Quyết định 02/2007/QĐ-UBND cơ cấu nguồn vốn đầu tư công trình giao đã được thay thế bởi Quyết định 737/QĐ-UBND năm 2011 danh mục văn bản đã rà soát tỉnh Đắk Lắk và được áp dụng kể từ ngày 23/03/2011.
Nội dung toàn văn Quyết định 02/2007/QĐ-UBND cơ cấu nguồn vốn đầu tư công trình giao
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2007/QĐ-UBND | Buôn Ma Thuột, ngày 17 tháng 01 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CƠ CẤU NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, GIAI ĐOẠN 2007 - 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 50/2006/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2006 của HĐND tỉnh về cơ cấu nguồn vốn đầu tư đường giao thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2007- 2010;
Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 14/TTr-KHĐT ngày 15/01/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định cơ cấu nguồn vốn đầu tư công trình giao thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2007 - 2010.
Điều 2.
Quy định trên áp dụng cho công trình khởi công mới từ năm 2007. Các công trình khởi công mới từ năm 2006 trở về trước thực hiện theo dự án đã được phê duyệt.
Quy định trên không áp dụng cho các dự án thuộc nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, các mục tiêu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình 135, ODA, nguồn vốn không thuộc ngân sách nhà nước.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ban ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
CƠ CẤU NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, GIAI ĐOẠN 2007 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2007/QĐ-UBND ngày 17/01/2007 của UBND tỉnh)
I. QUY ĐỊNH CHUNG:
Phân loại đường theo Điều 5 Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ, quy định về quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
1. Hệ thống đường tỉnh là các đường trục trong địa bàn 1 tỉnh hoặc 2 tỉnh gồm đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc với trung tâm hành chính của tỉnh lân cận; đường nối quốc lộ với trung tâm hành chính của huyện.
2. Hệ thống đường huyện là các đường nối từ trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường nối đường tỉnh với trung tâm hành chính của xã hoặc trung tâm cụm xã.
3. Hệ thống đường xã là các đường nối trung tâm hành chính của xã với các thôn, xóm hoặc đường nối giữa các xã.
4. Hệ thống đường đô thị là các đường nằm trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị.
II. QUY ĐỊNH CƠ CẤU NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ:
1. Hệ thống đường tỉnh: Ngân sách tỉnh đầu tư (kể cả phần chi phí đền bù, giải tỏa).
2. Hệ thống đường huyện: Ngân sách tỉnh đầu tư. Riêng phần chi phí đền bù, giải tỏa do ngân sách cấp huyện, cấp xã và huy động nhân dân đóng góp.
3. Hệ thống đường đô thị: Ngân sách tỉnh đầu tư 70% chi phí xây dựng và chi phí khác. Phần còn lại (30%) và chi phí đền bù, giải tỏa do ngân sách cấp huyện, cấp xã và huy động nhân dân đóng góp.
Mức huy động nhân dân đóng góp do Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định.
4. Hệ thống đường xã:
- Xã vùng 3: Ngân sách tỉnh đầu tư. Riêng phần chi phí đền bù, giải tỏa thuộc ngân sách cấp huyện, cấp xã và huy động nhân dân đóng góp.
- Xã vùng 2: Ngân sách tỉnh đầu tư 80% chi phí xây dựng và chi phí khác. Phần còn lại (20%) và chi phí đền bù, giải tỏa thuộc ngân sách cấp huyện, cấp xã và huy động nhân dân đóng góp.
- Xã vùng 1: Ngân sách tỉnh đầu tư 60% chi phí xây dựng và chi phí khác. Phần còn lại (40%) và chi phí đền bù, giải tỏa thuộc ngân sách cấp huyện, cấp xã và huy động nhân dân đóng góp.
Mức huy động nhân dân đóng góp do Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định.