Nội dung toàn văn Nghị quyết liên tịch 02/NQLT-TLĐ-NN&PTNT đẩy mạnh phong trào công nhân viên chức lao động thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VN - BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/NQLT-TLĐ-NN&PTNT | Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2009 |
NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO CNVCLĐ THI ĐUA PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2010 - 2020
Nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TƯ ngày 05/08/2008 của BCH TƯ (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; góp phần củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị bền vững cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát huy kết quả đạt được sau 5 năm (2004-1009) triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch 02/NQLT/TLĐ-NN&PTNT, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT thống nhất xây dựng Nghị quyết liên tịch nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động trong cán bộ, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ cả nước hưởng ứng phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn trong tình hình mới với những nội dung cụ thể như sau:
I- MỤC TIÊU
1. Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ và nông dân cả nước về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới; tiếp tục đổi mới phong trào thi đua theo tinh thần Chỉ thị 39/CT-TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị.
2. Động viên cán bộ, đoàn viên công đoàn và CNVCLĐ đi đầu trong phong trào thi đua lao động sáng tạo vì sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
3. Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh, làm cơ sở củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
4. Tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết 26 -NQ/TƯ ngày 05/08/2008 của BCH TƯ (khoá X), không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ.
II- ĐỐI TƯỢNG THI ĐUA
Các tập thể, cá nhân CNVCLĐ, trong các ngành nghề, các thành phần kinh tế tham gia vào tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
III- NỘI DUNG THI ĐUA
1. Vận động cán bộ, CNVCLĐ, nông dân cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ, chương trình của các Bộ, ngành, địa phương về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết 26 NQ/TƯ ngày 05/8/2008 của BCH TƯ Đảng (khoá X).
2. Thi đua nghiên cứu đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động tốt các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; đẩy mạnh cải cách hành chính trong các cơ quan quản lý các cấp; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng.
3. Thi đua phát huy tính năng động sáng tạo, tích cực nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng kịp thời, đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; tăng cường năng lực của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thú y, bảo vệ thực vật và các dịch vụ khác, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong các khâu giống, quy trình sản xuất, bảo quản chế biến, tiêu thụ, đẩy mạnh HĐH nông nghiệp, CNH nông thôn.
4. Tăng cường xây dựng quan hệ liên minh công nông bền chặt, tin cậy. Thực hiện tốt liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, hình thành và phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp nông thôn, nhất là các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sử dụng nguyên liệu và thu hút nhiều lao động nông nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp dịch vụ vật tư, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cho nông dân. Phát triển mạnh doanh nghiệp công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu... phục vụ nông nghiệp.
5. Thi đua thực hiện thắng lợi Đề án "đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020". Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân; đào tạo nghề cho bộ phận con em nông dân để chuyển nghề, xuất khẩu lao động; đồng thời tập trung đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở. Đảm bảo hàng năm đào tạo khoảng một triệu lao động nông thôn. Thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác đào tạo nghề.
6. Thi đua thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, xóa nhà tạm ở nông thôn, thực hiện chương trình nhà ở cho đồng bào vùng bão, lũ; bố trí lại dân cư ra khỏi vùng bão, lũ, vùng sạt lở núi, ven sông, ven biển.
IV. TRÁCH NHIỆM CÁC BÊN
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp với Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức chỉ đạo triển khai phong trào thi đua trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Đề xuất những mục tiêu, yêu cầu và nội dung thi đua cho các ngành có liên quan, nhằm phục vụ có hiệu quả sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn;
- Giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng của Bộ chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc phong trào thi đua trong ngành.
- Phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tiến hành sơ kết hàng năm, tổng kết 5 năm phong trào thi đua và xét khen thưởng theo quy định.
2. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam:
- Chỉ đạo các Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc TLĐ tham gia với chuyên môn và vận động CNVCLĐ trong ngành bám sát nội dung thi đua và chức năng nhiệm vụ của ngành để tổ chức tốt phong trào thi đua trong ngành mình.
- Chỉ đạo các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, thành phố xây dựng Nghị quyết liên tịch hoặc chương trình phối hợp hoạt động để triển khai phong trào thi đua ở địa phương mình.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tiến hành sơ kết hàng năm, tổng kết 5 năm phong trào thi đua và xét khen thưởng theo quy định.
V- TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
1. Kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào thi đua và Tiểu ban giúp việc để giúp Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai, theo dõi, đôn đốc thực hiện.
2. Hàng năm các Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc TLĐ, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố phối hợp với các Bộ, ngành, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm chỉ đạo, bình xét khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.
3. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức tổng kết phong trào thi đua toàn quốc theo giai đoạn 5 năm.
Vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các ngành, các cấp, các địa phương, các tổ chức công đoàn và toàn thể CNVCLĐ hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đoàn viên, người công dân, thực hiện tốt các nội dung thi đua, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
BỘ TRƯỞNG | TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH |