Nội dung toàn văn Quyết định 1052/QĐ-UBND chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp Sơn La 2016 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1052/QĐ-UBND | Sơn La, ngày 04 tháng 5 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 157/TTLT-BTC-BTP ngày 12 tháng 10 năm 2010 của liên Bộ: Tài chính - Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 327/TTr-STP ngày 28 tháng 4 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
CHƯƠNG TRÌNH
HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1052/QĐ-UBND ngày 04 tháng 5 năm 2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La)
Hoạt động của doanh nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một trong những yếu tố đảm bảo để doanh nghiệp ổn định và phát triển là phải tiếp cận có hiệu quả các quy định của pháp luật để loại bỏ những rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, năng lực, sự hiểu biết và thực thi pháp luật của đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên, tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm, chú trọng nâng cao kiến thức pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc nắm bắt pháp luật trong sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay. Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhưng có lúc, có việc chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với những nội dung chính sau:
I. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu chung
Phấn đấu cung cấp đầy đủ, thường xuyên thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp; tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp luật, ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động phòng chống rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý Nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do HĐND và UBND tỉnh ban hành được giới thiệu, phổ biến kịp thời cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (trừ văn bản thuộc danh mục bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật).
b) Đáp ứng cơ bản nhu cầu bồi dưỡng kiến thức về pháp luật cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
c) Tiếp nhận và giải quyết kịp thời các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp.
d) 100% kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện hệ thống pháp luật được nghiên cứu tiếp thu, kịp thời xử lý hoặc báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Thực hiện điều tra, khảo sát thực tế nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp
Xây dựng Kế hoạch, mẫu phiếu điều tra, khảo sát thực tế nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp với nội dung sát thực, đảm bảo kết quả phản ánh chính xác nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020.
- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp.
- Đơn vị phối hợp: Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị, doanh nghiệp có liên quan.
Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
2. Đáp ứng yêu cầu thông tin pháp lý cho doanh nghiệp
a) Lập, vận hành chuyên mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp với các nội dung sau:
+ Cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, rà soát văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để doanh nghiệp truy cập, sử dụng miễn phí.
+ Cập nhật các kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp bằng các hình thức được quy định tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.
+ Cập nhật thông tin về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Trung ương để kịp thời phổ biến cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
+ Các nội dung khác liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
- Đơn vị chủ trì:
+ Sở Thông tin và Truyền thông lập, vận hành chuyên mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của tỉnh.
+ Sở Tư pháp, các sở, ngành có liên quan lập, vận hành chuyên mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
- Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp và các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan thường xuyên cung cấp các nội dung để Sở Thông tin và Truyền thông cập nhật vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
b) Các sở, ngành: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Hải quan tỉnh, Cục Thuế tỉnh thông qua trang thông tin điện tử của mình thường xuyên cập nhật các thông tin pháp luật, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp thuộc chức năng, nhiệm vụ của từng ngành để giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng.
c) Xây dựng, biên soạn tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản QPPL có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp
- Đơn vị chủ trì: Các sở, ban, ngành xây dựng, biên soạn các tài liệu theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
- Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp, các cơ quan, tổ chức có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
3. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp
a) Mỗi năm UBND tỉnh tổ chức ít nhất một lớp bồi dưỡng về kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp theo các chủ đề pháp luật có liên quan trực tiếp đến việc quản lý, điều hành, kinh doanh của doanh nghiệp như: Thuế; hợp đồng, đầu tư, sở hữu trí tuệ, đất đai, môi trường, quan hệ lao động...
- Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên hàng năm.
b) Các sở, ban, ngành mỗi năm tổ chức ít nhất một lớp bồi dưỡng về kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp theo các lĩnh vực quản lý Nhà nước của cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
- Đơn vị chủ trì: Các sở, ban, ngành.
- Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp, các cơ quan, tổ chức có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên hàng năm.
4. Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp
- Thực hiện giải đáp pháp luật theo yêu cầu của doanh nghiệp bằng các hình thức như: Bằng văn bản, thông qua mạng điện tử, giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại và các hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật.
- Đơn vị chủ trì: Các sở, ngành thực hiện giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp (trừ yêu cầu giải đáp trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp).
- Đơn vị phối hợp: Các cơ quan, tổ chức có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
5. Tiếp nhận, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật
Thực hiện tiếp nhận, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến quy định của pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản QPPL thuộc thẩm quyền hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản QPPL.
- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp.
- Đơn vị phối hợp: Các sở, ngành, đơn vị có liên quan có trách nhiệm tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các quy định pháp luật thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý, xử lý đối với kiến nghị thuộc thẩm quyền quản lý, tham mưu đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản QPPL, gửi Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên
6. Tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020
- Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2020.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Tư pháp.
- Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ pháp chế, cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
2. Khuyến khích luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, tư vấn viên pháp luật, trợ giúp viên pháp lý và các tổ chức, cá nhân khác…, tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
3. Sử dụng và phát huy có hiệu quả các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; huy động các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền pháp luật cho doanh nghiệp.
4. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, đảm bảo các văn bản được ban hành đúng luật, thống nhất, không mâu thuẫn, chồng chéo. Tiếp tục thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận, giải quyết các thủ tục hành chính.
5. Tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật, phương tiện hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
6. Khuyến khích sự đóng góp nguồn lực của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và các doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động của Chương trình; Huy động các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
7. Tăng cường phối hợp công tác giữa các cơ quan Nhà nước được giao nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình.
8. Tăng cường thực hiện việc giám sát, đánh giá hoạt động tiếp nhận, tổng hợp thông tin; đánh giá của doanh nghiệp được nhận hỗ trợ pháp lý về hiệu quả của Chương trình.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gồm:
1. Ngân sách tỉnh.
Hàng năm, Sở Tư pháp và các sở, ngành căn cứ vào Chương trình, Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, xây dựng dự toán kinh phí thực hiện gửi Sở Tài chính thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về tài chính, kế toán.
2. Đóng góp của các doanh nghiệp.
3. Viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình này. Hàng năm, tham mưu xây dựng Kế hoạch để triển khai thực hiện Chương trình, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Tư pháp về kết quả thực hiện và đề xuất các giải pháp chủ yếu để thực hiện hiệu quả Chương trình.
2. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thông tin truyền thông giới thiệu và tuyên truyền về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và tổ chức triển khai các nội dung được giao trong Chương trình.
3. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh xây dựng, kiện toàn và củng cố tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, đặc biệt là các cơ quan thường xuyên có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
4. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bảo đảm kinh phí cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Thông tư liên tịch số 157/TTLT-BTC-BTP ngày 12 tháng 10 năm 2010 của liên Bộ: Tài chính - Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
5. Các sở, ban, ngành
- Hằng năm trên cơ sở Chương trình này các sở, ban, ngành ban hành Kế hoạch thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực mình quản lý (Kế hoạch của các sở, ban, ngành gửi UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp tổng hợp) trước ngày 10 tháng 01 hàng năm (riêng năm 2016 trước ngày 30 tháng 5 năm 2016)).
- Chủ động thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Chương trình này và Kế hoạch hàng năm của đơn vị.
- Định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) kết quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (báo cáo 6 tháng trước ngày 20 tháng 6, báo cáo năm trước ngày 31 tháng 12) để báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định.
6. UBND các huyện, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này.
7. Các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình, thường xuyên đóng góp ý kiến với các cơ quan quản lý Nhà nước về việc thực hiện Chương trình để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, tham gia hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo các chương trình hỗ trợ.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện Chương trình. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để được hướng dẫn cụ thể hoặc tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.