Nội dung toàn văn Nghị quyết 27/2018/NQ-HĐND kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung cho thành phố Hồ Chí Minh
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2018/NQ-HĐND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 12 năm 2018 |
NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ KINH PHÍ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG BỔ SUNG CÓ MỤC TIÊU CHO NGÂN SÁCH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ QUY ĐỊNH NỘI DUNG, MỨC CHI ĐẶC THÙ PHỤC VỤ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG SỬ DỤNG TỪ NGUỒN KINH PHÍ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 12
(Từ ngày 04 đến ngày 07 tháng 12 năm 2018)
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Thông tư số 01/2018/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông và Quyết định số 901/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc đính chính Thông tư số 01/2018/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2018 của Bộ Tài chính;
Xét Tờ trình số 5280/TTr-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành quy định mức phân bổ kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố Hồ Chí Minh và quy định nội dung chi, mức chi đặc thù phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông sử dụng từ nguồn kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Báo cáo thẩm tra số 773/BC-HĐND ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành quy định mức phân bổ kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố Hồ Chí Minh và quy định nội dung chi, mức chi đặc thù phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông sử dụng từ nguồn kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cụ thể như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh
- Quy định nguồn kinh phí thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;
- Quy định một số nội dung chi, mức chi đặc thù thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh;
- Quy định mức phân bổ kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
2. Đối tượng áp dụng
a) Ban An toàn giao thông thành phố;
b) Sở Tài chính thành phố;
c) Công an thành phố;
d) Sở Giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc;
đ) Ban An toàn giao thông 24 quận, huyện;
e) Các lực lượng khác thuộc các đơn vị của thành phố, quận - huyện, phường xã trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (không bao gồm trật tự viên giao thông thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố);
g) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
3. Nguồn kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Kinh phí thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được đảm bảo từ các nguồn theo trình tự như sau:
a) Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
b) Trường hợp nhu cầu kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các lực lượng trên địa bàn thành phố (Ban An toàn giao thông thành phố; Ban An toàn giao thông 24 quận, huyện; Sở Giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc; Các lực lượng khác trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, quận - huyện, phường xã, không bao gồm trật tự viên giao thông thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố; Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông) phát sinh trong năm cao hơn nguồn kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh nêu trên thì phần chênh lệch được bố trí từ nguồn chi các hoạt động kinh tế theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành trong dự toán chi thường xuyên của các đơn vị.
c) Các khoản hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
d) Các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
4. Thông qua mức phân bổ kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh:
Mức phân bổ kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông hàng năm, để chi cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, trong đó:
- Bố trí 70% cho lực lượng Công an thành phố;
- Bố trí 30% còn lại cho các lực lượng khác của Thành phố.
5. Thông qua nội dung chi, mức chi đặc thù bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh:
a) Nội dung chi và mức chi của Ban An toàn giao thông các quận, huyện:
Thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 3 và Điều 4 Thông tư số 01/2018/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2018 của Bộ Tài chính.
b) Một số nội dung chi thực hiện nhiệm vụ khác phục vụ trực tiếp công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và mức chi đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh:
- Chi bồi dưỡng kiêm nhiệm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với các thành viên Ban An toàn giao thông thành phố, Ban An toàn giao thông các quận - huyện và Tổ Công tác giúp việc do Ủy ban nhân dân các cấp thành lập (không bao gồm Phó Trưởng Ban chuyên trách và cán bộ, công chức Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông): mức chi 500.000 đồng/người/tháng.
- Chi bồi dưỡng cho các thành viên đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ngoài giờ làm việc hành chính, ngoài chế độ lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo quy định hiện hành; tính theo đoàn kiểm tra):
+ Từ sau 17 giờ đến trước 22 giờ: mức chi 50.000 đồng/người/đoàn.
+ Từ 22 giờ đến 06 giờ hôm sau: mức chi 100.000 đồng/người/đoàn.
- Một số mức chi đặc thù khác:
+ Chi bồi dưỡng cho công tác giữ gìn an ninh trật tự, cộng tác viên, bảo vệ, giữ xe, phục vụ, vệ sinh, y tế, lễ tân phục vụ các phiên tòa giả định, các chương trình, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông: mức chi 50.000 đồng/người/ngày.
+ Chi bồi dưỡng cho Người cố vấn tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông: mức chi 500.000 đồng/người/chương trình.
+ Chi bồi dưỡng lực lượng tham gia diễn tập phương án cứu hộ và tập huấn kỹ năng cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố giao thông: mức chi 100.000 đồng/người/ngày.
Số lượng, đối tượng tham gia của từng chương trình, hoạt động cụ thể do Ban An toàn giao thông các cấp và các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện tự chịu trách nhiệm.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này thống nhất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định pháp luật.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Trong trường hợp mức phân bổ ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nội dung chi, mức chi đặc thù cần phải bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn; để kịp thời tổ chức thực hiện, Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019./.
| CHỦ TỊCH |