Quyết định 03/2014/QĐ-UBND

Quyết định 03/2014/QĐ-UBND về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật đối với trường hợp không chấp hành do tỉnh Bình Thuận ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 03/2014/QĐ-UBND thi hành giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật Bình Thuận


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 03/2014/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 14 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG CHẤP HÀNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Khiếu nại ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại;

Căn cứ Thông tư số 04/2013/TT-TTCP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp và Chánh Thanh tra tỉnh tại Tờ trình số 327/TTr/STP-TTBT ngày 06 tháng 12 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật đối với các trường hợp không chấp hành.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Chánh Thanh tra tỉnh, thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Tiến Phương

 

QUY ĐỊNH

THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG CHẤP HÀNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND ngày 14/01/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này điều chỉnh trình tự thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật đối với các trường hợp không chấp hành (gọi tắt là quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu luật pháp luật) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, bao gồm quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật của Bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở và cấp tương đương, thủ trưởng cơ quan thuộc Sở và cấp tương đương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã (gọi tắt là cấp huyện), thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu luật pháp luật (gọi tắt là cơ quan thi hành quyết định).

2. Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu luật pháp luật (gọi tắt là đương sự).

Điều 3. Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

1. Các quyết định giải quyết khiếu nại được xem là có hiệu lực pháp luật phải đảm bảo theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 44 Luật Khiếu nại năm 2011, cụ thể:

a) Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày;

b) Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

2. Việc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định tại Khoản 3 Điều 44 Luật Khiếu nại năm 2011 không làm đình chỉ thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Điều 4. Nguyên tắc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

1. Mọi quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật đều phải được thi hành. Việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành và Quy định này.

2. Khi tổ chức thi hành quyết định có hiệu lực pháp luật phải chú trọng đến công tác vận động, thuyết phục. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tích cực vận động, thuyết phục để đương sự tự nguyện thi hành quyết định.

3. Cơ quan thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật mà không thi hành phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Đương sự có nghĩa vụ thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật nếu không thi hành thì bị cưỡng chế thi hành và phải chịu mọi chi phí cho việc tổ chức cưỡng chế đó. Việc cưỡng chế thi hành được áp dụng theo Quy định này.

Điều 5. Thời hạn tự nguyện thi hành

1. Thời hạn tự nguyện thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật là 30 ngày, kể từ ngày quyết định đó có hiệu lực.

2. Trường hợp quyết định có quy định thời hạn tự nguyện thi hành thì áp dụng thời hạn theo quyết định đó.

Điều 6. Tạm đình chỉ thi hành

1. Việc tạm đình chỉ thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật chỉ được thực hiện khi có quyết định tạm đình chỉ thi hành của cơ quan có thẩm quyền.

2. Khi hết thời hạn tạm đình chỉ thì quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật phải thi hành nếu không bị điều chỉnh, thay thế.

Điều 7. Đình chỉ thi hành

Việc đình chỉ thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Chương II

TRÌNH TỰ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT

Mục 1. TỔ CHỨC THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT

Điều 8. Thông báo về việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

1. Khi quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan thi hành quyết định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật cho đương sự để thi hành.

2. Thông báo về việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật cần phải đảm bảo các nội dung sau: số thông báo; ngày, tháng, năm ra thông báo; căn cứ ra thông báo; họ tên, địa chỉ của các đương sự phải thi hành quyết định; nội dung phải thi hành theo quyết định; thời hạn cho đương sự tự nguyện thi hành quyết định.

Nội dung thông báo khẳng định nếu hết thời hạn tự nguyện thi hành quyết định mà đương sự không tự nguyện thi hành thì sẽ bị tổ chức thi hành hoặc cưỡng chế thi hành. Trường hợp các đương sự có hành vi chống đối, cản trở việc thi hành thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Thông báo phải được tống đạt cho đương sự bằng biên bản.

Điều 9. Tự nguyện thi hành

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, thủ trưởng cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật tích cực vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành quyết định.

2. Việc vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành quyết định được thực hiện ít nhất 01 lần và phải được thể hiện bằng biên bản.

Nội dung biên bản gồm: thời gian, địa điểm, thành phần tham dự, công bố nội dung quyết định có hiệu lực, nội dung vận động, thuyết phục và ý kiến của người được vận động và những người có liên quan.

3. Nếu đương sự tự nguyện thi hành quyết định thì cơ quan thi hành quyết định tiến hành lập biên bản và có văn bản báo cáo, thông báo với người giải quyết khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan về sự tự nguyện thi hành để chấm dứt vụ việc.

Điều 10. Chuẩn bị thi hành

1. Hết thời hạn quy định tự nguyện thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nêu trong thông báo thi hành quyết định, cơ quan thi hành quyết định phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức thi hành quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

2. Cơ quan thi hành quyết định lập hoặc tham mưu cho người có thẩm quyền ban hành kế hoạch phân công và chuẩn bị các điều kiện vật chất cần thiết để thi hành. Nội dung kế hoạch bao gồm: căn cứ pháp lý; mục đích, yêu cầu; thành phần thực hiện quyết định; nội dung thực hiện quyết định; thời gian, địa điểm thực hiện quyết định; các điều kiện đảm bảo thực hiện quyết định; chế độ báo cáo; tổ chức thực hiện.

3. Trong thời gian chuẩn bị thi hành quyết định theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này mà đương sự tự nguyện thi hành, thì cơ quan thi hành quyết định lập biên bản thi hành xong quyết định và tiến hành các thủ tục kết thúc việc thi hành quyết định.

Điều 11. Tổ chức thi hành

1. Cơ quan thi hành quyết định triệu tập đương sự và những người liên quan đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc kết hợp với chính quyền địa phương đến địa điểm sẽ tiến hành thi hành quyết định, công bố:

a) Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật phải thi hành;

b) Biên bản tống đạt quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật;

c) Biên bản tống đạt thông báo thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật cho các đương sự.

2. Sau khi đã thực hiện xong việc công bố theo quy định tại Khoản 1 Điều này, cơ quan thi hành quyết định tổ chức việc thi hành theo các nội dung được quy định trong quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Điều 12. Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật không thành

Sau khi đã thực hiện các trình tự theo quy định mà đương sự không thi hành quyết định, có sự chống đối, cản trở việc thi hành, thì cơ quan thi hành quyết định thực hiện các công việc sau:

1. Lập biên bản thi hành quyết định không thành, ghi rõ ý kiến của đương sự và các bên liên quan và lý do không chấp hành.

Nếu đương sự không ký tên vào biên bản thì nêu rõ lý do và mời 02 nhân chứng ký tên (đại diện thôn, khu phố; người dân ở gần địa điểm thi hành quyết định). Nếu vì lý do bất khả kháng mà không mời được nhân chứng thì các thành viên tham gia thi hành quyết định cùng ký tên vào biên bản để chịu trách nhiệm về kết quả thi hành quyết định. Biên bản này phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và cung cấp cho đương sự, các đối tượng liên quan đồng thời được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức thi hành quyết định.

2. Nếu đương sự có hành vi chống đối, cản trở việc thi hành quyết định gây mất an ninh, trật tự mà hành vi đó có dấu hiệu vi phạm hành chính thì ngoài việc thực hiện nội dung theo quy định tại Khoản 1 Điều này, cơ quan thi hành quyết định lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi gây mất an ninh, trật tự hoặc chống người thi hành công vụ... Việc lập biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp này phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Mục 2. CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT

Điều 13. Quyết định cưỡng chế

1. Sau khi lập biên bản thi hành quyết định không thành, cơ quan thi hành quyết định ban hành hoặc đề nghị cấp trên ban hành quyết định cưỡng chế để áp dụng các biện pháp cần thiết thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

2. Quyết định cưỡng chế bao gồm những nội dung chủ yếu sau: số quyết định; ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ của người ra quyết định; họ tên, địa chỉ của các đương sự bị cưỡng chế; nội dung cưỡng chế; biện pháp phải thực hiện; thời gian hoàn thành cưỡng chế; cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm chủ trì tổ chức các hoạt động cưỡng chế; cơ quan có trách nhiệm tham gia; chữ ký và họ tên của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định.

3. Quyết định cưỡng chế phải được tống đạt cho các đương sự bị cưỡng chế ít nhất 10 ngày làm việc trước khi tiến hành cưỡng chế. Quyết định cưỡng chế của Ủy ban nhân dân cấp dưới phải gửi cho Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp.

4. Quyết định cưỡng chế phải được gửi cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế để phối hợp thực hiện.

Điều 14. Thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế

1. Những người sau đây có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp;

b) Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai;

c) Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà không còn khiếu nại.

2. Người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế quy định tại Khoản 1 Điều này có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền tiếp cho bất kì cá nhân nào khác.

Điều 15. Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế

1. Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày ra quyết định.

2. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu thi hành được tính lại kể từ thời điểm hành vi trốn tránh, trì hoãn được chấm dứt.

3. Đối với trường hợp cưỡng chế để thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật mà nội dung liên quan đến việc khôi phục trả lại hiện trạng ban đầu; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sống, lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại thì không áp dụng thời hiệu quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 16. Trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế

1. Người đã ra quyết định cưỡng chế có nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế đó.

2. Đối với quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân ra quyết định cưỡng chế căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng thuộc Ủy ban nhân dân để phân công cơ quan chủ trì tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế. Việc phân công cơ quan chủ trì phải trên nguyên tắc vụ

việc thuộc lĩnh vực chuyên môn của cơ quan nào thì giao cơ quan đó chủ trì; trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều cơ quan thì tùy từng trường hợp cụ thể để quyết định giao cho cơ quan chủ trì tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế cho phù hợp.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có nghĩa vụ phối hợp với người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế hoặc cơ quan được giao chủ trì tổ chức cưỡng chế triển khai các biện pháp nhằm thực hiện các quyết định cưỡng chế.

Điều 17. Tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế

1. Khi nhận được quyết định cưỡng chế, cơ quan chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế phải phối hợp với các cơ quan có liên quan huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện biện pháp cưỡng chế đã ghi trong quyết định.

2. Cơ quan chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế thông báo bằng văn bản về thời gian và phương thức thi hành quyết định cưỡng chế cho đương sự phải thi hành quyết định (việc thông báo phải lập thành biên bản) và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện việc cưỡng chế biết.

Không tổ chức cưỡng chế trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ, trước và sau tết Nguyên đán 15 ngày.

3. Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu đương sự bị cưỡng chế tự nguyện thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật thì cơ quan chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành.

4. Khi thi hành quyết định cưỡng chế, cơ quan chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế phải mời đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia để giám sát việc thực hiện quyết định cưỡng chế, có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.

5. Trường hợp đương sự bị cưỡng chế cố tình vắng mặt thì vẫn tiến hành cưỡng chế nhưng phải có đại diện của chính quyền địa phương và người chứng kiến.

6. Trường hợp đương sự bị cưỡng chế có hành vi chống đối không thực hiện quyết định cưỡng chế thì cơ quan chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế có quyền huy động lực lượng, phương tiện để bảo đảm thi hành cưỡng chế.

7. Trong quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế, nếu đương sự có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì cơ quan chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế đề xuất và chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Điều 18. Bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thực hiện cưỡng chế

1. Cơ quan được giao chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình cưỡng chế. Trường hợp có yêu cầu lực lượng Công an nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành cưỡng chế thì cơ quan chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế phải gửi văn bản yêu cầu đến cơ quan Công an cùng cấp 05 ngày làm việc trước khi thực hiện cưỡng chế để bố trí lực lượng.

2. Lực lượng Công an nhân dân khi tham gia cưỡng chế có trách nhiệm ngăn chặn các hành vi gây rối, chống người thi hành công vụ, bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình cưỡng chế.

Điều 19. Biên bản thi hành quyết định cưỡng chế

Việc thi hành quyết định cưỡng chế phải được lập biên bản và giao cho đương sự bị cưỡng chế 01 bản. Trong biên bản ghi rõ: thời gian, địa điểm, cơ quan chủ trì thi hành cưỡng chế; đương sự bị cưỡng chế; đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến; các biện pháp thi hành; kết quả thi hành; chủng loại, số lượng, mức độ thiệt hại của tài sản bị cưỡng chế (nếu có).

Cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế, đại diện cơ quan chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế, đại diện chính quyền địa phương, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và người chứng kiến ký vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

Mục 3. KẾT THÚC THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT

Điều 20. Kết thúc việc thi hành

1. Việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật kết thúc khi cơ quan thi hành quyết định thực hiện xong nội dung nêu trong quyết định, thể hiện bằng biên bản thi hành xong quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật hoặc biên bản thi hành xong quyết định cưỡng chế.

2. Cơ quan thi hành quyết định phải có văn bản báo cáo kết quả việc thi hành quyết định cho người có thẩm quyền và cơ quan cấp trên.

Điều 21. Hồ sơ thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

Tùy theo nội dung thi hành của từng quyết định mà hồ sơ thi hành thể hiện:

1. Quyết định hành chính làm phát sinh khiếu nại.

2. Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

3. Biên bản đã tống đạt quyết định.

4. Biên bản vận động, thuyết phục để các đương sự tự nguyện thi hành quyết định.

5. Kế hoạch tổ chức thi hành quyết định.

6. Thông báo về việc thi hành quyết định.

7. Biên bản tống đạt thông báo phải thi hành quyết định.

8. Các chứng từ, tài liệu phục vụ cho việc thực hiện nội dung quyết định.

9. Biên bản về việc thi hành quyết định không thành.

10. Quyết định cưỡng chế.

11. Thông báo về thời gian thi hành quyết định cưỡng chế.

12. Biên bản tống đạt quyết định cưỡng chế.

13. Biên bản về việc thi hành xong quyết định (hoặc biên bản thi hành xong quyết định cưỡng chế).

14. Văn bản báo cáo của cơ quan thi hành quyết định về việc đã thi hành xong quyết định.

15. Các văn bản, tài liệu khác liên quan.

Mục 4. CHI PHÍ CƯỠNG CHẾ

Điều 22. Chi phí tổ chức cưỡng chế

1. Chi phí cho các hoạt động cưỡng chế hành chính được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế đã phát sinh trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế hành chính, như:

a) Chi phí huy động người thực hiện quyết định cưỡng chế;

b) Chi phí thù lao cho các chuyên gia định giá để tổ chức đấu giá, chi phí tổ chức bán đấu giá tài sản;

c) Chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản;

d) Chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên;

đ) Chi phí thực tế hợp lý khác.

2. Chi phí cho các hoạt động cưỡng chế được tạm ứng từ ngân sách Nhà nước và được hoàn trả ngay sau khi thu được tiền của đương sự bị cưỡng chế.

Điều 23. Miễn, giảm chi phí cưỡng chế

1. Cá nhân bị cưỡng chế nếu thực sự khó khăn không có khả năng thanh toán một phần hoặc toàn bộ chi phí cưỡng chế, mà có đơn đề nghị xét miễn, giảm có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã thì có thể được xét miễn, giảm một phần hoặc toàn bộ chi phí cưỡng chế.

2. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có thẩm quyền xét miễn, giảm chi phí cưỡng chế.

3. Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng, thu hồi tạm ứng chi phí, miễn giảm chi phí cho các hoạt động cưỡng chế theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Chương III

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ VIỆC THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT

Điều 24. Quyền khiếu nại về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

1. Các tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan, hành vi của thành viên tổ chức thi hành quyết định, nếu có căn cứ cho rằng các quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi hành chính theo quy định tại Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011.

Điều 25. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại về việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011.

Điều 26. Tố cáo và giải quyết tố cáo về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

Việc tố cáo và giải quyết tố cáo về việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật Tố cáo năm 2011.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 27. Trách nhiệm ngành Thanh tra

1. Chánh Thanh tra tỉnh triển khai, hướng dẫn thực hiện quy định này; tham mưu và giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

2. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ Luật Thanh tra, Chánh Thanh tra tỉnh thành lập Đoàn Thanh tra xem xét trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Điều 28. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở và cấp tương đương

Căn cứ Quy định này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở và cấp tương đương có trách nhiệm thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật của địa phương và của ngành đúng pháp luật và Quy định này.

Điều 29. Trách nhiệm phối hợp thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ theo yêu cầu của cơ quan thi hành quyết định.

2. Cơ quan thụ lý, tham mưu ban hành quyết định hoặc cơ quan đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có trách nhiệm:

a) Cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật để phục vụ cho công tác thi hành quyết định khi có yêu cầu của cơ quan thi hành quyết định. Các hồ sơ, tài liệu phải được cơ quan cung cấp xác nhận và cung cấp cho cơ quan thi hành quyết định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu;

b) Cử cán bộ, công chức phối hợp tham gia khi có yêu cầu hợp lý của cơ quan thi hành quyết định.

3. Giám đốc Công an tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm và triển khai trong ngành để phối hợp với cơ quan thi hành quyết định khi được yêu cầu; đảm bảo công tác thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật diễn ra an toàn và trật tự, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo thẩm quyền đối với những hành vi cản trở, chống đối trong quá trình tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Điều 30. Chế độ thông tin, báo cáo

Định kỳ báo cáo tháng, quý, 6 tháng, năm, các cấp các ngành phải có báo cáo nội dung việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật vào báo cáo chung về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Thanh tra tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 31. Bổ sung, sửa đổi quy định về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Thanh tra tỉnh để tổng hợp, nghiên cứu, xem xét, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 03/2014/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu03/2014/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành14/01/2014
Ngày hiệu lực24/01/2014
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcThủ tục Tố tụng
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật10 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 03/2014/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 03/2014/QĐ-UBND thi hành giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật Bình Thuận


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 03/2014/QĐ-UBND thi hành giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật Bình Thuận
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu03/2014/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Bình Thuận
                Người kýLê Tiến Phương
                Ngày ban hành14/01/2014
                Ngày hiệu lực24/01/2014
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcThủ tục Tố tụng
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật10 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Quyết định 03/2014/QĐ-UBND thi hành giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật Bình Thuận

                      Lịch sử hiệu lực Quyết định 03/2014/QĐ-UBND thi hành giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật Bình Thuận

                      • 14/01/2014

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 24/01/2014

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực