Nội dung toàn văn Quyết định 06-CT phạm vi đường bộ hành lang bảo vệ đường là lưu không, thuộc tuyến đường để bảo vệ, bảo đảm an toàn giao thông dự phòng khi mở rộng
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06-CT | Hà Nội, ngày 3 tháng 1 năm 1990 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 203-HĐBT NGÀY 21-12-1982 VỀ ĐIỀU LỆ BẢO VỆ ĐƯỜNG BỘ ĐỐI VỚI CÁC QUỐC LỘ
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Do nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội đối với các quốc lộ, nhất là quốc lộ I (từ biên giới tỉnh Lạng Sơn đến Cà Mau thuộc tỉnh Minh Hải, dài 2.300 kilômét) đang từng bước cải tạo, củng cố nhằm đáp ứng sự lưu thông Bắc - Nam;
Để bảo đảm an toàn trên các quốc lộ hiện nay và để tránh gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân khi mở rộng đường,
QUYẾT ĐỊNH:
I- TỔ CHỨC KIỂM TRA, XỬ LÝ CÁC VI PHẠM ĐIỀU LỆ BẢO VỆ ĐƯỜNG BỘ TRÊN QUỐC LỘ I VÀ CÁC QUỐC LỘ KHÁC
1- Theo Điều lệ đường bộ ban hành kèm theo Nghị định số 203-HĐBT ngày 21-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng, phạm vi đường bộ và hành lang bảo vệ đường bộ là lưu không, thuộc tuyến đường để bảo vệ, bảo đảm an toàn giao thông và dự phòng khi mở rộng. Đất đai thuộc hành lang bảo vệ đường chỉ được sử dụng trồng lương thực, hoa màu và trồng cây xanh theo chỉ dẫn của Bộ Giao thông vận tải.
2- Trên các quốc lộ, đặc biệt đối với quốc lộ I, kể từ ngày ban hành Điều lệ bảo vệ đường bộ, tất cả các công trình như đường điện, đường bưu điện, mương máng thuỷ lợi, các công sở, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhà ở, lều quán của tư nhân, v.v... đã làm trong lưu thông do các cấp chính quyền, phường, xã, quận, huyện hoặc tỉnh, thành phố cấp đất hoặc tự ý xây dựng là vi phạm luật lệ. Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày ký Quyết định này, các cơ quan và tư nhân vi phạm phải di chuyển các công trình nói trên ra khỏi hành lang của lưu không (từ chân mái đường đắp hoặc đỉnh mái đường đào ra mỗi bên 20 mét). Nhà nước miễn phạt và không đền bù. Những đoạn quốc lộ đi trùng với đường đô thị sau khi đã được nâng cấp đúng với quy hoạch được duyệt, thì hành lang bảo vệ đường là bề rộng của vỉa hè.
3- Các công trình đã có trong phạm vi lưu không, từ trước ngày ban hành Nghị định số 203-HĐBT ngày 21-12-1982, nếu chưa di chuyển phải tiếp tục di chuyển. Sau khi chính quyền địa phương, xã, huyện, hoặc tỉnh, thành phố, đặc khu đã xác minh rõ ràng, Nhà nước sẽ tuỳ theo từng trường hợp cụ thể để đền bù theo quy định hiện hành. Trường hợp công trình nằm trên hành lang bảo vệ, không ảnh hưởng trực tiếp nhiều đến việc bảo vệ đường, việc di chuyển gây tốn kém, lãng phí lớn, thì Bộ Giao thông vận tải xét cho tạm thời chưa di chuyển nhưng phải cam kết thực hiện theo Điều lệ bảo vệ đường bộ và di chuyển ngay khi mở rộng đường.
4- Tất cả các công trình vĩnh cửu, tạm thời hoặc lều lán của bất kỳ đối tượng nào, kể cả trong ngành giao thông vận tải nằm trong khu vực của đường, tức là mặt đường, lề đường, rãnh đến chân mái đường, xây dựng trước hoặc sau ngày ban hành Điều lệ nếu đang trực tiếp tác động đến an toàn, bảo vệ đường bộ thì phải kiên quyết dỡ bỏ ngay.
5- Quốc lộ I đi qua nhiều thành phố, thị xã, các điểm dân cư, các chợ đều phải theo đúng các quy định của Điều lệ bảo vệ đường bộ và những quy định về xây dựng đô thị. Tuỳ theo từng nơi, để bố trí mặt đường, lề đường rộng hơn, thích ứng với lưu lượng đi lại; các ngã tư, điểm rẽ phải bảo đảm tầm nhìn, v.v...
6- Lưu không của đường mở rộng xây dựng trong tương lai sẽ do Bộ Giao thông vận tải cắm mốc sau khi quy hoạch tổng thể được duyệt. Để không gây ra thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân khi mở rộng đường, các địa phương khi cấp đất xây dựng phải quy hoạch lại, tránh đất dành để mở rộng quốc lộ.
II- TĂNG CƯỜNG VIỆC QUẢN LÝ, THỰC HIỆN NGHIÊM CHỈNH ĐIỀU LỆ BẢO VỆ ĐƯỜNG BỘ
- Các xí nghiệp quản lý đường bộ:
1- Phải liên tục sửa chữa, bảo đảm mặt đường, cầu cống êm thuận, không ổ gà, không đọng nước, không có các vật chướng ngại trên mặt đường. Kết hợp chặt chẽ với cảnh sát giao thông tại chỗ để giữ gìn trật tự giao thông.
2- Phải bảo vệ cọc tiêu, biển báo, cột mốc lưu không; ngăn chặn việc phá hoại, lấy cắp cọc tiêu, biển báo, đất, đá, sắt thép, gỗ của cầu, đường, không bảo đảm an toàn giao thông.
3- Phải quản lý các quốc lộ theo nguyên tắc mặt đường, lề đường luôn thông suốt cho xe cộ, người đi lại. Cấm mọi xe cộ, các vật chướng ngại khác chiếm, để ở lòng đường, lề đường, nhất là đường qua các thành phố, thị xã, khu dân cư. Cấm sử dụng lòng đường, lề đường làm nơi phơi rơm rạ, sản xuất kinh doanh, chắn đường để tụ họp, họp chợ làm cản trở giao thông. ở trong thành phố các cửa hiệu, lều quán không được mở ra trên lề đường. Mọi việc kiểm tra, kiểm soát đối với xe cộ không được làm cản trở giao thông như bắt xe dừng ở lòng đường để kiểm soát, xe cộ bị hỏng ở trên đường phải tìm cách giải phóng ngay. Các xe không đủ thiết bị an toàn, gây ô nhiễm, quá tải trọng đi lại trên đường, gây ách tắc giao thông, làm hư hại đường sá, v.v... thì phải chịu phạt theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
- Các địa phương phải thu đủ phí giao thông để duy tu cầu, đường, không được điều sang làm việc khác.
- Mọi vi phạm phải xử lý nghiêm theo pháp luật.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục Quyết định này.
2- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ cho các quận, huyện, xã, phường tiến hành một đợt kiểm tra, phân loại, xác minh thời gian xây dựng các công trình của Nhà nước và tư nhân, xử lý trong thời gian quy định nói ở điểm 2, phần I của Quyết định này; chỉ đạo chặt chẽ việc cấp đất xây dựng hai bên đường theo đúng quy định của Điều lệ bảo vệ đường bộ.
3- Các Bộ Thông tin, Văn hoá tổ chức tuyên truyền, giáo dục để nhân dân làm chủ việc bảo vệ trật tư giao thông, kịp thời biểu dương những nơi làm tốt, phê phán những nơi làm kém.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |