Nghị quyết 94/2013/NQ-HĐND

Nghị quyết 94/2013/NQ-HĐND về quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025

Nội dung toàn văn Nghị quyết 94/2013/NQ-HĐND quy hoạch phát triển giáo dục đào tạo Đắk Lắk 2011 2020 định hướng 2025


HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 94/2013/NQ-HĐND

Buôn Ma Thuột, ngày 19 tháng 7 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2011 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Quyết định số 87/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 32/TTr-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị thông qua Nghị quyết về Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025; Báo cáo thẩm tra số 27/BC-HĐND ngày 02 tháng 7 năm 2013 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành, thông qua Nghị quyết Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2011- 2020, định hướng đến năm 2025, với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu chung

- Giảm bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa các nhóm dân cư có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng dân tộc ít người;

- Tăng cường cơ sở vật chất, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục, phát triển giáo dục miền núi, vùng dân tộc và vùng có nhiều khó khăn;

- Nâng cao chất lượng dạy và học, thực hiện đổi mới chương trình nội dung sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy;

- Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập Trung học cơ sở và phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi;

- Đổi mới phương pháp lập và giao kế hoạch ngân sách cho giáo dục và thực hiện quyền tự chủ tài chính tại các đơn vị, trường học;

- Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục các cấp và trường học.

2. Mục tiêu phát triển giáo dục theo cấp và ngành học đến 2020

a. Giáo dục Mầm non

Nuôi dưỡng và chăm sóc:

+ Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục Mầm non giảm ở mức dưới 7% năm 2015; đến năm 2020 có 95% số trẻ 5 tuổi đạt chuẩn phát triển;

+ 100% trẻ đến trường được cân đo, theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trưởng;

+ 100% trẻ đến trường được khám sức khỏe định kỳ, được tiêm chủng phòng bệnh theo quy định và được phòng bệnh theo mùa, đảm bảo an toàn về sức khỏe cho trẻ;

+ Nâng tỷ lệ trẻ được ăn tại trường: tuổi nhà trẻ đạt 95%, trẻ mẫu giáo đạt 85% số trẻ đến trường;

+ Khẩu phần ăn của trẻ đảm bảo 100% theo yêu cầu tối thiểu cho từng độ tuổi;

+ Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các trường Mầm non: 100% trường có hợp đồng mua bán thực phẩm sạch; 100% trường được y tế công nhận trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giáo dục:

- Đến năm 2015:

+ Nâng tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ lên 15%; trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 80%; trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 99,9%;

+ Phấn đấu 99,8% trẻ 5 tuổi ra lớp trước khi vào lớp 1;

+ Triển khai đại trà chương trình giáo dục Mầm non mới tới 100% trường, lớp mầm non;

+ Đưa công nghệ thông tin vào hoạt động giáo dục trẻ cho 100% trường đạt chuẩn quốc gia, trường trọng điểm và trường công lập;

+ Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi.

- Đến năm 2020:

+ Có ít nhất 30% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 75% trẻ độ tuổi mẫu giáo, trong đó 97% trẻ mẫu giáo 5 tuổi được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non;

+ Tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt 30%; trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 90%; trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 100%.

Nguồn lực:

+ Bố trí đủ số lượng cán bộ quản lý cho các trường Mầm non theo quy định của Điều lệ trường Mầm non. Bố trí đủ giáo viên cho các nhóm, lớp theo quy định của Điều lệ trường Mầm non. Đến năm 2020, 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn chuyên môn, trong đó có ít nhất 60% trên chuẩn;

+ 100% trường Mầm non có đồ chơi ngoài trời đảm bảo mức tối thiểu: 10 đồ chơi ngoài trời/trường. Đảm bảo thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu cho 100% nhóm lớp theo quy định;

+ Quy hoạch các trường Mầm non có nhiều nhất 5 điểm trường theo quy định của Điều lệ trường Mầm non;

+ 100% số xã có trường Mầm non; 100% thôn, buôn có nhà lớp học Mầm non. Tăng số nhóm, lớp theo định biên số trẻ: cụ thể là nhà trẻ 8 cháu/cô; mẫu giáo 2 cô/lớp có từ 25-35 trẻ;

+ Đến năm 2020 các điểm trường chính có đủ phòng học và các phòng chức năng. Các điểm trường lẻ không có phòng học tạm, học nhờ. 100% các trường có tường bao, hàng rào cây xanh, có cổng, biển hiệu của trường.

b. Giáo dục tiểu học

- Đến năm 2015:

+ Củng cố vững chắc phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi;

+ Tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1: trên 99%;

+ Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày đạt 80%;

+ Duy trì 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi;

+ Xoá bỏ khoảng cách giữa tỷ lệ nhập học đúng tuổi và tỷ lệ nhập học thô ở cấp Tiểu học;

+ 60% học sinh được học chương trình Tin học;

+ 40% học sinh lớp 3 được học tiếng Anh theo chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

+ Trẻ em trong độ tuổi Tiểu học được đến trường đạt 99,9%, 65% trẻ khuyết tật ra lớp;

- Đến năm 2020:

+ Tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; 75% học sinh được học chương trình Tin học;

+ 30% học sinh là người dân tộc thiểu số được học tiếng dân tộc (Ê Đê, M’Nông,...);

+ Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ ngày đạt từ 80% trở lên (50% học sinh bán trú) và tham gia các hoạt động tại trường 10 giờ/ngày; 90% học sinh lớp 3 được học tiếng Anh theo chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

+ 96% nhà trường được công nhận danh hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi; 80% trẻ khuyết tật ra lớp.

c. Giáo dục trung học cơ sở

- Đến năm 2015:

+ Củng cố vững chắc các tiêu chuẩn phổ cập Trung học cơ sở;

+ Huy động 100% học sinh tốt nghiệp Tiểu học vào Trung học cơ sở (trong đó 3% học trường ngoài công lập);

+ 100% học sinh được học hướng nghiệp, Tin học và Ngoại ngữ;

+ Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi từ 11 tuổi đến 14 tuổi vào học Trung học cơ sở: 90,5%;

+ Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày: 25%;

- Đến năm 2020:

+ Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi từ 11 đến 14 vào học Trung học cơ sở: 94,5%;

+ Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày: 30%;

+ Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Trung học cơ sở;

+ Huy động 100% học sinh tốt nghiệp Tiểu học vào Trung học cơ sở (trong đó 5% học trường ngoài công lập); 50% số trường học 2 buổi /ngày; 100% học sinh được hướng nghiệp, học Ngoại ngữ và Tin học;

+ Trang bị thiết bị phòng học chung các bộ môn, phòng máy vi tính cho 100% số trường Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; 95% nhà trường được công nhận danh hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

d. Giáo dục trung học phổ thông

- Đến năm 2015:

+ Tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở vào học Trung học phổ thông: 75%;

+ Thu hút 98% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở được vào học Trung học phổ thông, Giáo dục thường xuyên, các trường Trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, trong đó tỷ lệ học sinh học Trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề đạt 12%; 5% học sinh Trung học phổ thông học trường ngoài công lập;

+ 100% giáo viên Trung học đạt chuẩn và 10% trên chuẩn;

+ 90% giáo viên trường Trung học phổ thông sử dụng, có khả năng áp dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đổi mới phương pháp giáo dục và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh;

+ 25% trường Trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia, 99,5% nhà trường được công nhận danh hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

- Đến năm 2020:

+ Thu hút 100% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở được vào học Trung học phổ thông, Giáo dục thường xuyên, các trường Trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, trong đó tỷ lệ học sinh học Trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề đạt 20%; 8% học sinh Trung học phổ thông học trường ngoài công lập;

+ Duy trì tỷ lệ 100% học sinh được học Ngoại ngữ, Tin học và giáo dục hướng nghiệp. 100% các trường Trung học phổ thông thực hiện phân ban giáo dục; 30% trường thực hiện học 2 buổi/ngày;

+ 100% giáo viên Trung học đạt chuẩn và 15% trên chuẩn;

+ 100% giáo viên trường Trung học phổ thông sử dụng, có khả năng áp dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đổi mới phương pháp giáo dục và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh;

+ Phấn đấu đến năm 2020 mỗi huyện có ít nhất 1 trường Trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 100% nhà trường được công nhận danh hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

e. Giáo dục thường xuyên

- Đến năm 2015:

+ Cải tiến chất lượng các chương trình, tài liệu xóa mù chữ, sau xóa mù chữ và bổ túc (mở rộng độ tuổi xóa mù chữ đến 45 tuổi), nâng cao chất lượng hoạt động các Trung tâm học tập cộng đồng và Trung tâm Giáo dục thường xuyên;

+ Đảm bảo thu hút được 65% số người lao động; 100% cán bộ xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố, 90% cán bộ, công chức, viên chức được tiếp cận và hưởng thụ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, cập nhật kiến thức;

+ Hàng năm huy động trên 10% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở dưới 21 tuổi và cán bộ cơ sở ra học bổ túc Trung học phổ thông, góp phần hoàn thành các tiêu chuẩn phổ cập theo đúng tiến độ;

+ Mỗi xã, phường, thị trấn có 1 Trung tâm học tập cộng đồng, tăng cường bồi dưỡng các chuyên đề, cập nhật kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ cho các đối tượng có nhu cầu;

+ Hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông cho 100% học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông;

- Đến năm 2020:

+ Hàng năm huy động trên 15% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở dưới 21 tuổi và cán bộ cơ sở ra học bổ túc Trung học phổ thông, góp phần hoàn thành các tiêu chuẩn phổ cập theo đúng tiến độ;

+ Hàng năm có 80% dân số được học ít nhất 01 chương trình giáo dục thường xuyên;

+ Ðội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý: xây dựng đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên và cán bộ quản lý Giáo dục thường xuyên đủ về số lượng, đa dạng về cơ cấu theo nội dung học tập của người dân; đảm bảo về chất lượng làm điều kiện căn bản thực hiện phát triển Giáo dục thường xuyên;

+ Nguồn lực tài chính: đầu tư xây dựng cơ bản, các trang thiết bị dạy và học, chi trả chế độ, thực hiện chương trình phổ cập giáo dục và các chương trình khác.

f. Giáo dục Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng và Đại học

+ Đẩy mạnh phân luồng sau Trung học cơ sở và liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo để đến năm 2015 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có đủ khả năng tiếp nhận 25% - 30% số học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở vào học;

+ Phấn đấu tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 55% vào năm 2020 (trong đó giáo dục nghề nghiệp là 45%);

+ Mỗi năm cần đào tạo chính qui cho 7.000 - 8.000 sinh viên có trình độ Cao đẳng, đào tạo cho 800 - 1.000 sinh viên có trình độ Đại học. Mở rộng đào tạo các ngành kinh tế và kĩ thuật, văn hoá - nghệ thuật, xã hội và nhân văn; chú trọng đào tạo các ngành Tin học, Ngoại ngữ.

3. Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục – đào tạo

a. Mạng lưới giáo dục Mầm non đến năm 2020:

Mỗi xã/phường/thị trấn đều có trường Mầm non độc lập; 100% thôn, buôn có nhà lớp học mầm non (điểm trường).

b. Mạng lưới giáo dục phổ thông đến năm 2020:

- Tiểu học: mỗi xã/phường/thị trấn đều có trường Tiểu học độc lập;

- Trung học cơ sở: mỗi xã/phường/thị trấn đều có trường Trung học cơ sở độc lập;

- Trung học phổ thông: mỗi huyện có từ 2 trường Trung học phổ thông trở lên.

Đối với một số huyện có đông dân số hoặc địa bàn rộng sẽ quy hoạch thêm trường Trung học phổ thông ;

- Thành phố Buôn Ma Thuột, qui hoạch trường theo hướng để đáp ứng nhân lực qui hoạch xây dựng thành phố động lực trung tâm vùng Tây Nguyên;

- Đối với trường có nhiều cấp học hiện có (cấp 1-2): xây dựng thêm để tách thành các trường độc lập;

- Đối với trường Phổ thông dân tộc nội trú: mỗi huyện có một trường Phổ thông dân tộc nội trú. Tại thị xã Buôn Hồ xây mới trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, xây mới trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Krông Búk;

- Phát triển các trường Phổ thông dân tộc bán trú ở những xã khó khăn theo định hướng của tỉnh và hướng dẫn của Trung ương;

- Hạn chế việc phát triển điểm trường lẻ, chỉ lập điểm trường lẻ ở những vùng dân cư cách xa nhau, giao thông khó khăn.

c. Mạng lưới giáo dục thường xuyên đến năm 2020

Trên địa bàn của tỉnh sẽ có 17 Trung tâm Giáo dục thường xuyên trong đó mỗi huyện/thị xã/thành phố có 1 trung tâm, có 184 Trung tâm học tập công đồng bảo đảm mỗi xã, phường/thị trấn đều có Trung tâm học tập cộng đồng.

d. Mạng lưới giáo dục Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng và Đại học

- Trung cấp chuyên nghiệp:

+ Đến năm 2015 có 6 trường gồm: Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Đắk Lắk, Trung cấp Sư phạm Mầm non, Trung cấp Trường Sơn, Trung cấp Tây Nguyên, Trung cấp Đắk Lắk, Trung cấp Đam San;

+ Đến năm 2020 có 4 trường gồm: Trung cấp Sư phạm Mầm non, Trung cấp Trường Sơn, Trung cấp Đắk Lắk, Trung cấp Đam San;

- Cao đẳng:

+ Đến năm 2015 có 4 trường gồm: Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, Cao đẳng Y tế (trên cơ sở nâng cấp trường Trung cấp Y tế), Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên (thành lập mới);

+ Đến năm 2020 có 5 trường gồm: Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Đắk Lắk (trên cơ sở nâng cấp trường Trung cấp Kinh tế

- Kỹ thuật Đắk Lắk) , Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên, Cao đẳng Tây Nguyên (trên cơ sở nâng cấp trường Trung cấp Tây Nguyên).

- Đại học: đầu tư phát triển các trường Đại học khi có điều kiện như: Đại học Y Dược (tách Khoa Y khỏi Đại học Tây Nguyên); nâng cấp trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật thành Đại học Văn hóa Nghệ thuật Tây Nguyên; mở Phân hiệu Đại học Đông Á, Phân hiệu đại học Bình Dương.

4. Quy hoạch phát triển đội ngũ Cán bộ quản lý và giáo viên

a. Đội ngũ Cán bộ quản lý và giáo viên mầm non

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên giáo dục Mầm non theo từng giai đoạn và dưới nhiều hình thức.

b. Đội ngũ Cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông

- Chuẩn hóa; đào tạo giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở theo địa chỉ huyện/thị xã/thành phố; rút kinh nghiệm để tiếp tục điều chỉnh nội dung và cơ cấu lại thời gian đào tạo để đào tạo mới giáo viên Trung học cơ sở dạy 2 môn toàn cấp, đào tạo bổ sung chuyên ngành 2 cho toàn bộ giáo viên Trung học cơ sở hiện nay để đáp ứng trình độ chuyên môn và số lượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong điều kiện các trường Trung học cơ sở của tỉnh đi vào ổn định;

- Tiếp tục liên kết với các trường Đại học mở các khoá đào tạo chuyên môn, chính trị và quản lý cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ở trình độ đại học, sau đại học (đặc biệt là giáo viên ở các trường chuyên, phân ban). Đồng thời, tỉnh sẽ từng bước hình thành một bộ phận giáo viên có trình độ cao, năng lực sư phạm giỏi đáp ứng yêu cầu đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện ở tất cả các bậc học;

- Khẩn trương thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin từ nay đến năm 2020 của Chính phủ và tham gia chuẩn bị nhân lực, đáp ứng Đề án dạy Tin học, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong trường phổ thông của ngành;

- Sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên các bộ môn ở các vùng, miền, phù hợp khả năng chuyên môn. Quan tâm, mạnh dạn giao việc thực hiện các chuyên đề, các công việc chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trẻ, có trình độ đào tạo trên chuẩn;

- Xây dựng và phê duyệt quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của tỉnh đến năm 2020;

- Căn cứ vào quy định về định mức biên chế cho giáo viên phổ thông, quy mô phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông Đắk Lắk đến năm 2020.

c. Đội ngũ Cán bộ quản lý và giáo viên Giáo dục thường xuyên

Đảm bảo đủ Cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên cho hệ thống Giáo dục thường xuyên theo quy định. Nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ và trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên theo đặc thù của Giáo dục thường xuyên.

d. Đội ngũ Cán bộ quản lý và giáo viên Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng và Đại học.

Đảm bảo đủ cán bộ quản lý và đội ngũ giảng viên về số lượng, đảm bảo chất lượng và cơ cấu ngành nghề và trình độ cho hệ thống giáo dục Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng và Đại học.

5. Định hướng phát triển giáo dục – đào tạo của tỉnh đến năm 2025

Đến năm 2025, Đắk Lắk phải phấn đấu trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo có uy tín ở khu vực Tây Nguyên, với chất lượng giáo dục cao ở các cấp học, và chất lượng đào tạo đủ sức cạnh tranh trong nước và khu vực ở các ngành: Sư phạm, Kinh tế, Nông - Ngư, Kỹ thuật - Công nghệ với các mặt sau:

a. Quy mô, mạng lưới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025 đủ năng lực đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và nhu cầu nhân lực của sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia xếp vào những tỉnh, thành khá của cả nước.

b. Chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025: đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, đại trà, mũi nhọn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động trong tỉnh và khu vực. Đến 2025, giáo dục - đào tạo của tỉnh được xếp thứ hạng khá của cả nước.

c. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thời kỳ 2021-2025 đảm bảo đủ về số lượng và cơ cấu môn học và ngành nghề cũng như trình độ đào tạo, đạt chuẩn 100%.

d. Cơ sở vật chất giáo dục thời kỳ 2021-2025 đảm bảo 100% phòng học các cơ sở giáo dục đạt mức kiên cố, các cơ sở giáo dục đạt 100% những điều kiện cho việc tổ chức dạy học.

e. Hệ thống giáo dục Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh được phát triển đảm bảo nhu cầu học tập của xã hội và nhân lực của thị trường lao động của tỉnh và khu vực.

f. Xóa bỏ sự bất bình đẳng về điều kiện và cơ hội học tập của các dân tộc, các vùng miền trong tỉnh. Thiết lập một hệ thống giáo dục thường xuyên và suốt đời.

6. Các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển giáo dục - đào tạo

Để đạt được mục tiêu đặt ra, trong mỗi giai đoạn phát triển cần cụ thể hóa thành các chương trình, đề án và kế hoạch cho phát triển Giáo dục-Đào tạo như sau:

T/T

Tên chương trình, đề án, kế hoạch

Mục tiêu cuối cùng cần đạt

I. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, KẾ HOẠCH ĐÃ VÀ ĐANG THỰC HIỆN

1

Chương trình phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Đến 2020, hầu hết đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong tỉnh đạt chuẩn và trên chuẩn.

2

Đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia

Phấn đấu tỷ lệ các trường đạt chuẩn quốc gia tăng 5%/năm. Đến 2020 có 65% số trường trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia

3

Kế hoạch thành lập và tổ chức hoạt động các trường Phổ thông dân tộc bán trú và củng cố phát triển hệ thống trường Phổ thông dân tộc nội trú

Tăng những điều kiện, cơ hội tiếp cận giáo dục cho con em dân tộc ít người, giảm bất bình đẳng trong giáo dục. Hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho các trường Phổ thông dân tộc bán trú, các cơ sở giáo dục ở miền núi, vùng Dân tộc thiểu số và vùng có nhiều khó khăn nhằm tạo điều kiện phổ cập vững chắc Tiểu học và Trung học cơ sở. Củng cố phát triển hệ thống trường Phổ thông dân tộc nội trú theo hướng đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu trường Phổ thông dân tộc nội trú trở thành trường hàng đầu về chất lượng giáo dục miền núi, vùng khó khăn, đáp ứng nguồn đào tạo cán bộ cho các dân tộc thiểu số

4

Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên

Đến 2020, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường trong tỉnh được xây dựng và trang bị đầy đủ, đồng bộ theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hóa, đáp ứng mọi nhu cầu của tổ chức dạy và học.

5

Chương trình phổ cập giáo dục phổ thông

Duy trì, củng cố và phát triển thành quả của công tác phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập Trung học cơ sở. Đến 2020 có 40% huyện/thị xã/thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học.

6

Kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015

Phát triển hệ thống giáo dục Mầm non đảm bảo thu hút phần lớn trẻ em trong độ tuổi đến trường

7

Chương trình xã hội hóa giáo dục

Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục của tỉnh

8

Chương trình phát triển giáo dục thường xuyên

Xây dựng mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên đa dạng về loại hình, đảm bảo số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân và yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

9

Tin học hóa hệ thống quản lý giáo dục

Hệ thống giáo dục – đào tạo của tỉnh được trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin và kết nối thành một hệ thống thông tin quản lý thống nhất từ các cơ sở giáo dục đến hệ thống quản lý giáo dục các cấp.

10

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân

Đến 2020, học sinh và sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường Trung học phổ thông, Trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và Đại học có khả năng sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ.

II. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, KẾ HOẠCH SẼ THỰC HIỆN

1

Xây dựng xã hội học tập

Phát triển hệ thống giáo dục – đào tạo của tỉnh hoàn chỉnh, đồng bộ, liên thông, chuẩn hoá, hiện đại hoá đáp ứng mọi nhu cầu học tập của nhân dân và nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội.

2

Chương trình đảm bảo chất lượng trường học

Đến năm 2020, 100% các trường Tiểu học học 2 buổi/ngày.

3

Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh Dân tộc thiểu số

Đến 2020 chất lượng giáo dục đối với học sinh Dân tộc thiểu số đạt tương đương học sinh người Kinh trên địa bàn ở tất cả các cấp học.

4

Phát triển hệ thống Ðại học và Nghề nghiệp tỉnh

Đến 2025, hệ thống giáo dục Đại học và Nghề nghiệp của tỉnh là một hệ thống đào tạo mang tính đại chúng, tạo điều kiện, cơ hội và đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và nhu cầu nhân lực có trình độ cao cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

 

 

 

 

7. Một số nhóm giải pháp chủ yếu

a. Nhóm giải pháp về quản lý (đổi mới cơ chế, chính sách giáo dục; tăng cường công tác quản lý; nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của giáo dục).

Mục tiêu: đổi mới cơ chế, chính sách giáo dục cho phù hợp với địa phương có nhiều đồng bào dân tộc trên một địa bàn. Tăng cường công tác quản lý giáo dục và nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ các cấp. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của giáo dục trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

b. Nhóm giải pháp về những điều kiện đảm bảo cho phát triển giáo dục (tăng cường cơ sở vật chất, đất đai, trang thiết bị giáo dục; các giải pháp về nguồn lực tài chính; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục).

Mục tiêu: huy động và đảm bảo mọi nguồn lực về tài chính, đất đai, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để thực hiện được các mục tiêu đã xác định.

c. Nhóm giải pháp về xã hội hoá giáo dục

Mục tiêu: nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Huy động mọi nguồn lực của xã hội vào phát triển sự nghiệp giáo dục. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường với xã hội và gia đình học sinh.

8. Kinh phí thực hiện Quy hoạch:

- Giai đoạn 2011-2012 là 2.467.279 triệu đồng. Trong đó: ngân sách Nhà nước chiếm 90 – 95%, xã hội hóa chiếm 5-10%;

- Giai đoạn 2012-2013 là 2.763.352 triệu đồng. Trong đó: ngân sách Nhà nước chiếm 90 – 95%, xã hội hóa chiếm 5-10%;

- Giai đoạn 2013-2014 là 3.094.954 triệu đồng. Trong đó: ngân sách Nhà nước chiếm 90 – 95%, xã hội hóa chiếm 5-10%;

- Giai đoạn 2014-2015 là 3.466.348 triệu đồng. Trong đó: ngân sách Nhà nước chiếm 85 – 90%, xã hội hóa chiếm 10-15%;

- Giai đoạn 2015-2016 là 3.916.973 triệu đồng. Trong đó: ngân sách Nhà nước chiếm 85 – 90%, xã hội hóa chiếm 10-15%;

- Giai đoạn 2016 - 2017 là 4.465.349 triệu đồng. Trong đó: ngân sách Nhà nước chiếm 85 – 90%, xã hội hóa chiếm 10-15%;

- Giai đoạn 2017 - 2018 là 5.045.889 triệu đồng. Trong đó: ngân sách Nhà nước chiếm 80 – 85%, xã hội hóa chiếm 15 - 20%;

- Giai đoạn 2018 - 2019 là 5.701.854 triệu đồng. Trong đó: ngân sách Nhà nước chiếm 80 – 85%, xã hội hóa chiếm 15 - 20%;

- Giai đoạn 2019 – 2020 là 6.443.095 triệu đồng. Trong đó: ngân sách Nhà nước chiếm 80 – 85%, xã hội hóa chiếm 15 - 20%.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ họp.

Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khoá VIII, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 11 tháng 7 năm 2013./.

 

 

CHỦ TỊCH




Niê Thuật

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 94/2013/NQ-HĐND

Loại văn bảnNghị quyết
Số hiệu94/2013/NQ-HĐND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành19/07/2013
Ngày hiệu lực21/07/2013
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcGiáo dục
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật11 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 94/2013/NQ-HĐND

Lược đồ Nghị quyết 94/2013/NQ-HĐND quy hoạch phát triển giáo dục đào tạo Đắk Lắk 2011 2020 định hướng 2025


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản bị đính chính

        Văn bản được hướng dẫn

          Văn bản đính chính

            Văn bản bị thay thế

              Văn bản hiện thời

              Nghị quyết 94/2013/NQ-HĐND quy hoạch phát triển giáo dục đào tạo Đắk Lắk 2011 2020 định hướng 2025
              Loại văn bảnNghị quyết
              Số hiệu94/2013/NQ-HĐND
              Cơ quan ban hànhTỉnh Đắk Lắk
              Người kýNiê Thuật
              Ngày ban hành19/07/2013
              Ngày hiệu lực21/07/2013
              Ngày công báo...
              Số công báo
              Lĩnh vựcGiáo dục
              Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
              Cập nhật11 năm trước

              Văn bản thay thế

                Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Nghị quyết 94/2013/NQ-HĐND quy hoạch phát triển giáo dục đào tạo Đắk Lắk 2011 2020 định hướng 2025

                      Lịch sử hiệu lực Nghị quyết 94/2013/NQ-HĐND quy hoạch phát triển giáo dục đào tạo Đắk Lắk 2011 2020 định hướng 2025