Quyết định 110-HĐBT

Quyết định 110-HĐBT năm 1985 về việc tổ chức lại một bước công tác đào tạo của ngành Đại học do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 110-HĐBT tổ chức lại 1 bước công tác đào tạo của ngành Đại học


HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 110-HĐBT

Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 1985

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 110-HĐBT NGÀY 8 THÁNG 4 NĂM 1985 VỀ VIỆC TỔ CHỨC LẠI MỘT BƯỚC CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CỦA NGÀNH ĐẠI HỌC

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Thực hiện Nghị quyết số 73-HĐBT ngày 12-7-1983 của Hội đồng Bộ trưởng về công tác giáo dục trong những năm trước mắt;
Căn cứ cuộc họp của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng ngày 15-10-1984 về việc tổ chức lại một bước công tác đào tạo của ngành đại học do đồng chí Bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp trình bày,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp cùng với Uỷ ban Kế hoạch nhà nước, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và các cơ quan có liên quan xây dựng qui hoạch và kế hoạch dài hạn về phát triển ngành đại học và sau đại học phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trên cơ sở đó quy hoạch một mạng lưới trường đại học trên địa bàn cả nước và từng vùng, có kết hợp chặt chẽ với mạng lưới trường Trung học phổ thông, trường trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề. Trước mắt cần tiến hành một số việc sau đây:

Điều 2.- Hình thành một số trường đại học trọng điểm và chuyên ngành trọng điểm.

1. Trường đại học trọng điểm cho cả nước:

a. Củng cố trường đại học Tổng hợp Hà Nội để có cơ cấu hoàn chỉnh về các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, có đội ngũ cán bộ giảng dạy giỏi, có thiết bị đồng bộ và hiện đại thực hiện được chức năng đào tạo cán bộ có trình độ cao cho các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân, cho khoa học, giáo dục và văn hoá. Phải tích cực chuẩn bị đầy đủ để khi có điều kiện sẽ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để trường sớm phát huy vai trò trọng điểm.

b. Trường Đại học Kinh tế kế hoạch Hà Nội, sau này lấy tên là trường Đại học Kinh tế quốc dân, là trường trọng điểm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ kinh tế.

c. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là trường trọng điểm của các ngành kỹ thuật, đào tạo cán bộ cho những ngành công nghiệp quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa.

d. Trường Đại học Hô-xê-mác-ti và trường Đại học Cần Thơ có các ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản (dưới đây gọi chung là nông nghiệp) là hai trường trọng điểm cho các ngành khoa học nông nghiệp.

đ. Trường đại học Y khoa Hà Nội là trường trọng điểm của ngành y.

e. Trường đại học Sư phạm Hà Nội là trường trọng điểm của ngành sư phạm.

2. Các trường trọng điểm cho vùng:

Từng bước xây dựng trường đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Nông nghiệp IV và trường Đại học Y dược (sau này là Viện Đại học Y) thành phố Hồ Chí Minh thành những trường trọng điểm của khu vực phía Nam.

3. Xây dựng một số chuyên ngành trọng điểm, chuyên ngành mũi nhọn trong các trường đại học trọng điểm và các trường đại học ở các vùng. Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp cùng với Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước xác định các chuyên ngành nói trên.

Điều 3.- Để phát huy tác dụng của các trường đại học trên địa bàn cả nước và trong từng vùng, cần có sự phân bố hợp lý các trường đại học hiện có. Ngoài các trường cao đẳng sư phạm và trường cao đẳng y tế đã được phân bố trên địa bàn tỉnh hoặc liên tỉnh, các trường đại học và cao đẳng khác được hình thành tại các trung tâm đại học lớn như sau:

1. Các trường đại học và cao đẳng ở Hà Nội và khu vực lân cận gồm đủ các ngành đào tạo và có nhiều trường trọng điểm phục vụ cho nhu cầu cả nước và các tỉnh phía Bắc.

2. Các trường đại học và cao đẳng ở thành phố Hồ Chí Minh gồm đủ các ngành đào tạo phục vụ chủ yếu cho các tỉnh phía Nam và một phần cho nhu cầu cả nước.

3. Các trường đại học và cao đẳng ở Huế và Đà Nẵng gồm đủ các ngành đào tạo phục vụ chủ yếu cho nhu cầu các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

4. ở Thái Nguyên, trên cơ sở các trường đại học hiện có cần mở thêm một số chuyên ngành đào tạo (về khoa học nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội) phục vụ chủ yếu cho nhu cầu các tỉnh trung du và miền núi Bắc bộ.

5. Đối với vùng Tây Nguyên, cần từng bước bổ sung các ngành đào tạo cần thiết (về khoa học nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội) tại trường Đại học Tây Nguyên và trường Đại học Đà Lạt để phục vụ cho nhu cầu của vùng.

6. ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tích cực kiện toàn trường Đại học Cần Thơ có nhiều chuyên ngành đào tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Điều 4.- Để nhanh chóng ổn định các trường đại học, khai thác có hiệu quả các cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, huy động được lực lượng giáo viên giỏi vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và làm tốt công tác nghiên cứu khoa học, cần xây dựng và sắp xếp lại các trường đại học làm nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho nhiều ngành chuyên môn.

1. Các trường Đại học Tổng hợp có nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho nhu cầu nghiên cứu khoa học, giảng dạy đại học chuyên nghiệp và trường phổ thông trung học và cán bộ phục vụ trong một số ngành sản xuất chủ yếu của nền KTQD. Đối với các trường Đại học Tổng hợp trọng điểm cần mở đủ các ngành đào tạo, củng cố các ngành khoa học xã hội và chuyên ngành tiếng nước ngoài, xây dựng bộ môn giáo dục học.

2. Xây dựng trường Đại học Cần Thơ thành trường có nhiều ngành đào tạo, không tách khoa sư phạm, y, nông nghiệp thành các trường riêng biệt. Thực hiện sự liên kết chặt chẽ giữa trường đại học Cần Thơ với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, các Viện nghiên cứu khoa học khác ở trong vùng.

3. Nhanh chóng xây dựng trường Đại học Tây Nguyên thành trường nhiều ngành không tách các khoa y, nông nghiệp, lâm nghiệp thành những trường đại học riêng biệt. Củng cố trường Đại học Đà Lạt. Thực hiện sự liên kết chặt chẽ giữa trường Đại học Tây Nguyên và Đại học Đà Lạt với các Viện nghiên cứu khoa học trong vùng.

4. Xây dựng các trường Đại học Nông nghiệp gồm đủ các chuyên ngành đào tạo thuộc nhóm ngành khoa học nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp và ngư nghiệp), một số chuyên ngành kinh tế và chuyên ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Kiện toàn trường Đại học Lâm nghiệp thành trường đại học đầu ngành của ngành lâm nghiệp có các ngành lâm sinh, công nghiệp khai thác rừng và chế biến gỗ. Kiện toàn trường Đại học Thuỷ sản thành trường đầu ngành của ngành thuỷ sản, có các ngành nuôi trồng hải sản, khai thác và chế biến hải sản; thực hiện sự liên kết chặt chẽ với Viện nghiên cứu biển Nha Trang.

5. Chuyển nhiệm vụ đào tạo của trường Đại học Thông tin liên lạc về trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đối với trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh và trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, cần từng bước bổ sung các chuyên ngành đào tạo về công nghiệp, thuỷ lợi, vận tải v.v... để phục vụ cho các tỉnh phía Nam. Củng cố trường Đại học Hàng hải ở Hải Phòng để phục vụ tốt hơn cho ngành vận tải đường biển, chuyển các chuyên ngành đào tạo của trường Đại học Giao thông thuỷ về các trường đại học có liên quan.

6. Chuyển nhiệm vụ đào tạo hiện nay của trường cao cấp nghiệp vụ ngân hàng về trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, trường cán bộ ngân hàng làm nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ của chuyên ngành.

Tách khoa kinh tế hiện nay ở trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng để thành lập phân hiệu Đại học kinh tế Đà Nẵng phục vụ cho nhu cầu của các tỉnh Duyên hải, miền Trung và Tây Nguyên.

Điều 5.- Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư cho ngành đại học bao gồm phần do Nhà nước cấp và phần do nguồn vốn tự có của ngành đại học thông qua việc tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học, sản xuất và việc thực hiện sự liên kết với các ngành kinh tế, các địa phương, các cơ sở sản xuất và phương thức quản lý thống nhất các nguồn vốn ấy.

Điều 6.- Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp xây dựng đề án trình thường vụ Hội đồng Bộ trưởng về việc cải tiến tổ chức và quản lý các trường đại học; về mô hình tổ chức Viện đại học; về các trung tâm và các Viện nghiên cứu khoa học trong các trường đại học; về sự liên kết giữa các trường đại học với nhau, giữa các trường đại học với các ngành, các địa phương, các Viện nghiên cứu khoa học và các cơ sở sản xuất.

1. Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp cùng với Bộ Giáo dục và Bộ Y tế xây dựng đồ án tổ chức thí điểm Viện đại học Huế trình Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng quyết định; thành lập Viện đại học Y thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở các ngành y, dược, nha của trường đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh.

2. Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp cần sớm thống nhất với các ngành có liên quan để ban hành cơ cấu và danh mục ngành nghề đào tạo cán bộ chuyên môn (trung học chuyên nghiệp, đại học và sau đại học) cho cả nước, ban hành thống nhất các kế hoạch học tập và chương trình đào tạo cho trường đại học, đồng thời soát xét, bổ sung và hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, các định mức, các quy chế, các chế độ trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. 3. Giao trách nhiệm cho Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp quản lý thống nhất việc cấp các văn bằng tốt nghiệp và các chứng chỉ đào tạo cho mọi hình thức và loại hình đào tạo đại học và sau đại học, tiến hành thường xuyên việc thanh tra và kiểm tra các trường.

Điều 7.- Các Bộ có trường đại học và cao đẳng thuộc diện chuyển về Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp theo Nghị quyết số 73-HĐBT ngày 12-7-1983 của Hội đồng Bộ trưởng cần tiếp tục thực hiện việc bàn giao các trường đó cho Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp.

Ban Tổ chức của Chính phủ cùng với Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp kiện toàn tổ chức và bổ sung cán bộ cho Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu công tác của ngành.

Điều 8.- Các đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm các Uỷ ban nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Võ Nguyên Giáp

(Đã ký)

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 110-HĐBT

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu110-HĐBT
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành08/04/1985
Ngày hiệu lực23/04/1985
Ngày công báo30/05/1985
Số công báoSố 4
Lĩnh vựcGiáo dục
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật16 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 110-HĐBT

Lược đồ Quyết định 110-HĐBT tổ chức lại 1 bước công tác đào tạo của ngành Đại học


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản đính chính

            Văn bản bị thay thế

              Văn bản hiện thời

              Quyết định 110-HĐBT tổ chức lại 1 bước công tác đào tạo của ngành Đại học
              Loại văn bảnQuyết định
              Số hiệu110-HĐBT
              Cơ quan ban hànhHội đồng Bộ trưởng
              Người kýVõ Nguyên Giáp
              Ngày ban hành08/04/1985
              Ngày hiệu lực23/04/1985
              Ngày công báo30/05/1985
              Số công báoSố 4
              Lĩnh vựcGiáo dục
              Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
              Cập nhật16 năm trước

              Văn bản thay thế

                Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản được căn cứ

                        Văn bản hợp nhất

                          Văn bản gốc Quyết định 110-HĐBT tổ chức lại 1 bước công tác đào tạo của ngành Đại học

                          Lịch sử hiệu lực Quyết định 110-HĐBT tổ chức lại 1 bước công tác đào tạo của ngành Đại học

                          • 08/04/1985

                            Văn bản được ban hành

                            Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                          • 30/05/1985

                            Văn bản được đăng công báo

                            Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                          • 23/04/1985

                            Văn bản có hiệu lực

                            Trạng thái: Có hiệu lực