Nội dung toàn văn Quy chế 900/QC-HQĐB-BPĐB-BPLC-BPSL phối hợp hoạt động giữa Cục Hải quan
TỔNG CỤC HẢI QUAN – BTL BĐ BIÊN PHÒNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 900/QC-HQĐB-BPĐB-BPLC-BPSL | Điện Biên, ngày 11 tháng 12 năm 2012 |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CỤC HẢI QUAN ĐIỆN BIÊN VÀ BỘ CHỈ HUY BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG CÁC TỈNH ĐIỆN BIÊN – LAI CHÂU – SƠN LA
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Hải quan và Bộ đội Biên phòng đã được quy định tại Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14 tháng 6 năm 2005 và pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ngày 28 tháng 03 năm 1997;
Căn cứ Quy chế phối hợp hoạt động giữa Tổng cục Hải quan và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng số 5000/QC-TCHQ-BTLBĐBP ngày 20 tháng 9 năm 2012;
Căn cứ tình hình thực tế tại địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ của hai lực lượng trong tình hình mới; Cục Hải quan Điện Biên và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La (sau đây gọi tắt là Bộ đội Biên phòng các tỉnh) thống nhất ban hành Quy chế phối hợp hoạt động trong công tác với các nội dung sau:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội dung và cơ chế phối hợp hoạt động giữa lực lượng Hải quan Điện Biên và Bộ đội Biên phòng các tỉnh (sau đây gọi tắt là hai Bên) trong công tác quản lý, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua Biên giới, gian lận thương mại và các loại tội phạm: xâm phạm an ninh quốc gia, xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, buôn bán vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy, chất nổ, chất cháy, văn hóa phẩm độc hại, mua bán người và các loại hàng cấm khác ở khu vực Biên giới, cửa khẩu.
Điều 2. Mục đích của hoạt động phối hợp
Phối hợp hoạt động giữa hai Bên nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hai lực lượng, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mỗi lực lượng.
Điều 3. Nguyên tắc của hoạt động phối hợp
1. Hoạt động phối hợp giữa hai Bên phải tuân thủ luật Hải quan, luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng và các văn bản pháp luật có liên quan trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi Bên theo quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
2. Hoạt động phối hợp phải đảm bảo nguyên tắc và yêu cầu nghiệp vụ chuyên môn của mỗi Bên. Khi phối hợp thực hiện một công việc cụ thể phải có nội dung, yêu cầu, kế hoạch và được lãnh đạo có thẩm quyền của hai Bên phê duyệt.
3. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp phải được bàn bạc, thống nhất giải quyết dựa trên quy định của pháp luật, yêu cầu nghiệp vụ của mỗi Bên và Quy chế này. Trường hợp có quan điểm khác nhau, không thống nhất được thì báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền của hai Bên xem xét, quyết định.
4. Việc phối hợp phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; tôn trọng, đoàn kết, giúp đỡ nhau và đảm bảo chế độ bảo mật theo quy định của pháp luật.
Chương 2.
NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 4. Phối hợp trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, xây dựng, thực hiện quy trình nghiệp vụ
1. Cục Hải quan Điện Biên và Bộ đội Biên phòng các tỉnh chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và đơn vị thuộc quyền thực hiện công tác phối hợp hoạt động theo Quy chế này.
2. Căn cứ vào yêu cầu công tác, Cục Hải quan Điện Biên và Bộ đội Biên phòng các tỉnh phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn:
a) Xây dựng văn bản chung giữa hai Bên để chỉ đạo, hướng dẫn phối hợp thực hiện công tác nghiệp vụ.
b) Thành lập đoàn liên ngành (định kỳ hoặc đột xuất) để kiểm tra việc thực hiện Quy chế tại các đơn vị, địa bàn cụ thể.
3. Trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản nghiệp vụ quy định về quy trình thủ tục trong quản lý nhà nước về Hải quan và Biên phòng, liên quan đến nghiệp vụ của mỗi bên thì:
a) Bên chủ trì chủ động soạn thảo và lấy ý kiến bằng văn bản hoặc tổ chức họp trao đổi lấy ý kiến tham gia trực tiếp. Bên được lấy ý kiến phải có trách nhiệm tham gia ý kiến vào văn bản dự thảo và trả lời.
b) Hai Bên thường xuyên trao đổi, bàn bạc để tổ chức hoạt động nghiệp vụ đảm bảo sự phối hợp thống nhất, giữ gìn đoàn kết, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Trường hợp có vướng mắc phải kịp thời đồng báo cáo cấp trên hai Bên giải quyết.
4. Khi có vấn đề, tình hình liên quan đến công tác quản lý nhà nước về Hải quan, công tác quản lý nhà nước về Biên phòng; tình hình an ninh, chính trị, xã hội, kinh tế khu vực biên giới, ... cần có sự phối hợp để tham mưu cho chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp thì hai Bên cùng bàn bạc, thống nhất trước; vấn đề, tình hình thuộc lĩnh vực liên quan của Bên nào thì Bên đó chủ trì tham mưu, đề xuất.
Điều 5. Phối hợp trao đổi thông tin, tài liệu và tình hình có liên quan
1. Hai Bên cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu sau:
a) Những quy định của pháp luật, chủ trương, chính sách mới liên quan đến hoạt động của hai lực lượng.
b) các văn bản có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị - trật tự xã hội tại khu vực Biên giới; chính sách thương mại, quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. ...
c) Về tình hình, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm trong lĩnh vực quản lý; các tuyến, địa bàn trọng điểm; các đối tượng trọng điểm, tổ chức, đường dây, ổ nhóm tội phạm, kinh nghiệm tổ chức đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm.
d) Những bất cập trong quy trình nghiệp vụ và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về Hải quan và nhiệm vụ quản lý Nhà nước về Biên phòng tại cửa khẩu, khu vực cửa khẩu.
e) Các tài liệu nghiệp vụ, hồ sơ vụ việc khi có yêu cầu của mỗi Bên.
g) Thông tin về các tiến bộ và ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học, kỹ thuật được sử dụng trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
2. Thông tin tài liệu phải được sử dụng đúng mục đích, chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định về công tác bảo mật của mỗi Bên.
3. Hình thức, thời gian, nội dung thông tin cung cấp, trao đổi do đơn vị Hải quan và Bộ đội Biên phòng cùng cấp thống nhất, quyết định phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa bàn.
Điều 6. Phối hợp trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát
1. Đơn vị Hải quan, Bộ đội Biên phòng quản lý trên cùng địa bàn cửa khẩu Biên giới đường Bộ căn cứ tình hình thực tế tại địa bàn, yêu cầu nhiệm vụ, tổ chức phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở cửa khẩu và ở khu vực Biên giới cần thiết để phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự; xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua Biên giới, buôn bán vận chuyển trái phép vũ khí, ma tuý, chất nổ, chất cháy, văn hoá phẩm độc hại và các loại hàng cấm khác.
2. Phối hợp tuần tra kiểm soát phải có kế hoạch; Bên chủ trì soạn thảo kế hoạch phải gửi cho Bên phối hợp tham gia góp ý, hoàn chỉnh và cùng trình cấp có thẩm quyền của hai Bên phê duyệt. Kết quả tuần tra kiểm soát phải được thống nhất xử lý, đồng báo cáo lãnh đạo cấp trên của hai Bên.
3. Thời gian tổ chức, bố trí lực lượng và trang thiết bị phương tiện phục vụ tuần tra kiểm soát do hai Bên cùng cấp thống nhất, quyết định.
Điều 7. Phối hợp trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm
1. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua Biên giới, buôn bán vận chuyển trái phép vũ khí, ma tuý, chất nổ, chất cháy, văn hoá phẩm độc hại, xuất nhập cảnh trái phép, ... Bên chủ trì vụ việc có yêu cầu cần phối hợp lực lượng thì gửi yêu cầu bằng văn bản. Đơn vị nhận được yêu cầu phối hợp có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để thực hiện; nếu gặp khó khăn phải thông báo kịp thời bằng văn bản cho đơn vị Bên chủ trì.
Đối với những tình huống cấp bách, đối tượng bỏ trốn, tiêu hủy tang vật hoặc gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ... cần phải có sự phối hợp lực lượng để kịp thời triển khai các biện pháp ngăn chặn thì người chỉ huy Bên chủ trì vụ việc có thể gặp trao đổi trực tiếp (hoặc qua điện thoại) yêu cầu người chỉ huy Bên phối hợp khẩn trương tổ chức lực lượng, phương tiện, biện pháp phối hợp, sau đó gửi bổ sung văn bản yêu cầu cho Bên phối hợp.
2. Vụ việc, hành vi vi phạm xảy ra thuộc thẩm quyền xử lý của bên nào thì bên đó chủ trì còn bên kia phối hợp.
Nếu vụ việc, hành vi vi phạm mà hai Bên cùng có thẩm quyền xử lý thì Bên nào phát hiện hành vi vi phạm trước thì Bên đó chủ trì xử lý, giải quyết.
Trường hợp một Bên phát hiện vi phạm nhưng không thuộc thẩm quyền xử lý của mình thì thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và bàn giao cho Bên có thẩm quyền để điều tra, xử lý.
3. Việc bàn giao thông tin, hồ sơ, đối tượng, phương tiện, tang vật (nếu có) của vụ việc vi phạm phải đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Chỉ bàn giao vụ việc khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của lãnh đạo có thẩm quyền hai Bên.
Bên tiếp nhận vụ việc phải thông báo bằng văn bản cho Bên bàn giao biết kết quả điều tra, xử lý chậm nhất là sau 15 ngày làm việc kể từ khi kết thúc vụ việc.
4. Trong quá trình phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm, nếu có nghi vấn móc nối nội bộ hay gây cản trở thì lãnh đạo đơn vị hai Bên trao đổi trực tiếp hoặc báo cáo lãnh đạo cấp trên của mỗi Bên để chỉ đạo.
Điều 8. Phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật
1. Hai Bên có trách nhiệm phối hợp tham mưu cho tổng cục Hải quan, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng và phổ biến pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về Hải quan, Biên phòng.
2. Hình thức, nội dung, biện pháp, phương tiện tuyên truyền do đơn vị hai bên cùng cấp thống nhất, quyết định.
Điều 9. Phối hợp trong công tác xây dựng lực lượng
Phối hợp trong công tác quản lý cán bộ, bảo vệ nội bộ; thông báo kịp thời cho nhau về dấu hiệu tiêu cực hoặc hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức của mỗi Bên để có biện pháp giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý.
Điều 10. Phối hợp thực hiện các mặt công tác khác
1. Phối hợp giải quyết tình hình khi có yêu cầu tạm dừng hoặc hạn chế các hoạt động qua lại Biên giới, cứu hộ, cứu nạn, thiên tai, dịch bệnh.
2. Phối hợp trong đấu tranh chống các hoạt động lấn chiếm biên giới, tập kích, gây rối, chống người thi hành công vụ và giải quyết các vụ việc đột xuất xảy ra ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
3. Hỗ trợ tư vấn trang bị, huấn luyện sử dụng công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ mà mỗi Bên có thế mạnh.
4. Chia sẻ thông tin hệ thống các trang thiết bị kỹ thuật tại cửa khẩu Biên giới đường Bộ.
5. Phối hợp tiếp đón các đoàn khách quốc tế, các đoàn công tác trong và ngoài nước đến thăm và làm việc khi có chỉ đạo.
6. Phối hợp bảo vệ trụ sở cơ quan, đơn vị và xây dựng cảnh quan, môi trường trong khu vực cửa khẩu xanh, sạch, đẹp, hợp vệ sinh.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Đơn vị đầu mối hoạt động phối hợp của cục Hải quan Điện Biên và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh
Đội kiểm soát Hải quan thuộc cục Hải quan Điện Biên và ban cửa khẩu thuộc phòng tham mưu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh là đầu mối phối hợp giữa hai Bên, có trách nhiệm tiếp nhận, trao đổi thông tin, định kỳ luân phiên tổ chức hội nghị giao ban giữa các cơ quan. Đồng thời tham mưu cho Cục trưởng cục Hải quan Điện Biên và Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng các tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện quy chế này.
Điều 12. Trách nhiệm của cục Hải quan Điện Biên và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh
1. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và đơn vị thuộc quyền quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Quy chế này.
2. Thông tin cho nhau những nội dung theo quy định tại Quy chế này để kịp thời triển khai phối hợp trong hoạt động cụ thể.
3. Tiếp nhận và giải quyết các ý kiến đề xuất của cấp dưới về những vấn đề có liên quan trong khi thực hiện các nội dung của Quy chế phối hợp; đối với các vụ việc vượt thẩm quyền phải tổng hợp, báo cáo cấp trên theo ngành dọc trước khi báo cáo chính quyền sở tại để xin ý kiến.
Điều 13. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan và Đồn Biên phòng cửa khẩu
1. Quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Quy chế đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình địa bàn đơn vị phụ trách.
2. Thông tin cho nhau những nội dung theo quy định tại Quy chế này để kịp triển khai phối hợp trong hoạt động cụ thể.
3. Thống nhất xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phối hợp theo các nội dung quy định tại quy chế, phù hợp với tình hình thực tế ở địa bàn và sự chỉ đạo của cấp trên.
Điều 14. Chế độ giao ban, tổng kết
1. Định kỳ mỗi năm một lần tổ chức hội nghị sơ kết theo hình thức luân phiên giữa cục Hải quan Điện Biên và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh nhằm đánh giá quá trình triển khai thực hiện Quy chế, đề ra phương hướng phối hợp trong năm tiếp theo, đồng thời tổng hợp, báo cáo về Tổng cục Hải quan (qua cục điều tra chống buôn lậu) và Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (qua cục cửa khẩu). Đơn vị chủ trì có trách nhiệm chuẩn bị nội dung, kinh phí để tổ chức hội nghị, các Bên tham gia có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu theo yêu cầu của đơn vị chủ trì.
2. Các phòng chức năng (Phòng phòng chống tội phạm và ma tuý, phòng trinh sát, phòng tham mưu) của Bộ chỉ huy Biên phòng và các phòng chức năng của cục Hải quan 06 tháng một lần tham gia họp giao ban cùng các đồn Biên phòng và các chi cục Hải quan trên các địa bàn.
3. Các đồn Biên phòng, Chi cục Hải quan trên cùng địa bàn định kỳ họp giao ban 01 tháng một lần; hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá quá trình thực hiện Quy chế theo hình thức luân phiên và gửi báo cáo về cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.
Điều 15. Kinh phí phối hợp
Đối với các hoạt động phối hợp thường xuyên, mỗi bên tự đảm bảo kinh phí; khi có kế hoạch phối hợp hoạt động dài ngày, kinh phí lớn, hai Bên cùng nhau bàn bạc xác định kinh phí phối hợp, thống nhất cách thức phân bổ cho từng Bên hoặc thông qua cơ quan chủ quản đề xuất cấp trên cấp kinh phí hỗ trợ.
Điều 16. Hiệu lực thi hành
1. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế các Quy chế phối hợp hoạt động đã ký số 51/QCPH ngày 08/3/2006, số 62/QCPH ngày 22/3/2006 và số 60/QCPH ngày 28/3/2006 giữa Cục Hải quan Điện Biên và Bộ đội Biên phòng các tỉnh Sơn La - Điện Biên - Lai Châu.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc thì kịp thời báo cáo về cục Hải quan Điện Biên (qua đội kiểm soát Hải quan) và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh (ban cửa khẩu thuộc phòng tham mưu) để tổng hợp, thống nhất hướng giải quyết, điều chỉnh.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế, tổ chức cá nhân thuộc lực lượng Hải quan và Bộ đội Biên phòng các cấp có thành tích thì được khen thưởng; nếu vi phạm thì bị xử lý kỷ luật./.
CỤC HẢI QUAN ĐIỆN BIÊN | BỘ CHỈ HUY BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG |
BỘ CHỈ HUY BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG | BỘ CHỈ HUY BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG |
Nơi nhận: |
|