Quyết định 02/1999/QĐ-BNN-PTLN

Quyết định 02/1999/QĐ-BNN-PTLN ban hảnh Quy chế khai thác gỗ, lâm sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ban hành

Quyết định 02/1999/QĐ-BNN-PTLN quy chế khai thác gỗ, lâm sản đã được thay thế bởi Quyết định 04/2004/QĐ-BNN Quy chế khai thác gỗ lâm sản khác và được áp dụng kể từ ngày 23/02/2004.

Nội dung toàn văn Quyết định 02/1999/QĐ-BNN-PTLN quy chế khai thác gỗ, lâm sản


BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 02/1999/QĐ-BNN-PTLN

 

Hà Nội, ngày 05 Tháng 01 năm 1999

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ KHAI THÁC GỖ, LÂM SẢN

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 12/8/1991;
Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01/11/1995 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ chỉ thị 286/TTg ngày 2/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ quyết định 245/TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Phát triển Lâm nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế về khai thác gỗ, lâm sản".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các ông Chánh văn phòng Bộ, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Viện, Trường có liên quan, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Giám đốc Tổng Công ty, Công ty, Doanh nghiệp có hoạt động khai thác gỗ, lâm sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Đẳng 

 

QUY CHẾ

KHAI THÁC GỖ, LÂM SẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/1999/QĐ-BNN/PTLN ngày 05/01/1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Rừng là tài nguyên quý giá của đất nước.Việc khai thác rừng phải bảo đảm mục tiêu giữ vững và phát triển vốn rừng hiện có. Mọi hoạt động làm suy giảm chất lượng rừng, số lượng rừng đều bị nghiêm cấm.

Điều 2. Quy chế này quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác gỗ, lâm sản ở rừng tự nhiên, rừng trồng thuộc các khu rừng sản xuất và rừng phòng hộ; tận thu gỗ, tận dụng gỗ, lâm sản trên các loại đất lâm nghiệp và đất khác. Mọi đối tượng thuộc các khu rừng đặc dụng không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế này.

Điều 3. Rừng đưa vào khai thác phải theo đúng quy định tại điều 37, 38, 39 của Luật bảo vệ và phát triển rừng. Việc khai thác tỉa thưa, tận dụng gỗ, lâm sản phải tuân thủ theo các quy trình, quy phạm kỹ thuật, phương án điều chế rừng hoặc luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 4. Việc khai thác gỗ, lâm sản chỉ được tiến hành đối với các khu rừng đã có chủ được pháp luật thừa nhận, bao gồm:

Rừng và đất rừng được nhà nước giao cho các doanh nghiệp các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân (gọi chung là chủ rừng) để gây trồng, quản lý, bảo vệ và sản xuất kinh doanh.

Chủ rừng phải thực hiện những nghĩa vụ và trách nhiệm quy định ở điều 40, điều 41 của luật bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện chế độ báo cáo cho các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định thống nhất trên toàn quốc của quy chế này.

Đối với những khu rừng chưa có chủ, do chính quyền địa phương sở tại quản lý không nằm trong đối tượng khai thác gỗ, chỉ được phép tận dụng cây khô chết để sử dụng và khai thác lâm sản ngoài gỗ.

Điều 5. Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện khai thác gỗ, lâm sản theo quy định của quy chế này.

Chương 2

KHAI THÁC GỖ, TRE NỨA, LÂM SẢN TRONG RỪNG SẢN XUẤT, RỪNG PHÒNG HỘ ÍT XUNG YẾU

Mục 1.KHAI THÁC CHÍNH GỖ RỪNG TỰ NHIÊN (GỌI TẮT LÀ KHAI THÁC GỖ RỪNG TỰ NHIÊN)

Điều 6. Đối tượng rừng khai thác:

1. Rừng gỗ tự nhiên thuần loại hoặc hỗn loại khác tuổi chưa qua khai thác hoặc đã qua khai thác nhưng đã được nuôi dưỡng đủ thời gian quy định của một luân kỳ khai thác và có trữ lượng đạt tiêu chuẩn sau:

a) Đối với rừng lá rộng thường xanh và nửa rụng lá, có trữ lượng:

Trên 90 m3/ha đối với các tỉnh từ Thanh Hoá trở ra.

Trên 110 m3/ha đối với các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế.

Trên 130 m3/ha đối với các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào.

b) Đối với rừng khộp có trữ lượng trên 100 m3/ha

c) Đối với rừng lá kim có trữ lượng trên 130 m3/ha

Cả ba đối tượng thuộc điểm a, b, c nói trên trữ lượng của các cây đạt cấp kính khai thác phải đạt trên 30% so với tổng trữ lượng.

d) Đối với rừng kinh doanh gỗ trụ mỏ có trữ lượng trên 70 m3/ha

e) Đối với rừng gỗ hỗn loài với tre nứa, trữ lượng gỗ phải đạt:

Trên 50 m3/ha đối với các tỉnh từ Thanh Hoá trở ra.

Trên 70 m3/ha đối với các tỉnh từ Nghệ An trở vào.

2. Rừng gỗ tự nhiên thuần loài, đồng tuổi đã đạt tuổi thành thục công nghệ.

Điều 7. Căn cứ pháp lý ban đầu:

1. Định kỳ 5 năm, các tổ chức và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế (gọi tắt là doanh nghiệp) phải rà soát lại phương án điều chế rừng để lập kế hoạch khai thác và phương án sản xuất kinh doanh cho 5 năm tiếp theo trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

2. Chỉ tiêu khai thác hàng năm được phê duyệt trong phương án điều chế rừng, được khống chế theo diện tích là chính, còn sản lượng có thể tăng giảm tuỳ theo trạng thái rừng. Diện tích khai thác hàng năm có thể thấp hơn hoặc cao hơn nhưng tối đa không vượt quá 20% so với diện tích cho phép để bù trừ, sao cho bình quân 5 năm về diện tích không được vượt mức cho phép.

3. Hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ hạn mức khai thác gỗ lớn rừng tự nhiên được phép khai thác cho năm sau.

Trong khi chờ Chính phủ phê duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao chỉ tiêu hướng dẫn tạm thời sản lượng khai thác cho các địa phương, đơn vị. Dựa vào chỉ tiêu hướng dẫn tạm thời được giao và phương án điều chế đã phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh để tạm giao kế hoạch hướng dẫn sản lượng gỗ cho các doanh nghiệp, chỉ đạo việc thiết kế và lập phương án sản xuất kinh doanh.

Điều 8. Thiết kế khai thác:

1. Đơn vị được phép thiết kế khai thác:

Việc lập hồ sơ thiết kế khai thác và phương án sản xuất kinh doanh phải do cơ quan chuyên môn có đủ tư cách pháp nhân đảm nhiệm, gồm:

Các tổ chức thiết kế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc của các doanh nghiệp được Uỷ ban nhân dân Tỉnh quyết định.

Các tổ chức thiết kế thuộc Viện Điều tra quy hoạch, Viện Khoa học Lâm nghiệp, các trường kỹ thuật lâm nghiệp, các Công ty, Tổng Công ty trực thuộc Trung ương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.

2. Trách nhiệm của đơn vị thiết kế:

Đơn vị thiết kế phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế với các nội dung chủ yếu sau:

Thiết kế đúng đối tượng.

Xác định đúng địa danh, diện tích khai thác theo tiểu khu, khoảnh, lô;

Xác định đúng các chỉ tiêu kỹ thuật (cường độ, tỷ lệ lợi dụng)

Xác định đúng cây đạt tiêu chuẩn khai thác, đóng dấu búa bài cây theo đúng quy định.

Bảo đảm sai số về sản lượng thiết kế trong phạm vi ± 10%

Lập đầy đủ các bảng biểu, bản đồ, thuyết minh theo đúng hướng dẫn.

3. Căn cứ để thiết kế:

Phương án điều chế rừng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các quy trình, quy phạm kỹ thuật có liên quan.

4. Các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu trong thiết kế khai thác:

a) Phương thức khai thác:

Khai thác chọn đối với đối tượng thuộc khoản 1 Điều 6.

Khai thác trắng hoặc khai thác chọn để chuyển thành rừng không đồng tuổi đối với rừng thuộc khoản 2 Điều 6.

b) Luân kỳ khai thác:

35 năm đối với rừng thường xanh, rừng nửa rụng lá, rừng lá kim, rừng gỗ hỗn loài với tre nứa.

40 năm đối với rừng khộp.

10 năm đối với rừng kinh doanh gỗ trụ mỏ.

c) Cường độ khai thác:

Cường độ khai thác được tính theo tỷ lệ phần trăm trữ lượng cây chặt trong lô so với trữ lượng lô trước khi chặt.

Cường độ khai thác bao gồm cả chặt thải loại và đổ vỡ trong khai thác không được vượt quá 45%.

Cường độ khai thác không kể chặt thải loại và đổ vỡ được định hướng như sau:

Đối với rừng lá rộng thường xanh, rừng nửa rụng lá và rừng lá kim kinh doanh gỗ lớn

Trữ lượng từ 90 - 150 m3/ha, cường độ từ 18 - 24%

Trữ lượng từ 150 - 200 m3/ha, cường độ từ 22 - 28%

Trữ lượng từ 200 - 300 m3/ha, cường độ từ 26 - 34 %

Trữ lượng trên 300 m3/ha, cường độ từ 32 - 38 %

Đối với rừng khộp cường độ được tăng lên một cấp so với cấp trữ lượng nói trên.

Đối với rừng gỗ hỗn loài với tre nứa, cường độ từ 20 - 40 %.

Đối với rừng kinh doanh gỗ mỏ:

Trữ lượng từ 70 - 100 m3, cường độ từ 20 - 25%

Trữ lượng từ 100 - 120 m3, cường độ từ 26 - 30 %

Cường độ khai thác trên được xác định cho nơi có độ dốc dưới 150, nếu trên150 thì cường độ phải giảm tương ứng 5% khi độ dốc tăng 100.

d) Cấp kính khai thác tối thiểu đối với rừng kinh doanh gỗ lớn:

Đối với các tỉnh từ Thanh Hoá trở ra:

Gỗ nhóm I, II                           =          45 cm

Gỗ nhóm III đến nhóm VI         =          35 cm

Gỗ nhóm VII và VIII                =          25 cm

Đối với các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế:

Gỗ nhóm I và II             =         45 cm

Gỗ nhóm III đến nhóm VI         =          40 cm

Gỗ nhóm VII và VIII                =          30 cm

Đối với các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào:

Gỗ nhóm I và II                         =         50 cm

Gỗ nhóm III đến nhóm VI         =         45 cm

Gỗ nhóm VII và VIII                            =          35 cm

e) Tỷ lệ lợi dụng:

Tỷ lệ lợi dụng được tính theo tỷ lệ phần trăm khối lượng sản phẩm so với khối lượng toàn bộ thân cây (thể tích cây đứng). Cụ thể như sau:

Gỗ lớn là gỗ khúc thân từ mạch cắt gốc chặt đến mạch cắt ở chiều cao dưới cành. Tuỳ theo phương tiện vận chuyển mà khúc thân có thể cắt đoạn để kéo ra bãi giao. Đơn vị tích là m3.

Gỗ cành, ngọn là gỗ cành, đoạn ngọn không phân biệt kích cỡ to hay nhỏ, dài hay ngắn. Đơn vị tính là m3.

Củi là phần cành, ngọn không thể tận dụng làm gỗ.

Tuỳ theo đặc tính loài cây chặt, điều kiện địa hình, cự ly vận chuyển, khả năng tiêu thụ mà tỷ lệ lợi dụng được phép thiết kế trong giới hạn sau:

Gỗ lớn từ 55 - 70%

Gỗ cành, ngọn từ 5 - 15%

Củi từ 5 - 7 %

Trong trường hợp có chặt bài thải, vệ sinh rừng, thì khối lượng sản phẩm tận dụng được thống kê riêng trong biểu sản phẩm khai thác và việc đóng búa bài cây theo quy định tại Điều 34 dưới đây.

Riêng đối với gỗ trụ mỏ tỷ lệ lợi dụng như sau:

Gỗ lớn khúc thân (ặ > 25 cm ) từ          10 - 15 %

Gỗ trụ mỏ          (ặ Ê 24 cm ) từ            65 - 70 %

Củi                                                        5 %

5. Nội dung chủ yếu thiết kế khai thác:

a) Ngoại nghiệp:

Phân chia lô, khoảnh trên thực địa.

Phát đường ranh giới lô, khoảnh, đo đạc, lập sơ đồ tỷ lệ 1/5000 của khu khai thác.

Đóng mốc lô; xác định rõ địa danh, diện tích khai thác theo lô, khoảnh, tiểu khu theo mã số quy định.

Đo đếm cây để xác định trữ lượng gỗ, trên cơ sở đó dự kiến cường độ khai thác.

Dựa vào cường độ khai thác dự kiến, tiến hành bài cây và đóng dấu búa bài những cây đạt tiêu chuẩn khai thác (không thuộc các loài cây bị cấm); những cây bài thải,vệ sinh nuôi dưỡng rừng; cây phải chặt để làm đường vận xuất, vận chuyển, làm bãi gỗ.

Đo đếm các cây bài chặt.

Riêng đối với gỗ trụ mỏ chỉ bài cây bằng dấu sơn, không phải đóng búa bài cây.

b) Nội nghiệp:

Tính toán xác định sản lượng gỗ theo kích cỡ và theo 8 nhóm gỗ. Sai số về sản lượng giữa thiết kế và thực tế cho phép trong phạm vi ± 10%.

Trường hợp có một số loài chưa được xếp vào bảng phân loại 8 nhóm gỗ, nếu một loài nào đó có khối lượng nhỏ hơn 500 m3 (trong phạm vi 1 tỉnh) thì dựa vào đặc tính gỗ và thị hiếu của thị trường để xếp tạm vào nhóm thích hợp. Nếu có khối lượng trên 500 m3 thì phải lấy mẫu đưa về Viện Khoa học lâm nghiệp để giám định và xếp loại. Trong khi chờ kết quả giám định, được tạm thời xếp vào nhóm gỗ thích hợp để lập hồ sơ thiết kế trình duyệt.

Xác định chính xác cường độ khai thác, tỷ lệ lợi dụng.

Lập phuơng án sản xuất kinh doanh gồm: mạng lưới đường vận xuất, kho bãi; tính toán chi phí sản xuất (công đầu tư hoặc tiền đầu tư cho một đơn vị sản phẩm); dự tính thuế tài nguyên, tiền trích lại để đầu tư cho khâu lâm sinh; lập kế hoạch khối luợng khâu lâm sinh.

Điều 9. Thẩm định thiết kế khai thác rừng:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thẩm định thiết kế khai thác với các nội dung chính sau:

Đối tượng khai thác là rừng sản xuất, rừng phòng hộ ít xung yếu đạt tiêu chuẩn như khoản 1 Điều 6, thuộc các tiểu khu cho phép khai thác trong phương án điều chế rừng.

Chất lượng bài cây: đúng cây đạt tiêu chuẩn khai thác.

Tính hợp lý của các đường vận xuất và bãi gỗ (trong trường hợp phải chặt cây để làm đường và bãi gỗ).

Điều 10. Duyệt thiết kế khai thác:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội đồng xét duyệt thiết kế khai thác cho các doanh nghiệp về các nội dung chủ yếu sau:

Đối tượng rừng khai thác.

Các chỉ tiêu kỹ thuật.

Diện tích, địa danh, sản lượng được phép khai thác theo điều chế.

Các chỉ tiêu xây dựng cơ bản, giá thành khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, các chỉ tiêu lâm sinh.

Hồ sơ đầy đủ theo hướng dẫn.

Trường hợp có thay đổi địa danh so với phương án điều chế, nếu xét thấy hợp lý, Sở phải làm văn bản trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin thay đổi. Trong khi chờ văn bản trả lời, được phép đưa địa danh đó vào diện tích thiết kế.

Điều 11. Thủ tục trình và ra quyết định:

Sau khi xét duyệt thiết kế khai thác cụ thể cho các doanh nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tổng hợp thiết kế khai thác và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ theo nội dung tại Điều 10 và ban hành quyết định cho phép mở rừng khai thác cho từng tỉnh và toàn Quốc. Trong quyết định phải ghi rõ địa danh, diện tích, sản lượng được phép khai thác.

Các công việc nói trên phải được hoàn tất trước ngày 31/12 năm trước.

Trên cơ sở quyết định của Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định cấp giấy phép khai thác cho doanh nghiệp.

Quyết định mở cửa rừng và giấy phép khai thác được gửi cho Chi cục Kiểm lâm sở tại để làm căn cứ kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Điều 12. Tiến hành khai thác:

Sau khi có giấy phép khai thác, doanh nghiệp có thể bán cây đứng hoặc tự tổ chức khai thác theo các công việc sau:

1. Tổ chức đấu thầu bán cây đứng, hoặc thuê đơn vị khai thác để ký hợp đồng khai thác, hoặc ra văn bản giao nhiệm vụ khai thác (nếu đơn vị khai thác trực thuộc doanh nghiệp).

2. Giao nhận khu khai thác: Doanh nghiệp bàn giao hiện trường khai thác có hồ sơ thiết kế và bản đồ kèm theo cho đơn vị khai thác và lập biên bản bàn giao đồng thời gửi 1 bộ hồ sơ cho hạt kiểm lâm sở tại để giám sát việc thực hiện.

3. Chuẩn bị khai thác: Đơn vị khai thác tiến hành các công việc chuẩn bị khai thác như phát luỗng rừng, mở đường vận xuất mới, sửa chữa đường cũ, làm kho bãi gỗ.

4. Khai thác: chặt hạ những cây có dấu búa bài chặt và vận xuất ra bãi giao tại khu khai thác.

Nghiêm cấm chặt cây không có dấu bài.

Phải chặt hết tối thiểu 95% số cây đã bài.

Nếu số cây đã bài mà không chặt vượt 5% thì doanh nghiệp phải báo cáo lý do và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận.

Gỗ chặt ra đến đâu phải vận xuất ngay ra bãi đến đấy, không được để tồn rừng quá 15 ngày.

Khi gỗ được kéo ra bãi quy định, doanh nghiệp có trách nhiệm phân loại, xếp gỗ theo quy định và lập lý lịch gỗ.

Số lóng gỗ tại bãi (kể cả cây bị cắt đoạn) phải khớp đúng với số cây bài chặt có dấu búa bài cây.

Chủ rừng báo với hạt kiểm lâm sở tại để kiểm tra xác nhận và đóng dấu búa kiểm lâm theo quy định hiện hành.

5. Trong vòng 2 tháng kể từ khi hoàn thành việc chặt hạ, vận xuất gỗ ra khỏi lô phải tiến hành vệ sinh rừng.

6. Về việc thay đổi hiện trường khai thác đã được quyết định mở rừng khai thác:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó nêu lý do phải thay đổi hiện trường, kèm theo hồ sơ thiết kế mới.

Điều 13. Thời hạn khai thác:

Thời hạn khai thác quy định từ ngày 1 tháng 1 đến 31 tháng 3 năm sau.

Trường hợp khai thác không hết khối lượng đã phê duyệt, được phép chuyển hồ sơ thiết kế để trình duyệt vào kế hoạch khai thác năm sau.

Điều 14. Nghiệm thu khai thác:

Sau khi hoàn thành khai thác hoặc hết thời hạn khai thác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Chi cục Kiểm lâm và Hạt kiểm lâm sở tại tiến hành kiểm tra hiện trường, lập biên bản đánh giá việc thực hiện khai thác theo các nội dung sau:

Khai thác có đúng vị trí không.

Chặt hạ có đúng cây bài không, có bỏ sót cây không.

Tổng khối lượng sản phẩm, sản phẩm theo chủng loại đã khai thác so với thiết kế cho phép sai số tối đa 10%. Riêng đối với nhóm gỗ IIa sai số tối đa 5%.

Tình hình lợi dụng gỗ, chiều cao gốc chặt, cành ngọn để lại, thực hiện vệ sinh rừng.

Kiến nghị đối với doanh nghiệp và đơn vị khai thác về những thiếu sót (nếu có) cần được tác động bổ xung.

Kiến nghị xử lý đối với những vi phạm nếu có.

Điều 15. Đóng cửa rừng sau khai thác:

Sau khi hoàn thành khai thác và nghiệm thu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định đóng cửa rừng khai thác và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau khi đóng cửa rừng,rừng được đưa vào chế độ bảo vệ, nuôi dưỡng và nghiêm cấm khai thác trong suốt thời gian của 1 luân kỳ.

Lập hồ sơ lý lịch khu rừng sau khai thác để theo dõi trong suốt luân kỳ nuôi dưỡng.

Mục 2. KHAI THÁC TẬN DỤNG

Điều 16. Đối tượng rừng khai thác tận dụng

1. Các khu rừng phải khai thác để chuyển đổi mục đích sử dụng, có đầy đủ các thủ tục theo đúng quy định hiện hành (khai thác mỏ, hồ đập nước, đường xá giao thông, các công trình xây dựng, trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp...).

2. Các khu rừng nghèo kiệt, năng suất chất lượng thấp, cần khai thác để trồng lại rừng có năng xuất chất lượng cao hơn theo luận chứng kinh tế kỹ thuật, hoặc dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Rừng nằm trên các tuyến đường khai thác vận xuất, vận chuyển gỗ, kho bãi.

4. Các khu rừng chưa đến kỳ khai thác được tiến hành chặt nuôi dưỡng, chặt tỉa thưa. Các khu rừng được tuyển chọn để chặt chuyển hoá thành rừng giống.

5. Các khu rừng nghèo kiệt được tiến hành làm giàu bằng phương pháp trồng theo băng hoặc theo rạch.

6. Các khu rừng có những cây bị chết đứng do cháy, sâu bệnh hại, trích nhựa hoặc do các yếu tố thời tiết bất lợi.

7. Các cây đứng, mọc rải rác còn sót lại trên đất lâm nghiệp, có trữ lượng dưới 25 m3/ha; trên đất nông nghiệp (nương rẫy cố định, vườn cây công nghiệp, đồng ruộng).

 Điều 17. Khai thác tận dụng đối với các đối tượng rừng thuộc khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 6, khoản 7 Điều 16:

1. Thiết kế khai thác tận dụng:

Xác định rõ ranh giới, diện tích theo lô, khoảnh, tiểu khu hoặc theo cung đoạn của khu vực khai thác tận dụng theo đúng các văn bản pháp lý đã được phê duyệt.

Đo đếm và đóng dấu búa bài cây toàn bộ cây có đường kính trên 25 cm.

Tính toán khối lượng sản phẩm chính (đường kính trên 25 cm) có thể tận dụng theo kích thước, chủng loại.

Ước tính khối lượng sản phẩm gỗ nhỏ, củi có thể tận dụng.

2. Thủ tục trình duyệt.

Đối với đối tượng thuộc khoản 1 và khoản 2 Điều 16 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định cho khai thác tận dụng.

Đối với đối tượng thuộc khoản 3 Điều 16 việc thiết kế và thủ tục trình duyệt được thực hiện đồng thời với việc khai thác gỗ rừng tự nhiên quy định ở Mục 1 Chương II.

Đối với đối tượng thuộc khoản 6 và khoản 7 Điều 16 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, duyệt thiết kế và trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định cho khai thác tận dụng.

3. Tiến hành khai thác tận dụng đối với các đối tượng nói trên:

Bảo đảm chặt đúng khu vực, đúng diện tích theo các văn bản pháp lý đã được phê duyệt. Nghiêm cấm lợi dụng chặt gỗ nơi khác để nhập vào vùng khai thác tận dụng.

Bảo đảm tận dụng tối đa lâm sản tránh gây lãng phí.

Điều 18. Khai thác tận dụng đối với các đối tượng thuộc khoản 4 và khoản5 Điều 16:

1. Về nguyên tắc: Phải tuyệt đối tôn trọng các quy định về đối tượng, biện pháp tác động trong quy phạm các giải pháp kỹ thuật lâm sinh áp dụng cho rừng sản xuất gỗ và tre nứa (QPN 14 -92) và quy phạm xây dựng rừng giống chuyển hoá (QPN 16-93).

Nghiêm cấm việc lợi dụng chặt nuôi dưỡng, làm giàu rừng để khai thác gỗ.

2. Các chỉ tiêu kỹ thuật:

Cường độ chặt theo thể tích không quá 15% đối với chặt nuôi dưỡng và không quá 30% đối với làm giàu rừng.

Gỗ tận dụng các loại không quá 10m3/ha đối với chặt nuôi dưỡng và 15 m3/ha đối với làm giàu rừng.

Củi tận dụng không quá 15 m3/ha đối với chặt nuôi dưỡng và 20m3/ha đối với làm giàu rừng.

3. Thiết kế khai thác tận dụng:

Xác định phạm vi diện tích, theo tiểu khu, khoảnh, lô.

Bố trí băng chặt, băng chừa hoặc rạch theo đúng kỹ thuật làm giàu rừng.

Bài cây, đóng búa những cây có khả năng tận dụng có đường kính trên 25 cm trên băng chặt.

Bài cây đóng búa những cây có khả năng tận dụng có đường kính trên 25 cm đối với nuôi dưỡng rừng. Cây bài chặt là những cây cong queo, sâu bệnh, già cỗi, cụt ngọn, cây phi mục đích kinh tế. Những cây chặt thải loại hoặc ken chết không tận thu chỉ cần bài bằng sơn.

Tính toán khối lượng sản phẩm có khả năng tận dụng.

4. Thủ tục trình duyệt:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra hiện trường với 2 nội dung chính.

Đối tượng rừng

Cây bài chặt.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duyệt thiết kế và trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh ra quyết định cho phép thực hiện.

Mục 3.TẬN THU GỖ NẰM CÁC LOẠI (GỌI TẮT LÀ TẬN THU)

Điều 19. Đối tượng gỗ tận thu:

Đối tượng gỗ được tận thu là các loại gỗ khô lục, lóc lõi, gỗ cháy ở dạng gỗ nằm (bao gồm các loại gỗ thân, cành, ngọn, gốc rễ, bìa bắp...) với mọi kích cỡ trên 2 loại đất sau:

1. Đất lâm nghiệp: gỗ còn bỏ lại trên các hiện trường khai thác cũ, trên nương rẫy bỏ hoang.

2. Đất nông nghiệp: gỗ trên nương rẫy cố định, đồng ruộng, vườn cây công nghiệp.

Điều 20. Thủ tục tiến hành:

Tiến hành thống kê cụ thể số lóng hoặc số gốc cây, kích thước, thể tích chủng loại cho từng tiểu khu, khoảnh, lô hay từng khu vườn, ruộng, nương rẫy... Đóng búa bài cây những lóng gỗ có đường kính đầu lớn từ 25 cm trở lên.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra trên hiện trường và hồ sơ, tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định cho phép thực hiện. Riêng đối với gỗ thuộc nhóm IIA theo Nghị định 18/HĐBT ngày 17/1/1992, phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận bằng văn bản.

Mục 4.KHAI THÁC TRE NỨA VÀ LÂM SẢN NGOÀI GỖ, TRE NỨA THUỘC RỪNG TỰ NHIÊN

Điều 21. Khai thác tre nứa:

1. Đối tượng: Rừng tre nứa có độ che phủ trên 70% và có số cây già và cây vừa trên 40% tổng số cây.

2. Các chỉ tiêu kỹ thuật: phải bảo đảm tuân thủ các quy trình quy phạm đã ban hành.

Luân kỳ khai thác 2-4 năm

Cường độ từ 1/4 đến 2/3 số cây

Đối với loài mọc bụi mỗi bụi để lại ít nhất 10 cây.

Tuổi cây khai thác trên 2 năm.

3. Thiết kế khai thác:

Phân chia ranh giới, đóng mốc bảng lô, khoảnh trên thực địa

Lập sơ đồ tỷ lệ 1/5000 khu khai thác

Phân định rõ địa danh diện tích khai thác

Đo đếm số cây.

Tính toán sản lượng khai thác theo số cây hoặc quy ra tấn cho từng lô và tổng hợp theo khoảnh, tiểu khu và toàn doanh nghiệp.

4. Thủ tục trình duyệt và tiến hành khai thác:

Doanh nghiệp lập hồ sơ thiết kế khai thác theo các nội dung kỹ thuật nêu trên và trình duyệt như sau:

Đối với các đơn vị thuộc tỉnh quản lý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duyệt thiết kế, cấp giấy phép khai thác. Giấy phép khai thác được gửi cho hạt Kiểm lâm sở tại để làm cơ sở kiểm tra, giám sát.

Đối với các đơn vị thuộc Tổng công ty, công ty trực thuộc trung ương quản lý, do Tổng công ty hoặc công ty duyệt thiết kế và cấp giấy phép khai thác. Giấy phép khai thác được gửi cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hạt Kiểm lâm sở tại để kiểm tra, giám sát

Điều 22. Khai thác và thu hái lâm sản ngoài gỗ, tre nứa:

1. Khai thác sản phẩm có khối lượng lớn, tập trung: Doanh nghiệp phải tiến hành thiết kế và trình duyệt như sau:

Đối với Doanh nghiệp trực thuộc tỉnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duyệt và cấp giấy phép khai thác.

Đối với các Doanh nghiệp trực thuộc Công ty, Tổng công ty không trực thuộc Tỉnh do Công ty, Tổng công ty duyệt và cấp giấy phép khai thác.

2. Đối với thu hái sản phẩm có khối lượng nhỏ, phân tán, không thuộc diện cấm (nhóm IA) trong nghị định 18-HĐBT ngày 17/1/1992 như sa nhân, song, mây, ba kích, hạt dẻ, hạt ươi... được phép khai thác trên nguyên tắc không làm tổn hại đến sự phát triển của loại sản phẩm đó.

Người thu mua chỉ cần làm đơn xin phép Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được cấp giấy phép thu mua. Trong đơn ghi rõ chủng loại, khối lượng và địa điểm thu mua.

Mục 5.KHAI THÁC RỪNG TRỒNG CỦA CÁC CHỦ RỪNG VÀ GỖ VƯỜN, GỖ RỪNG TỰ NHIÊN THUỘC SỞ HỮU CỦA HỘ GIA ĐÌNH

Điều 23. Khai thác rừng trồng tập trung bằng vốn ngân sách, vốn viện trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi của doanh nghiệp:

1. Các chỉ tiêu kỹ thuật:

a) Tuổi khai thác.

Tuổi khai thác rừng trồng được xác định tuỳ theo loài cây, yêu cầu chất lượng và quy cách sản phẩm, hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của rừng trồng.  

Tuổi khai thác rừng trồng của các đơn vị thuộc tỉnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định theo đề nghị của doanh nghiệp.

Tuổi khai thác rừng trồng của các doanh nghiệp thuộc Công ty, Tổng Công ty không trực thuộc Tỉnh do Công ty, Tổng Công ty quyết định theo đề nghị của doanh nghiệp.

b) Phương thức khai thác: chặt trắng toàn diện hoặc chặt trắng theo lô. Sau khi khai thác phải trồng lại rừng ngay trong vụ trồng rừng kế tiếp.

c)Tỷ lệ lợi dụng:

Gỗ nguyên liệu từ 70 -80%

Củi từ 10 - 15%

2. Hồ sơ khai thác: Việc lập hồ sơ khai thác được tiến hành đơn giản, không cần phải đo đếm ngoại nghiệp, chỉ cần mục trắc và kết hợp với tài liệu, bản đồ sẵn có để lập hồ sơ cụ thể như sau:

Xác định địa danh, diện tích khu khai thác

Xác định tuổi, trữ lượng, tỷ lệ lợi dụng và sản lượng.

Lập sơ đồ khu khai thác tỷ lệ 1/5000

Lập phương án trồng lại rừng.

Tổng hợp hồ sơ khai thác cho từng chủ rừng.

3. Thủ tục cấp giấy phép khai thác:

a) Đối với các đơn vị thuộc tỉnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duyệt hồ sơ và cấp giấy phép khai thác.

b) Đối với các đơn vị thuộc Công ty,Tổng Công ty không trực thuộc tỉnh do Công ty, Tổng Công ty duyệt Hồ sơ khai thác, cấp giấy phép khai thác và gửi cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi và quản lý.

c) Các quyết định và giấy phép nêu tại điểm a, điểm b được gửi cho Chi cục kiểm lâm sở tại để kiểm tra giám sát.

Điều 24. Khai thác rừng trồng, gỗ vườn, cây trồng phân tán do chủ rừng tự đầu tư gây trồng:

1. Tuổi khai thác rừng trồng do chủ rừng tự bỏ vốn hay tự vay vốn để trồng do chủ rừng tự quyết định.

2. Đối với các loài cây không có hoặc hầu như không có trong rừng tự nhiên như bạch đàn, keo lá tràm, keo lai, keo tai tượng, bồ đề, mỡ, tràm, đước, mít, soài, nhãn, phi lao... chủ rừng được tự chủ trong việc khai thác và tự do lưu thông, tiêu thụ sản phẩm.

3. Đối với các loài cây trùng với các loài cây rừng tự nhiên, nhưng không nằm trong danh mục các loài cây bị cấm (nhóm IA) quy định tại nghị định 18/HĐBT ngày 17/1/1992 của Hội đồng Bộ trưởng như lát, trám, re, dẻ... khi khai thác chủ rừng chỉ cần báo với Hạt kiểm lâm sở tại trong trường hợp khai thác với mục đích thương mại hoặc Uỷ ban nhân dân xã trong trường hợp khai thác với mục đích sử dụng tại chỗ để chứng nhận gỗ khai thác đúng là từ rừng trồng, gỗ vườn hoặc cây trồng phân tán.

Điều 25. Khai thác rừng trồng của hộ gia đình, cá nhân bằng nguồn vốn viện trợ, vốn vay ưu đãi:

Đối với rừng trồng bằng nguồn vốn viện trợ: Thực hiện theo quy định cụ thể đối với từng dự án.

Đối với rừng trồng bằng nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện như Điều 24.

Điều 26. Chặt nuôi dưỡng (tỉa thưa) đối với rừng trồng:

1. Trường hợp không có tận thu lâm sản do chủ rừng tự quyết định.

2. Trường hợp có tận thu lâm sản:

a) Đối với rừng trồng bằng vốn ngân sách, vốn vay ưu đãi.

Các chỉ tiêu kỹ thuật:

Phải tôn trọng quy trình quy phạm tỉa thưa rừng.

Cường độ chặt không quá 50%. Cụ thể:

Đối với trường hợp tỉa chọn, cường độ chặt theo số cây (% số cây chặt trên tổng số cây) phải nhỏ hơn cường độ chặt theo thể tích % trữ lượng chặt trên tổng trữ lượng).

Đối với trường hợp tỉa cơ học, cường độ chặt theo số cây bằng cường độ chặt theo thể tích.

Cây bài chặt là cây sinh trưởng kém, cong queo, sâu bệnh, cụt ngọn, đang chết.

Tiến hành lập hồ sơ tỉa thưa:

Xác định địa danh, diện tích khu chặt

Bài cây: Bài cây bằng dấu sơn đối với trường hợp bài tỉa chọn; đánh dấu hàng chặt hoặc quy định cách bao nhiêu cây chặt 1 cây đối với trường hợp bài tỉa cơ học.

Lập hồ sơ ghi rõ tuổi, chiều cao, đường kính, số cây, thể tích của lâm phần

Xác định cường độ chặt

Tính toán số cây chặt và số cây để lại

Xác định thể tích chặt và thể tích để lại

Xác định sản lượng.

Thủ tục trình duyệt:

Các đơn vị thuộc tỉnh do sở duyệt và cấp giấy phép tỉa thưa.

Các đơn vị thuộc Công ty,Tổng Công ty không trực thuộc tỉnh do Công ty, Tổng Công ty duyệt và cấp giấy phép tỉa thưa.

b) Đối với rừng trồng do chủ rừng tự bỏ vốn: chủ rừng được tự chủ trong việc thực hiện.

Điều 27. Khai thác rừng khoanh nuôi do chủ rừng tự bỏ vốn; rừng tự nhiên thuộc sở hữu của tập thể, hộ gia đình:

a) Khai thác để sử dụng cho nhu cầu củi, gỗ gia dụng cho chủ rừng: chủ rừng chỉ cần báo cáo với Uỷ ban nhân dân xã sở tại.

b) Khai thác thương mại:

Chủ rừng chỉ cần báo với cơ quan kiểm lâm sở tại để kiểm tra, xác nhận và đóng dấu búa kiểm lâm.

Chương 3

KHAI THÁC TẬN DỤNG GỖ, TRE NỨA, LÂM SẢN TRONG RỪNG PHÒNG HỘ

Điều 28. Những quy định chung:

Các hoạt động khai thác phải bảo đảm nguyên tắc duy trì và phát triển khả năng phòng hộ của rừng. Nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác tận dụng lâm sản làm suy giảm vốn rừng và khả năng phòng hộ của rừng.

Nhà nước có thể tạm thời đình chỉ việc khai thác gỗ rừng tự nhiên thuộc rừng phòng hộ theo yêu cầu của việc bảo vệ rừng.

Việc khai thác gỗ, tre nứa, lâm sản trong rừng phòng hộ phải được thể hiện trong luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc trong dự án xây dựng rừng phòng hộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc khai thác gỗ, tre nứa, lâm sản trong rừng phòng hộ chỉ là kết hợp nhằm đảm bảo lợi ích cho người lao động sống tại chỗ, gắn bó với rừng, tham gia tích cực vào bảo vệ và xây dựng rừng phòng hộ.

Điều 29. Khai thác tận dụng gỗ, lâm sản trong rừng tự nhiên thuộc khu phòng hộ rất xung yếu và xung yếu:

1. Được phép khai thác tận dụng những cây khô chết, sâu bệnh, già cỗi, đổ gẫy, cụt ngọn.

Thủ tục thiết kế và trình duyệt như sau:

Việc thiết kế do Ban quản lý rừng phòng hộ tổ chức thực hiện theo khoản 1 Điều 17.

Về thủ tục trình duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duyệt thiết kế trình UBND tỉnh ra quyết định cho phép khai thác.

2. Được phép tận thu các loại lâm sản phụ mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng.

Các thủ tục cấp phép thực hiện theo Điều 22.

3. Được phép tận thu gỗ nằm như quy định tại Điều 19.

Các thủ tục lập hồ sơ cấp phép tận thu thực hiện theo Điều 20.

4. Riêng đối với rừng phòng hộ xung yếu: Khi rừng đạt tiêu chuẩn khai thác như quy định tại điểm a, b, c, e khoản 1 Điều 6 được phép khai thác chọn với cường độ tối đa 20%.

Cây bài chặt chủ yếu là những cây già cỗi, cây sâu bệnh, đổ gẫy, cụt ngọn.

Thủ tục thiết kế, trình duyệt, tiến hành khai thác được thực hiện theo các Điều từ Điều 8 đến Điều 15 Mục 1, Chương II.

Điều 30. Khai thác gỗ đối với rừng khoanh nuôi từ đất không có rừng:

1. Đối với rừng do Nhà nước đầu tư thực hiện theo Điều 29.

Đối với rừng do chủ nhận khoán tự bỏ vốn đầu tư:

a) Không phân biệt vùng rất xung yếu và xung yếu, khi rừng đạt tiêu chuẩn khai thác, được phép khai thác với cường độ tối đa 20%.

b) Về thủ tục trình duyệt:

Khai thác để giải quyết nhu cầu củi, gỗ gia dụng cho chủ rừng: chủ rừng làm đơn xin phép ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý kiểm tra cho phép khai thác.

Khai thác thương mại.

Chủ rừng làm đơn xin phép Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có sự nhất trí của Ban quản lý rừng phòng hộ.

Sau khi được Sở chấp thuận, chủ rừng tiến hành thiết kế khai thác.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duyệt thiết kế và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định cho phép khai thác.

Điều 31. Khai thác tre nứa:

Đối với rừng tre nứa khi rừng đạt độ che phủ trên 80% mới được phép khai thác.

Cường độ khai thác tối đa 30%.

Về thủ tục thiết kế, trình duyệt và tiến hành khai thác thực hiện theo khoản 3 và 4 Điều 21.

Điều 32. Khai thác rừng trồng:

1. Đối với rừng do Nhà nước đầu tư được phép khai thác cây phù trợ.

2. Đối với rừng trồng do ban quản lý rừng hoặc chủ nhận khoán tự đầu tư, khi rừng đạt tuổi khai thác, mỗi năm được phép khai thác không quá 1/10 diện tích đã đầu tư gây trồng thành rừng. Phương thức chặt theo băng hoặc theo đám, băng hoặc đám không được liền kề nhau, có diện tích không quá 0,5 ha ở vùng rất xung yếu và không qúa 1 ha ở vùng xung yếu.

Tuổi khai thác thực hiện theo điểm a khoản 1 Điều 23.

Lập hồ sơ khai thác thực hiện theo khoản 2 Điều 23.    

Ban quản lý rừng phòng hộ tổng hợp hồ sơ trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duyệt và cấp giấy phép khai thác.

Điều 33. Khai thác tận dụng khi chuyển đổi mục đích sử dụng:

Đối tượng như quy định tại khoản 1 Điều 16.

Thủ tục khai thác thực hiện theo các quy định tương ứng của Điều17

Chương 4

QUẢN LÝ SỬ DỤNG BÚA BÀI CÂY VÀ BÚA KIỂM LÂM

Điều 34. Búa bài cây:

1. Búa bài cây được chế tạo theo mẫu thống nhất do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Búa bài cây chỉ dùng trong thiết kế khai thác chính, thiết kế khai thác tận dụng, tận thu tương ứng với các đối tượng thuộc khoản 1, khoản 2 Điều 6; và các đối tượng thuộc Điều 16, Điều 19; các đối tượng thuộc khoản 1, khoản 3 Điều 29; điểm b (khai thác thương mại) khoản 2 Điều 30 và Điều 33. Đây là cơ sở để kiểm tra các cây khai thác có đúng là cây được phép chặt hay không, cũng như các lóng gỗ đúng là đã được phép tận thu.

3. Khi tiến hành thiết kế khai thác Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao búa bài cây cho các đơn vị thiết kế. Sau khi thiết kế xong phải thu hồi lại búa bài cây.

Đối với các đối tượng thuộc khoản 1, khoản 2 Điều 6 và các đối tượng thuộc Điều 16 mỗi cây bài chặt phải đóng 3 dấu búa bài cây (hai dấu đối diện ở tầm cao ngang ngực, một dấu ở gốc dưới tầm chặt, cách mặt đất 1/3 đường kính gốc chặt).

Sau khi hoàn thành việc chặt các cây có dấu búa bài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì có sự tham gia của Hạt kiểm lâm sở tại và chủ rừng, tiến hành kiểm tra, lập biên bản và đóng dấu búa bài cây bổ sung những cây bị đổ gẫy; gỗ cành, ngọn tận dụng có đường kính trên 25 cm, những khúc gỗ thân được cắt ra làm nhiều đoạn.

Tỷ lệ gỗ cây đổ gẫy và gỗ cành, ngọn tận dụng có đường kính trên 25 cm (phải đóng búa bài cây) không vượt quá 10% so với sản lượng cây đứng.

Điều 35. Búa kiểm lâm:

1. Việc quản lý, sử dụng búa kiểm lâm được thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Gỗ khai thác xong được kéo ra bãi giao quy định. Chủ rừng có trách nhiệm phân loại gỗ, xếp đống và lập lý lịch gỗ. Số lóng gỗ, khối lượng phải khớp với số cây bài chặt đã có dấu búa bài cây trong thiết kế và gỗ tận dụng được đóng dấu búa bổ sung quy định ở Điều 34. Sai số cho phép giữa khối lượng gỗ lớn theo thiết kế được duyệt và khối lượng gỗ khai thác không vượt quá 10% với điều kiện chặt đúng và đủ số cây bài chặt.

3. Tổ chức kiểm lâm sở tại có trách nhiệm đóng dấu búa kiểm lâm lên những lóng gỗ có dấu búa bài cây trong phạm vi 15 ngày kể từ ngày chủ rừng trình kiểm và lập văn bản xác nhận lý lịch gỗ cho chủ rừng theo quy định.

Nghiêm cấm đóng búa kiểm lâm lên những lóng gỗ không có dấu búa bài cây.

4. Trường hợp công nghệ khai thác là xẻ nhống tại rừng, chủ rừng phải tự chịu trách nhiệm về việc đánh dấu vào khúc gỗ xẻ nhống đúng là cây có dấu búa bài chặt, kèm theo lý lịch để làm căn cứ cho kiểm lâm đóng dấu búa kiểm lâm.

5. Những loại gỗ thuộc đối tượng phải đóng búa kiểm lâm theo những quy định trên, khi đã có dấu búa kiểm lâm kèm theo lý lịch gỗ và biên lai thu thuế tài nguyên, được coi là gỗ hợp pháp và được lưu thông.

Chương 5

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRÁCH NHIỆM CỦA ĐƠN VỊ KINH DOANH CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Mục 1. ĐỐI VỚI CHỦ RỪNG

Điều 36. Trong quá trình khai thác, chủ rừng có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát các hoạt động khai thác để kịp thời uốn nắn trong quá trình thực hiện, phải chỉ đạo khai thác đúng hồ sơ thiết kế khai thác được duyệt, chặt đúng cây bài, đúng quy trình quy phạm khai thác, đúng khối lượng, chủng loại gỗ, lâm sản, đúng thời hạn khai thác.

Điều 37. Hết thời hạn khai thác, chủ rừng phải tiến hành các công việc sau:

1. Cùng với đơn vị khai thác kiểm tra tại hiện trường, đối chiếu với hồ sơ thiết kế khai thác, hợp đồng khai thác hoặc văn bản giao nhiệm vụ khai thác để đánh giá kết quả thực hiện quy trình, quy phạm và lập biên bản để làm cơ sở thanh lý hợp đồng và lưu vào hồ sơ lý lịch rừng.

2. Báo cáo đơn vị quản lý cấp trên về khối lượng và tình hình thực hiện, có biên bản nghiệm thu kèm theo.

3. Lập hồ sơ lý lịch rừng của khu khai thác để theo dõi trong suốt luân kỳ nuôi dưỡng kế tiếp.

Mục 2.ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ KHAI THÁC

Điều 38. Việc khai thác gỗ rừng tự nhiên, khai thác tận dụng rừng tự nhiên phải do các tổ chức, đơn vị có đầy đủ lực lượng lao động, xe máy, thiết bị thực hiện, cụ thể:

Các lâm trường quốc doanh được thành lập theo Nghị định số 388/HĐBT ngày 20/11/1991.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp, các tổ chức khác.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy phép hành nghề khai thác cho các tổ chức, đơn vị có đủ điều kiện hành nghề khai thác.

Các đơn vị khai thác có quyền:

Tham gia đấu thầu bán cây đứng

Tham gia đấu thầu thuê khoán khai thác

Nhận khoán khai thác theo hợp đồng

Tự tổ chức khai thác.

Quy chế đấu thầu, thuê khoán hoặc tự tổ chức khai thác do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

Các đơn vị khai thác có trách nhiệm:

Chấp hành nghiêm chỉnh các quy trình, quy phạm về khai thác, các quy định trong thiết kế khai thác và thực hiện đầy đủ các khoản mục trong hợp đồng đã ký kết với chủ rừng.

Bảo đảm chặt đúng và hết số cây đã bài chặt, giảm tỷ lệ đổ gẫy, tận dụng gỗ tối đa.

Điều 39. Việc khai thác tre nứa; khai thác tỉa thưa rừng trồng; gỗ vườn và các lâm sản khác do chủ rừng tự lựa chọn đối tác khai thác.

Mục 3.ĐỐI VỚI CƠ QUAN QUẢN LÝ LÂM NGHIỆP CÁC CẤP

Điều 40. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ:

Hướng dẫn kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về khai thác rừng.

Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn mức khai thác gỗ lớn rừng tự nhiên cho kế hoạch hàng năm.

Giao chỉ tiêu hướng dẫn tạm thời về sản lượng khai thác gỗ rừng tự nhiên năm sau cho các tỉnh, thành phố.

Tiến hành thẩm định hồ sơ thiết kế khai thác và phương án sản xuất kinh doanh cho các tỉnh, thành phố.

Tổng hợp kế hoạch khai thác gỗ gửi Bộ kế hoạch và Đầu tư để giao kế hoạch chính thức cho các địa phương.

Ra quyết định cho phép các tỉnh mở rừng khai thác.

Kiểm tra việc quản lý khai thác rừng của các địa phương, đơn vị.

Điều 41. Uỷ ban nhân dân các cấp có nhiệm vụ, quyền hạn:

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm về quản lý Nhà nước đối với từng loại rừng trên địa bàn của địa phương. Chỉ đạo các cấp chính quyền huyện, xã thực hiện đầy đủ chức năng quản lý Nhà nước toàn diện trên địa bàn. Từng bước khắc phục và tiến tới chấm dứt tình trạng phá rừng bừa bãi.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, các Ban Ngành hữu quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về khai thác rừng.

Cụ thể là:

Cụ thể hoá và chỉ đạo thực hiện các văn bản pháp quy của nhà nước, của ngành có liên quan đến khai thác trên địa bàn tỉnh.

Giám sát, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét duyệt hồ sơ thiết kế khai thác cụ thể của các chủ rừng.

Phê duyệt tổng hợp thiết kế khai thác và ra quyết định cấp giấy phép khai thác (Sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định mở rừng khai thác).

Chỉ đạo các Sở, Ban ngành liên quan thực thi các quy định về quản lý khai thác rừng.

Chỉ đạo chính quyền cấp huyện, xã thực hiện đầy đủ chức năng quản lý Nhà nước về khai thác rừng trong địa bàn mình quản lý.

Điều 42. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ và quyền hạn:

Hướng dẫn kịp thời những văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân tỉnh trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về khai thác rừng.

Dựa vào chỉ tiêu kế hoạch hướng dẫn tạm thời của Bộ giao, giao chỉ tiêu hướng dẫn khai thác gỗ cho các chủ rừng theo phương án điều chế rừng trong phạm vi của địa phương mình.

Đôn đốc việc thiết kế khai thác, tiến hành thẩm định rừng và duyệt thiết kế khai thác cho các đơn vị thuộc tỉnh.

Tổng hợp hồ sơ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thực hiện việc cấp giấy phép khai thác gỗ và lâm sản theo thẩm quyền quy định cho chủ rừng tại quy chế này.

Hết thời hạn khai thác, thực hiện các thủ tục nghiệm thu khai thác và đóng cửa rừng. Công bố trước công luận những khu rừng mở cho khai thác và đóng cửa rừng.

Quản lý và hướng dẫn sử dụng búa bài cây.

Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện khai thác.

Điều 43. Tổ chức Kiểm lâm có nhiệm vụ, quyền hạn:

Kiểm tra và giám sát việc khai thác rừng của các chủ rừng, đơn vị khai thác rừng theo luật định.

Phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về khai thác lâm sản của các tổ chức và cá nhân trong việc khai thác rừng để kịp thời sử lý theo quy định hiện hành.

Thực hiện việc đóng dấu búa kiểm lâm theo đúng quy định để xác lập hồ sơ lý lịch gỗ, lâm sản làm cơ sở cho việc tính thuế tài nguyên (nếu là sản phẩm từ rừng tự nhiên) và lưu thông lâm sản.

Mục 4.CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ NỘI DUNG BÁO CÁO

Điều 44. Hệ thống báo cáo:

Để nắm được thông tin về khai thác hàng năm các đơn vị, các cấp phải báo cáo tình hình khai thác theo hệ thống sau:

Các chủ rừng thuộc tỉnh báo cáo lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng gửi cho huyện sở tại.

Các chủ rừng thuộc Công ty hoặc Tổng Công ty không trực thuộc tỉnh báo cáo lên Công ty, Tổng Công ty và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sở tại, đồng gửi cho huyện sở tại.

Các chủ rừng thuộc các ngành (Quân đội, Nội vụ, Giáo dục...) báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sở tại.

Việc khai thác của hộ gia đình do xã chịu trách nhiệm thống kê, báo cáo lên phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo lên Uỷ ban nhân dân huyện và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc báo cáo lên cấp Sở thực hiện vào 15 ngày cuối của năm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo lên Bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh vào 15 ngày đầu của năm sau.

Điều 45. Nội dung báo cáo gồm:

Diện tích khai thác theo các đối tượng và so với thiết kế

Khối lượng, chủng loại sản phẩm theo các đối tượng so với thiết kế.

Đánh giá tình hình thực hiện quy chế, quy trình, quy phạm.

Các vi phạm nếu có và hình thức sử lý đã áp dụng.

Các vấn đề khác (giá thành, giá bán, tình hình chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Chương 6

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 46. Quy chế này áp dụng cho mọi hình thức khai thác đối với rừng tự nhiên, rừng trồng, tận thu gỗ, khai thác lâm sản thuộc khu vực rừng sản xuất và rừng phòng hộ.

Tất cả mọi tổ chức, cá nhân tác động vào rừng để khai thác gỗ lâm sản đều phải chấp hành các quy định của quy chế này. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành./

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 02/1999/QĐ-BNN-PTLN

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu02/1999/QĐ-BNN-PTLN
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành05/01/1999
Ngày hiệu lực20/01/1999
Ngày công báo22/03/1999
Số công báoSố 11
Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 23/02/2004
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 02/1999/QĐ-BNN-PTLN

Lược đồ Quyết định 02/1999/QĐ-BNN-PTLN quy chế khai thác gỗ, lâm sản


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản sửa đổi, bổ sung

      Văn bản bị đính chính

        Văn bản được hướng dẫn

          Văn bản đính chính

            Văn bản bị thay thế

              Văn bản hiện thời

              Quyết định 02/1999/QĐ-BNN-PTLN quy chế khai thác gỗ, lâm sản
              Loại văn bảnQuyết định
              Số hiệu02/1999/QĐ-BNN-PTLN
              Cơ quan ban hànhBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
              Người kýNguyễn Văn Đẳng
              Ngày ban hành05/01/1999
              Ngày hiệu lực20/01/1999
              Ngày công báo22/03/1999
              Số công báoSố 11
              Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
              Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 23/02/2004
              Cập nhật7 năm trước

              Văn bản được dẫn chiếu

                Văn bản hướng dẫn

                  Văn bản được hợp nhất

                    Văn bản gốc Quyết định 02/1999/QĐ-BNN-PTLN quy chế khai thác gỗ, lâm sản

                    Lịch sử hiệu lực Quyết định 02/1999/QĐ-BNN-PTLN quy chế khai thác gỗ, lâm sản