Quy định 55-QĐ/TW những điều Đảng viên không được làm do Bộ Chính trị ban hành đã được thay thế bởi Quy định 19-QĐ/TW 2002 những điều đảng viên không được làm Bộ Chính trị và được áp dụng kể từ ngày 03/01/2002.
Nội dung toàn văn Quy định 55-QĐ/TW những điều Đảng viên không được làm do Bộ Chính trị ban hành
BỘ CHÍNH TRỊ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 55-QĐ/TW | Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 1999 |
QUY ĐỊNH
"NHỮNG ĐIỀU ĐẢNG VIÊN KHÔNG ĐƯỢC LÀM"
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, nhằm giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng ngang tầm đòi hỏi của thời kỳ mới;
- Căn cứ Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quy định :
I- NHỮNG ĐIỀU ĐẢNG VIÊN KHÔNG ĐƯỢC LÀM
1- Nói và làm trái Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng; những điều mà pháp luật hiện hành không cho phép công dân, cán bộ, công chức được làm.
2- Phát ngôn, tán phát tài liệu (bài viết, bài nói, tờ rơi, băng ghi hình, băng ghi âm...) và xúi giục người khác phát ngôn, tán phát tài liệu để truyền bá những quan điểm trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, trái với quyết định của tổ chức đảng.
3- Tố cáo sai sự thật, viết đơn thư tố cáo nặc danh, mạo danh; tổ chức, kích động, phụ hoạ, xúi giục, lôi kéo, mua chuộc, cưỡng ép người khác đi khiếu kiện, hoặc viết, ký tên vào đơn thư khiếu kiện tập thể.
4- Tổ chức, tham gia mít tinh, biểu tình mà không được tổ chức có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước cho phép.
5- Tổ chức, tham gia các hoạt động bè phái, gây mất đoàn kết, gây chia rẽ cục bộ địa phương, dòng họ.
6- Đả kích, vu cáo, xúc phạm, đe doạ, trấn áp, trù dập người phê bình, góp ý kiến trái với ý mình.
7- Tự ý ứng cử hoặc tự nhận đề cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân,... khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền giới thiệu hoặc cho phép.
8- Quan liêu, thiếu trách nhiệm để cơ quan, địa phương, đơn vị của mình xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham ô, tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực khác.
9- Lợi dụng chức quyền trong việc giao, nhận dự án; giấy phép xuất, nhập khẩu; cấp hạn ngạch (quota), cấp đất, cấp nhà, cấp các loại vốn,... sai quy định của Nhà nước.
10- Chủ trì tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành các quyết định, quy định của địa phương trái với chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước.
11- Nhận hoặc yêu cầu cấp dưới, các tổ chức kinh tế - xã hội và cá nhân đóng góp kinh phí ngoài quy định của Nhà nước để dùng cho việc giao dịch, biếu xén, hối lộ, chi tiêu cho cá nhân và tập thể.
12- Đưa, nhận hoa hồng thông qua hoạt động môi giới và giao thầu, nhận thầu các công trình kinh tế, xã hội trái quy định của Nhà nước.
13- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bản thân, người trong gia đình đi du lịch, tham quan, học tập ở trong nước và nước ngoài bằng kinh phí của Nhà nước, tập thể hoặc bằng nguồn tài trợ của tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
14- Can thiệp, tác động sai quy định đến cá nhân, tổ chức để người khác được đề bạt sai tiêu chuẩn; lợi dụng chức quyền để tuyển dụng, sắp xếp, bố trí cán bộ vì mục đích cá nhân; ép buộc hoặc mua chuộc cá nhân hoặc tổ chức để bao che, giảm tội cho người khác.
15- Dùng công quỹ mua sắm trang thiết bị nội thất, phương tiện đi lại, thông tin liên lạc vượt quá định mức và sử dụng vào việc riêng.
16- Dùng công quỹ để tiếp khách, tặng quà vượt quá quy định cho phép; xây dựng các công trình hoặc chi cho các hoạt động vui chơi, giải trí cho cá nhân và một số ít người.
17- Tham gia đánh bạc, "số đề", cá cược, say rượu, bia, ăn uống bê tha làm mất tư cách; tổ chức tham gia các dịch vụ không lành mạnh (bia ôm, karaôkê ôm, mát sa ở nhà hàng...).
18- Mê tín dị đoan và hoạt động mê tín dị đoan.
19- Tổ chức việc tang, việc cưới, mừng ngày lễ, mừng sinh nhật, mừng thọ, mừng nhà mới, mừng lên chức, kỷ niệm ngày cưới, chuyển công tác... quá mức bình thường, nhằm mục đích vụ lợi.
II- XỬ LÝ VI PHẠM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Đảng viên vi phạm quy định này là vi phạm kỷ luật Đảng. Nếu vi phạm đến mức phải xử lý thì phải thẩm tra, xác minh, kết luận, xử lý công minh, chính xác, kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.
2- Giao Uỷ ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện quy định này và sáu tháng một lần báo cáo Bộ Chính trị về tình hình thực hiện.
Các cấp uỷ đảng có trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt quy định này.
Trong quá trình thực hiện quy định này có vấn đề cần sửa đổi, bổ sung thì báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định.
3- Quy định này có hiệu lực từ ngày ký, áp dụng với mọi đảng viên, được phổ biến đến chi bộ để thực hiện.
| T/M BỘ CHÍNH TRỊ |