Nội dung toàn văn Quyết định 02/2005/QĐ-UB thực hiện biện pháp giảm bụi trong xây dựng địa bàn Hà Nội
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2005/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP LÀM GIẢM BỤI TRONG LĨNH VỰC XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy Ban nhân dân;
Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 2/7/2002; Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19.02.2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ; Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26.5.2004 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà;
Căn cứ Thông tư số 04/1999/TT-BXD ngày 15.7.1999 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03.3.1999 của Chính phủ về mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện;
Căn cứ Quyết định số 25/2002/QĐ-UB ngày 27/2/2002 của UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quy định về đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng;
Để tăng cường quản lý và làm giảm bụi bẩn trên địa bàn Thành phố một cách có hiệu quả;
Xét đề nghị Giám đốc Sở Giao thông công chính Hà Nội tại tờ trình số 07 ngày 5 tháng 1 năm 2005.
QUYẾT ĐỊNH
Điều I: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thực hiện các biện pháp làm giảm bụi trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà nội.
Điều II: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều III: Chánh Văn phòng Ủy Ban nhân dân Thành phố, Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện, Phường, Xã, Thị trấn và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP LÀM GIẢM BỤI TRONG LĨNH VỰC XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2/2005/QĐ-UB ngày 10 tháng 1năm 2005 của UBND Thành phố)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
Quy định này quy định việc thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm bụi trên địa bàn Thành phố Hà nội, áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực: vận chuyển vật liệu rời (Đất, cát, đá, sỏi, vôi, xi măng rời), phế thải xây dựng; thi công các công trình xây dựng; khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng.
Điều 2: Nguyên tắc áp dụng pháp luật
1. Tổ chức, cá nhân có các hoạt động nói tại điều 1 Quy định này phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời phải thực hiện theo các quy định của Quy định này.
2. Đối với hành vi vi phạm được quy định trong nhiều văn bản khác nhau thì việc xử lý được thực hiện theo các quy định có mức xử phạt cao nhất.
Chương II
BIỆN PHÁP ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN VẬT LIỆU RỜI, PHẾ THẢI XÂY DỰNG
Điều 3: Điều kiện đối với phương tiện vận chuyển
1. Kể từ ngày 01 tháng 03 năm 2005, các phương tiện vận tải cơ giới (trừ các xe chuyên dụng) vận chuyển vật liệu rời, phế thải xây dựng chỉ được phép lưu hành trên địa bàn Thành phố Hà nội khi đảm bảo các tiêu chí sau:
a) Thùng xe đảm bảo kín khít.
b) Cửa sau thùng xe với thân thùng phải kín, đảm bảo không chảy vật liệu khô và ướt (cát ướt, vôi, bê tông v.v...).
c) Thùng xe phải có nắp đậy kín khít.
2. Các phương tiện không đảm bảo tiêu chí trên phải tiến hành cải tạo làm kín thùng xe, việc cải tạo thực hiện theo các mẫu do giám đốc Sở Giao thông công chính Hà nội phê duyệt tại Quyết định số 920/GTCC-VTCN ngày 28 tháng 10 năm 2004 và phải tuân thủ quy định về cải tạo phương tiện cơ giới đường bộ tại Quyết định số 1362/2000/QĐ-BGTVT ngày 29.5.2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Điều 4: Trách nhiệm của chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện
Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện vận tải liên đới chịu trách nhiệm:
1. Trước khi ra khỏi công trình xây dựng hoặc các điểm khai thác và kinh doanh vật liệu xây dựng hay các nơi tập kết, chuyên chở phải thực hiện các biện pháp rửa sạch bên ngoài, lốp xe, gầm xe, đảm bảo không gây bụi bẩn ra đường phố.
2. Vật liệu rời, chất thải xây dựng không được xếp, đổ cao quá thành thùng xe.
3. Đảm bảo vật liệu rời, chất thải chuyên chở không rơi vãi ra đường phố.
Điều 5: Biện pháp xử lý vi phạm
1. Các hành vi vi phạm điều 3 quy định này đều bị coi là vi phạm quy định về hoạt động vận tải trong đô thị theo điều 32 Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19.02.2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện sẽ bị xử lý theo hình thức phạt tiền 100.000 đồng.
2. Các hành vi vi phạm điều 4 quy định này gây bụi bẩn đường phố sẽ bị xử lý theo điều 32 Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26.5.2004 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà :
a) Phạt tiền 200.000 đồng;
b) Buộc khắc phục ngay hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, bao gồm cả việc phải trả cho việc thuê nhân công, thuê xe chuyên dụng hút bụi hoặc rửa các tuyến đường, phố mà phương tiện vi phạm đã gây ra.
3. Các hành vi vi phạm điều 3, điều 4 quy định này, ngoài việc bị xử phạt theo khoản 1, khoản 2 điều này, còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung:
a) Vi phạm lần đầu: Tạm giữ phương tiện 15 ngày.
b) Trường hợp tái phạm: Tạm giữ phương tiện đến 30 ngày.
Điều 6 : Ngăn chặn tiếp tục vi phạm
Đối với các phương tiện vi phạm điều 3, điều 4 quy định này, nếu không bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tạm giữ phương tiện thì chỉ được phép quay về nơi xuất phát hoặc theo sự chỉ dẫn của người đã ra quyết định xử phạt. Trường hợp vẫn tiếp tục vận chuyển sẽ bị coi là tái phạm.
Chương III
BIỆN PHÁP ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THI CÔNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG, KINH DOANH, KHAI THÁC VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Điều 7: Trách nhiệm của chủ công trình
1. Chủ công trình, trong trường hợp công trình xây dựng của cá nhân, hoặc chủ đầu tư xây dựng công trình, trong trường hợp công trình xây dựng của tổ chức, có trách nhiệm ký hợp đồng với đơn vị thi công xác định rõ trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ vệ sinh, môi trường trong quá trình thi công.
Trường hợp bên thi công nhận hoàn toàn trách nhiệm thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường thì trong hợp đồng phải có điều khoản ràng buộc trách nhiệm của bên thi công khi phát sinh các sự việc vi phạm quy định đảm bảo vệ sinh môi trường.
2. Trường hợp chủ công trình hoặc chủ đầu tư xây dựng công trình không thực hiện theo các quy định tại khoản 1 điều này và trong quá trình thi công để xẩy ra các vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ vệ sinh môi trường đô thị thì chủ công trình hoặc chủ đầu tư xây dựng công trình sẽ bị coi là khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công, theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 9 Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26.5.2004 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà và bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.
Điều 8: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thi công các công trình xây dựng
1. Tổ chức, cá nhân thi công công trình xây dựng phải đúng theo Quy định về đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình tại Thành phố Hà Nội (ban hành kèm theo Quyết định số 25/2002/QĐ-UB ngày 27/2/2002 của UBND Thành phố Hà Nội).
2.Trường hợp tổ chức, cá nhân thi công công trình xây dựng không có phương tiện che, chắn an toàn: không có hàng rào bảo vệ an toàn sẽ bị xử lý theo điều 16 Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26.5.2004 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà :
a) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng;
b) Buộc thực hiện đúng các quy định về an toàn xây dựng.
3. Trường hợp tổ chức, cá nhân thi công công trình xây dựng không tổ chức rửa sạch các phương tiện cơ giới, máy thi công thuộc sự quản lý, điều hành của mình khi ra khỏi công trường, để các phương tiện này gây bẩn ra đường phố thì sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 2 điều 5 Quy định này.
4. Trường hợp tổ chức, cá nhân thi công công trình xây dựng để vật liệu đất đá, phương tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông, bụi bẩn đường phố thì sẽ bị xử lý theo điểm d khoản 1 điều 17 Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19.02.2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;
b) Buộc khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả nguyên trạng phần đường, hè đã chiếm dụng trái phép.
Điều 9: Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khai thác và kinh doanh vật liệu xây dựng:
1. Hoạt động khai thác, kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựng phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật và phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Các điểm buôn bán, bến bãi tập kết vật liệu rời (Đất, cát, đá, sỏi, vôi, xi măng rời) phải phù hợp với quy hoạch được duyệt;
b) Phải có đủ diện tích phù hợp với công suất, đủ chỗ bốc xếp và quay xe. Có mặt bằng vệ sinh xe khi ra khỏi bãi;
c) Xung quanh khu vực để khai thác, buôn bán vật liệu phải làm hàng rào ngăn cách với bên ngoài. Hàng rào phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Chiều cao hàng rào tối thiểu là 2m;
- Có kết cấu chắc chắn; đảm bảo ngăn bụi; đảm bảo mỹ quan đô thị;
d) Thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo phương tiện vận chuyển khi ra vào điểm khai thác và buôn bán vật liệu được thực hiện theo đúng điều 3, điều 4 của quy định này.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh, khai thác vật liệu xây dựng không có chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động, vi phạm các quy định nói tại điểm a khoản 1 điều này bị xử lý theo khoản 2, khoản 3 điều 1 Nghị định số 01/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ Sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 01/CP ngày 03 tháng 04 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với hành vi kinh doanh không đăng ký hoặc không có giấy phép hoạt động trong trường hợp đối tượng vi phạm là doanh nghiệp;
b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với hành vi kinh doanh không đăng ký hoặc không có giấy phép hoạt động trong trường hợp đối tượng vi phạm là hộ kinh doanh cá thể;
c) Buộc hoàn trả mặt bằng sử dụng trái phép và khắc phục ngay hậu quả bụi bẩn gây ô nhiễm môi trường.
3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh, khai thác vật liệu xây dựng vi phạm các quy định nói tại điểm c khoản 1 điều này gây bụi bẩn sẽ bị xử lý theo khoản 5, khoản 6 điều 9 Nghị định số 26/CP ngày 26 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp vi phạm lần đầu;
b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp tái phạm.
4. Tổ chức, cá nhân kinh doanh, khai thác vật liệu xây dựng vi phạm các quy định nói tại điểm d khoản 1 điều này sẽ bị xử lý như đối với các vi phạm nói tại khoản 1 điều 4 Quy định này.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10: Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp
1. Chủ tịch UBND Phường, Xã, Thị trấn chịu trách nhiệm:
a) Tổ chức thực hiện quản lý trật tự đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn theo thẩm quyền; tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định và vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện.
b) Chỉ đạo các lực lượng thuộc UBND Phường, Xã, Thị trấn thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời những vi phạm, lập biên bản đình chỉ thi công, lập hồ sơ vi phạm, trình cơ quan có thẩm quyền xử lý.
c) Xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm nói tại Quy định này trong phạm vi thẩm quyền và địa bàn quản lý.
2. Chủ tịch UBND Quận, Huyện chịu trách nhiệm :
a) Tổ chức thực hiện quản lý trật tự đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn theo thẩm quyền; tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định và vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện.
b) Chỉ đạo đội Thanh tra Xây dựng Đô thị thực hiện quản lý theo chức năng nhiệm vụ được giao.
c) Xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm nói tại Quy định này trong phạm vi thẩm quyền và địa bàn quản lý.
Điều 11: Trách nhiệm của các Sở, Ngành thuộc Thành phố
1. Sở Giao thông Công chính có trách nhiệm :
a) Quản lý hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố. Tổ chức lực lượng kịp thời quản lý, thu dọn các điểm phế thải, rác thải phát sinh trên đường phố, không để tồn đọng gây ô nhiễm.
b) Chỉ đạo Thanh tra Giao thông Công chính thực hiện thanh tra, kiểm tra xử lý đối với các hành vi vi phạm nói tại điều 3, điều 4, khoản 3 điều 8, khoản 4 điều 8 Quy định này; phối hợp với lực lượng Thanh tra Xây dựng, Công an, Quản lý thị trường, Chính quyền địa phương trong việc kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm nói tại điều 9 Quy định này.
c) Chủ trì cùng với các Sở, Ngành, Chính quyền địa phương kiểm tra việc thực hiện quy định này, kiểm tra đối với các công trình xây dựng, các điểm khai thác buôn bán vật liệu, các phương tiện vận chuyển vật liệu rời, phế thải.
2. Công an Thành phố có trách nhiệm :
Chỉ đạo các lực lượng Công an trên địa bàn toàn Thành phố phối hợp với Thanh tra Giao thông Công chính, Thanh tra Xây dựng, Quản lý thị trường, Chính quyền địa phương kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm nói tại điều 5, khoản 2 điều 7, điều 8, điều 9 Quy định này.
3. Sở Xây dựng có trách nhiệm :
a) Chủ trì xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới kinh doanh mặt hàng vật liệu xây dựng.
b) Chỉ cấp giấy phép xây dựng cho các công trình khi có cam kết đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường theo đúng quy định tại Quyết định số 25/2002/QĐ-UB ngày 27/2/2002 của UBND Thành phố Hà Nội .
c) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Xây dựng kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm nói tại điều 7, khoản 2 điều 8 Quy định này; phối hợp với lực lượng Thanh tra Giao thông Công chính, Công an trong việc kiểm tra xử lý các vi phạm nói tại khoản 3, khoản 4 điều 8 Quy định này.
4. Sở Tài nguyên Môi trường & Nhà đất có trách nhiệm :
a) Chủ trì phối hợp với các Ngành để quy hoạch, cấp phép cho các hoạt động khai thác vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi).
b) Tham gia liên ngành xử lý vi phạm về gây ô nhiễm bụi của các hoạt động xây dựng và khai thác, kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựng.
c) Đánh giá định kỳ mức độ ô nhiễm bụi trên địa bàn Thành phố.
5. Sở Thương mại:
Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra xử lý các vi phạm nói tại khoản 2 điều 9 Quy định này; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra xử lý các viphạm nói tại khoản 3, khoản 4 điều 9 Quy định này.
6. Cơ quan đăng ký kinh doanh:
Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch đầu tư Thành phố, Uỷ ban nhân dân Quận, Huyện khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể kinh doanh vật liệu xây dựng rời (cát, đá, sỏi, vôi, xi măng rời) phải căn cứ theo quy hoạch mạng lưới kinh doanh vật liệu xây dựng của Thành phố.
7. Sở Văn hoá thông tin có trách nhiệm :
Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để mọi tổ chức và cá nhân thực hiện quy định này.
Điều 12: Điều khoản thi hành
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện, Phường, Xã, Thị trấn; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan của Thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan đến nội dung của Quy định này, Sở Giao thông Công chính có trách nhiệm phối hợp với các Ngành, các Cấp đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung , thay thế trình Uỷ ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.