Quyết định 04/2009/QĐ-UBND Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng năm 2009 đã được thay thế bởi Quyết định 03/2010/QĐ-UBND Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Phòng, chống tham nhũng năm 2010 và được áp dụng kể từ ngày 17/02/2010.
Nội dung toàn văn Quyết định 04/2009/QĐ-UBND Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng năm 2009
ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 9 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2009/QĐ-UBND | Quận 9, ngày 05 tháng 3 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2009
ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 9
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng;
Căn cứ Quyết định số 30/2006/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2006 - 2010;
Thực hiện Chương trình hành động số 07-CTr/QU ngày 25 tháng 01 năm 2007 của Quận ủy và thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW khóa X và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí;
Căn cứ Quyết định số 41/2007/QĐ-UBND ngày 26 tháng 3 năm 2007 của Ủy ban nhân dân quận 9 về việc “Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2006 - 2010”;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra quận 9 tại Tờ trình số 58/TTr-TT ngày 27
tháng 02 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành Quyết định kèm theo Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng năm 2009.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 07 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 19 tháng 02 năm 2008 của Ủy ban nhân dân quận 9 về việc “Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng năm 2008”.
Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận, Thủ trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị thuộc quận và Ủy ban nhân dân 13 phường chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2009
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2009/QĐ-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân dân quận 9)
Để góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước và chỉ đạo trong công tác thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng năm 2009. Để duy trì và phát huy những thành quả đó thì việc ban hành Quyết định về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng năm 2009 là vô cùng cần thiết.
I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU
- Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tạo bước chuyển rõ rệt về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức và nhân dân về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị quận trong sạch, vững mạnh; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
- Thủ trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị thuộc quận và Ủy ban nhân dân 13 phường thể hiện ý chí, quyết tâm cao, chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể, rõ ràng; gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan và phong trào thi đua yêu nước, tạo sự đoàn kết thống nhất, tổ chức thực hiện đồng bộ và có hiệu quả cao cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí;
- Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa thường xuyên, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục. Phải xác định những ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng yếu thường xảy ra tham nhũng, lãng phí để tập trung chỉ đạo, tập trung giải quyết dứt điểm. Phải xác định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu phòng, ban, cơ quan, đơn vị và phường nêu cao tinh thần tự giác, gương mẫu của cán bộ, công nhân viên chức;
- Thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị quyết Trung ương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổng kết rút kinh nghiệm những việc đã làm và đề ra nhiệm vụ kế hoạch phòng, chống tham nhũng cho thời gian tiếp theo.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
Nhiệm vụ các phòng, ban, cơ quan, đơn vị thuộc quận và Ủy ban nhân dân 13 phường:
1. Phòng Tư pháp:
- Chủ trì phối hợp với phòng, ban, cơ quan, đơn vị thuộc quận và phường để tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp về các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, các Nghị quyết của Đảng và chương trình của thành phố và quận về phòng, chống tham nhũng (thực hiện trong tháng 3 năm 2009);
- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân quận và Ủy ban nhân dân thành phố để kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng.
2. Phòng Nội vụ:
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận văn bản đôn đốc thủ trưởng các đơn vị, phòng, ban thuộc quận và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 13 phường thực hiện văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện nghị định của Chính phủ và chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan khi để xảy ra tham nhũng;
- Phối hợp đơn vị liên quan dự thảo văn bản cụ thể hóa việc áp dụng quy tắc ứng xử của cán bộ, công nhân viên chức và lĩnh vực hoạt động công vụ của cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương nhằm đảm bảo sự liêm chính và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.
3. Thanh tra:
- Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã được phát hiện. Tiếp tục tập trung thanh tra trên các lĩnh vực trọng tâm: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, quản lý thu chi ngân sách, thanh tra công vụ;
- Phối hợp với Phòng Nội vụ, Phòng Tài chính - Kế hoạch tăng cường quản lý, giám sát thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là những người có chức quyền. Triển khai chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức;
- Phối hợp cùng Phòng Tư pháp, Phòng Nội vụ triển khai và thực hiện văn bản hướng dẫn thi hành nghị định của Chính phủ về kê khai tài sản;
- Phối hợp với Phòng Nội vụ, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng quận triển khai thực hiện văn bản hướng dẫn thực hiện quy định, chính sách bảo vệ người phát hiện và tố cáo tổ chức và cá nhân có hành vi tham nhũng; chính sách đối với người tự giác, thành khẩn khai báo và khắc phục hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra; đề xuất để khen thưởng đối với tổ chức và cá nhân có thành tích trong việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
4. Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 13 phường:
- Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng (tại mục 1 Chương II), các quy định của cấp có thẩm quyền căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đảm bảo công khai, minh bạch, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong các lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức mình (trừ các lĩnh vực thuộc danh mục bí mật nhà nước); định kỳ báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết Trung ương, chương trình hành động của thành phố và quận; công bố công khai kết quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí của cơ quan, đơn vị để nhân dân biết, theo dõi giám sát;
- Căn cứ các văn bản của cấp có thẩm quyền, Phòng Giáo dục quận triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện việc công khai minh bạch trong lĩnh vực tuyển sinh, chuyển trường. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền giáo dục Luật Phòng, chống tham nhũng trong các trường học.
III. TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, THANH TRA, ĐIỀU TRA XỬ LÝ CÁC VỤ TIÊU CỰC, THAM NHŨNG
- Tăng cường bố trí lực lượng cán bộ Thanh tra quận, Công an quận, các đơn vị liên quan có phẩm chất, năng lực;
- Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật của Nhà nước với mọi hành vi tham nhũng, lãng phí. Xem xét, xử lý nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan về những vụ việc tham nhũng, lãng phí do cán bộ dưới quyền quản lý trực tiếp gây ra;
- Tập trung chỉ đạo hoặc kiến nghị xử lý dứt điểm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã phát hiện; đồng thời tập trung kiểm tra, thanh tra trên các lĩnh vực trọng tâm: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, quản lý thu - chi ngân sách, thanh tra công vụ. Chú ý đối với một số lĩnh vực nhạy cảm; những công trình lớn hoặc những công trình dự án có dấu hiệu tiêu cực được dư luận quan tâm.
1. Về giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng:
- Các phòng, ban, cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân 13 phường tập trung lực lượng giải quyết dứt điểm những vụ việc tố cáo hành vi tham nhũng còn tồn đọng (nếu có) và mới phát sinh từ cơ sở; xử lý nghiêm minh đúng pháp luật những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực;
- Thanh tra quận chủ trì phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng Quản lý đô thị thành lập Đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra việc thực hiện Luật Khiếu nại - tố cáo ở một số phường, đơn vị có nhiều đơn, thư tố cáo, việc thực hiện các quyết định đã có hiệu lực pháp luật; kiểm tra việc giải quyết các đơn tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực.
2. Công an quận:
- Chủ động đề ra các biện pháp phòng ngừa, điều tra phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo pháp luật các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Phát động phong trào quần chúng tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm tham nhũng;
- Thông qua công tác đấu tranh chống tham nhũng tìm ra nguyên nhân, những điểm chưa chặt chẽ trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế để tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, pháp luật; chấn chỉnh trật tự kỷ cương và tăng cường quản lý nhà nước trên địa bàn.
3. Thanh tra quận:
- Tập trung hoàn thành cơ bản các đoàn thanh tra về lĩnh vực: quản lý thu, chi ngân sách; đầu tư xây dựng cơ bản hoặc quản lý sử dụng đất đai, thanh tra công vụ, cụ thể:
+ Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản: chú ý đến các công trình, dự án lớn hoặc những công trình có dấu hiệu tiêu cực được dư luận quan tâm và về thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản;
+ Trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai: thanh tra việc quản lý sử dụng đất đai ở địa phương có tình hình nổi cộm;
+ Trong lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách: thanh tra việc thu, chi ngân sách ở một số phường và đơn vị thuộc quận;
+ Trong lĩnh vực thanh tra công vụ: thực hiện tại các cơ quan chuyên môn thuộc quận và Ủy ban nhân dân một số phường đối với những lĩnh vực nhạy cảm, thường xuyên tiếp xúc giải quyết hồ sơ hành chính của nhân dân.
- Qua công tác thanh tra tham mưu Ủy ban nhân dân quận chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, tội phạm tham nhũng; kiến nghị xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, chấn chỉnh trật tự kỷ cương và tăng cường quản lý nhà nước trên địa bàn;
- Tăng cường công tác kiểm tra thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra. Chú ý những vụ việc đã có chỉ đạo xử lý của thành phố, của Ủy ban nhân dân quận liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện công bố, công khai kết luận thanh tra, kiểm tra liên quan đến tham nhũng, lãng phí.
III. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
Thủ trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân 13 phường có trách nhiệm:
1. Rà soát lại toàn bộ quy chế làm việc, quy trình công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý kịp thời sửa đổi, bổ sung điều chỉnh, công khai, minh bạch các nhiệm vụ, công việc giải quyết phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Hệ thống hóa những quy định về thủ tục, giấy tờ cần thiết và thời hạn giải quyết đối với từng lĩnh vực, công bố công khai trên trang Web của quận và nơi tiếp dân, tiếp nhận và trả kết quả làm căn cứ cho nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức.
3. Tiếp tục rà soát những quy định không phù hợp, chưa chặt chẽ dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực; từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung; nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý nhà nước, giải quyết những nhu cầu chính đáng của nhân dân.
4. Tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, công chức, viên chức.
5. Tăng cường công tác quản lý cán bộ, trước hết là công tác quản lý, đánh giá, sắp xếp, luân chuyển, bố trí lại cán bộ để củng cố, kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là tại các bộ phận trọng yếu nhằm đảm bảo các yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết thay thế những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, suy thoái về đạo đức, lối sống, giảm sút uy tín, dư luận chê trách.
6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức trách công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; đề cao tính gương mẫu trong chấp hành pháp luật, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu phòng, ban, cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân phường; đồng thời thực hiện nghiêm quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng.
7. Thực hiện việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức một cách đầy đủ, trung thực. Đánh giá đúng sự trung thực của cán bộ, công chức trong kê khai tài sản; kiểm tra những thu nhập, tài sản bất minh có dư luận tố cáo của nhân dân; xử lý kiên quyết đối với cán bộ, công chức vi phạm.
8. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật, phát hiện xử lý kịp thời, đúng đối tượng tham nhũng, tiêu cực, phục vụ tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng nhằm xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Căn cứ nội dung chương trình hành động, kế hoạch của Ủy ban nhân dân quận ngay trong tháng 3 năm 2009, Thủ trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân 13 phường tập trung xây dựng kịp thời kế hoạch, đề ra giải pháp phòng, chống tham nhũng của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
- Chương trình phải cụ thể thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi; quy định thời hạn, phân công người chịu trách nhiệm từng khâu công việc, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức.
- Thủ trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị và Ủy ban nhân dân 13 phường có trách nhiệm báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện chương trình hành động phòng, chống tham nhũng cho Ủy ban nhân dân quận thông qua cơ quan Thanh tra quận để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân quận báo cáo thành phố theo quy định. Định kỳ gửi báo cáo:
• Báo cáo tháng: trước ngày 10 hàng tháng;
• Báo cáo quý: trước ngày 10 tháng cuối quý;
• Báo cáo 6 tháng: trước ngày 10 tháng 6;
• Báo cáo 9 tháng: trước ngày 10 tháng 9;
• Báo cáo năm: trước ngày 05 tháng 12.
- Cơ quan Thanh tra quận có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân quận tổ chức kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt Kế hoạch này./.