kinh tế quốc dân 5 năm và hàng năm.

Trong kế hoạch kinh tế quốc dân 5 năm (1986-1990) và kế hoạch hàng năm cần xây dựng hạng mục kế hoạch "điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường".

Trước mắt, các ngành và địa phương cần tổng hợp và đánh giá một cách hệ thống các tư liệu điều tra cơ bản đã tích luỹ được về tài nguyên thuộc diện mình quản lý, tình hình khai thác và sử dụng tài nguyên, diễn biến của môi trường và đề xuất các phương hướng về điều tra cơ bản; sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường làm cơ sở cho kế hoạch 1986-1990.

Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước tổ chức việc xây dựng và đôn đốc việc thực hiện kế hoạch này. Đồng thời, xác định mức đầu tư cần thiết cho từng lĩnh vực công tác và quản lý việc sử dụng vốn cho hiệu quả.

9. Điều chỉnh sự phân công trách nhiệm cho các ngành, các cơ quan và địa phương.

- Tổng cục địa chất: Nghiên cứu, điều tra cơ bản về địa chất khu vực, địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, địa chất biển; tìm kiếm thăm dò tài nguyên khoáng sản trên đất liền, thềm lục địa và dưới đáy đại dương (bao gồm cả nước dưới đất, nước khoáng, nước nóng, trừ dầu mỏ và khí đốt).

Thống nhất quản lý Nhà nước về công tác kiểm tra địa chất bảo vệ tài nguyên khoáng sản và lòng đất; quản lý Nhà nước về khai thác nước dưới đất. - Tổng cục Dầu khí: Nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí thiên nhiên trên đất liền, thềm lục địa và vùng biển thuộc chủ quyền nước ta.

Phối hợp với Tổng cục Địa chất nghiên cứu điều tra địa chất biển, tập trung vào các địa tầng chứa dầu khí, các cấu tạo chứa dầu khí.

- Chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển khi khai thác dầu khí. Công việc này cần được triển khai ngay.

- Tổng cục Khí tượng - Thuỷ văn: Điều tra cơ bản về khí tượng thuỷ văn và hải văn. Cung cấp số liệu và dự báo khí tượng, thuỷ văn phục vụ cho các ngành kịp thời và chính xác. Chịu trách nhiệm quản lý và kiểm soát môi trường không khí và nước.

- Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước: Thống nhất quản lý công tác đo đạc và bản đồ. Cung cấp các số liệu gốc, các tư liệu về đo đạc và bản đồ (kể cả ảnh máy bay và ảnh vệ tinh) phục vụ cho các ngành.

- Tổng cục quản lý ruộng đất: Thống nhất quản lý Nhà nước đối với toàn bộ đất đai trong cả nước nhằm bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên đất.

- Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước: Thực hiện quản lý Nhà nước trong việc sử dụng hợp lý đất xây dựng. Chỉ đạo chặt chẽ việc bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan trong quy hoạch và thiết kế xây dựng.

- Bộ Nông nghiệp: Điều tra cơ bản về đất nông nghiệp; điều tra các loại cây trồng, vật nuôi và côn trùng. Chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên đất, bảo vệ giống cây trồng và vật nuôi.

Cùng với Bộ Lâm nghiệp điều tra và xác định đất có khả năng phát triển nông lâm nghiệp, xác định phương hướng khai thác và sử dụng có hiệu quả.

- Bộ Lâm nghiệp: Điều tra cơ bản về tài nguyên rừng (đất lâm nghiệp, động vật và thực vật rừng); thống nhất quản lý việc bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng phục vụ các mục đích kinh tế.

- Bộ Thuỷ sản: Điều tra cơ bản về các nguồn lợi thuỷ sản, thống nhất quản lý việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Cùng với các Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp... nghiên cứu biện pháp khai thác hợp lý và bảo vệ các hệ sinh thái có liên quan.

- Viện Khoa học Việt Nam: Tổ chức điều tra, nghiên cứu tổng hợp về địa lý, tài nguyên thiên nhiên và điều kiện tự nhiên từng vùng lãnh thổ và trên phạm vi cả nước, biển và thẩm lục địa.

Điều tra nghiên cứu cơ bản về địa chất, thiên văn, vật lý địa cầu (bao gồm cả việc quan trắc, nghiên cứu và dự báo động đất...), động vật và thực vật.

Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam: Điều tra cơ bản về các mặt kinh tế, xã hội, dân cư, dân tộc, lao động ngành nghề, tập quán sản xuất, văn hoá và lối sống trong nhân dân. Đánh giá tổng hợp các đặc điểm kinh tế và xã hội của đất nước.

Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và Bộ Giáo dục: chủ trì hoặc huy động lực lượng trong ngành tham gia các chương trình, đề tài nghiên cứu về điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường theo yêu cầu của Nhà nước, của các ngành và các địa phương.

Chú trọng thích đáng việc giáo dục kiến thức về điều tra các yếu tố tự nhiên và xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và phổ thông. Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp nghiên cứu mở ngành đào tạo cán bộ chuyên về nghiên cứu và quản lý môi trường.

- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước: Đề xuất các yêu cầu về điều tra cơ bản, bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường với Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước và các ngành, các địa phương cho phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của Nhà nước.

- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan của địa phương: Uỷ ban khoa học và kỹ thuật, Uỷ ban Kế hoạch và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi địa phương.

- Các Bộ khác như Thuỷ lợi, Xây dựng, Giao thông vận tải, Mỏ và than, Cơ khí và luyện kim, Điện lực, Lao động, Y tế...; các Tổng cục như Hoá chất, Du lịch... đề xuất các yêu cầu của ngành mình với các ngành điều tra cơ bản để tổ chức sự phối hợp xây dựng và thực hiện kế hoạch điều tra cơ bản, bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phục vụ ngành.

10. Kiện toàn tổ chức các cơ quan điều tra cơ bản, thành lập cơ quan quản lý Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường.

a) Cần kiện toàn tổ chức các cơ quan điều tra, nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội, chú trọng tăng cường hệ thống tổ chức và phương tiện làm việc cho các đơn vị trực tiếp làm công tác nghiên cứu, điều tra và quan trắc, đo đạc và vẽ bản đồ, tìm kiếm và thăm dò khoáng sản, quan trắc vật lý địa cầu, khí tượng thuỷ văn, kiểm lâm và kiểm soát môi trường v.v...

b) Nghiên cứu việc thành lập một Uỷ ban Nhà nước để quản lý thống nhất công tác điều tra cơ bản, khai thác và sử dụng tài nguyên, bảo vệ và kiểm soát môi trường và chỉ đạo sự phối hợp hoạt động của các ngành. Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước chủ trì và cùng với Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Viện Khoa học Việt Nam, Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ quan có liên quan khác xây dựng đề án tổ chức và hoạt động trình Hội đồng Bộ trưởng và Hội đồng Nhà nước quyết định. Dự thảo đề án cần được hoàn thành trong tháng 12 năm 1985.

Điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là công việc rất quan trọng và cấp bách, là bộ phận hữu cơ không thể tách rời của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng của đất nước trước mắt cũng như lâu dài.

Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước và các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có liên quan, Uỷ ban nhân dân các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết này. Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn theo dõi, và thường kỳ báo cáo với Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng tình hình thực hiện Nghị quyết trong cả nước.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tố Hữu

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 246-HĐBT

Loại văn bảnNghị quyết
Số hiệu246-HĐBT
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành20/09/1985
Ngày hiệu lực05/10/1985
Ngày công báo15/11/1985
Số công báoSố 20
Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật17 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Nghị quyết 246-HĐBT đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Nghị quyết 246-HĐBT đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
                Loại văn bảnNghị quyết
                Số hiệu246-HĐBT
                Cơ quan ban hànhHội đồng Bộ trưởng
                Người kýTố Hữu
                Ngày ban hành20/09/1985
                Ngày hiệu lực05/10/1985
                Ngày công báo15/11/1985
                Số công báoSố 20
                Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
                Cập nhật17 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Nghị quyết 246-HĐBT đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

                            Lịch sử hiệu lực Nghị quyết 246-HĐBT đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

                            • 20/09/1985

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 15/11/1985

                              Văn bản được đăng công báo

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 05/10/1985

                              Văn bản có hiệu lực

                              Trạng thái: Có hiệu lực