Nghị quyết 71/2006/NQ-HĐND

Nghị quyết 71/2006/NQ-HĐND về mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển Kinh tế - Xã hội, đảm bảo Quốc phòng - An ninh năm 2007 do tỉnh Điện Biên ban hành

Nghị quyết 71/2006/NQ-HĐND phát triển Kinh tế Xã hội đảm bảo Quốc phòng An ninh 2007 tỉnh Điện Biên đã được thay thế bởi Quyết định 474/QĐ-UBND 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản pháp luật Điện Biên 2004 2013 và được áp dụng kể từ ngày 25/06/2014.

Nội dung toàn văn Nghị quyết 71/2006/NQ-HĐND phát triển Kinh tế Xã hội đảm bảo Quốc phòng An ninh 2007 tỉnh Điện Biên


HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/2006/NQ-HĐND

Điện Biên Phủ, ngày 12 tháng 12 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2007

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Sau khi xem xét các Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2006, mục tiêu nhiệm vụ phát triển Kinh tế- Xã hội năm 2007; Báo cáo thẩm tra số: 105/BC-KTNS ngày 04/12/2006 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển Kinh tế- Xã hội năm 2006; mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Kinh tế - Xã hội, Quốc phòng - An ninh năm 2007 do UBND tỉnh trình tại kỳ họp; Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số vấn đề như sau:

I- Về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển Kinh tế - Xã hội, Quốc phòng - An ninh năm 2006:

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các ngành và các khu vực kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Dự ước tốc độ tăng trưởng GDP năm 2006 đạt 10,54% (chỉ tiêu HĐND tỉnh giao 11%); trong đó: Nông nghiệp tăng 5,15%, Công nghiệp, Xây dựng tăng 13,5%, Dịch vụ tăng 13,95%.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; dự ước năm 2006 Nông, Lâm nghiệp chiếm 36,44%, giảm 0,7%; Công nghiệp - Xây dựng chiếm 25,35%, tăng 0,25%; Dịch vụ 38,21%, tăng 0,45% so với năm 2005.

1. Về phát triển kinh tế:

Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện; diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều tăng so với năm 2005 nhất là các loại cây lương thực, cây bông lai, cà phê,... Ước tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 183.883 tấn, tăng 4,08% so với năm 2005 và đạt 100,06% kế hoạch; Cây đậu tương trồng được 9.241,2 ha đạt 92,41% kế hoạch; sản lượng ước đạt 91,73% kế hoạch. Cây bông trồng được 1.582 ha, tăng gấp 2 lần so với năm 2005 và đạt 87,8% kế hoạch, sản lượng ước 72,5% kế hoạch.

Cây chè hiện có diện tích trồng 225,5 ha; sản lượng chè búp tươi trong năm 2006 ước đạt 66 tấn (100% kế hoạch). Cây cà phê hiện có 445 ha, trong đó diện tích trồng mới là 50 ha; sản lượng cà phê nhân ước đạt 664 tấn (đạt 138% kế hoạch).

Trong chăn nuôi, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức tốt công tác thú y, phòng chống có hiệu quả dịch lở mồm long móng ở đàn gia súc và dịch cúm gia cầm; duy trì tốc độ tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 314 tỷ đồng (Giá so sánh), tăng 14% so với năm trước và đạt 98,3% kế hoạch.

- Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, đảm bảo cung ứng đủ vật tư, hàng hóa cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng; chất lượng và hiệu quả hoạt động dịch vụ du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông được nâng lên. Dự ước tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2006 đạt 1.160 tỷ đồng, tăng 20,64% so với năm trước, đạt 103,5% kế hoạch. Các mặt hàng chính sách trợ giá trợ cước đối với đồng bào dân tộc như muối i ốt, dầu hỏa, phân bón, giống nông nghiệp... thực hiện đạt kế hoạch góp phần ổn định cuộc sống đồng bào vùng khó khăn.

- Thu ngân sách trên địa bàn có nhiều cố gắng, tổng thu ngân sách ước đạt 1.346,34 tỷ đồng, đạt 133% so với dự toán ngân sách đầu năm giao. Trong đó:

Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 131,3 tỷ đồng, đạt 118% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 16% so với thực hiện năm 2005.

- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong năm ước đạt 1.278 tỷ đồng đạt 85,2% kế hoạch.

2. Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực:

Thực hiện tốt kế hoạch đổi mới giáo dục phổ thông; từng bước nâng cao hiệu quả xã hội hóa giáo dục; cơ sở vật chất phục vụ dạy và học đã được quan tâm đầu tư; đảm bảo các điều kiện cho triển khai nhiệm vụ năm học 2006-2007. Toàn tỉnh có 35 trường đạt chuẩn Quốc gia, tăng 10 trường so với năm học trước; đội ngũ giáo viên được bổ sung và tăng cường, khắc phục dần tình trạng thiếu giáo viên. Đến hết năm 2006 có 56/98 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở (tăng 19 xã so với năm 2005), đạt 100% kế hoạch.

- Công tác phòng chống dịch bệnh được tổ chức triển khai thực hiện tốt. Số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ 7 loại vác xin đạt 92,9% kế hoạch năm; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm. Tổng số lần khám bệnh là 890.000 lượt, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 98% kế hoạch năm.

- Tỷ lệ sinh giảm 1%o, còn 24,3%o. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được quan tâm. Bảo hiểm xã hội đã tổ chức 4 đợt cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số và đối tượng theo Pháp lệnh người cao tuổi; đến 31/10/2006 đã cấp tổng số 319.145 thẻ bảo hiểm y tế.

- Tổ chức khá tốt các hoạt động văn hóa-thông tin chào mừng các sự kiện chính trị lớn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được tổ chức khá tốt và được nhân dân tích cực hưởng ứng; trong năm có 740 bản làng khu phố với 54.926 hộ gia đình tự nguyện đăng ký xây dựng đời sống văn hóa mới; so với năm trước: số bản làng đăng ký tăng 58% và số hộ đăng ký tăng 41%; so với kế hoạch: số bản làng đăng ký đạt 164,4% và số hộ đăng ký đạt 137%.

- Toàn tỉnh hiện có 68.500 người (15,75% dân số trong tỉnh) thường xuyên luyện tập thể dục thể thao; 7.800 gia đình thể thao; 168 câu lạc bộ thể dục thể thao.

- Quan tâm các đối tượng chính sách; tạo được việc làm mới cho 6.000 lao động, đạt 100% kế hoạch năm và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; ước giảm được 5% số hộ nghèo, đạt 100% kế hoạch, hạ tỷ lệ đói nghèo giảm xuống còn 38,97%; dự ước hỗ trợ khai hoang đạt 1.856 hộ, được 120 ha, hỗ trợ nhà ở (tấm lợp) cho 2.612 hộ, xây dựng 109 công trình cấp nước sinh hoạt cho 3.680 hộ.

3. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền lãnh thổ quốc gia được giữ vững; đã chủ động nắm chắc tình hình không để tình huống đột xuất xấu, bất ngờ xẩy ra trên địa bàn tỉnh; hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường, mở rộng.

4. Tổ chức bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được củng cố kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên; công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức được quan tâm; giải quyết kịp thời đơn thư đề nghị, khiếu nại tố cáo của công dân, không để tồn đọng kéo dài làm phát sinh điểm nóng.

Những kết quả đạt được nêu trên là rất cơ bản, là tiền đề quan trọng để tỉnh ta triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển Kinh tế - Xã hội, Quốc phòng An ninh năm 2007 và giai đoạn 2006 - 2010; song bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại hạn chế cần khắc phục, đó là:

Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và thiếu vững chắc. Sản xuất lương thực, mặc dù đã có kết quả khá song chưa vững chắc, cây công nghiệp ngắn ngày như đậu tương, bông chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Kế hoạch trồng rừng tập trung đạt kết quả thấp. Tình hình sản xuất trên nương có xu hướng tăng, chủ trương mở rộng diện tích chè, thâm canh tăng vụ, chăn nuôi trâu, bò thịt triển khai còn lúng túng, chưa rõ; những tồn tại trong khai hoang chậm được xử lý.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng chưa đạt mục tiêu kế hoạch. Nhiều sản phẩm công nghiệp không đạt chỉ tiêu kế hoạch như: than khai thác, bia hơi, giấy bìa, xi măng, gạch xây, điện phát ra... Tiến độ triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm còn chậm. Hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất còn trầm lắng; một số tồn tại về quản lý đất đai ở huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ và Công ty cây công nghiệp còn xử lý chậm.

Nguồn hàng xuất khẩu còn hạn chế, khan hiếm, chưa có biện pháp thích hợp phát triển các loại hàng xuất khẩu nên hàng địa phương xuất khẩu còn ít. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chất lượng còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu là mũi nhọn trong tăng trưởng chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Kết quả thu hút nguồn lực đầu tư còn hạn chế kể cả các nguồn vốn trong và ngoài ngân sách. Tiến độ của một số chương trình, dự án còn chậm, kéo dài.

Chất lượng giáo dục đào tạo ở một số địa bàn còn thấp. Số người nhiễm HIV/AIDS tăng, chỉ tiêu số người cai nghiện, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy đạt thấp. Tình hình buôn bán, sử dụng ma túy, di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật còn diễn biến phức tạp.

Cải cách hành chính chuyển biến chưa mạnh, chất lượng, trình độ đội ngũ cán bộ còn hạn chế, nhất là cán bộ cơ sở.

Công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số hiệu quả thấp.

II- Về chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2007:

1. Các chỉ tiêu chủ yếu:

Năm 2007 có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định việc tạo đà tăng trưởng để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2010; các cấp, các ngành cần tranh thủ thời cơ thuận lợi, khắc phục khó khăn thách thức, phấn đấu đạt các chỉ tiêu chủ yếu sau:

1.1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 11%, phấn đấu đạt trên 11%.

1.2. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phấn đấu cơ cấu GDP năm 2007: Nông, lâm ngư nghiệp: 34,49%, giảm 2%; Dịch vụ: 38,68%, tăng 0,5%; Công nghiệp - Xây dựng: 26,83%, tăng 1,5% so với năm 2006.

1.3. Phấn đấu giá trị gia tăng khu vực Nông Lâm nghiệp tăng 5,1-5,5%, giá trị sản xuất tăng 6,2%; giá trị gia tăng khu vực dịch vụ tăng 12,5-13%, giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 17,6%, giá trị sản xuất tăng 19,5%.

1.4. Một số chỉ tiêu cụ thể về sản xuất Nông, Lâm nghiệp:

- Lương thực đạt 192,148 ngàn tấn.

- Đậu tương 11.000 ha, tăng 19,03%; sản lượng 13.946 tấn, tăng 23,09%.

- Cà phê: 485 ha, sản lượng cà phê nhân 515 tấn.

- Chè: 294 ha; trong đó trồng mới 68,5 ha.

- Tốc độ phát triển đàn gia súc 5,2%.

- Sản lượng thuỷ sản 936 tấn, tăng 6,12%.

- Trồng mới 2.500 ha rừng, gồm: Rừng phòng hộ 500 ha (vốn chương trình 5 triệu ha rừng); rừng sản xuất 2.000 ha. Khoanh nuôi tái sinh 63.731 ha; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 44%.

1.5. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu: 4,2 triệu USD, trong đó: Xuất khẩu 2,7 triệu USD, nhập khẩu 1,5 triệu USD.

1.6. Thu ngân sách trên địa bàn đạt: 140,5 tỷ đồng.

1.7. Tái định cư thuộc Dự án thuỷ điện Sơn La được: 1.500 hộ.

1.8. Tổng vốn đầu tư phát triển: 1.862 tỷ đồng, tăng 45,6% so với năm 2006.

1.9. Giảm tỷ lệ sinh 1%o; giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 26,2%, giảm 1,8% so với năm 2006; 16 xã đạt chuẩn y tế quốc gia;

1.10. Đạt chuẩn phổ cập THCS 16 xã, phường (tổng số xã, phường đạt chuẩn là 72 xã, phường);

1.11. Giảm tỷ lệ đói nghèo xuống còn 33,93%; đào tạo nghề cho 5.000 lao động, tạo việc làm mới cho 7.000 lao động; tổ chức cai nghiện cho trên 1.000 lượt người nghiện ma túy.

1.12. Có 46,5% đăng ký gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa (tăng 1,5%), 31% đăng ký thôn bản đạt tiêu chuẩn thôn, bản văn hóa (tăng 6%); Nâng tỷ lệ hộ được phủ sóng Đài truyền hình Việt Nam lên 85%, tăng 1%, tỷ lệ hộ được phủ sóng phát thanh Đài TNVN 98,8%;

1.13. 104/106 xã, phường có đường ô tô đến trung tâm, trong đó 68/106 xã đi lại được 2 mùa; 100% xã, phường có điện thoại và điểm bưu điện văn hóa xã; 85/106 xã, phường có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã.

1.14. Có 75% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch và 60% dân cư nông thôn có nước sinh hoạt; thu gom và xử lý chất thải y tế đạt tiêu chuẩn môi trường. Nâng cao năng lực phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai.

1.15. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông. Giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng và củng cố khối đoàn kết toàn dân.

1.16. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao đạo đức, năng lực và từng bước đổi mới tư duy, phương pháp làm việc của đội ngũ cán bộ công chức.

Tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp.

2. Nhiệm vụ chủ yếu:

2.1. Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn:

Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của ngành Nông, Lâm, Thuỷ sản; tập trung vào các loại cây lương thực, cây chè, cây đậu tương, cây bông... và chăn nuôi trâu bò thịt, phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Khuyến khích và nhân rộng mô hình trồng các loại cây và chăn nuôi tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao; phát triển mạnh diện tích cây công nghiệp ngắn ngày trên đất ruộng một vụ; mở rộng mô hình thâm canh, tăng vụ tại các khu vực lòng chảo Điện Biên, Tuần Giáo.

2.2. Phát triển Công nghiệp - Xây dựng:

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên cơ sở nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh đi đôi với giảm các chi phí bất hợp lý trong giá thành sản phẩm; khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp tại các khu quy hoạch và phát triển thuỷ điện, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; khôi phục, phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp với các sản phẩm truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre đan phục vụ cho du lịch địa phương.

2.3. Phát triển Thương mại và Dịch vụ:

Tạo bước chuyển biến mạnh trong việc phát triển các ngành dịch vụ, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế để chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch theo quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ xây dựng giai đoạn II dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Điện Biên Phủ.

2.4. Quản lý và thu hút đầu tư:

Khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào tỉnh theo quy hoạch; xuất khẩu qua cửa khẩu địa phương để khai thác có hiệu quả cửa khẩu Tây Trang và cửa khẩu Huổi Puốc - Na Son.

2.5. Trong lĩnh vực Văn hóa - Xã hội:

Quản lý khai thác có hiệu quả nguồn vốn trong chương trình mục tiêu Quốc gia về xóa đói, giảm nghèo; gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phát triển sản xuất, ngành nghề tạo thêm việc làm với chuyển dịch cơ cấu lao động.

Tiếp tục tăng cường chất lượng và hiệu quả giáo dục. Củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ, đẩy mạnh phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập THCS ở 72/106 xã, phường, thị trấn. Phấn đấu trẻ em trong độ tuổi huy động ra lớp: Mẫu giáo đạt 61%, tăng 6,8%; bậc tiểu học đạt 98%, tăng 2%; THCS đạt 87%, tăng 2%; THPT 79%, tăng 13% so với năm học trước.

Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo, tăng quy mô, chất lượng, hiệu quả theo hướng đa dạng hóa các loại hình đào tạo với các ngành nghề đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Chuẩn bị các điều kiện trong năm 2007 nâng cấp trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật tổng hợp lên Cao đẳng; chuẩn bị phương án báo cáo cấp có thẩm quyền để nâng cấp trường Trung học Y tế lên Cao đẳng và Trường Cao đẳng Sư phạm lên trường Đại học trong những năm tiếp theo.

Mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực dân số, gia đình, trẻ em gắn với nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi. Phấn đấu nâng số trạm xá có bác sỹ lên 10%; 90% trạm y tế đủ điều kiện hoạt động và có nữ hộ sinh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm; ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học về giống cây trồng vật nuôi vào điều kiện cụ thể của địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng làng bản, gia đình văn hóa, kết hợp với phục vụ du lịch tìm hiểu bản sắc văn hoá dân tộc để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng, chú trọng đầu tư huấn luyện, bồi dưỡng năng khiếu một số môn thể thao thành tích cao mà tỉnh có ưu thế.

Triển khai tích cực giai đoạn II dự án trùng tu di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Tổ chức thực hiện hiệu quả đề án Phát thanh - Truyền hình vùng sâu vùng xa của Đài truyền hình Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ; tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên thực hiện vai trò xung kích, tình nguyện hoàn thành những nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

2.6. Trong công tác xây dựng chính quyền, thanh tra, tư pháp và đối ngoại:

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức hành chính, giao biên chế hành chính, sự nghiệp đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính. Tổ chức tốt bầu đại biểu Quốc hội khoá XII. Hoàn thành các thủ tục hành chính, chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí, nhân sự cho việc chia tách huyện, xã theo Nghị định của Chính phủ.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án.

- Tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào; tăng cường phối hợp trong quản lý dân cư địa bàn biên giới; xúc tiến và đẩy nhanh tiến độ xây dựng và khai thác có hiệu quả các cặp cửa khẩu Tây Trang - Xốp Hùn và Huổi Puốc- Na Son phục vụ cho mục tiêu tăng cường mở rộng quan hệ giao lưu kinh tế, văn hoá giữa 2 bên. Mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.

2.7. Trong lĩnh vực Quốc phòng - An ninh:

Giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh trật tự và khối đoàn kết toàn dân, không để đột xuất xấu xẩy ra trong bất kỳ tình huống nào. Tiếp tục xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ, gắn nhiệm vụ quân sự, quốc phòng với quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực chủ động phòng ngừa, đấu tranh kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma tuý. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành. Thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Chương trình hành động của tỉnh.

Điều 2. Giao UBND tỉnh có trách nhiệm tăng cường giải pháp chỉ đạo điều hành để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này.

Điều 3. Giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2006./.

 

 

CHỦ TỊCH




Mùa A Sơn

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 71/2006/NQ-HĐND

Loại văn bảnNghị quyết
Số hiệu71/2006/NQ-HĐND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành12/12/2006
Ngày hiệu lực18/12/2006
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Văn hóa - Xã hội, Thương mại
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 25/06/2014
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 71/2006/NQ-HĐND

Lược đồ Nghị quyết 71/2006/NQ-HĐND phát triển Kinh tế Xã hội đảm bảo Quốc phòng An ninh 2007 tỉnh Điện Biên


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Nghị quyết 71/2006/NQ-HĐND phát triển Kinh tế Xã hội đảm bảo Quốc phòng An ninh 2007 tỉnh Điện Biên
                Loại văn bảnNghị quyết
                Số hiệu71/2006/NQ-HĐND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Điện Biên
                Người kýMùa A Sơn
                Ngày ban hành12/12/2006
                Ngày hiệu lực18/12/2006
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Văn hóa - Xã hội, Thương mại
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 25/06/2014
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản hướng dẫn

                  Văn bản được hợp nhất

                    Văn bản gốc Nghị quyết 71/2006/NQ-HĐND phát triển Kinh tế Xã hội đảm bảo Quốc phòng An ninh 2007 tỉnh Điện Biên

                    Lịch sử hiệu lực Nghị quyết 71/2006/NQ-HĐND phát triển Kinh tế Xã hội đảm bảo Quốc phòng An ninh 2007 tỉnh Điện Biên