Quyết định 07/2006/QĐ-BCN

Quyết định 07/2006/QĐ-BCN quy định tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 07/2006/QĐ-BCN tiêu chuẩn kỹ thuật điều kiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp


BỘ CÔNG NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 07/2006/QĐ-BCN

Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT VÀ ĐIỀU KIỆN SỬ DỤNG ĐIỆN LÀM PHƯƠNG TIỆN BẢO VỆ TRỰC TIẾP

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào kết cấu kim loại của hàng rào, vật cản, vật che chắn (sau đây gọi chung là hàng rào điện) để ngăn cản việc xâm phạm khu vực được bảo vệ. Khi đối tượng cố ý xâm phạm vào khu vực được bảo vệ và tiếp xúc trực tiếp với hàng rào điện sẽ bị điện giật, đồng thời hệ thống bảo vệ phát tín hiệu báo động cho người bảo vệ khu vực đó biết.

Điều 2. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân tự ý sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp để bảo vệ tài sản của mình, bẫy chim, bẫy chuột, bảo vệ hoa màu hoặc phục vụ các mục đích khác gây nguy hiểm cho người, động vật, môi trường sống.

Điều 3. Tiêu chuẩn kỹ thuật của hệ thống hàng rào điện.

1. Hàng rào điện phải được thiết kế, lắp đặt an toàn, tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc, không gây ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của hệ thống điện, không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống, bảo đảm vững chắc trong điều kiện mưa bão và đảm bảo mỹ quan.

2. Hàng rào điện có thể được bố trí kết hợp với hàng rào bảo vệ khác hoặc được bố trí độc lập nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Nếu hàng rào điện được bố trí kết hợp với hàng rào bảo vệ khác thì hàng rào điện phải được bố trí phía trên, độ cao treo vật dẫn điện không nhỏ hơn 2,5 mét so với mặt đất;

b) Nếu hàng rào điện được bố trí độc lập thì phía ngoài và phía trong của hàng rào điện phải có hàng rào bảo vệ để đề phòng người, động vật có thể va chạm ngẫu nhiên với hàng rào điện. Khoảng cách giữa hàng rào điện với hàng rào bảo vệ không nhỏ hơn 2 mét.

3. Dọc theo suốt hàng rào điện về cả 2 phía phải có các biển báo “Dừng lại có điện, nguy hiểm chết người” đặt ở nơi dễ thấy. Khoảng cách giữa 2 biển báo không quá 20m. Biển báo được gắn cố định ở độ cao 1,7 - 2,0 mét so với mặt đất. Mẫu biển báo theo TCVN 2572-78.

4. Điện áp sử dụng cho hàng rào điện được quy định như sau:

a) Dưới 1000V khi dùng nguồn điện xoay chiều;

b) Không quy định đối với điện áp xung khi dùng nguồn điện một chiều.

5. Tại khu vực làm việc của người trực phải có hệ thống báo động tín hiệu âm thanh và ánh sáng. Hệ thống báo động phải làm việc khi xảy ra mất điện trên hàng rào điện hoặc xuất hiện dòng diện chạm đất, dòng diện ngắt mạch. Tín hiệu báo động chỉ được giải trừ khi có thao tác của người trực. Việc kiểm tra sự hoạt động bình thương của hệ thống báo động được thực hiện mội khi giao ca bằng các nút thử.

6. Vật dẫn điện phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:

a) Vật liệu làm vật dẫn cho hàng rào điện có thể là tấm, lưới hoặc dây, thanh kim loại. Nếu sử dụng dây thép mạ hoặc lưới thép, tiết diện dây không nhỏ hơn 6mm2. Trường hợp sử dụng dây đồng hoặc dây nhôm phải có tiết diện không nhỏ hơn 10mm2. Dây dẫn đơn không được có mối nối ở giữa khoảng trụ để đảm bảo độ bền cơ học. Trường hợp cần nối thì 2 đầu dây phải quấn cố định quanh cổ sứ cách điện, sau đó mới nối 2 đầu dây bằng kẹp nối, tết xoắn hoặc bằng phương pháp hàn.

b) Vật dẫn điện phải được gắn cố định, chắc chắn trên sứ cách điện. Khoảng cách giữa hai sứ đỡ một vật dẫn theo chiều dài không được quá 5 mét. Khoảng cách giữa hai vật dẫn của hai pha liền kề hoặc giữa pha với đất không quá 0,20mét.

c) Sứ cách điện thông thường không được đặt nghiêng quá 45 độ so với phương thẳng đứng để tránh nước mưa có thể gây chạm chập hoặc rò điện ra xung quanh. Trường hợp cần đặt sứ nghiêng quá 45 độ phải sử dụng loại sứ có cách điện tăng cường.

Điều 4. Điều kiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp

Cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả và phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Được Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng (đối với đơn vị quân đội) cho phép bằng văn bản theo quy định tại khoản 4 Điều 59 Luật Điện lực.

2. Hàng rào điện phải được cơ quan có chuyên môn về điện và có tư cách pháp nhân thiết kế, được cơ quan cho phép sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp phê duyệt và nghiệm thu.

3. Người vận hành hệ thống hàng rào điện phải có đủ tiêu chuẩn sau:

a) Được đào tạo chuyên môn về kỹ thuật điện, có chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp do cơ sở có chức năng đào tạo chuyên môn về kỹ thuật điện cấp.

b) Được huấn luyện, sát hạch đạt yêu cầu về quy trình vận hành, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống hàng rào điện và các quy định an toàn điện, được cấp chứng chỉ sau khi sát hạch yêu cầu.

c) Được đào tạo nghiệp vụ bảo vệ tại cơ sở có tư cách pháp nhân và có chức năng đào tạo nghiệp vụ bảo vệ.

4. Có quy trình, biểu mẫu phục vụ công tác quản lý vận hành, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống hàng rào điện và quy trình an toàn điện.

5. Chỉ được phép đưa hàng rào điện vào sử dụng khi chủ đầu tư đã hoàn thành công tác nghiệm thu theo quy định, đã bàn giao đầy đủ các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến xây dựng hệ thống hàng rào điện cho đơn vị quản lý vận hành và đơn vị quản lý vận hành đã bố trí đủ nhân sự theo quy định.

Điều 5. Thủ tục xin phép sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp

1. Cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp phải xây dựng đề án và có văn bản trình Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng (đối với các đơn vị quân đội) để xem xét, quyết định.

2. Cơ quan cho phép sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm tiến hành kiểm tra nghiệm thu, kiểm tra định kỳ và chấn chỉnh thực hiện các biện pháp an toàn tại các cơ quan, đơn vị được phép sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp Bộ Công nghiệp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các Sở Công nghiệp để phổ biến, hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

2. Cơ quan, đơn vị xảy ra tai nạn chết người có liên quan đến hệ thống hàng rào điện của mình phải khai báo ngay với cơ quan quản lý cấp trên theo ngành dọc, cơ quan công an, quân sự (đối với đơn vị quân đội) và Sở Công nghiệp địa phương để phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân, trách nhiệm.

3. Cơ quan công an, quân sự và Sở Công nghiệp địa phương có trách nhiệm thống kê, phân tích, báo cáo Bộ quản lý ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các vụ tai nạn chết người liên quan đến hàng rào điện.

Điều 7.

1. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 54/2001/QĐ-BCN ngày 14 tháng 11 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp.

2. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cho phép sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp theo quy định tại Quyết định số 54/2001/QĐ-BCN không phải làm thủ tục để xin phép lại nhưng phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại Quyết định này.

3. Các cơ quan, tổ chức đã được các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp theo quy định tại Quyết định số 54/2001/QĐ-BCN phải làm thủ tục xin phép Bộ Công an theo quy định tại khoản 4 Điều 59 Luật Điện lực.

Điều 8. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty điện lực Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ,
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
- Các Sở Công nghiệp,
- Tổng công ty Điện lực Việt Nam,
- Công báo,
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng,
- Các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ,
- Lưu KTAT, VT

BỘ TRƯỞNG




Hoàng Trung Hải

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 07/2006/QĐ-BCN

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu07/2006/QĐ-BCN
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành11/04/2006
Ngày hiệu lực14/05/2006
Ngày công báo29/04/2006
Số công báoTừ số 32 đến số 33
Lĩnh vựcLĩnh vực khác
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật3 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 07/2006/QĐ-BCN

Lược đồ Quyết định 07/2006/QĐ-BCN tiêu chuẩn kỹ thuật điều kiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp


Văn bản bị đính chính

    Văn bản được hướng dẫn

      Văn bản đính chính

        Văn bản hiện thời

        Quyết định 07/2006/QĐ-BCN tiêu chuẩn kỹ thuật điều kiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp
        Loại văn bảnQuyết định
        Số hiệu07/2006/QĐ-BCN
        Cơ quan ban hànhBộ Công nghiệp
        Người kýHoàng Trung Hải
        Ngày ban hành11/04/2006
        Ngày hiệu lực14/05/2006
        Ngày công báo29/04/2006
        Số công báoTừ số 32 đến số 33
        Lĩnh vựcLĩnh vực khác
        Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
        Cập nhật3 năm trước

        Văn bản thay thế

          Văn bản được dẫn chiếu

          Văn bản hướng dẫn

            Văn bản được hợp nhất

              Văn bản gốc Quyết định 07/2006/QĐ-BCN tiêu chuẩn kỹ thuật điều kiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp

              Lịch sử hiệu lực Quyết định 07/2006/QĐ-BCN tiêu chuẩn kỹ thuật điều kiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp

              • 11/04/2006

                Văn bản được ban hành

                Trạng thái: Chưa có hiệu lực

              • 29/04/2006

                Văn bản được đăng công báo

                Trạng thái: Chưa có hiệu lực

              • 14/05/2006

                Văn bản có hiệu lực

                Trạng thái: Có hiệu lực