Quyết định 03/2010/QĐ-UBND

Quyết định 03/2010/QĐ-UBND ban hành Quy chế thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2008 - 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 03/2010/QĐ-UBND Quy chế thực hiện hỗ trợ hộ nghèo nhà ở


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 03/2010/QĐ-UBND

Gia Nghĩa, ngày 27 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ THỰC HIỆN HỖ TRỢ HỘ NGHÈO VỀ NHÀ Ở THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 167/2008/QĐ-TTG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG GIAI ĐOẠN 2008 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 08/2009/TTLT-BTC-BKHĐT-BNNPTNT-NHNN ngày 19/5/2009 của Liên Bộ, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1145/TTr-LĐTBXH ngày 08 tháng 12 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2008 - 2010.

Điều 2. Đối tượng, phạm vi áp dụng, mức hỗ trợ, quy trình và tổ chức thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở được thực hiện theo quy chế ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, dột nát của tỉnh và Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Y Thịnh

 

QUY CHẾ

THỰC HIỆN HỖ TRỢ HỘ NGHÈO VỀ NHÀ Ở THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 167/2008/QĐ-TTG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG GIAI ĐOẠN 2008 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2010/QĐ-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2010 của UBND tỉnh Đăk Nông )

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Chính sách thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình theo phương châm “Hộ gia đình tự làm, nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ”.

2. Việc bình xét hộ nghèo để hỗ trợ về nhà ở phải từ cơ sở thôn, buôn, tổ dân phố (sau đây gọi chung là thôn), đảm bảo công khai, công bằng và minh bạch đến từng hộ gia đình trên cơ sở pháp luật và chính sách của nhà nước; phù hợp với phong tục tập quán, bảo tồn bản sắc văn hóa của từng dân tộc; phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

3. Mức hỗ trợ nhà ở thực hiện theo quy định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Tùy theo khả năng của từng địa phương, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã (sau đây gọi chung là huyện) có thể quyết định mức hỗ trợ cao hơn. Để đảm bảo kinh phí thực hiện xóa nhà tạm, dột nát cần huy động các nguồn lực hỗ trợ, bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn hỗ trợ từ cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh.

4. Việc hỗ trợ nhà ở cho người nghèo phải phù hợp với quy hoạch dân cư của địa phương. Trường hợp các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ nhà ở nhưng không có đất hoặc có đất nhưng nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng, khu có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét và các khu vực cấm khác theo quy định của pháp luật thì cần tập trung giải quyết đất ở để hỗ trợ nhà ở.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1. Đối tượng hỗ trợ:

1.1. Đối tượng được hỗ trợ nhà ở phải có đủ ba điều kiện sau:

a) Là hộ nghèo (theo chuẩn nghèo quy định hiện hành), có tên trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã quản lý và đang cư trú tại địa phương;

b) Hộ chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở;

c) Hộ không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại các chính sách sau:

- Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn;

- Quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở;

- Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 03/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước cách mạng tháng Tám năm 1945 cải thiện nhà ở;

- Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 27/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở và Điều 3 Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 03/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước cách mạng tháng Tám năm 1945 cải thiện nhà ở;

- Quyết định số 78/2008/QĐ-TTg ngày 10/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ và theo một số chính sách hỗ trợ nhà ở khác.

1.2. Đối với những hộ nghèo đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo quy định của các chính sách trên nhưng nhà ở đã bị sập đổ do thiên tai gây ra mà không có khả năng tự sửa chữa, xây dựng lại, được UBND cấp xã xác nhận thì đưa vào diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định của Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg.

1.3. Đối với các hộ nghèo, có khó khăn về nhà ở đã vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các tổ chức tín dụng khác để tự làm nhà ở trước khi Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành, đến nay vẫn chưa trả hết nợ, nếu có tên trong danh sách hỗ trợ nhà ở theo Đề án phê duyệt thì được vay theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa không quá 08 triệu đồng/hộ.

1.4. Đối với hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã có trong danh sách được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg nhưng đến thời điểm Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành vẫn chưa được hỗ trợ nhà ở thì được hưởng chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quy định của Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg Nguồn vốn hỗ trợ cho các đối tượng này được sử dụng từ nguồn vốn thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg.

1.5. Xếp loại ưu tiên hỗ trợ:

a) Hộ gia đình có công với cách mạng (hộ gia đình đang hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng);

b) Hộ gia đình không có lao động chính (hộ gia đình có người trong độ tuổi lao động nhưng không có khả năng lao động);

c) Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số (hộ gia đình có chồng hoặc vợ là dân tộc thiểu số thì cũng được tính là hộ gia đình dân tộc thiểu số);

d) Hộ gia đình trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai (hộ gia đình sống ở các vùng sạt lở bờ sông, sạt lở đất; vùng dễ xảy ra lũ quét);

đ) Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật…);

e) Hộ gia đình đang sống trong vùng đặc biệt khó khăn (các hộ gia đình sống tại vùng khó khăn được quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ);

g) Các hộ gia đình còn lại.

1.6. Đối với các hộ gia đình có cùng mức độ ưu tiên thì việc hỗ trợ được thực hiện trước theo thứ tự sau:

a) Hộ gia đình chưa có nhà (là hộ gia đình chưa có nhà riêng, hiện đang phải ở cùng bố mẹ, ở nhờ nhà người khác, thuê nhà ở - trừ trường hợp được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước);

b) Hộ gia đình có đông nhân khẩu và có nhà ở hư hỏng, dột nát (làm bằng các loại vật liệu rẻ tiền, chất lượng thấp…) có nguy cơ sập đổ, không an toàn sử dụng;

c) Hộ gia đình có nhà hư hỏng, dột nát (làm bằng các loại vật liệu rẻ tiền, chất lượng thấp…) có nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng.

2. Tiêu chí:

2.1. Nhà tạm, dột nát:

Nhà tạm, dột nát được xác định bằng cảm quan bao gồm các yếu tố cơ bản sau:

a) Mái nhà: Lợp tranh, tre, nứa lá hoặc tôn, ngói cũ dột nát;

b) Khung nhà: Bằng tre, nứa, gỗ tạm đã xiêu vẹo hoặc mối mọt;

c) Vách tường: Bằng tranh, tre, nứa hoặc gỗ tạm;

d) Nền: Bằng đất hoặc đã tráng xi măng.

2.2. Nhà làm mới:

Tuỳ theo điều kiện kinh tế - xã hội ở các địa phương nhưng nhà làm mới phải đảm bảo phù hợp với phong tục, tập quán; chất lượng tối thiểu đảm bảo 03 cứng: nền cứng, khung cứng, mái cứng và đảm bảo các tiêu chí sau:

a) Diện tích sử dụng phải đảm bảo tối thiểu 24m2, tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên;

b) Loại nhà: Nhà cấp 4;

c) Tường nhà: Xây gạch;

d) Mái nhà: Lợp tôn hoặc ngói;

đ) Nền: Tráng xi măng hoặc gạch hoa (nếu có).

3. Các bước thực hiện:

3.1. Quy trình thực hiện:

a) Ban tự quản thôn: Thống kê, rà soát, tổng hợp; họp dân bình xét thông qua danh sách các hộ gia đình nghèo có nhà ở tạm bợ dột nát, cuộc họp phải có tối thiểu 60% số hộ gia đình trong thôn và có sự tham gia của đại diện chính quyền cấp xã; gửi UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) xem xét, phê duyệt (kèm theo biên bản họp bình xét ở thôn và đơn đề nghị hỗ trợ nhà ở của hộ gia đình).

b) UBND cấp xã: Kiểm tra, thẩm định danh sách các hộ gia đình nghèo có nhà ở tạm bợ dột nát của các thôn; tổng hợp gửi UBND huyện.

c) UBND cấp huyện: Kiểm tra, thẩm định lại và tổng hợp danh sách các hộ gia đình nghèo có nhà ở tạm bợ dột nát của UBND xã; gửi Ban chỉ đạo (cơ quan thường trực Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), chịu trách nhiệm về tính chính xác và giải quyết mọi thắc mắc, khiếu kiện của nhân dân (nếu có).

d) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tổng hợp danh sách các hộ gia đình nghèo có nhà ở tạm, dột nát của UBND huyện, lập Đề án trình Ban chỉ đạo và UBND tỉnh phê duyệt.

đ) Sở Tài chính: Trên cơ sở danh sách được Ban chỉ đạo và UBND tỉnh phê duyệt, cân đối nguồn kinh phí phân bổ hỗ trợ cho các huyện.

3.2. Tổ chức xây dựng nhà:

a) Hộ gia đình trong danh sách hộ nghèo được phê duyệt hỗ trợ nhà ở phải có đơn đăng ký hỗ trợ nhà ở (theo mẫu tại Phụ lục số 01 đính kèm), đề xuất lựa chọn mẫu nhà, phương thức xây dựng nhà (tự làm hay nhờ tổ chức, đoàn thể giúp xây dựng);

b) UBND xã, Ban chỉ đạo cấp xã, đại diện các tổ chức đoàn thể của xã và trưởng thôn vận động cộng đồng tại địa phương cùng giúp đỡ các hộ gia đình xây dựng nhà ở; tận dụng cao nhất khả năng huy động nguồn lực từ cộng đồng và hộ gia đình về nhân công, khai thác vật liệu tại chỗ như cát, đá, sỏi, gỗ… ở trong vùng được cho phép khai thác, để giảm giá thành xây dựng;

c) Các hộ gia đình sau khi nhận được tạm ứng kinh phí hỗ trợ và vốn vay làm nhà ở theo quy định phải tự xây dựng hoặc phối hợp xây dựng nhà ở, đảm bảo hoàn thành nhà ở chậm nhất sau thời gian 03 tháng;

d) Các hộ gia đình phải có biện pháp quản lý trong quá trình xây dựng nhà ở; báo cáo chính quyền địa phương khi hoàn thành các phần việc chính của quá trình xây dựng nhà ở như móng, thân, mái để tiện cho công tác giám sát; nghiệm thu, ứng vốn và thanh toán kịp thời;

đ) Khi hoàn thành xây dựng nhà ở theo từng giai đoạn (phần móng, thân và phần mái, hoàn thiện) và hoàn thành toàn bộ phần xây dựng nhà ở phải có Biên bản xác nhận xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng (theo Phụ lục số 02 đính kèm);

e) UBND cấp xã chỉ đạo, giám sát để các hộ gia đình sử dụng tiền hỗ trợ, tiền vay làm nhà ở đúng mục đích, đảm bảo căn nhà phải được xây dựng hoàn chỉnh đưa vào sử dụng.

4. Kinh phí thực hiện:

a) Mức hỗ trợ:

- Đối với hộ gia đình chính sách có công với cách mạng, hộ nghèo không có lao động chính được hỗ trợ khoảng 19 triệu đồng, trong đó:

+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ 06 triệu đồng/hộ (Đối với các hộ dân đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ thì ngân sách Trung ương hỗ trợ 07 triệu đồng/hộ).

+ Vốn huy động cộng đồng và ngân sách địa phương 13 triệu đồng (Ngân sách tỉnh và các nguồn huy động 11 triệu đồng/hộ, ngân sách huyện và các nguồn huy động 02 triệu đồng/hộ).

- Đối với các hộ khác được ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 12 triệu đồng/hộ, trong đó:

+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ 06 triệu đồng/hộ (Đối với các hộ dân đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ thì ngân sách Trung ương hỗ trợ 07 triệu đồng/hộ).

+ Kinh phí huy động cộng đồng và ngân sách địa phương 06 triệu đồng (Ngân sách tỉnh và các nguồn huy động 04 triệu đồng/hộ, ngân sách huyện và các nguồn huy động 02 triệu đồng/hộ).

+ Hộ gia đình đóng góp mức tối đa 08 triệu đồng (bằng vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội).

Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ, nguồn vốn vay, các hộ gia đình có thể huy động sự đóng góp, giúp đỡ của anh em dòng họ, cộng đồng nơi cư trú để làm nhà đảm bảo chất lượng hơn.

b) Lập dự toán và phân bổ kinh phí:

- Căn cứ Quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của UBND tỉnh, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện và các cơ quan có liên quan xây dựng dự toán ngân sách thực hiện của địa phương; trong đó, xác định rõ nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn của địa phương (tỉnh, huyện) và các nguồn huy động khác. Dự toán kinh phí được phân kỳ thực hiện theo kế hoạch, đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tế, báo cáo UBND tỉnh.

- UBND tỉnh xem xét, phê duyệt kế hoạch vốn và nguồn vốn thực hiện của địa phương và gửi kế hoạch vốn, dự toán kinh phí thực hiện về Trung ương để phê duyệt kế hoạch và bố trí vốn hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương trong kế hoạch và dự toán ngân sách hàng năm.

- Trên cơ sở dự toán bổ sung có mục tiêu được Trung ương giao, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác để thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, Ban chỉ đạo hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tỉnh phối hợp với Sở Tài chính lập phương án phân bổ dự toán ngân sách, chi tiết theo từng huyện, báo cáo UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua trong dự toán ngân sách địa phương hàng năm (Riêng năm 2009, căn cứ Đề án được phê duyệt, ngân sách Trung ương ứng vốn để thực hiện).

- Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh giao dự toán cho các huyện. Căn cứ mức kinh phí được UBND tỉnh giao, UBND các huyện quyết định phân bổ vốn hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và thông báo cho từng xã (chi tiết theo từng hộ).

- Căn cứ quyết định của UBND huyện, UBND xã thông báo công khai mức hỗ trợ đến từng thôn và từng hộ dân.

c) Quản lý vốn:

- Việc quản lý kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở cho các địa phương và từng hộ gia đình phải chặt chẽ, đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng; UBND xã phải lập danh sách cho từng hộ dân ký nhận kinh phí.

- Căn cứ quyết định của UBND huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện cấp phát bằng lệnh chi tiền qua kho bạc nhà nước cho UBND xã để cấp phát cho các hộ dân. UBND cấp xã mở tài khoản tiền gửi để quản lý, thanh toán riêng khoản kinh phí này và quyết toán với ngân sách cấp huyện, không quyết toán vào ngân sách cấp xã.

d) Cấp phát, giải ngân:

- Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện và UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Kho bạc Nhà nước thực hiện cấp phát, thanh toán và kiểm soát chi ngân sách đối với các khoản kinh phí hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quy định.

- Mức thanh toán tối đa cho các hộ dân không vượt quá mức quy định hỗ trợ của Nhà nước đối với từng hộ dân được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- UBND cấp xã thực hiện giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ dân. Trường hợp hộ dân có nhu cầu tạm ứng tiền để tự mua nguyên, vật liệu làm nhà ở thì tạm ứng lần đầu tối đa bằng 60% mức ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho hộ gia đình; nếu hộ gia đình đã hoàn thành việc xây dựng phần móng và thân nhà thì mức tạm ứng tối đa bằng 90% mức ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho hộ gia đình.

- Khi có biên bản nghiệm thu hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng, UBND xã thực hiện thanh toán, quyết toán đối với các hộ dân.

- Nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo quy định tại Hướng dẫn số 234/NHCS-TD ngày 17/02/2009 của Ngân hàng Chính sách xã hội, về việc thực hiện cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

đ) Báo cáo và quyết toán:

Kinh phí hỗ trợ cho các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quy định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg được hạch toán, quyết toán thu, chi ngân sách cấp huyện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Hàng tháng, UBND cấp huyện báo cáo Sở Tài chính và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo) về kết quả thực hiện, tiến độ thanh toán vốn để tổng hợp báo cáo UBND cấp tỉnh.

e) Thủ tục, hồ sơ quyết toán:

Thủ tục, hồ sơ quyết toán thực hiện gồm:

- Danh sách hộ gia đình đã được phê duyệt làm nhà;

- Đơn xin cam kết của hộ gia đình;

- Biên bản nghiệm thu có xác nhận của thôn và UBND xã;

- Ảnh 10 x 15 cm.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. UBND các huyện, thị xã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện; phân công cho từng thành viên trực tiếp phụ trách các địa bàn dân cư để phối hợp chỉ đạo, tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện hỗ trợ đầu tư tại địa phương theo kế hoạch.

2. Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở cần xem là một chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, thường xuyên đánh giá, rà soát bổ sung và kịp thời uốn nắn trong quá trình thực hiện cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và đặc điểm từng địa phương.

3. Định kỳ tháng, quý, năm báo cáo kết quả và tiến độ thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình nghèo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Quy chế này thay thế Hướng dẫn số 163/HD-BCĐ ngày 18/12/2008 của Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, dột nát tỉnh về việc thực hiện xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2008 - 2010; Hướng dẫn số 253/HD-BCĐ ngày 23/02/2009 của Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, dột nát tỉnh về việc bổ sung một số nội dung của Hướng dẫn số 163/HD-BCĐ ngày 18/12/2008 của Ban chỉ đạo về việc thực hiện xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2008 - 2010; Hướng dẫn số 200/HD-BCĐ ngày 21/9/2009 của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo và hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2009 - 2010, về việc thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2008 - 2010.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh đề nghị phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, trình UBND tỉnh giải quyết./.

 

PHỤ LỤC SỐ 01

(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2010/QĐ-UBND, ngày 27 tháng 01 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

………….., ngày …..tháng……năm ..…

ĐƠN ĐĂNG KÝ HỖ TRỢ NHÀ Ở

(Theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ)

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân xã:…………………………………

- Ủy ban nhân dân huyện: …………………………….

 

Tên tôi là: …………………………………………………………………..

Địa chỉ: Thôn ……, Xã…………......, Huyện …………, Tỉnh …….……..

Đại diện cho hộ nghèo có tên trong danh sách được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ vê chính sách hỗ trợ hộ nghèo vê nhà ở, xin đăng ký với UBND xã các nội dung sau đây:

1. Mẫu nhà: ………………………………………………………………

2. Đề nghị cung ứng vật liệu để tự xây dựng nhà ở (nếu có nhu cầu): □

STT

Tên vật liệu xây dựng

Đơn vị

Khối lượng

Ghi chú

1

Xi măng loại ……..

 

 

 

2

Thép

 

 

 

3

Tấm lợp phibro XM

 

 

 

4

Gỗ

 

 

 

5

……….

 

 

 

3. Đề nghị hỗ trợ kinh phí để tự xây dựng nhà ở:             □

4. Đề nghị tổ chức, đoàn thể giúp xây dựng nhà ở:          □

5. Số tiền đề nghị vay Ngân hàng Chính sách xã hội:        □

Tôi xin trân trọng cảm ơn./.

 

XÁC NHẬN CỦA UBND XÃ

NGƯỜI LÀM ĐƠN

(Ký, ghi rõ họ tên)

 

PHỤ LỤC SỐ 02

(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2010/QĐ-UBND, ngày 27 tháng 01 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

………….., ngày …..tháng……năm ..…

BIÊN BẢN XÁC NHẬN
HOÀN THÀNH NHÀ Ở ĐƯA VÀO SỬ DỤNG

 

Hôm nay, ngày ……tháng ……..năm ………

Tại công trình xây dựng nhà ở của chủ hộ:……………...………………….. Địa chỉ: Thôn ……., Xã ……………., Huyện……………, Tỉnh………….. Ban nghiệm thu xây dựng nhà ở xã gồm:

1. Đại diện UBND xã:

Ông (bà):……………………..………., Chức vụ:…………………………..

2. Đại diện Mặt trận Tổ quốc xã:

Ông (bà):……………………..………., Chức vụ: ………………………….

3. Đại diện thôn:

- Ông (bà): …………………….…….., Chức vụ:…………………………..

- Ông (bà): ………………….……….., Chức vụ:…………………………..

4. Đại diện hộ gia đình:

Ông (bà):………………………..……………………………………………

Sau khi kiểm tra, xem xét thực tế nhà ở đã được xây dựng hoàn thành, Ban nghiệm thu xây dựng nhà ở xã thống nhất các nội dung sau:

* Xác nhận nhà ở của chủ hộ: ………..…………….đã xây dựng hoàn thành.

- Diện tích nhà ở:…………….………..m2

- Vật liệu làm thân nhà:…………………………....……………………….

- Vật liệu làm mái nhà: ………………….. …...…………………………..

- Vật liệu làm nền nhà: …………………………....……………………….

* Đồng ý đưa nhà ở vào sử dụng: Biên bản được lập thành 06 bản:

- 01 bản chủ hộ giữ;

- 01 bản lưu UBND xã;

- 01 bản lưu ở thôn;

- 01 bản gửi phòng Tài chính - Kế hoạch huyện;

- 01 bản gửi Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện;

- 01 bản để UBND cấp xã tổng hợp, lập hồ sơ hoàn thành công trình gửi UBND cấp huyện.

Biên bản kết thúc vào lúc …….giờ…….phút cùng này./.

 

Đại diện hộ gia đình

(Ký, ghi rõ họ tên)

Đại diện thôn

(Ký, ghi rõ họ tên)

 

 

Đại diện Ủy ban nhân dân xã

(Ký, ghi rõ họ tên)

Đại diện Mặt trận Tổ quốc xã

(Ký, ghi rõ họ tên)

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 03/2010/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu03/2010/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành27/01/2010
Ngày hiệu lực06/02/2010
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Tài chính nhà nước
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật14 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 03/2010/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 03/2010/QĐ-UBND Quy chế thực hiện hỗ trợ hộ nghèo nhà ở


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 03/2010/QĐ-UBND Quy chế thực hiện hỗ trợ hộ nghèo nhà ở
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu03/2010/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Đắk Nông
                Người kýY Thịnh
                Ngày ban hành27/01/2010
                Ngày hiệu lực06/02/2010
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Tài chính nhà nước
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật14 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 03/2010/QĐ-UBND Quy chế thực hiện hỗ trợ hộ nghèo nhà ở

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 03/2010/QĐ-UBND Quy chế thực hiện hỗ trợ hộ nghèo nhà ở

                  • 27/01/2010

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 06/02/2010

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực