Nội dung toàn văn Quyết định 1030-UB-ĐM điều lệ xây dựng quản lý đơn giá kiến thiết cơ bản
ỦY BAN KIẾN THIẾT CƠ BẢN
| VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số : 1030-UB-ĐM | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1963 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ ĐƠN GIÁ KIẾN THIẾT CƠ BẢN
CHỦ NHIỆM ỦY BAN KIẾN THIẾT CƠ BẢN NHÀ NƯỚC
Căn cứ theo Nghị định số 209-CP ngày 12-12-1962 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước;
Căn cứ theo nhu cầu công tác xây dựng cơ bản;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành kèm theo quyết định này bản điều lệ xây dựng và quản lý đơn giá kiến thiết cơ bản.
Điều 2. – Bản điều lệ này áp dụng cho việc lập đơn giá và quản lý đơn giá chung đối với các công trình kiến thiết cơ bản.
Điều 3. – Quyết định này thi hành kể từ ngày 01-01-1964.
| KT. CHỦ NHIỆM |
ĐIỀU LỆ
VỀ XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ ĐƠN GIÁ KIẾN THIẾT CƠ BẢN
Chương 1:
VỊ TRÍ VÀ TÁC DỤNG CỦA ĐƠN GIÁ
Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã chỉ rõ “Phải ra sức phấn đấu hạ giá thành và nâng cao chất lượng xây dựng…quản lý chặt chẽ sử dụng vật liệu và áp dụng các định mức tiến bộ hơn… tăng cường công tác lập đơn giá, định mức dự toàn làm cơ sở thực hiện tốt hạch toán kinh tế trong ngành xây dựng…” Nghị quyết của Bộ chính trị về cuộc vận động “ba xây, ba chống” đã chỉ rõ “Đưa vào nề nếp và quy củ việc chấp hành các chính sách, chế độ, thể lệ về kinh tế tài chính, bổ sung những điểm còn thiếu, sửa đổi những điểm chưa hợp lý, nghiên cứu và ban hành cá chính sách, chế độ, thể lệ cần thiết”.
Vấn đề tiết kiệm trong xây dựng cơ bản là một vấn đề toàn diện từ lúc thiết kế, trong lúc thi công đến khi hoàn thành công trình; từ vấn đề sử dụng vật liệu, nhân công, máy móc tới việc quản lý tài chính, khâu nào cũng phải phấn đấu chống lãng phí, thực hành tiết kiệm để hạ giá thành xây lắp.
Do đó, tăng cường việc xây dựng và quản lý đơn giá kiến thiết cơ bản là một trong những biện pháp chủ yếu có khả năng tiết kiệm vào nâng cao hiệu quả sản xuất vốn đầu tư của Nhà nước, góp phần chống ứ đọng vốn, hạn chế tình trạng thiếu hụt vốn trong thi công, chống tham ô, lãng phí để hoàn thành kế hoạch Nhà nước một cách toàn diện.
Đơn giá kiến thiết cơ bản là những chỉ tiêu tổng hợp về kinh tế và kỹ thuật, nó chỉ rõ giá một đơn vị khối lượng của các loại kết cấu hình thành nên công trình. Yếu tố cấu thành quan trọng của nó là đơn giá vật liệu, định mức nhân công, định mức vật liệu và định mức máy thi công. Khi lập dự toán căn cứ vào đơn giá mà lên giá xây lắp của công trình. Khi thiết kế, cần căn cứ vào đơn giá để chọn phương án tốt nhất và tiết kiệm nhất.
Số vốn do Nhà nước đầu tư vào một công trình nào là dựa vào dự toán của công trình đó, và khi dự toán của công trình đó được phê chuẩn sẽ là căn cứ để ký hợp đồng bao thầu, để cấp phát và thanh quyết toán. Do đó, việc xây dựng một dự toán cho phù hợp với nguyên tắc tiết kiệm là một phương sách quan trọng của Nhà nước, để giám đốc về mặt tài chính trong công tác kiến thiết cơ bản. Bởi vậy, đơn giá đóng một vai trò quyết định ngay từ ban đầu để làm cho dự toán có khả năng phấn đấu hạ giá thành, đảm bảo mức đầu tư hợp lý cho công trình. Đồng thời nó là cơ sở để xí nghiệp xây lắp cải tiến việc kinh doanh, quán triệt chế độ hạch toán kinh tế và hạ giá thành xây lắp, góp phần tích lũy cho Nhà nước.
Mặt khác, đơn giá không những là đòn xeo thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện để công trường thực hiện tốt các định mức năng suất lao động, định mức sử dụng vật liệu, định mức sử dụng máy thi công và các chế độ chính sách khác của Nhà nước, mà còn là mục tiêu động viên quần chúng cán bộ, công nhân thi đua phấn đấu hoàn thành kế hoạch và góp phần vào việc tự cải thiện đời sống.
Từ năm 1960, Nhà nước đã quan tâm tới vấn đề lập đơn giá và quản lý đơn giá trong ngành xây dựng cơ bản. Trong quá trình xây dựng và quản lý đơn giá những năm qua, thực tiễn đã cho chúng ta một bài học cụ thể là những địa phương và công trường nào xây dựng và quản lý đơn giá được tốt thì nơi đó có căn cứ để lập dự toán, điều kiện cho A-B hoạt động đẩy mạnh tốc độ thi công, có căn cứ để hạn chế được những lãng phí, nhất là trong khâu mua bán, vận chuyển và sử dụng vật liệu; có căn cứ để tạm cấp cho ngân hàng có cơ sở để quản lý vốn đầu tư của Nhà nước. Mặt khác, đã góp phần làm giảm nhẹ biên chế gián tiếp của bên A, bên B và của chi hàng, vì khi đã có đơn giá thì mọi việc quản lý đều được đơn giản hơn. Trái lại, những nơi nào không xây dựng được đơn giá thì ở địa phương ấy, công trường ấy có rất nhiều sự rối ren, luôn luôn có sự bất đồng giữa A-B và chi hàng mất mát rất nhiều thì giờ bàn cãi, tranh chấp về giá cả, điều quan trọng nhất ở nơi ấy đã gây nên tình trạng chi tiêu lãng phí, đó cũng là một trong những nguyên nhân làm vượt dự toán, gây nên một tình trạng hỗn loạn trong việc bỏ vốn đầu tư của Nhà nước.
Để chấp hành nghị quyết của hội nghị Trung ương lần thứ 8 và nghị quyết của Bộ chính trị về cuộc vận động “ba xây, ba chống” Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước thấy cần phải đưa công tác xây dựng và quản lý đơn giá tiến lên một bước mới, tạo điều kiện góp phần vào việc tăng cường công tác quản lý kinh tế và tài chính trong ngành xây dựng cơ bản. Những điểm quy định dưới đây là để đáp ứng yêu cầu đó.
Chương 2:
PHƯƠNG CHÂM VÀ NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG ĐƠN GIÁ
Điều 1. – Đơn giá kiến thiết cơ bản là những chỉ tiêu tổng hợp về kinh tế và kỹ thuật, nó chỉ rõ giá một đơn vị khối lượng công tác như: đổ 1m3 bê-tông, lắp 1 tấn máy, đặt 1km đường sắt, đắp 1m3 đất đập, rải nhựa 1m2 đường v .v… trong đó bao gồm các chi phí về vật liệu, nhân công và máy thi công.
Điều 2. - Bất cứ trong một điều kiện nào, đơn giá phải thể hiện được tính chất trung bình tiền tiến. Phải bảo đảm phương châm chung là tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm chống lãng phí trong xây dựng đơn giá có nhiều khâu, nhưng phải tập trung vào việc tìm nguồn vật liệu gần nhất, rẻ nhất, mặt bằng để vật liệu hợp lý, và phải tính toán khâu vận chuyển, bốc dỡ, chọn phương tiện chuyên chở hợp lý và rẻ nhất
Điều 3. – Khi lập đơn giá, phải căn cứ vào các nguyên tắc. Nguyên tắc ấy được thể hiện ở nghị định, thông tư, quyết nghị của Chính phủ, của các Ủy ban Nhà nước, của các Bộ trưởng, Tổng cục trưởng thuộc Hội đồng Chính phủ và các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh.
a) Về giá gốc vật liệu:
- Đối với các loại vật liệu do Nhà nước quản lý thì phải áp dụng đúng giá quy định của Thủ tướng Chính phủ, hoặc các cơ quan Nhà nước đã được Chính phủ phân cấp quy định.
- Đối với các vật liệu do địa phương quản lý thì áp dụng theo giá quy định của các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh.
- Trường hợp do yêu cầu đặc biệt, công trường nàp phải tự sản xuất vật liệu thì được xây dựng giá riêng. Cơ quan nào duyệt đơn giá của công trường đó thì đồng thời duyệt giá của các loại vật liệu ấy.
b) Về cước phí vận chuyển và bốc dỡ các thiết bị, vật liệu cấu kiện:
- Về cự ly (cây số đường), phương tiện, loại đường, tính chất loại hàng và các giá cước về vận chuyển và bốc dỡ đều phải căn cứ vào các quy định của Bộ Giao thông và các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh.
- Đối với các công trường lớn, có mặt bằng rộng, phải tổ chức riêng các đội vận chuyển và bốc dỡ bằng cơ giới, bằng thô sơ và bằng thủ công, thì được căn cứ vào điều kiện cụ thể mà xây dựng giá cước vận chuyển và bốc dỡ riêng.
Cơ quan nào duyệt đơn giá cho các công trường này thì đồng thời duyệt các giá cước ấy.
c) Về các định mức năng suất lao động, định mức sử dụng vật liệu, định mức hao hụt vật liệu và định mức sử dụng máy thi công thì công phải căn cứ vào các thông tư hoặc quyết định ban hành của Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, hoặc của các Bộ và Tổng cục đối với định mức có tính chất chuyên ngành.
Những định mức nào Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước chưa có, thì khi xây dựng đơn giá, địa phương hoặc công trường tổ chức xây dựng những định mức tạm thời. Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước ủy nhiệm Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh duyệt cho thi hành tạm thời, nhưng trước khi cho ban hành phải thông qua Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước và khi ban hành Ủy ban hành chính gửi cho Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước một bản để báo cáo.
d) Về tiền lương công nhân kiến thiết cơ bản: phải căn cứ vào quy định của Bộ Lao động hoặc của Ủy ban hành chính địa phương.
e) Về các điều kiện kỹ thuật và biện pháp thi công: phải căn cứ vào quy định trong thiết kế mà tính toán, bảo đảm các yêu cầu trong quy phạm, quy trình kỹ thuật và các yếu tố cấu thành cần thiết cho xây lắp để đưa vào đơn giá.
Chương 3:
NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG ĐƠN GIÁ
Điều 4. – Khi xây dựng đơn giá, địa phương hay công trường phải có đầy đủ các tài liệu cơ sở của việc xây dựng đơn giá. Trong tập đơn giá xây dựng, nội dung bao gồm 4 phần:
Phần thứ nhất: Tài liệu thuyết minh chi tiết những quy định cụ thể điều kiện cần thiết cho việc lập đơn giá làm căn cứ để tính toán các đơn giá chi tiết như quy định khu vực đơn giá, quy định giá vật liệu, cự ly vận chuyển vật liệu v .v…
Phần thứ hai: Tài liệu tính toán cụ thể về giá cả của các loại vật liệu.
Phần thứ ba: Tài liệu tính toán lương chính và phụ cấp của các loại thợ xây lắp và lao động.
Phần thứ tư: Đơn giá tổng hợp.
Điều 5. – Đối với vấn đề sử dụng máy thi công, khi lập đơn giá phải căn cứ vào định mức của Nhà nước. Sau khi có đơn giá sử dụng máy thì phải lấy đơn giá đó má lên đơn giá tổng hợp. Như vậy là đơn giá tổng hợp bao gồm đầy đủ 3 yếu tố: vật liệu, nhân công và máy thi công.
Điều 6. – Trong việc tính toán để xây dựng đơn giá, phải áp dụng phương pháp tính bình quân gia truyền, trong quá trình xây dựng đơn giá, phải luôn luôn chú ý loại trừ những bất hợp lý trong thi công, sản xuất, quản lý vật liệu, thiết bị v .v…
Điều 7. - Để bảo đảm tính chính xác và nguyên tắc tiết kiệm của đơn giá, phương pháp chủ yết khi xây dựng đơn giá phải hết sức thận trọng nhưng không cầu toàn. Khi tính toán phải bảo đảm chính xác, không để sai sót lầm lẫn, phải tính tới 4 số lẻ. Gặp trường hợp Nhà nước chưa có chỉ tiêu hoặc định mức cần thiết thì phải xây dựng chỉ tiêu, định mức mới mà lập đơn giá, theo như điểm c của điều 3 trong bản điều lệ này. Nếu sau khi đã cố gắng vượt khó khăn mà vẫn không xây dựng được thì cần báo cáo Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước giải quyết, không nên để có những việc xây lắp tiến hành mà không có định mức.
Khi lên đơn giá tổng hợp phải căn cứ vào thiết kế kỹ thuật mà tính toán nhằm bảo đảm đầy đủ các yếu tố cần thiết tạo thành đơn giá cho cấu kiện hoặc công trình ấy.
Khi lập đơn giá phải bảo đảm tính ổng định và chính xác tương đối của đơn giá đồng thời không làm phức tạp, không gây khó khăn cho việc sử dụng đơn giá vào dự toán sau này, nhưng cũng không quá giản đơn làm mất tính chính xác của đơn giá.
Điều 8. – Sau khi nghiên cứu và lập xong được bảng đơn giá, việc ban hành theo thể thức dưới đây:
- Các bản tính toán cụ thể lập nên đơn giá theo các biểu mẫu của Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước hướng dẫn chi để tại Ủy ban hành chính, Ủy ban Kế hoạch, Ủy ban Kiến thiết, cơ quan tài chính, Ngân hàng kiến thiết và Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước để làm tài liệu theo dõi và tra cứu sau này.
- Bảng đơn giá ban hành chỉ in phần loại công việc gồm các thao tác, điều kiện kỹ thuật, điều kiện chất lượng và phần đơn giá tổng hợp.
Chương 4:
TRÁCH NHIỆM XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN ĐƠN GIÁ
Điều 9. – Đơn giá của mỗi thành phố, thị xã, thị trấn sẽ do Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh xây dựng và ban hành. Trước khi ban hành thông qua Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước. Đơn giá này có giá trị dùng để lập dự toán và thanh quyết toán cho các loại công trình xây lắp ở địa phương, Ủy ban hành chính sẽ tổ chức theo dõi, xử lý những trường hợp vi phạm đơn giá, giải quyết những mắc mứu trong quá trình thi hành, bổ sung hoặc điều chỉnh đơn giá.
Điều 10. - Những công trường xây dựng các công trình công nghiệp hoặc các công trình giao thông thủy lợi lớn, có yêu cầu kỹ thuật phức tạp thì được xây dựng đơn giá riêng do cơ quan quản lý đơn giá địa phương định và chỉ đạo xây dựng rồi duyệt.
Riêng công trường nào được coi là trong điểm của trung ương thì Ủy ban Kiến thiết cơ bản của Nhà nước sẽ trực tiếp chỉ đạo xây dựng và duyệt đơn giá.
Điều 11. - Một công trình kiến thiết cơ bản được xây dựng ở địa phương nào thì cơ quan thiết kế hay kiến thiết đều phải lấy đơn giá (theo quy định ở điều 9 và 10 trong điều lệ này) để lập tổng khái toán hay dự toán.
Trường hợp một công trình kiến thiết cơ bản nào đó xây dựng ở một địa điểm không nằm trong phạm vi quy định của đơn giá thì cơ quan chủ quản lập tổng khái toán. Khi trình duyệt phải gửi kèm theo một bản thuyết minh nêu đầy đủ những cơ sở định mức và các yếu tố cấu thành giá vật liệu của tổng khái toán đó và có chứng nhận của cơ quan phụ trách quản lý xây dựng cơ bản của địa phương.
Điều 12. – Các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt tổng khái toán hoặc dự toán, khi xét duyệt phải căn cứ vào đơn giá của địa phương nơi có công trình xây dựng hoặc bản thuyết minh như quy định ở điều 11 và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về những việc không chấp hành đúng đơn giá làm tăng vốn đầu tư công trình.
Điều 13. – Các chi hàng Kiến thiết, khi cấp phát và thanh quyết toán phải lấy đơn giá do Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh hoặc Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước đã ban hành làm cơ sở. Đối với những công trình cá biệt nào đó khi xây dựng chưa có đơn giá thì chậm nhất sau 4 tháng kể từ ngày bắt đầu khởi công công trình, đơn giá phải được xây dựng xong để trình duyệt và sau 2 tháng kể từ ngày đơn giá được duyệt, phải chỉnh lý xong dự toán, hai bên A-B căn cứ vào đó để ký hợp đồng bao thầu chính thức.
Điều 14. – Hợp đồng thi công giữa A-B được phép ký kết tạm thời khi chưa có đơn giá, sau khi đơn giá được duyệt thì được điều chỉnh. Gặp một trường hợp đặc biệt nào đó có thể phải quy định một hình thức thanh toán riêng biệt thì sẽ do Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước hoặc Ủy ban hành chính địa phương chủ trì giải quyết căn cứ theo sự phân cấp nói trong điều 10 ở bản điều lệ này.
Điều 15. - Tất cả các cơ quan thi công không được tự ý đổi nguồn vật liệu, mua vật liệu, thuê bố dỡ và thay đổi phương tiện vận chuyển để gây nên giá cao hơn đơn giá được duyệt làm tăng vốn đầu tư của Nhà nước. Nếu do nhu cầu cần thiết thì phải báo cho cơ quan quản lý đơn giá biết và có sự thỏa thuận thì mới được Nhà nước trả bù chênh lệch.
Cơ quan quản lý đơn giá sau khi nhận được giấy báo của đơn vị thi công, phải giải quyết khẩn trương, dứt khoát. Văn kiện giải quyết các trường hợp trên phải sao gửi Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước một bản để báo cáo.
Điều 16. – Trong tất cả mọi trường hợp, cơ quan thi công không tuân theo đơn giá, không tuân theo điều 15 trong điều lệ này thì phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc làm tăng vốn đầu tư, trước hết là không được trả bù chênh lệch mà phải ghi vào lỗ của công trường.
Điều 17. - Tất cả những trường hợp được phép bù chênh lệch đơn giá thì bên A và chi hàng có trách nhiệm thanh toán cho B. Việc thanh toán phải được kịp thời, khỏi ảnh hưởng đến vốn hoạt động của bên B.
Điều 18. - Tất cả các trường hợp cơ quan Nhà nước hạ giá vật liệu, hạ giá cước vận tải, thay nguồn cung cấp làm cho giá vật liệu hạ thì chi hàng Kiến thiết sẽ căn cứ vào giá mới mà cấp phát.
Điều 19. – Trong cả hai trường hợp bù chênh lệch và trả theo giá mới hạ hơn, nếu bình quân không chênh lệch quá một phần trăm (1%) so với giá vật liệu quy định trong đơn giá thì không đặt vấn đề bù và trừ chênh lệch.
Điều 20. - Để giúp các ủy ban địa phương xây dựng đơn giá Ủy ban hành chính sẽ thành lập ban đơn giá. Ban đơn giá này do cơ quan phụ trách quản lý kiến thiết cơ bản địa phương chủ trì làm trưởng ban và các ngành ở địa phương có liên quan tham gia.
Điều 21. - Đối với các công trình xây dựng đơn giá riêng thì mỗi công trường sẽ thành lập một ban đơn giá. Thành phần của ban này gồm có ban kiến thiết, đơn vị thi công, chi hàng kiến thiết, mỗi đơn vị phải cử cán bộ tham gia trực tiếp xây dựng. Ban này sẽ do một phí ban kiến thiết làm trưởng ban.
- Đối với những công trường tự làm không có A-B thì ban chỉ huy công trường sẽ thành lập ban đơn giá do một phó ban chỉ huy công trường làm trưởng ban.
Điều 22. - Đối với các công trường trọng điểm do trung ương quản lý, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước sẽ tổ chức các đoàn đơn giá do Vụ trưởng hoặc Vụ phó Vụ định mức làm trưởng đoàn cùng phối hợp với cơ quan quản lý kiến thiết cơ bản địa phương và các bộ môn của các bộ hữu quan ở trung ương để chỉ đạo ban đơn giá xây dựng đơn giá của công trường.
Điều 23. - Bản điều lệ này kèm theo phần phụ lục gồm có các biểu mẫu, các bản giải thích hướng dẫn cách tính và lập biểu mẫu chung cho việc xây dựng đơn giá. Đối với một số ngành như Giao thông, Thủy lợi v .v… thì Bộ hoặc Tổng cục căn cứ vào điều lệ này và căn cứ vào những đặc điểm của ngành mình mà có thể sửa đổi hoặc xây dựng biểu mẫu riêng, nhưng cần trao đổi với Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước trước khi cho phổ biến biểu mẫu mới.
Điều 24. – Bản điều lệ này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1964 và áp dụng chung cho các công trình kiến thiết cơ bản.