Nghị quyết 37/2012/NQ-HĐND chế độ bồi dưỡng công chức làm công tác tiếp dân đã được thay thế bởi Nghị quyết 30/2017/NQ-HĐND mức chi bồi dưỡng người làm nhiệm vụ tiếp công dân Đắk Nông và được áp dụng kể từ ngày 01/01/2018.
Nội dung toàn văn Nghị quyết 37/2012/NQ-HĐND chế độ bồi dưỡng công chức làm công tác tiếp dân
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2012/NQ-HĐND | Đắk Nông, ngày 20 tháng 12 năm 2012 |
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC LÀM CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
KHÓA II, KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 46/2012/TTLT-BTC-TTCP ngày 16/3/2012 của Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ Quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
Sau khi xem xét Tờ trình số 4584/TTr-UBND ngày 25 tháng 10 năm 2012 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc đề nghị thông qua Quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Báo cáo thẩm tra số 79/BC-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2012 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các Đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Quy định phạm vi, đối tượng áp dụng và mức chi như sau:
1. Phạm vi áp dụng
Nghị quyết này quy định chế độ bồi dưỡng theo ngày đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các địa điểm sau:
a) Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân tại cấp tỉnh, cấp huyện,
cấp xã;
b) Trụ sở cơ quan các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.
2. Đối tượng áp dụng
a) Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị quy định tại Khoản 1 Điều này được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc các địa điểm tiếp công dân;
b) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất; cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền mời, triệu tập làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc các địa điểm tiếp công dân;
3. Mức chi
Các đối tượng được quy định tại điểm a, b khoản 2, Điều 1 của Nghị quyết này khi tham gia công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân thì được bồi dưỡng theo mức chi như sau:
- 150.000 đồng/ngày/người nếu đối tượng chưa hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thanh tra;
- 120.000 đồng/ngày/người nếu đối tượng đang hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thanh tra.
Điều 2. Các quy định khác về chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 46/2012/TTLT-BTC-TTCP ngày 16/3/2012 của Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ.
Điều 3. Giao cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo HĐND tỉnh kết quả thực hiện.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông khóa II, kỳ họp thứ 5 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |