Nội dung toàn văn Quy chế 347/QC-CAT-STNMT phối hợp công tác phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật tài nguyên môi trường Ninh Thuận
CÔNG AN TỈNH - SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH NINH THUẬN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 347/QC-CAT-STNMT | Ninh Thuận, ngày 04 tháng 05 năm 2013 |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM VÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường.
Căn cứ Quyết định số 3173/QĐ-BCA ngày 09 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Quyết định số 385/2008/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận;
Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường, Công an tỉnh Ninh Thuận và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận thống nhất ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung và cách thức phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận trong thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi ngành, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, đảm bảo an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Quan hệ phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường là hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường, dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi ngành; tránh hình thức, chồng chéo, bỏ trống nhiệm vụ, cản trở hoạt động bình thường của mỗi ngành và của tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời đảm bảo một vụ việc chỉ do một đơn vị chủ trì giải quyết.
2. Quan hệ phối hợp phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
3. Khi phát hiện vụ việc vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường phải phối hợp kiểm tra, xác minh, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ về nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và biện pháp xử lý.
Trường hợp vụ việc vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị chức năng của cả hai ngành thì đơn vị nào phát hiện vụ việc trước đơn vị đó có trách nhiệm thụ lý hồ sơ và chủ trì giải quyết. Trường hợp nếu có ý kiến khác nhau thì phải báo cáo lãnh đạo hai ngành xem xét thống nhất quyết định.
4. Thông tin, tài liệu có được trong quá trình phối hợp thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường được quản lý, sử dụng theo quy định của Nhà nước và của mỗi ngành.
Chương II
NỘI DUNG VÀ CÁCH THỨC PHỐI HỢP
Điều 3. Nội dung phối hợp
Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành mình chủ động phối hợp thực hiện theo các nội dung sau:
1. Trao đổi, cung cấp cho nhau các thông tin, tài liệu liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường.
2. Trong thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên môi trường.
3. Trong các hoạt động phục vụ công tác điều tra, xác minh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường.
4. Trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên môi trường.
5. Trong thực hiện chế độ giao ban, hội họp.
Điều 4. Cách thức phối hợp
1. Phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường được thực hiện như sau:
a) Thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn của mỗi ngành, khi phát hiện có thông tin, tài liệu hoặc vụ việc có dấu hiệu liên quan đến việc vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường thì kịp thời trao đổi, cung cấp cho nhau (tùy theo tính chất, mức độ có thể trao đổi, cung cấp trực tiếp, qua thư điện tử hoặc bằng văn bản).
b) Trao đổi, cung cấp cho nhau về tình hình, kết quả xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường; các thông tin, tài liệu khác có liên quan đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cũng như các chủ trương, quy định của địa phương về quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường để phục vụ công tác nghiên cứu, đề xuất các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường.
c) Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi, cung cấp cho Công an tỉnh các thông tin, tài liệu về những khu vực, dự án nhạy cảm, phức tạp có khả năng xảy ra tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường để phối hợp thống nhất biện pháp phòng ngừa, đấu tranh.
2. Phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật:
a) Các đơn vị chức năng thuộc ngành Công an, Tài nguyên và Môi trường khi tổ chức tập huấn, hội thảo, hội nghị chuyên đề về công tác bảo vệ tài nguyên môi trường; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường thì thông báo cho nhau để cử đại diện tham dự.
b) Công an tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên môi trường đến cán bộ, nhân dân; lồng ghép với việc thông báo, phổ biến tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường, kết quả xử lý ...trên các phương tiện thông tin đại chúng; nghiên cứu đưa nội dung công tác bảo vệ, quản lý sử dụng tài nguyên môi trường vào nội dung của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
c) Hỗ trợ, cung cấp cho nhau về văn bản pháp luật chuyên ngành kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm về tài nguyên môi trường.
3. Phối hợp trong các hoạt động phục vụ công tác điều tra, xác minh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường:
3.1. Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Khi phát hiện, tiếp nhận thông tin, tài liệu, vụ việc (kể cả vụ việc phát hiện thông qua công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành) có dấu hiệu tội phạm về tài nguyên môi trường phải kịp thời thông báo vụ việc và cung cấp thông tin, tài liệu đó cho Công an tỉnh để tổ chức điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
b) Phối hợp thực hiện việc giám định, kiểm định, đánh giá, phân tích các vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường; quan trắc, phân tích mẫu môi trường và các hoạt động khác có liên quan đến việc xử lý vi phạm khi có yêu cầu của Công an tỉnh.
c) Phối hợp với Công an tỉnh thống nhất nội dung tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh nhanh chóng, khẩn trương tổ chức giải quyết, khắc phục các sự cố và hậu quả, tác hại do tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường gây ra.
3.2. Đối với Công an tỉnh:
a) Khi phát hiện, tiếp nhận thông tin, tài liệu, vụ việc vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình phải kịp thời thông báo, trao đổi, chuyển vụ việc đó cho Sở Tài nguyên và Môi trường để giải quyết theo quy định của pháp luật.
b) Tùy từng trường hợp và yêu cầu cụ thể phối hợp với cơ quan thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường để bàn, thống nhất áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
c) Tham gia, hỗ trợ các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xác minh, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.
3.3. Kết quả xử lý, giải quyết các vụ việc, thông tin, tài liệu của bên tiếp nhận phải được thông báo bằng văn bản cho bên cung cấp, trao đổi để phục vụ công tác theo dõi, thống kê, tổng hợp, nghiên cứu.
4. Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra:
a) Khi tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra về tài nguyên môi trường, tùy từng trường hợp cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Công an tỉnh cử cán bộ tham gia hoặc hỗ trợ phương tiện kỹ thuật cần thiết. Khi tiếp nhận đề nghị, Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc tham gia phối hợp thực hiện theo nội dung đề nghị.
b) Sau khi kết thúc thanh tra, kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo kết quả công tác thanh tra, kiểm tra và tình hình, kết quả phối hợp cho Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan của Công an tỉnh để tổng hợp, rút kinh nghiệm chung.
c) Trong trường hợp cần thiết, Công an tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật về tài nguyên môi trường hoặc hỗ trợ về phương tiện kỹ thuật để phục vụ yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tài nguyên môi trường. Khi tiếp nhận đề nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo việc tham gia phối hợp thực hiện theo nội dung đề nghị.
d) Hàng năm, hai bên chủ động trao đổi, thông tin cho nhau biết về nội dung kế hoạch thanh tra, kiểm tra để chủ động phối hợp thực hiện khi có yêu cầu.
5. Phối hợp thực hiện chế độ giao ban, hội họp:
a) Định kỳ 6 tháng, năm, Công an tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường luân phiên nhau chủ trì tổ chức giao ban để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Quy chế, đồng thời bàn, thống nhất biện pháp tăng cường phối hợp thực hiện Quy chế trong thời gian tiếp theo.
b) Cơ quan chủ trì tổ chức giao ban có trách nhiệm:
- Tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất và xây dựng kế hoạch cho thời gian tiếp theo. Cơ quan phối hợp có trách nhiệm tổng hợp, cung cấp tình hình, kết quả thực hiện của ngành mình cho cơ quan chủ trì.
- Thống nhất thành phần đại biểu, thời gian, địa điểm và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác phục vụ giao ban định kỳ.
- Thời gian giao ban định kỳ thực hiện như sau: giao ban 6 tháng được tổ chức vào tuần đầu của tháng 7 hàng năm; giao ban năm được tổ chức vào tuần đầu tháng 01 của năm tiếp theo. Trường hợp có sự thay đổi về thời gian tổ chức giao ban định kỳ phải được lãnh đạo hai ngành thống nhất quyết định.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 5. Trách nhiệm thực hiện
1. Quy chế này được tổ chức triển khai thực hiện thống nhất trong Công an tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, mỗi ngành có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy chế này.
2. Căn cứ nội dung của Quy chế này, cơ quan Công an, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố cụ thể hóa thành kế hoạch phối hợp thực hiện đảm bảo phù hợp với tình hình, đặc điểm, điều kiện cụ thể của địa phương mình.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường giao cho Văn phòng Sở làm đầu mối phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện theo Quy chế này.
4. Công an tỉnh giao:
- Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) làm đầu mối phối hợp trao đổi, cung cấp, tiếp nhận, xử lý tình hình, thông tin, tài liệu có liên quan trực tiếp đến tội phạm về tài nguyên môi trường.
- Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49) làm đầu mối phối hợp trao đổi, cung cấp, tiếp nhận, xử lý tình hình, thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường.
- Văn phòng Công an tỉnh (PV11) làm đầu mối giúp lãnh đạo Công an tỉnh thực hiện việc tổ chức giao ban định kỳ theo Quy chế; phối hợp với PC46, PC49 tham mưu Công an tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị có liên quan và Công an các huyện, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế này.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
1. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Kế hoạch số 532/KH-CAT-STNMT ngày 17 tháng 4 năm 2009 của Công an tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường về quan hệ phối hợp công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Quá trình thực hiện Quy chế nếu có phát sinh vướng mắc, khó khăn, bất cập Văn phòng Công an tỉnh và Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo đề xuất lãnh đạo hai ngành xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới thay thế cho phù hợp./.
SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG | CÔNG AN TỈNH |
Nơi nhận: |
|