Nội dung toàn văn Quyết định 10/2022/QĐ-UBND định hướng nội dung hương ước quy ước thôn Vĩnh Phúc
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2022/QĐ-UBND | Vĩnh Phúc, ngày 07 tháng 4 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG HƯƠNG ƯỚC, QUY ƯỚC THÔN, TỔ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ngày 20 tháng 4 năm 2007;
Căn cứ Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước;
Căn cứ Thông tư số 04/2020/TT-BVHTTDL ngày 06 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước;
Căn cứ Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi bổ sung một số điều Thông tư số 04/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 51/TTr-SVHTTDL ngày 11 tháng 3 năm 2022, Báo cáo số 329/BC-STP ngày 18/11/2021 của Sở Tư pháp về Kết quả thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Ý kiến tham gia của các thành viên UBND tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Định hướng nội dung hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Hương ước, quy ước được kết cấu gồm: Lời nói đầu và 5 chương, cụ thể như sau:
1. Lời nói đầu: Nêu khái quát đặc điểm địa lý, dân số, lịch sử thành lập, truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp, các hoạt động kinh tế xã hội, những hạn chế của thôn, tổ dân phố và mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng hương ước, quy ước.
2. Chương I: Quy định chung: Gồm các Điều quy định phạm vi, đối tượng áp dụng, nguyên tắc thực hiện hương ước, quy ước.
3. Chương II: Xây dựng và giữ gìn nếp sống văn hóa: Gồm 3 Mục.
a) Mục 1: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các ngày lễ, dịp lễ khác: Gồm các Điều quy định về các biện pháp để thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các ngày lễ, dịp lễ khác, cụ thể như sau:
Các biện pháp thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới như: Thực hiện đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và quy định pháp luật khác có liên quan. Tổ chức lễ cưới đơn giản, trang trọng, vui tươi, lành mạnh, văn minh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa và hoàn cảnh kinh tế gia đình, tránh phô trương, hình thức gây lãng phí và xóa bỏ các tục lệ không cần thiết. Khuyến khích các hình thức tổ chức cưới hỏi theo nếp sống mới, tổ chức báo hỷ, tổ chức cưới tiệc trà, tổ chức lễ cưới tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, tổ chức tiệc cưới vào các buổi chiều ngoài giờ hành chính, vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ... Thực hiện ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.
Các biện pháp thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang như: Thực hiện đăng ký khai tử theo quy định pháp luật và thực hiện các thủ tục thông báo với chính quyền địa phương, Trưởng thôn và Nhân dân trong thôn. Thành lập Ban tổ chức lễ tang của thôn, tổ dân phố để phối hợp, giúp đỡ gia đình có người qua đời tổ chức lễ tang chu đáo, trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm, văn minh và phù hợp với phong tục tập quán của địa phương và hoàn cảnh của từng gia đình. Xóa bỏ các hủ tục trong việc tang như: lăn đường, chèo đò, lập đàn cúng tế, rải vàng mã trên đường đưa tang… Không tổ chức ăn uống trong lễ tang (nếu có chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình). Thời gian mai táng phù hợp với quy định của pháp luật. Khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng; sử dụng băng, đĩa nhạc thay cho đội nhạc tang. Việc tổ chức giỗ đầu, cải táng chỉ nên tổ chức trong ngày và trong nội bộ gia đình. Tuyệt đối tuân thủ nghiêm các quy định về tổ chức việc tang đối với trường hợp chết do dịch bệnh hoặc trong tình hình địa phương đang có dịch bệnh.
Các biện pháp thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội như: Thực hiện đúng quy định về đăng ký lễ hội. Tổ chức lễ hội phải được sự đồng ý, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thầm quyền, theo kịch bản được phê duyệt, thực hành tiết kiệm, không làm ảnh hưởng đến sản xuất, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Không lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Trang phục của người tham gia lễ hội và các ứng xử văn hóa khác trong hoạt động lễ hội.
Các biện pháp thực hiện nếp sống văn minh trong ngày lễ, dịp lễ khác như: Mừng thọ, tân gia… tổ chức gọn nhẹ, trong nội bộ gia đình, không phô trương, linh đình, không kéo dài ngày.
b) Mục 2: Thực hiện chính sách văn hóa, giáo dục: Gồm các Điều quy định nội dung, biện pháp thực hiện xây dựng gia đình văn hóa; thôn, tổ dân phố văn hóa, cụ thể như sau:
- Các biện pháp xây dựng gia đình văn hóa như: Thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng gia đình văn hóa, tiêu biểu, hạnh phúc, hòa thuận, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, không có bạo lực gia đình. Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền. Giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới. Xây dựng các tiêu chí gia đình văn hóa phù hợp với cộng đồng dân cư như: Không có người vi phạm pháp luật và quy định của địa phương; thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân; tham gia phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại địa phương; ý thức giữ gìn đoàn kết, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng…
- Các biện pháp xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa như:
Xây dựng các quy tắc giao tiếp, ứng xử giữa các hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố như: Người trẻ phải tôn trọng người già, người già nên lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm với người trẻ; mọi người cùng thực hiện kính trên, nhường dưới...;
Xây dựng cách thức để thực hiện và phát huy tình làng nghĩa xóm: Tôn trọng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau, phát huy truyền thống "đền ơn, đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn", "tương thân, tương ái"; không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những gia đình có người mắc tệ nạn xã hội.
Các biện pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của thôn, tổ dân phố như: Duy trì các tiệc làng, lễ hội, lập sổ vàng truyền thống, xây dựng gia phả dòng họ…. Tổ chức và duy trì hoạt động thường xuyên Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, tổ dân phố.
Cách thức tham gia và tổ chức thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", xây dựng thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa.
- Các biện pháp về giáo dục, khuyến học như: Xây dựng các biện pháp khuyến khích tinh thần học tập như: Xây dựng tủ sách của thôn, tổ dân phố; ghi sổ vàng truyền thống; lập Quỹ khuyến học để tặng thưởng cho các cháu học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó; tổ chức biểu dương, khen thưởng học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, học sinh đạt thành tích trong các cấp học, các kỳ thi học sinh giỏi...
c) Mục 3: Thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, trẻ em, người cao tuổi: Gồm các Điều quy định biện pháp thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, trẻ em, người cao tuổi như:
Các biện pháp khuyến khích xây dựng gia đình hạnh phúc như: Sinh đủ 2 con, khoẻ mạnh, ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; thực hiện kế hoạch hoá gia đình; tự nguyện lựa chọn sử dụng các biện pháp trách thai, không mang thai trước hôn nhân, không kết hôn sớm, trong thời kỳ thai nghén thực hiện khám thai, tiêm phòng đầy đủ và sinh con tại các cơ sở y tế.
Các biện pháp để đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền trẻ em: Trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng mở rộng đầy đủ, được đến trường học tập đúng độ tuổi; khắc phục tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em thất học; phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước và các hành vi xâm hại trẻ em đặc biệt là trẻ em gái.
Các biện pháp thực hiện pháp luật Người cao tuổi như: Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng. Xây dựng quy tắc ứng xử với người cao tuổi trong gia đình, cộng đồng.
4. Chương III: Về phát triển kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, phòng chống dịch bệnh, thiên tai: Gồm 3 Mục như sau:
a) Mục 1: Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân: Gồm các Điều quy định các biện pháp, cách thức nhằm phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; duy trì và phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống của địa phương; có biện pháp, cách thức giúp đỡ lẫn nhau về vốn, kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; dạy nghề, tạo việc làm ….
b) Mục 2: Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh: Gồm các Điều quy định biện pháp, cách thức tuyên truyền vận động mọi người cùng tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng đô thị văn minh và các chương trình phục vụ cộng đồng khác. Khuyến khích, vận động, biểu dương, khen thưởng để Nhân dân tự nguyện hiến đất, đóng góp vật chất, ngày công lao động xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, khu vui chơi cho tr ẻ em, người cao tuổi và các công trình phúc lợi công cộng khác trên địa bàn. Thực hiện việc bảo vệ giữ gìn môi trường chung sạch đẹp, đảm bảo vệ sinh, an toàn hành lang giao thông, không có hiện tượng lấn chiếm lòng, lề đường trái phép; xây dựng các tuyến đường, tuyến phố văn minh, xây dựng phong trào sáng - xanh - sạch - đẹp.
c) Mục 3: Phòng chống dịch bệnh, thiên tai: Gồm các Điều quy định biện pháp để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các quy định liên quan đến phòng, chống bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan nhanh trong cộng đồng. Khi thôn, tổ dân phố có dịch bệnh phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của chính quyền địa phương. Khi có biểu hiện nhiễm dịch bệnh phải làm theo hướng dẫn của cơ sở y tế và đến ngay cơ sở y tế để khám bệnh, chữa bệnh.
Nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống thiên tai, bảo vệ tài sản, tính mạng người dân.
5. Chương IV: Bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội: Gồm các Điều quy định biện pháp, cách thức:
a) Tuyên truyền, vận động con em đến tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự và chấp hành quy định pháp luật.
b) Giữ gìn an ninh trật tự trong thôn, tổ dân phố; vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn; tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỗi tại cộng đồng. Xây dựng thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn “an toàn về an ninh trật tự”.
Khuyến khích việc thành lập các tổ chức tự quản của thôn, tổ dân phố để góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch (kết hôn, khai sinh, khai tử, nuôi con nuôi…), pháp luật về cư trú (đăng ký thường trú, tạm trú, lưu trú);
c) Giúp Nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng hệ thống chính trị, tổ chức tự quản, các tổ chức đoàn thể vững mạnh.
d) Bảo vệ các công trình công cộng, nhà nước, an ninh quốc gia trên địa bàn như: Trường học, nhà văn hoá - khu thể thao, đường giao thông, cầu cống, di tích lịch sử, văn hóa, đường dây tải điện, nguồn nước sinh hoạt, đê điều, đập nước, mương máng, ao hồ, công viên, cây xanh, đèn chiếu sáng…; không lấn chiếm, xâm lấn hành lang bảo vệ các công trình. Mọi người có ý thức bảo vệ tài sản của mình và của người khác.
6. Chương V: Các biện pháp thưởng, phạt
a) Hương ước, quy ước có thể đề ra hình thức thưởng cho các gia đình, cá nhân có thành tích trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước như: Nêu gương người tốt, việc tốt; ghi sổ vàng truyền thống để ghi nhận công lao, thành tích của tập thể, cá nhân; bình xét, công nhận gia đình văn hóa và các hình thức biểu dương khen thưởng khác do cộng đồng tự thỏa thuận hoặc đề nghị các cấp chính quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật
b) Trường hợp vi phạm nghiêm trọng hương ước, quy ước thì trên cơ sở thảo luận của tập thể có thể đề ra biện pháp phạt để buộc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm trong phạm vi cộng đồng hoặc các biện pháp phạt khác nhưng không được trái quy định của pháp luật, không xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
7. Ngoài các nội dung định hướng nêu trên, Hương ước, quy ước có thể bổ sung các nội dung khác phù hợp quy định pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí của cộng đồng dân cư.
Điều 2. Phạm vi nội dung, hình thức của hương ước, quy ước; xây dựng, công nhận, sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước
1. Về tên gọi: Việc lựa chọn tên gọi “Hương ước” hoặc “Quy ước” do cộng đồng dân cư thống nhất, quyết định. Có thể dùng tên gọi chung là hương ước hoặc quy ước thôn, tổ dân phố.
2. Phạm vi nội dung, hình thức của hương ước, quy ước phù hợp với Điều 5 Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nội dung định hướng tại Quyết định này và được chia thành các chương, mục, điều, khoản, điểm để cộng đồng dễ triển khai thực hiện.
4. Trình tự xây dựng, công nhận, sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước thực hiện theo Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 04/2020/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, trong việc triển khai thực hiện Quyết định, đảm bảo hiệu quả.
2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức, hướng dẫn việc thực hiện Quyết định; tổ chức kiểm tra, giám sát các đơn vị trong quá trình thực hiện, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 4 năm 2022.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |