Nội dung toàn văn Quyết định 02-CP điều trị các thương tật phục hồi chức năng lao động chiến sĩ, cán bộ nhân dân
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 02-CP | Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 1970 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC ĐIỀU TRỊ CÁC THƯƠNG TẬT VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG LAO ĐỘNG CỦA CHIẾN SĨ, CÁN BỘ VÀ NHÂN DÂN
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Trong những năm chiến tranh phá hoại do giặc Mỹ gây ra ở miền Bắc nước ta, công tác cấp cứu phòng không nhân dân đã được tổ chức và thực hiện tốt nên đã hạn chế được nhiều tổn thất. Phần lớn những người bị thương tích vì bom đạn đã được cấp cứu và điều trị có kết quả. Tuy nhiên trong điều kiện chiến đấu ác liệt, việc cứu chữa không thể làm triệt để ngay được. Nhiều trường hợp được cứu sống vẫn còn mang thương tật; những thương tật đó đã ảnh hưởng đến khả năng lao động, đến sức khỏe của người bị thương.
Thường vụ của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 29-10-1969 quyết định:
1. Sau khi chiến tranh chấm dứt, việc điều trị các thương tật và phục hồi chức năng lao động của chiến sĩ, cán bộ và nhân dân là một vấn đề có ý nghĩa lớn về chính trị, kinh tế và xã hội.
Nhiệm vụ của các cấp chính quyền là phải phấn đấu để đưa những người bị thương tật sớm trở lại đời sống lao động sản xuất, công tác và sinh hoạt bình thường, làm cho họ có thể tiếp tục góp phần vào công cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Để làm tốt nhiệm vụ đó, phải biết dựa vào sức dân kết hợp với khả năng của nhà nước, phải dựa vào khả năng của ta là chính kết hợp với việc sử dụng hợp lý viện trợ về cán bộ, trang bị và kỹ thuật của các nước anh em.
Phải tiến hành điều tra nắm vững tình hình thương tật và có kế hoạch giải quyết từng bước vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng các địa phương có nhiều người bị thương tật, chú trọng những chiến sĩ, công nhân, cán bộ đã vì nhiệm vụ mà mang thương tật, những người cần điều trị sớm nếu để lâu không chữa được hoặc chữa kém kết quả; những người còn khả năng lao động, thanh thiếu niên và nhi đồng.
Phải phân công hợp lý giữa các tuyến điều trị từ xã lên tới trung ương; điều trị từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, kết hợp chặt chẽ đông y và tây y. Phải phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp.
2. Một số việc cụ thể cần làm:
a) Phải phát triển thêm một số giường bệnh ở các bệnh viện tỉnh, thành phố và ở một số bệnh viện huyện nếu cần. Trước hết là những tỉnh, thành có nhiều người bị thương tật như Quảng-bình, Nghệ-an; Hà-tĩnh. Phải có một số giường điều dưỡng làm hậu thuẫn cho các giường điều trị.
b) Bộ Y tế được phép xây dựng:
- Một viện nghiên cứu và điều trị các thương tật và phục hồi chức năng lao động với 100 giường điều trị và 200 giường điều dưỡng; những năm sau sẽ phát triển thêm số giường điều trị và điều dưỡng tùy theo yêu cầu. Trong khi chờ đợi xây dựng viện nghiên cứu và điều trị nói trên, cần sử dụng cơ sở có của bệnh viện hữu nghị Việt-Đức;
- Một xí nghiệp sản xuất mắt giả, răng giả, lắp kính và sửa chữa máy điếc;
- Một cơ sở truyền máu và dự trữ các bộ phận thay thế cơ quan hay bộ phận con người để dùng trong công tác phẫu thuật tạo hình và ghép cơ quan;
- Yêu cầu các nước anh em thiết bị toàn bộ các cơ sở nói trên;
- Mời một số chuyên gia điều trị các thương tật và phục hồi chức năng lao động của các nước anh em và cử một số cán bộ ra ngoài học tập về tổ chức cũng như về chuyên môn kỹ thuật.
c) Bộ Y tế, Bộ Nội thương, Bộ Tài chính cần nghiên cứu tiêu chuẩn tiền ăn và cung cấp thực phẩm cho bệnh nhân nói chung và bệnh nhân bị thương tật.
d) Bộ Nội vụ cần tăng cường sản xuất các chân giả, tay giả, nai nịt, nẹp và phương tiện khác cần thiết cho người bị thương tật đồng thời tổ chức việc lắp ráp được nhanh chóng hơn.
e) Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Vật tư, Bộ Kiến trúc, Bộ Lao động, Bộ Tài chính cùng các ngành khác có liên quan và Ủy ban hành chính các địa phương cần ưu tiên dành nhân lực, nguyên vật liệu và kinh phí cho việc xây dựng các cơ sở nói trên.
| T.M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |