Nội dung toàn văn Nghị quyết 99/2019/QH14 nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật phòng cháy chữa cháy
QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Nghị quyết số: 99/2019/QH14 | Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2019 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ TIẾP TỤC HOÀN THIỆN, NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;
Căn cứ Nghị quyết số 59/2018/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 và Nghị quyết số 62/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 41/BC-ĐGS ngày 17 tháng 10 năm 2019 của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018 và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1
Tán thành Báo cáo số 41/BC-ĐGS ngày 17 tháng 10 năm 2019 của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018 với các kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018 và các đề xuất, kiến nghị của Đoàn giám sát.
Điều 2
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu những tồn tại, hạn chế, xem xét tiếp thu, triển khai thực hiện có hiệu quả những đề xuất, kiến nghị được nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau:
1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tổng kết, rà soát, nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy và chữa cháy và các quy định của pháp luật có liên quan; chủ động rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương kịp thời tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy; quy chuẩn kỹ thuật địa phương về phòng cháy, chữa cháy đối với một số loại hình cơ sở đặc thù của mỗi địa phương; quy định chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tương xứng với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ; có chính sách cụ thể để khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy.
Đôn đốc các địa phương xây dựng, ban hành quy định về việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực, hoàn thành trong năm 2021.
2. Có giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy; trang bị cho người dân những kiến thức, kỹ năng thực sự cần thiết, nhất là kiến thức về phòng cháy, kỹ năng thoát nạn, sử dụng các phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu. Tăng cường thời lượng, ưu tiên bố trí khung giờ tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy và kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm, thoát nạn. Chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện giáo trình, bài giảng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, đưa vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và các cơ sở giáo dục phù hợp với từng cấp học, ngành học theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy bắt đầu từ năm học 2021 - 2022.
3. Trong công tác phòng cháy và chữa cháy, lấy phòng ngừa là chính; tập trung chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy sâu rộng, với phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ), nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành. Nghiên cứu thí điểm giao một số nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở phù hợp với quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Kiện toàn ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các Bộ, ngành, địa phương phù hợp với yêu cầu thực tế. Xác định rõ cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ quan, tổ chức về thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy.
Chú trọng xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến theo hướng tự phòng, tự quản về an toàn phòng cháy, chữa cháy tại cụm dân cư, cụm doanh nghiệp; giải quyết chế độ, chính sách kịp thời, thỏa đáng đối với người bị thương, hy sinh hoặc thiệt hại về tài sản khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; kịp thời động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng cháy và chữa cháy.
4. Chỉ đạo xây dựng chiến lược, kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy, chú trọng địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại có nguy cơ cháy, nổ cao, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy, chú trọng xây dựng mạng lưới giao thông và hệ thống cấp nước đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chữa cháy. Sớm thực hiện việc bố trí, di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hóa chất độc hại, nguy hiểm, có nguy cơ cháy, nổ cao ra khỏi khu dân cư, nơi đông người theo quy định của pháp luật.
5. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy; có giải pháp xử lý dứt điểm các công trình đang tồn tại vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện thông tin đại chúng. Kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ công trình, dự án đang triển khai có vi phạm pháp luật về phòng cháy cho đến khi khắc phục hoàn toàn các sai phạm; chấm dứt tình trạng cơ sở, công trình xây dựng mới đưa vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý về bảo đảm an toàn điện, nhất là trong lắp đặt, sử dụng các thiết bị điện tại cơ sở, hộ gia đình theo quy định của Luật Điện lực, đáp ứng yêu cầu phòng cháy và chữa cháy.
6. Nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ. Nghiên cứu các giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ, nhất là số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Tăng cường xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chú trọng phát triển mạng lưới các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại các địa bàn, khu vực trọng điểm. Bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở làm việc, doanh trại, trung tâm huấn luyện cho các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại địa điểm phù hợp với yêu cầu của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đẩy nhanh việc thực hiện phân cấp, giao một số nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát khu vực và Công an xã.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng và ban hành quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
7. Bảo đảm ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy ở các cấp ngân sách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện quy định về hỗ trợ thường xuyên cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng và đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở không chuyên trách.
8. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy, có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Thực hiện nghiêm quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
9. Mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ hiện đại và nâng cao trình độ chuyên môn về phòng cháy, chữa cháy. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ, các giải pháp khoa học - công nghệ tiên tiến, các đề án liên quan đến lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.
Điều 3
1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này.
Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2019
| CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |