Nghị quyết 59-NQ

Nghị quyết số 59-NQ về việc đẩy mạnh phát triển sản xuất muối do Hội đồng Chính phủ ban hành.

Nội dung toàn văn Nghị quyết 59-NQ đẩy mạnh phát triển sản xuất muối


HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 59-NQ

Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 1964

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT MUỐI

Hội đồng Chính phủ trong phiên họp của Hội nghị thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 04 tháng 3 năm 1964 sau khi nghe Bộ Công nghiệp nhẹ báo cáo tình hình sản xuất muối và những đề nghị của Bộ về việc đẩy mạnh phát triển sản xuất muối, nhận định:

Trong mấy năm qua, trên cơ sở hợp tác hóa nghề làm muối và bước đầu phát triển công nghiệp quốc doanh làm muối, ngành muối đã được phát triển hơn, số lượng muối đã được tăng thêm để cung cấp cho nhu cầu của nhân dân và của công nghiệp.

Tuy nhiên, ngành sản xuất muối còn phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Hợp tác xã làm muối là cơ sở sản xuất chính hiện nay chưa được củng cố, sản xuất vẫn dựa trên cơ sở vật chất và kỹ thuật thủ công lạc hậu, tổ chức quản lý lỏng lẻo, do đó sản xuất chưa phát triển mạnh mẽ, thậm chí còn có tỉnh sản lượng còn bị sút kém. Đến nay, một số tỉnh có bờ biển khá dài mà vẫn chưa tự giải quyết được nhu cầu về muối trong tỉnh. Vì vậy ngành muối vẫn chưa bảo đảm được kế hoạch cung cấp và dự trữ cho nhu cầu ngày càng tăng về muối ăn và muối công nghiệp.

Nguyên nhân chủ yếu của những thiếu sót trên đây là do nhận thức tư tưởng của Bộ Công nghiệp nhẹ, các ngành có liên quan ở trung ương và các địa phương có nghề làm muối còn lệch lạc: chưa nhận rõ vị trí quan trọng của ngành làm muối trong nền kinh tế và đời sống nhân dân ta, chưa nhận rõ phương hướng phát triển sản xuất muối, phương hướng phát triển hợp tác xã và phát triển quốc doanh làm muối. Do đó, quy hoạch toàn diện phát triển muối làm chậm, có lúc chạy theo việc khai hoang tăng diện tích mới và phát triển quốc doanh mà coi nhẹ việc cải tạo đồng muối sẵn có, coi nhẹ việc củng cố và phát triển hợp tác xã làm muối; chậm nghiên cứu bổ sung các chính sách, chế độ khuyến khích phát triển sản xuất muối; chưa phối hợp chặt chẽ các ngành trong việc chỉ đạo phát triển sản xuất muối.

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất muối, góp phần hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước năm 1964 và 5 năm lần thứ nhất, Hội đồng Chính phủ quyết định:

I. NHẬN RÕ VỊ TRÍ, PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH MUỐI, XÚC TIẾN VIỆC QUY HOẠCH TOÀN DIỆN, ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT MUỐI.

+ Ngành sản xuất muối có vị trí rất quan trọng vì muối là món ăn không thể thiếu được của nhân dân và rất cần thiết cho sản xuất của ngành chế biến thực phẩm và nhiều ngành công nghiệp khác, nó là nguồn sinh sống của hàng chục vạn người làm muối. Ngành muối phát triển còn có thể tăng thêm nguồn vật tư xuất khẩu.

+ Yêu cầu đối với ngành muối là nhất định phải bảo đảm nhu cầu muối ăn cho nhân dân, nhu cầu muối cho công nghiệp, và bảo đảm dự trữ vật tư cho Nhà nước. Đối với các tỉnh có bờ biển mà hiện nay sản xuất muối còn ít thì phải cố gắng đẩy mạnh phát triển sản xuất muối để nhanh chóng tự túc và tiến lên cung cấp thêm muối cho Nhà nước.

+ Phương hướng phát triển ngành muối hiện nay và trong một thời gian khá lâu nữa là:

- Ra sức củng cố và phát triển hợp tác xã làm muối nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất bảo đảm cung cấp cho nhu cầu muối ăn của nhân dân, cung cấp thêm một phần cho công nghiệp. Đồng thời cần phát triển vững chắc công nghiệp quốc doanh làm muối với quy mô hợp lý, kỹ thuật tiên tiến bảo đảm có chất lượng cao cho nhu cầu muối của công nghiệp.Dựa vào sự phát triển của công nghiệp quốc doanh để tăng cường sự hướng dẫn, giúp đỡ hợp tác xã làm muối cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất.

- Phải tận dụng các đồng muối sẵn có, xúc tiến việc cải tạo đồng ruộng, cải tiến kỹ thuật sản xuất, xây dựng từng bước cơ sở vật chất và kỹ thuật bảo đảm tăng năng suất trên toàn bộ diện tích sản xuất. Đồng thời chú trọng việc khai hoang, tăng diện tích mới ở những nơi có điều kiện bảo đảm mang lại hiệu quả kinh tế tốt, không để lãng phí sức người sức của.

- Cải tiến và phát triển sản xuất muối phơi bằng cách phơi cát và chuyển dần sang phát triển sản xuất bằng cách phơi nước ở những nơi có điều kiện. Phát triển sản xuất muối nấu ở những nơi gần than, tiện vận chuyển. Chú trọng tăng phẩm chất và hạ giá thành sản xuất muối.

Theo phương hướng nói trên, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần phối hợp với Bộ Công nghiệp nhẹ và Bộ Nội thương xúc tiến quy hoạch phát triển toàn diện về muối: quy hoạch về sản lượng, quy hoạch về diện tích, quy hoạch về cơ sở vật chất và kỹ thuật… đồng thời phải có biện pháp tích cực thực hiện từng bước quy hoạch đó. Trước mắt, cần soát lại các chỉ tiêu kế hoạch năm 1964 và năm 1965 và tăng cường chỉ đạo thực hiện kế hoạch, giải quyết kịp thời các khó khăn trong sản xuất, bảo đảm cho ngành sản xuất muối phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn nữa.

II. RA SỨC CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ LÀM MUỐI

Hiện nay, phần lớn sản lượng muối là do các hợp tác xã làm muối đảm nhiệm; vì vậy việc củng cố và phát triển hợp tác xã nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất muối là nhiệm vụ chủ yếu của ngành muối. Đối với các hợp tác xã liên hợp vừa làm muối vừa làm nông nghiệp và nghề khác, cần phải coi trọng bảo đảm sản xuất muối, đồng thời vẫn coi trọng sản xuất nông nghiệp và nghề khác. Các hợp tác xã này nói chung không nên vội tách ra thành những hợp tác xã chuyên làm muối (trừ những nơi có điều kiện) để khỏi ảnh hưởng đến việc cung cấp lương thực, tuy vậy cần tổ chức các đội sản xuất muối chuyên nghiệp trong các hợp tác xã đó và giải quyết tốt vấn đề lao động và lương thực cho các hộ trong các đội chuyên nghiệp này để đảm bảo đẩy mạnh phát triển sản xuất muối.

Trong việc củng cố và phát triển hợp tác xã, cần kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, công tác tổ chức, và chú trọng tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật của hợp tác xã.

Cần coi trọng công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho cán bộ, xã viên. Nâng cao ý thức làm chủ tập thể, tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, nỗ lực khắc phục khó khăn đẩy mạnh sản xuất, đề cao ý thức trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh chính sách và pháp luật của Nhà nước. Ra sức đấu tranh khắc phục mọi biểu hiện xấu như: không chấp hành nghiêm chỉnh chính sách thu mua, thu thuế, giá cả và quản lý thị trường của Nhà nước, tư tưởng tự tư tự lợi, kém tinh thần trách nhiệm, không tôn trọng lợi ích tập thể và lợi ích của Nhà nước, tư tưởng ỷ lại trông chờ sự giúp đỡ của Nhà nước.

Cần kiện toàn các ban quản trị, ban kiểm soát các hợp tác xã và các đội trưởng, tổ trưởng sản xuất, sắp xếp, bổ sung vào đó những người có tư tưởng, đạo đức tốt và có kinh nghiệm quản lý sản xuất. Bộ Công nghiệp nhẹ và các địa phương cần có kế hoạch cụ thể đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật, cán bộ nghiệp vụ, nâng cao từng bước trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật của hợp tác xã.

Việc tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật có tác dụng quan trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất, củng cố và mở rộng quan hệ sản xuất mới. Phải làm cho cán bộ, xã viên quyết tâm phấn đấu để nâng cao tích lũy của hợp tác xã đồng thời tăng cường sự giúp đỡ của Nhà nước để đẩy mạnh việc cải tạo đồng muối, thực hiện quy hoạch thủy lợi, cải tiến và tăng thêm thiết bị và phương tiện sản xuất để từng bước nâng cao cơ sở vật chất và kỹ thuật của ngành muối. Chú trọng tăng tích lũy cho hợp tác xã đồng thời giải quyết tốt phúc lợi cho xã viên, từng bước cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của xã viên.

Bộ Công nghiệp nhẹ cùng với các địa phương nghiên cứu sớm đề án thí điểm công tác cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật đối với hợp tác xã làm muối trình Hội đồng Chính phủ thông qua để làm thí điểm rút kinh nghiệm rồi mở rộng công tác đó.

Xúc tiến việc dự thảo bản điều lệ về hợp tác xã nghề muối để trình sớm lên Hội đồng Chính phủ ban hành.

Ra sức củng cố hợp tác xã, tăng cường lực lượng mọi mặt của hợp tác xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển hợp tác xã bậc thấp lên bậc cao và mở rộng quy mô hợp tác xã, tiến lên hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nghề làm muối.

III. BỔ SUNG MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CỤ THỂ NHẰM KHUYẾN KHÍCH HƠN NỮA VIỆC PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT MUỐI.

Để khuyến khích phát triển sản xuất muối hơn nữa, Bộ Công nghiệp nhẹ và các ngành có liên quan cần soát lại việc thực hiện các chính sách đã ban hành và nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ để bổ sung những thiếu sót hoặc sửa đổi những điểm đến nay không còn thích hợp. Trước mắt, cần kịp thời bổ sung một số chính sách như: chính sách khai hoang ruộng muối, chính sách giá cả đối với muối nấu và muối sản xuất trên diện tích mới khai hoang, chính sách cho vay, chính sách cung cấp nguyên liệu, vật liệu cho sản xuất, chính sách động viên khen thưởng, bán hàng công nghiệp cho người làm muối nhằm khuyến khích sản xuất, vv…

Đối với việc khai hoang đồng muối cần phải giúp đỡ, khuyến khích người đi khai hoang muối một cách đúng mức như đối với nông dân đi khai hoang nông nghiệp.

Đối với muối nấu: Thời tiết nước ta phức tạp, mưa nắng xen kẽ thường ảnh hưởng không tốt đến nghề sản xuất muối phơi cho nên phải coi nghề muối nấu là biện pháp cần thiết có tính chất lâu dài bên cạnh nghề muối phơi. Có như vậy mới tận dụng được khả năng sản xuất, bảo đảm được sản xuất cả trong thời gian thời tiết xấu. Để khuyến khích nghề nấu muối, cần phải tăng giá muối nấu hoặc hạ giá than và vận tải than một cách thích đáng làm cho người làm muối yên tâm và phấn khởi sản xuất. Hội đồng vật giá và Bộ Công nghiệp nhẹ có nhiệm vụ nghiên cứu và giải quyết gấp vấn đề này.

Đối với việc cung cấp nguyên liệu, vật liệu để sản xuất muối: Sản xuất muối ngày càng phát triển, nhưng việc cung cấp nguyên liệu, vật liệu hiện nay bị thất thường, không bảo đảm tốt cho sản xuất, Hội đồng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Công nghiệp nhẹ tổng hợp yêu cầu về nguyên liệu, vật liệu cho sản xuất muối, lập kế hoạch xin Nhà nước giải quyết và liên hệ với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, các Bộ, Tổng cục có liên quan cùng nhau giải quyết sớm và tốt vấn đề này. Bộ Công nghiệp nhẹ có trách nhiệm trực tiếp phân phối nguyên liệu, vật liệu cho các đồng muối theo giá cung cấp, bảo đảm kịp thời vụ sản xuất.

Đi đôi với việc cố gắng giải quyết của Nhà nước, cấp ủy Đảng và Ủy ban hành chính các cấp cần giáo dục cho người làm muối tinh thần tự lực cánh sinh, cố gắng tìm cách cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, tìm nguyên liệu, vật liệu thay thế để có thể giảm bớt yêu cầu về vật tư đối với Nhà nước.

IV. TĂNG CƯỜNG VIỆC LÃNH ĐẠO VÀ QUẢN LÝ NGÀNH MUỐI TỪ TRUNG ƯƠNG ĐẾN ĐỊA PHƯƠNG

- Trước hết, Bộ Công nghiệp nhẹ, các ngành ở trung ương có liên quan và các địa phương cần phải nhận rõ vị trí và tầm quan trọng của ngành sản xuất muối và xác định rõ trách nhiệm của mình đối với việc sản xuất muối, phối hợp chặt chẽ với nhau để tăng cường việc lãnh đạo và quản lý ngành muối từ trung ương đến địa phương.

- Bộ Công nghiệp nhẹ có trách nhiệm chung trước Hội đồng Chính phủ về các mặt chỉ đạo thực hiện kế hoạch sản xuất muối, quản lý các đồng muối quốc doanh trung ương, hướng dẫn và giúp đỡ về kỹ thuật nghiệp vụ cho các hợp tác xã làm muối, nghiên cứu đề nghị Hội đồng Chính phủ các chủ trương, chính sách khuyến khích sản xuất và quản lý nghề muối; đồng thời có nhiệm vụ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc giúp đỡ các địa phương thực hiện các chủ trương chính sách đã ban hành. Cấp ủy Đảng và Ủy ban hành chính các địa phương có trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo các hợp tác xã làm muối hoặc các cơ sở quốc doanh địa phương làm muối trên các mặt: thực hiện chỉ tiêu kế hoạch sản xuất và thu mua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tổ chức và quản lý hợp tác xã… Dựa theo quy định này Bộ Công nghiệp nhẹ có trách nhiệm bàn bạc cụ thể với Ủy ban hành chính các địa phương để nhanh chóng tăng cường tổ chức chỉ đạo sản xuất muối.

- Bộ Thủy lợi phải phụ trách công tác thủy lợi ở đồng muối, đó là vấn đề lớn trong việc xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của đồng muối. Để làm tròn nhiệm vụ đó, Bộ cần có cán bộ phụ trách về thủy lợi ở đồng muối, cần lập quy hoạch các đê, cống … ở các đồng muối để bảo đảm phục vụ kịp thời cho sản xuất và khai hoang. Bộ thủy lợi có nhiệm vụ thiết kế, thi công, bảo quản những đê cống lớn và phân cấp cho các Ty Thủy lợi quản lý các đê cống nhỏ.

- Nha khí tượng cần tăng cường công tác khí tượng hải văn, tiến tới chỉ đạo, quản lý các trạm khí tượng ở vùng ven biển phục vụ sản xuất muối và phục vụ kinh tế ở miền biển.

Trên đây Hội đồng Chính phủ quyết định một số vấn đề chủ yếu để đẩy mạnh phát triển sản xuất muối. Hội đồng Chính phủ yêu cầu các Bộ, Tổng cục và Ủy ban hành chính các địa phương phổ biến sâu rộng nghị quyết này và bàn kế hoạch thi hành một cách nghiêm túc, khẩn trương và tích cực.

 

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 59-NQ

Loại văn bảnNghị quyết
Số hiệu59-NQ
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành06/04/1964
Ngày hiệu lực21/04/1964
Ngày công báo29/04/1964
Số công báoSố 10
Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật16 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Nghị quyết 59-NQ đẩy mạnh phát triển sản xuất muối


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Nghị quyết 59-NQ đẩy mạnh phát triển sản xuất muối
                Loại văn bảnNghị quyết
                Số hiệu59-NQ
                Cơ quan ban hànhHội đồng Chính phủ
                Người ký***
                Ngày ban hành06/04/1964
                Ngày hiệu lực21/04/1964
                Ngày công báo29/04/1964
                Số công báoSố 10
                Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
                Cập nhật16 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được căn cứ

                    Văn bản hợp nhất

                      Văn bản gốc Nghị quyết 59-NQ đẩy mạnh phát triển sản xuất muối

                      Lịch sử hiệu lực Nghị quyết 59-NQ đẩy mạnh phát triển sản xuất muối

                      • 06/04/1964

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 29/04/1964

                        Văn bản được đăng công báo

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 21/04/1964

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực