Nghị quyết 99-HĐBT

Nghị quyết số 99-HĐBT về phương hướng, nhiệm vụ, chủ trương, biện pháp lớn nhằm giải quyết vấn đề lương thực của cả nước trong thời gian tới do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Nội dung toàn văn Nghị quyết 99-HĐBT phương hướng, nhiệm vụ, chủ trương, biện pháp lớn nhằm giải quyết vấn đề lương thực của cả nước trong thời gian tới


HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 99-HĐBT

Hà Nội, ngày 01 tháng 6 năm 1982

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 99-HĐBT NGÀY 1 THÁNG 6 NĂM 1982 VỀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ, CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP LỚN NHẰM GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ LƯƠNG THỰC CỦA CẢ NƯỚC TRONG THỜI GIAN TỚI

I

Lương thực là một vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đối với sản xuất, xây dựng, chiến đấu và đời sống. Đây cũng là một vấn đề mà trước mắt chúng ta đang gặp khó khăn lớn, nhất là cân đối lương thực trong khu vực Nhà nước ở miền Bắc, đòi hỏi phải có những biện pháp tích cực nhất để giải quyết.

Chỉ thị số 120-CT/TƯ ngày 26-10-1981 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: "để chủ động trước mọi tình huống, phải có một sự chuyển biến sâu sắc, căn bản trong các ngành, các cấp, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm phấn đấu tự lực giải quyết vấn đề lương thực của cả nước bằng lực lượng trong nước, trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất; tăng cường huy động nắm chắc tuyệt đại bộ phận lương thực hàng hoá trong tay Nhà nước; điều hoà lực lượng kịp thời giữa nơi thừa và nơi thiếu; quản lý chặt chẽ việc phân phối tiêu dùng trên tinh thần triệt để tiết kiệm, trong phạm vi khả năng thực tế về sản xuất và huy động trong nước, nhất thiết không ỷ lại vào bên ngoài".

Trong mấy năm qua, chúng ta đã ra sức phấn đấu theo hướng đó và thực tế đã rút dần được mức nhập khẩu lương thực từ gần 2 triệu tấn năm 1979, xuống còn trên nửa triệu tấn năm 1981.

Với tiềm năng to lớn của cả nước về lao động và đất đai, với ưu thế của một nước nông nghiệp nhiệt đới còn nhiều khả năng hiện thực về thâm canh năng suất và tăng diện tích cả lúa và màu, các ngành, các cấp phải phát huy những thành tích và kinh nghiệm tốt đã thu được trong thời gian qua, kiên quyết vươn lên tự lực giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm của cả nước, nhất thiết không được ỷ lại trông chờ vào bên ngoài.

II

Theo phương hướng cơ bản trên đây Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phải cùng các ngành, các địa phương tính toán kỹ các mặt sản xuất, huy động, phân phối, tiêu dùng, thực hiện cân đối lương thực, thực phẩm trên địa bàn từng huyện và trong từng tỉnh, vừa bảo đảm nhu cầu hợp lý của toàn bộ dân cư ở địa phương, vừa bảo đảm kế hoạch giao nộp hàng năm và từng vụ cho trung ương để đáp ứng nhu cầu của các lực lượng vũ trang, các thành phố lớn và khu công nghiệp tập trung, hỗ trợ cho những vùng nông thôn mất mùa và tăng dần dự trữ của cả nước.

Phải luôn luôn gắn lương thực với thực phẩm để chăm lo tốt hơn bữa ăn của nhân dân; về lương thực, phải coi trọng cả lúa và màu; về thực phẩm, phải quan tâm trước hết các loại rau, đậu (nhất là đậu tương), và hết sức chú ý đẩy mạnh chế biến hoa màu và thực phẩm.

Phải căn cứ điều kiện kinh tế cụ thể của từng vùng, xác định phương hướng và kế hoạch sản xuất các loại lương thực, thực phẩm cho thích hợp để giải quyết cơ cấu bữa ăn tại chỗ là chủ yếu (kể cả đối với lực lượng vũ trang ở nơi có điều kiện); thiếu gạo thì ăn thêm rau; thiếu lượng thực thì sản xuất thêm các loại rau quả và thực phẩm để bù vào. Tập trung sức giải quyết tốt vấn đề lương thực, thực phẩm, đồng thời vẫn phải chăm lo phát triển nông nghiệp toàn diện, chú trọng các vùng tập trung trồng cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả theo quy hoạch và kế hoạch Nhà nước. Ngoài lực lượng sản xuất chủ yếu là nông dân, cần động viên và đặt rõ trách nhiệm cho các tầng lớp dân cư khác, kể cả các lực lượng vũ trang, công nhân, viên chức, học sinh ở bất cứ nơi nào có điều kiện đều phải tham gia sản xuất lương thực, thực phẩm để tự giải quyết một phần nhu cầu của mình.

Mục tiêu phấn đấu cụ thể đề ra cho từng loại tỉnh, thành phố như sau:

- Những tỉnh trọng điểm lúa của cả nước (đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng), ngoài phần sản xuất đủ bảo đảm các nhu cầu ở địa phương (kể cả các cơ quan, xí nghiệp và đơn vị của Trung ương đóng tại địa phương), và có dự trữ cần thiết, phải đẩy mạnh sản xuất và huy động lương thực, thực phẩm để giao nộp cho trung ương với số lượng ngày càng nhiều hơn, trước mắt là đạt và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được giao từng vụ và cả năm 1982.

- Những tỉnh trước đây chỉ sản xuất đủ dùng (như các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên) nay phải vươn lên để có phần đóng góp cho Trung ương và xây dựng dự trữ tại địa phương.

- Những tỉnh trước đây hàng năm vẫn sản xuất không đủ ăn, nay phải vươn lên tự giải quyết ít nhất là phần nhu cầu của địa phương, trung ương chỉ lo cho nhu cầu của lực lượng vũ trang chủ lực.

- Những thành phố và khu công nghiệp tập trung được Trung ương tiếp trợ, một mặt phải quản lý chặt chẽ việc phân phối tiêu dùng, mặt khác phải có kế hoạch và biện pháp thực hiện thâm canh, tăng năng suất và tăng vụ trên toàn bộ diện tích trồng lương thực, thực phẩm ở địa phương, tổ chức, hướng dẫn giúp đỡ những người phi nông nghiệp (nhất là ở ngoại thành, ngoại thị) tham gia sản xuất lương thực, thực phẩm với mức độ phù hợp với điều kiện thực tế của từng nơi, để giảm bớt phần trung ương phải điều từ nơi xa tới.

III

NHIỆM VỤ, MỤC TIÊU PHẤN ĐẤU VÀ CHỦ TRƯƠNG
BIỆN PHÁP CỤ THỂ

A. VỀ SẢN XUẤT

Năm 1982, phải thực hiện đầy đủ các chủ trương, biện pháp phát triển nông nghiệp 1982 mà Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khoá 4) và Quốc hội khoá 7, kỳ hợp thứ 2 đã đề ra nhằm đạt và vượt chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực là 16 triệu tấn, quy thóc (trong đó riêng thóc 13 triệu tấn).

Trước mắt, cần hết sức quan tâm giải quyết mấy yêu cầu chính sau đây:

- Bảo đảm cung ứng đủ và kịp thời vụ xăng, dầu, nhớt cho các khâu làm đất, bơm tưới, xay xát, vận chuyển lương thực, chú trọng những địa bàn có nhiều diện tích cao sản, có khả năng tăng vụ, khai hoang mở rộng diện tích.

- Tranh thủ tiếp nhận đủ và đúng thời hạn các loại phân hoá học nhập khẩu, đi đôi với đẩy mạnh sản xuất phân lân trong nước; khắc phục mọi khó khăn tổ chức vận chuyển nhanh về các địa phương và cơ sở để phục vụ kịp thời vụ.

- Tìm mọi cách nhập khẩu và sản xuất thêm thuốc trừ sâu bệnh cho lúa và các loại hoa màu, cây công nghiệp, cây thực phẩm chủ yếu.

- Chỉ đạo thật chặt chẽ công tác chống hạn và chống bão lũ, lụt, úng trong những tháng tới.

B. VỀ HUY ĐỘNG

Cần đạt cho được kế hoạch huy động lương thực năm 1982 (tính theo năm lương thực) từ 2,8 triệu tấn đến 3 triệu tấn quy thóc (miền Bắc từ 1 triệu đến 1,1 triệu tấn, các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên 35 vạn tấn; các tỉnh thuộc Nam bộ cũ từ 1,4 triệu đến 1,5 triệu tấn).

Phải vận dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế, hành chính và giáo dục, lấy giáo dục vận động chính trị kết hợp với các biện pháp kinh tế là chính, đồng thời sử dụng đúng mức biện pháp hành chính đối với những người cố tình không làm nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước.

1. Thực hiện đúng chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực trong 5 năm 1981 - 1985 đối với các hợp tác xã nông nghiệp, tập đoàn sản xuất và hộ nông dân trong cả nước.

Đối với các tỉnh miền Bắc, mức nghĩa vụ ổn định theo Quyết định số 126-TTg ngày 23-4-1980 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, theo Quyết định số 226-TTg ngày 12-7-1980 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng đối với các tỉnh thuộc Nam Bộ cũ, Bộ trưởng Bộ Lương thực căn cứ vào mức đã ghi trong Quyết định số 226-TTg, vào kết quả thực tế đã đạt được trong năm lương thực 1981, và trao đổi thêm với chủ tịch các tỉnh, thành phố để đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng điều chỉnh hợp lý mức giao cho một số tỉnh áp dụng từ năm 1982 đến năm 1985.

Mức nghĩa vụ ổn định nói trên bao gồm thuế nông nghiệp thu theo đúng điều lệ và mức bán trong nghĩa vụ.

Về thuế nông nghiệp, Bộ Tài chính cần gấp rút hoàn chỉnh dự thảo điều lệ thuế nông nghiệp mới trình Bộ Chính trị xét và Quốc hội phê chuẩn trong tháng 6 năm 1982 để có thể triển khai thực hiện bắt đầu từ vụ mùa 1982. Trước mắt, cần đôn đốc việc thu cho đủ thuế ghi thu năm nay và nợ thuế các năm trước còn lại, nhất thiết không để khê đọng thuế; nơi nào mất mùa nặng thì xét miễn giảm kịp thời, đúng chính sách.

Mua trong nghĩa vụ phải được thực hiện bằng hợp đồng kinh tế hai chiều, theo giá chỉ đạo của Nhà nước. Quỹ vật tư, hàng hoá dành cho thu mua lương thực phải được kế hoạch hoá từ Trung ương đến tỉnh, đến huyện. Tại cấp huyện, ngành lương thực kết hợp với các cơ quan cung ứng vật tư hàng hoá, ký hợp đồng từng vụ hay cả năm (có chia từng vụ) với các đơn vị sản xuất tập thể và hộ nông dân, bảo đảm cung ứng kịp thời vụ xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu và dịch vụ cơ giới (làm đất, bơm tưới, tuốt lúa, xay xát...) theo yêu cầu hợp lý của người sản xuất và khả năng thực tế của Nhà nước. Đơn vị và người sản xuất nào có điều kiện thì thanh toán ngay; nếu thiếu vốn thì Ngân hàng Nhà nước cho vay vốn thanh toán số vật tư, hàng hoá được cung ứng, đến mùa sẽ trả. Các đơn vị tập thể và hộ nông dân, đến vụ thu hoạch, ngoài việc nộp đủ thuế, trả nợ đủ, có trách nhiệm bán lương thực cho Nhà nước theo hợp đồng và theo mức nghĩa vụ ổn định được Uỷ ban nhân dân huyện giao.

Trường hợp bị thiên tai, Uỷ ban nhân dân xã báo cáo lên Uỷ ban nhân dân huyện đề nghị cho miễn giảm thuế theo chính sách và điều chỉnh hợp lý mức bán trong nghĩa vụ cho từng đơn vị.

Địa phương nào đến nay chưa thực hiện hợp đồng hai chiều thì phải kiên quyết làm bắt đầu từ vụ hè thu và vụ mùa 1982. Nơi nào vừa qua ký kết hợp đồng hai chiếu nhưng chưa thanh toán thì nay phải thanh toán sòng phẳng giữa hai bên. Ở một số địa phương đã mua lúa ký gửi ở gia đình nông dân thì nay phải thu đủ số lúa đó.

2. Các tổ chức dịch vụ cơ giới của quốc doanh (các trạm máy cày, các trạm máy bơm, các cơ sở tuốt lúa, xay xát...) phục vụ cho các đơn vị sản xuất tập thể và hộ nông dân trồng lương thực, từ này mức giá Nhà nước quy định, chỉ lấy công bằng tiền ở những nơi sản xuất thực tế thường vẫn chưa đủ ăn. Những tổ chức dịch vụ cơ giới của các tập đoàn lấy công của nông dân bằng lúa chỉ được giữ lại đủ chi dùng trong gia đình, còn phải bán cho Nhà nước theo giá chỉ đạo thu mua (nếu được cung cấp xăng, dầu, phụ tùng), hoặc theo giá thoả thuận (nếu không được cung ứng các loại trên).

3. Ngoài số huy động theo mức nghĩa vụ ổn định, ngành lương thực cần kết hợp với các ngành có liên quan (các ngành sản xuất, cung ứng vật tư, nội thương, ngoại thương) dành quỹ vật tư (tư liệu sản xuất và vật liệu xây dựng) và hàng công nghiệp tiêu dùng thiết yếu cho yêu cầu thực tế về sản xuất và đời sống của nông dân từng vùng để mua lương thực ngoài nghĩa vụ bằng những phương thức thích hợp:

- Cơ quan lương thực dùng một số xăng dầu, phân bón, vật liệu xây dựng chủ yếu hay một số hàng tiêu dùng thiết yếu mà nông dân yêu cầu để trao đổi trực tiếp với người sản xuất lấy lương thực theo tỷ lệ giá trao đổi hay mức giá chỉ đạo của Nhà nước quy định.

- Hai bên mua và bán với nhau theo giá thoả thuận (đối với những loại hàng tiêu dùng khó dem trao đổi trực tiếp hay đưa vào hợp đồng).

- Trong tình hình hàng hoá, vật tư Nhà nước hiện nay có hạn, nhiều khi điều về không kịp, tiền mặt cũng khó khăn, có thể vận động nông dân có nhiều lúa bán cho Nhà nước nhận trước một phần hàng và tiền, số còn lại Nhà nước sẽ thanh toán sau từ 3 đến 6 tháng bằng hàng hay tiền, có tính trả một phần lãi theo mức lãi suất tiền gửi ngân hàng; hoặc nhà nước ký hợp đồng dài hạn với nông dân, nông dân giao lúa trước, và sẽ được thanh toán bằng vật liệu xây dựng hay thứ hàng khác do nông dân yêu cầu sau một vài năm.

Trong vấn đề này, phải kiên trì giữ vững tỷ giá trao đổi giữa mấy loại vật tư chủ yếu và thóc mà Chính phủ đã quy định tương đối hợp lý cũng như giá chỉ đạo mua bán cụ thể các loại hàng khác áp dụng trong quan hệ trao đổi với nông dân. Các ngành, các địa phương không được tự ý thay đổi tỷ giá trao đổi, định mức giá bán vượt ra ngoài khung giá hay mức giá cụ thể Hội đồng Bộ trưởng đã quy dịnh. Trường hợp ngành và địa phương xét thấy cần điều chỉnh giá chuẩn, thì phải đề nghị lên Uỷ ban Vật giá Nhà nước nghiên cứu tình hình thường vụ Hội đồng Bộ trưởng xét và quyết định. Nhất thiết không được chạy theo thị trường đua nhau đẩy giá lên cao để tranh nhau mua, gây tác động xấu đến giá các loại hàng khác, đến ngân sách và tiền tệ của Nhà nước.

4. Các nông trường quốc doanh trồng lương thực, phải nghiêm chỉnh thi hành chế độ giao nộp lương thực theo đúng chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hàng năm và từng vụ.

Bộ Nông nghiệp kết hợp với Bộ Lương thực và Uỷ ban nhân dân các địa phương có nông trường tổ chức kiểm tra ngay việc thực hiện kế hoạch sản xuất và giao nộp của các nông trường trong hai năm nay và đôn đốc việc thực hiện, có thái độ xử lý nghiêm minh đối với những đơn vị cố tình làm sai chính sách, chế độ để xảy ra tham ô, lãng phí lương thực của Nhà nước.

5. Đối với những người cố tính trây ì, dây dưa không chịu làm tròn nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước, thậm chí còn tích trữ lương thực với mục đích đầu cơ trục lợi, sau khi đã giáo dục nhiều lần mà vẫn không chuyển, thì tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà xử trí bằng các biện pháp hành chính.

- Đối với những hộ nông dân có nhiều lúa dư, không chịu bán cho Nhà nước, cố tình trữ lúa lại với mục đích đầu cơ hoặc những hộ đầu cơ, cho vay lãi mà có nhiều lúa thì trưng mua theo giá chỉ đạo thu mua tại địa phương, chỉ để lại cho họ đủ dùng trong gia đình. Uỷ ban nhân dân huyện xét, quyết định từng trường hợp.

- Đối với những kẻ đầu cơ tích trữ mang tính chất lũng đoạn thị trường nghiêm trọng, thì truy tố theo pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh trái phép. Số lúa dư có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ.

Đối với cán bộ, đảng viên, phải giáo dục tinh thần xung phong gương mẫu, chấp hành chính sách lương thực của Nhà nước.

6. Về mặt quản lý thị trường, phải thực hiện quản lý tận gốc, tại các xã, ấp và các tụ điểm giao lưu lương thực chính ở từng địa phương, không cho thương nhân buôn bán thóc gạo, ngô, bột mì. Những người làm hàng xáo được cấp giấy phép kinh doanh, phải nộp thuế và phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt về khối lượng hàng hoá kinh doanh và địa bàn kinh doanh.

C. VỀ PHÂN PHỐI

1. Trong tình hình lương thực của cả nước đang rất khẩn trương và còn khó khăn lâu dài, việc tiêu dùng lương thực của xã hội phải hết sức tiết kiệm, kể cả ở những nơi cơ thừa lúa gạo. Phải giáo dục mọi người không sử dụng lãng phí lương thực trong mọi trường hợp.

2. Việc quản lý phân phối lương thực trong khu vực Nhà nước phụ trách phải tập trung thống nhất vào Bộ Lương thực.

- Các địa phương phải thực hiện đúng các chính sách, kế hoạch huy động và phân phối lương thực của trung ương, chỉ giữ lại tiêu dùng trong phạm vi được phân phối theo kế hoạch, và phải chấp hành nghiêm chỉnh các lệnh điều động gạo, thóc và hoa màu, lương thực khác của Bộ Lương thực.

- Các địa phương, các ngành, các đơn vị cơ sở ở những vùng thiếu lương thực không được tự tiện quan hệ ngang với các tỉnh có thừa lương thực để mua, bán, đem vật tư hàng hoá đến trao đổi lấy lương thực, mà phải theo sự chỉ đạo và quản lý thống nhất của Bộ Lương thực.

- Việc xuất nhập khẩu lương thực do trung ương trực tiếp phụ trách toàn bộ thông qua Bộ Ngoại thương và Bộ Lương thực. Hàng năm, ngoài việc xuất khẩu theo kế hoạch một số gạo để thực hiện cam kết quốc tế với một số nước anh em, Hội đồng bộ trưởng giao trách nhiệm cho hai Bộ tính toán cụ thể để thực hiện kế hoạch xuất nhập một số lương thực với tính chất đổi hạt một cách có lợi nhất, trên nguyên tắc nhập trước xuất sau, bảo đảm thực hiện đúng các cam kết quốc tế.

- Việc phân phối lương thực cho các đối tượng Nhà nước phụ trách phải được quản lý thật chặt chẽ trên cơ sở rà soát lại các đối tượng, tiêu chuẩn, xoá bao cấp, chống mọi hiện tượng khai man số người va tiêu chuẩn.

Phải tích cực thu mua, chế biến, vận chuyển nhiều màu về các nơi tiêu thụ để phân phối ăn cùng với gạo. Khuyến khích các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị và các gia đình công nhân, viên chức tự túc một phần lương thực, Nhà nước trả tiền cho họ phần lương thực mà họ không nhận cung cấp.

3. Một vấn đề cấp bách, đồng thời cũng có tính chất lâu dài, cần được giải quyết tốt hiện nay là tổ chức tốt việc điều vận gạo và thóc từ miền nam (chủ yếu từ các tỉnh đồng bằng sống Cửu Long) ra miền Bắc, và từ cảng Hải Phòng đi các địa bàn trọng điểm tiêu thụ. Bộ Lương thực phải có quy hoạch và kế hoạch xây dựng hợp lý hệ thống kho và cơ sở chế biến lương thực nhất là ở các vùng trọng điểm thu mua, các khu vực dự trữ và trung chuyển lương thực, phải giải quyết tốt các vấn đề bao bì, cân nhận, bảo quản. Bộ Giao thông vận tải và Bộ Lương thực phải cùng các cấp chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch và biện pháp trước mắt và lâu dài, dựa vào lực lượng của trung ương và các địa phương, của Nhà nước va nhân dân, tổ chức và sử dụng hợp lý các lực lượng bốc xếp và phương tiện vận tải, nhằm tổ chức tốt việc vận chuyển lương thực trong phạm vi từng tỉnh, từng miền và trong cả nước theo kế hoạch điều hoà phân phối từng quý, từng tháng (nhất là trong những tháng thu mua rộ).

Trước mắt, để góp phần tích cực giải quyết khó khăn trong những tháng giáp hạt ở miền Bắc, phải huy động mọi lực lượng có thể rút nhanh lúa gạo từ các trọng điểm thu mua, vận chuyển cho được từ đồng bằng sông Cửu Long ra miền Bắc trong quý II năm 1982 tối thiểu 15 vạn tấn quy gạo và trong 6 tháng cuối năm khoảng 15 vạn tấn gạo nữa.

Phải hết sức chú trọng tăng cường công tác bảo quản, bảo vệ lương thực của Nhà nước ở tất cả các khâu, có biện pháp thực hiện giảm hư, hao và chống mất mát, nhất là trong quá trình giao nhận, bảo quản và vận chuyển.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 99-HĐBT

Loại văn bảnNghị quyết
Số hiệu99-HĐBT
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành01/06/1982
Ngày hiệu lực16/06/1982
Ngày công báo15/06/1982
Số công báoSố 11
Lĩnh vựcBộ máy hành chính
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật16 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 99-HĐBT

Lược đồ Nghị quyết 99-HĐBT phương hướng, nhiệm vụ, chủ trương, biện pháp lớn nhằm giải quyết vấn đề lương thực của cả nước trong thời gian tới


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Nghị quyết 99-HĐBT phương hướng, nhiệm vụ, chủ trương, biện pháp lớn nhằm giải quyết vấn đề lương thực của cả nước trong thời gian tới
                Loại văn bảnNghị quyết
                Số hiệu99-HĐBT
                Cơ quan ban hànhHội đồng Bộ trưởng
                Người kýTố Hữu
                Ngày ban hành01/06/1982
                Ngày hiệu lực16/06/1982
                Ngày công báo15/06/1982
                Số công báoSố 11
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính
                Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
                Cập nhật16 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Nghị quyết 99-HĐBT phương hướng, nhiệm vụ, chủ trương, biện pháp lớn nhằm giải quyết vấn đề lương thực của cả nước trong thời gian tới

                            Lịch sử hiệu lực Nghị quyết 99-HĐBT phương hướng, nhiệm vụ, chủ trương, biện pháp lớn nhằm giải quyết vấn đề lương thực của cả nước trong thời gian tới

                            • 01/06/1982

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 15/06/1982

                              Văn bản được đăng công báo

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 16/06/1982

                              Văn bản có hiệu lực

                              Trạng thái: Có hiệu lực