Quyết định 1106/QĐ-KTNN Hướng dẫn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của Kiểm toán Nhà nước đã được thay thế bởi Quyết định 1143/QĐ-KTNN năm 2012 Quy chế quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý và được áp dụng kể từ ngày 03/07/2012.
Nội dung toàn văn Quyết định 1106/QĐ-KTNN Hướng dẫn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của Kiểm toán Nhà nước
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1106/QĐ-KTNN | Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN QUY HOẠCH CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;
Căn cứ Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW ngày 21/10/2008 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của Kiểm toán Nhà nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 302/QĐ-KTNN ngày 15/8/2003 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc ban hành Hướng dẫn quy hoạch cán bộ, công chức lãnh đạo.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC |
HƯỚNG DẪN
QUY HOẠCH CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
(Ban hành theo Quyết định số 1106/QĐ-KTNN ngày 30 tháng 9 năm 2009 của Tổng Kiểm toán Nhà nước)
I. THẨM QUYỀN, ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN CÁC CHỨC DANH QUY HOẠCH
1. Thẩm quyền quy hoạch
- Ban cán sự đảng xây dựng để đề xuất, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư quy hoạch các chức danh lãnh đạo của Kiểm toán Nhà nước thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bao gồm:
+ Tổng Kiểm toán Nhà nước;
+ Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.
- Ban Cán sự đảng quyết định quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo của Kiểm toán Nhà nước, bao gồm:
+ Vụ trưởng và tương đương;
+ Phó Vụ trưởng và tương đương;
+ Trưởng phòng và tương đương;
+ Phó trưởng phòng và tương đương.
2. Đối tượng quy hoạch
2.1. Nguồn giới thiệu quy hoạch các chức danh trong ngành
- Đối với chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước là: Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; Vụ trưởng và tương đương;
- Đối với chức danh Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước là: Vụ trưởng và tương đương; Phó Vụ trưởng và tương đương (đã quy hoạch chức danh vụ trưởng);
- Đối với chức danh Vụ trưởng và tương đương là: Phó Vụ trưởng và tương đương; Trưởng phòng và tương đương; Phó trưởng phòng và tương đương;
- Đối với chức danh Phó vụ trưởng và tương đương là: Trưởng phòng và tương đương; phó trưởng phòng và tương đương.
- Đối với chức danh trưởng phòng và tương đương là: Phó trưởng phòng và tương đương; công chức, viên chức thuộc Kiểm toán Nhà nước.
- Đối với chức danh Phó trưởng phòng và tương đương là: Công chức, viên chức thuộc Kiểm toán Nhà nước.
2.2. Nguồn bổ sung từ ngoài ngành
Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước căn cứ tiêu chuẩn và cán bộ lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước trong từng thời kỳ, từng chức danh cần bổ sung theo quy hoạch để xem xét tuyển chọn nguồn cán bộ từ : Các cơ quan, đơn vị, địa phương và các Doanh nghiệp Nhà nước.
2.3. Về độ tuổi quy hoạch
- Quy hoạch lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước : cán bộ có độ tuổi từ 55 trở xuống (đối với nam) và 50 tuổi trở xuống (đối với nữ).
- Quy hoạch lãnh đạo cấp vụ trưởng không quá 55 tuổi đối với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ, cấp phó vụ trưởng không quá 50 tuổi.
- Quy hoạch lãnh đạo cấp trưởng phòng không quá 45 tuổi, cấp phó trưởng phòng không quá 40 tuổi. Trường hợp đặc biệt do Ban cán sự đảng xem xét cụ thể và quyết định.
3. Tiêu chuẩn của cán bộ đưa vào diện quy hoạch
3.1. Tiêu chuẩn chung (theo quy định tại Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về tiêu chuẩn cán bộ), cụ thể:
- Có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tuỵ phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
- Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật, trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
- Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hoá, chuyên môn, đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
- Gương mẫu về đạo đức, lối sống; có tác phong dân chủ, khoa học. Có khả năng tập hợp quần chúng đoàn kết nội bộ.
- Có chiều hướng và triển vọng phát triển; khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi được bố trí vào chức vụ quy hoạch.
- Trình độ đào tạo:
+ Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp đại học trở lên, chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ được giao.
- Phẩm chất đạo đức:
+ Có ý thức trách nhiệm trong công tác, trong xây dựng đơn vị, khả năng tập hợp, đoàn kết cán bộ, công chức trong bộ phận, đơn vị, được quần chúng tín nhiệm.
+ Chấp hành đúng các quy định của địa phương, quan hệ đúng mực với nhân dân nơi cư trú.
3.2. Tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức quy hoạch chức danh Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước
a. Có đủ các tiêu chuẩn chung
Trình độ đào tạo
- Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp hoặc tương đương;
- Trình độ quản lý nhà nước: Chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương;
- Trình độ ngoại ngữ: Trình độ C trở lên (Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung);
- Trình độ tin học: Chứng chỉ tin học văn phòng trình độ B trở lên.
c. Trình độ lãnh đạo, quản lý
- Có khả năng tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ theo các lĩnh vực được phân công phụ trách;
- Có khả năng quản lý, tổ chức điều hành các hoạt động của đơn vị, khả năng phân tích, tổng hợp, đánh giá và tổng kết, báo cáo các lĩnh vực được phân công phụ trách;
- Có khả năng nghiên cứu và xây dựng các văn bản pháp quy thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách;
- Có khả năng xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng các đề án, kế hoạch, giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ cấp ngành và hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách;
- Có khả năng chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước về lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước.
3.3. Tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp vụ
Có đủ các tiêu chuẩn chung
Trình độ đào tạo
- Trình độ lý luận chính trị: Trung cấp trở lên;
- Trình độ quản lý nhà nước: Chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính và tương đương trở lên;
- Trình độ ngoại ngữ: Trình độ B trở lên (Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung);
- Trình độ tin học: Chứng chỉ tin học văn phòng trình độ B trở lên.
c. Trình độ lãnh đạo, quản lý
- Có khả năng tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước theo các lĩnh vực được phân công phụ trách;
- Có khả năng quản lý, tổ chức điều hành các hoạt động của đơn vị, khả năng phân tích, tổng hợp, đánh giá và tổng kết, báo cáo các lĩnh vực được phân công phụ trách;
- Có khả năng xây dựng các đề án, kế hoạch, giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ của đơn vị và hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách;
- Có khả năng chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở và xây dựng các văn bản pháp quy thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và khả năng phối hợp thực hiện nhiệm vụ được giao với các đơn vị trong và ngoài ngành.
3.4. Tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp phòng
a. Có đủ tiêu chuẩn chung
b. Trình độ đào tạo
- Trình độ lý luận chính trị: Trình độ trung cấp và tương đương;
- Trình độ quản lý nhà nước: Chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và tương đương trở lên;
- Trình độ ngoại ngữ: Trình độ B trở lên (Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung);
- Trình độ tin học: Chứng chỉ tin học văn phòng trình độ B trở lên.
c. Trình độ lãnh đạo, quản lý
- Có thời gian bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức từ 03 năm trở lên, có năng lực thực tiễn và có triển vọng phát triển rõ rệt ;
- Có khả năng tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước;
- Có khả năng quản lý, tổ chức điều hành các hoạt động được phân công, khả năng phân tích, tổng hợp và báo cáo các mặt công tác trong lĩnh vực được phân công phụ trách;
- Có khả năng xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
4. Số lượng quy hoạch
Đối với các chức danh quy hoạch Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, mỗi vị trí có từ 2-3 cán bộ dự nguồn.
Đối với các chức danh quy hoạch cấp vụ, cấp phòng đảm bảo nguồn quy hoạch (kể cả nguồn cán bộ đương chức và nguồn mới được giới thiệu bổ sung) có số lượng 1,5 - 2 lần so với số lượng cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng đương nhiệm hiện nay của Kiểm toán Nhà nước; mỗi cán bộ có thể quy hoạch vào 2-3 chức danh.
5. Tổ chức công khai quy hoạch
- Danh sách quy hoạch các chức danh lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước khi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê duyệt được gửi cho Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, Đảng uỷ Kiểm toán Nhà nước và được thông báo cho cá nhân trong diện quy hoạch biết.
- Danh sách quy hoạch các chức danh lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng được thông báo công khai trong Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, Đảng uỷ Kiểm toán Nhà nước và được gửi cho Thủ trưởng đơn vị và cấp uỷ cùng cấp; đồng thời thông báo cho cá nhân trong diện quy hoạch biết.
6. Đánh giá cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch
6.1. Nội dung đánh giá
Việc đánh giá cán bộ thuộc diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo các nội dung sau:
- Phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, nhận thức chính trị:
+ Việc chấp hành các chủ trương đường lối và quy chế, quy định của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước;
+ Giữ gìn đạo đức lối sống trong sạch, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác;
+ Tinh thần học hỏi nâng cao trình độ; tính trung thực, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác.
- Năng lực thực tiễn, kết quả công tác:
+ Năng lực điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tính chủ động, sáng tạo và mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao;
+ Khả năng đoàn kết quy tụ, phối hợp công tác phát huy sức mạnh của tập thể.
- Có chiều hướng và triển vọng phát triển: khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi được bố trí vào chức vụ quy hoạch.
6.2. Quy trình đánh giá
- Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức nhận xét, đánh giá đối với từng các bộ được giới thiệu quy hoạch.
- Tập thể lãnh đạo đơn vị và cấp uỷ cùng cấp tổ chức nhận xét, đánh giá (sau khi đã có ý kiến nhận xét của cấp uỷ hoặc chính quyền địa phương nơi cán bộ cư trú về tư cách công dân của bản thân và gia đình) đối với từng cán bộ được giới thiệu quy hoạch.
- Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước tổ chức nhận xét, đánh giá đối với từng cán bộ được giới thiệu quy hoạch các chức danh lãnh đạo cấp vụ, chức danh quy hoạch Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước.
- ý kiến nhận xét đánh giá cán bộ được thể hiện bằng văn bản, công khai trong tập thể lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, thủ trưởng đơn vị nơi cán bộ công tác và được thông báo cho cán bộ được đánh giá biết.
II. QUY TRÌNH TIẾN HÀNH QUY HOẠCH
1. Các bước tiến hành quy hoạch
1.1. Đối với chức danh lãnh đạo KTNN
1.1.1. Đối tượng từ ngoài ngành
Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước giới thiệu nhân sự ngoài ngành dự kiến đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo của Kiểm toán Nhà nước ; Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp các thông tin về cán bộ, gồm:
- Trích ngang lý lịch cán bộ được giới thiệu;
- Nhận xét, đánh giá của thủ trưởng và cấp uỷ đơn vị quản lý cán bộ, công chức được giới thiệu; ý kiến nhận xét của cấp uỷ hoặc chính quyền địa phương nơi cán bộ cư trú về tư cách công dân của bản thân và gia đình;
- Báo cáo đồng chí bí thư Ban cán sự, Tổng Kiểm toán Nhà nước trước khi đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị chủ chốt.
1.1.2. Đối tượng trong ngành
Bước 1: Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với thủ trưởng đơn vị tổ chức hội nghị toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc đơn vị quán triệt yêu cầu, mục đích, nội dung của công tác quy hoạch cán bộ Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và tiến hành lấy phiếu thăm dò giới thiệu quy hoạch các chức danh Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, kiểm phiếu, tổng hợp và lập biên bản kiểm phiếu (đơn vị chuẩn bị phiếu).
- Trên cơ sở kết quả phiếu thăm dò giới thiệu quy hoạch cán bộ Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước của các đơn vị, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp các thông tin về cán bộ, tham mưu xây dựng kế hoạch và đề xuất danh sách (nếu cần) nhân sự có triển vọng dự kiến đưa vào quy hoạch các chức danh Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, báo cáo đồng chí bí thư Ban cán sự, Tổng Kiểm toán Nhà nước trước khi đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị chủ chốt. Các thông tin gồm: họ và tên, năm sinh, năm vào Đảng, chức vụ, ngạch công chức, đơn vị công tác, trình độ đào tạo, tỷ lệ phiếu giới thiệu vào diện quy hoạch các chức danh cấp dưới.
Bước 2: Ban cán sự đảng phối hợp với Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để lấy phiếu giới thiệu quy hoạch cán bộ Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, thành phần gồm: Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, Thường vụ Đảng uỷ Kiểm toán Nhà nước, lãnh đạo cấp vụ và tương đương, Chủ tịch và Phó chủ tịch Công đoàn Kiểm toán Nhà nước và Bí thư Đoàn thanh niên cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Bí thư Đảng bộ (Chi bộ) trực thuộc, các đồng chí chuyên viên cao cấp và tương đương, theo trình tự:
- Ban cán sự đảng chủ trì phối hợp với Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước quán triệt mục đích, yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu; nhận xét, đánh giá ưu khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến chức danh quy hoạch Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước.
- Vụ Tổ chức cán bộ phát danh sách kèm theo thông tin về cán bộ dự kiến đưa vào quy hoạch chức danh Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước. Các đại biểu có thể giới thiệu thêm nguồn quy hoạch ngoài danh sách đã được chuẩn bị trước (nếu có).
- Các đại biểu dự Hội nghị bỏ phiếu giới thiệu. Tiến hành thu phiếu, kiểm phiếu và lập biên bản kiểm phiếu.
Bước 3: Trên cơ sở kết quả phiếu giới thiệu quy hoạch của Hội nghị cán bộ chủ chốt, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước thảo luận thống nhất danh sách nhân sự dự kiến đưa ra lấy ý kiến của Ban Chấp hành Đảng bộ. Phân công cán bộ lấy ý kiến nhận xét của cấp uỷ hoặc chính quyền cơ sở nơi cán bộ cư trú về tư cách công dân của bản thân và gia đình.
Bước 4: Ban cán sự đảng lấy ý kiến giới thiệu cán bộ đưa vào diện quy hoạch các chức danh Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước của Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Kiểm toán Nhà nước thông qua bỏ phiếu.
Bước 5: Trên cơ sở kết quả phiếu giới thiệu quy hoạch cán bộ Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước của Hội nghị cán bộ chủ chốt và Hội nghị của của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban cán sự đảng ghi phiếu giới thiệu quy hoạch cán bộ lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, các đồng chí được trên 50% tổng số uỷ viên Ban cán sự đảng bỏ phiếu tán thành thì đưa vào danh sách quy hoạch, lập tờ trình đề xuất, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương) xem xét quyết định đưa vào quy hoạch các chức danh Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước.
Hồ sơ trình gồm có:
+ Trích ngang lý lịch nhân sự giới thiệu quy hoạch;
+ ý kiến đánh giá của cấp uỷ nơi cư trú đối với cán bộ được giới thiệu quy hoạch;
+ Bản nhận xét, đánh giá của Ban cán sự đảng và Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đối với từng cán bộ thuộc danh sách giới thiệu quy hoạch;
+ Kết quả và tỷ lệ phiếu giới thiệu quy hoạch (gồm phiếu của hội nghị chủ chốt và phiếu của hội nghị Ban cán sự đảng);
+ Biên bản hội nghị;
+ Tờ trình đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương.
1.2. Quy trình quy hoạch lãnh đạo cấp vụ
Bước 1: Thủ trưởng đơn vị chủ trì phối hợp với cấp uỷ cùng cấp và Vụ Tổ chức cán bộ tổ chức họp lãnh đạo đơn vị, cấp uỷ cùng cấp thảo luận thống nhất về số lượng, cơ cấu và giới thiệu nhân sự dự kiến đưa vào quy hoạch các chức danh vụ trưởng và tương đương, phó vụ trưởng và tương đương, đưa ra lấy phiếu tín nhiệm giới thiệu quy hoạch.
Bước 2 : Thủ trưởng đơn vị chủ trì phối hợp với cấp uỷ cùng cấp và Vụ Tổ chức cán bộ tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc đơn vị quán triệt yêu cầu, mục đích, nội dung của công tác quy hoạch cán bộ, tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch, trên cơ sở đó, tổ chức lấy phiếu giới thiệu quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp vụ theo trình tự :
- Thông báo danh sách nhân sự dự kiến đưa vào các chức danh quy hoạch vụ trưởng và tương đương, phó vụ trưởng và tương đương, tóm tắt lý lịch, quá trình công tác, học tập ; nhận xét, đánh giá ưu khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển ; dự kiến chức danh quy hoạch (đơn vị chuẩn bị phiếu).
- Tổ chức lấy phiếu giới thiệu, kiểm phiếu, tổng hợp kết quả và lập biên bản kiểm phiếu.
- Tại hội nghị này cán bộ, công chức và người lao động đơn vị có thể giới thiệu thêm nguồn quy hoạch cấp vụ ngoài danh sách (nếu có).
- Thủ trưởng đơn vị cử cán bộ làm việc với cấp uỷ hoặc chính quyền cơ sở nơi cư trú của cán bộ, công chức được giới thiệu quy hoạch để lấy ý kiến nhận xét, đánh giá về tư cách công dân của bản thân và gia đình.
- Cấp uỷ đơn vị nhận xét đánh giá về nhân sự được giới thiệu quy hoạch bằng văn bản gửi thủ trưởng đơn vị.
Bước 3 : Trên cơ sở kết quả phiếu giới thiệu của hội nghị toàn thể, lãnh đạo đơn vị và cấp uỷ đơn vị phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt, thành phần gồm: lãnh đạo đơn vị, cấp uỷ đơn vị, lãnh đạo các phòng, trưởng các đoàn thể thuộc đơn vị. Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ công bố kết quả phiếu giới thiệu ở hội nghị toàn thể, Hội nghị thảo luận và lấy phiếu giới thiệu quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp vụ ; tổ chức kiểm phiếu, tổng hợp kết quả kiểm phiếu, lập biên bản kiểm phiếu.
Bước 4 : Tập thể lãnh đạo đơn vị căn cứ kết quả nhận xét đánh giá và kết quả phiếu giới thiệu của các Hội nghị, thảo luận thống nhất trình Ban cán sự đảng (qua Vụ Tổ chức cán bộ) xem xét quyết định phê duyệt quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp vụ.
Hồ sơ trình gồm có:
+ Trích ngang lý lịch nhân sự giới thiệu quy hoạch;
+ ý kiến đánh giá của cấp uỷ nơi cư trú đối với cán bộ được giới thiệu quy hoạch;
+ Bản nhận xét, đánh giá của cấp uỷ và lãnh đạo đơn vị đối với từng cán bộ thuộc danh sách giới thiệu quy hoạch;
+ Kết quả và tỷ lệ phiếu giới thiệu quy hoạch (gồm phiếu của hội nghị toàn thể và phiếu của hội nghị chủ chốt);
+ Biên bản hội nghị;
+ Tờ trình Ban cán sự đảng.
Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp kết quả giới thiệu quy hoạch lãnh đạo cấp vụ của các đơn vị báo cáo Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước danh sách nhân sự dự kiến đưa ra lấy ý kiến của Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan.
Bước 5 : Ban cán sự đảng lấy ý kiến giới thiệu cán bộ đưa vào diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo cấp vụ của Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Kiểm toán Nhà nước thông qua bỏ phiếu.
Bước 6 : Trên cơ sở kết quả phiếu giới thiệu quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp vụ của các hội nghị, Ban cán sự đảng thảo luận và ghi phiếu quyết định quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp vụ, các đồng chí được trên 50% tổng số uỷ viên Ban cán sự đảng ghi phiếu tán thành thì đưa vào danh sách quy hoạch.
1.3. Quy trình quy hoạch lãnh đạo cấp phòng
Bước 1: Thủ trưởng đơn vị chủ trì tổ chức họp lãnh đạo đơn vị, bí thư chi bộ hoặc đảng bộ cùng cấp thảo luận thống nhất về số lượng, cơ cấu và giới thiệu nhân sự dự kiến đưa vào quy hoạch các chức danh trưởng phòng và tương đương, phó trưởng phòng và tương đương, đưa ra lấy phiếu tín nhiệm giới thiệu quy hoạch.
Bước 2 : Thủ trưởng đơn vị chủ trì phối hợp với cấp uỷ cùng cấp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phòng quán triệt yêu cầu, mục đích, nội dung của công tác quy hoạch, tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch cấp phòng theo trình tự :
- Thông báo danh sách nhân sự dự kiến đưa vào các chức danh quy hoạch trưởng phòng và tương đương, phó trưởng phòng và tương đương, tóm tắt lý lịch, quá trình công tác, học tập ; nhận xét, đánh giá ưu khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển ; dự kiến chức danh quy hoạch .
- Tổ chức lấy phiếu giới thiệu, kiểm phiếu, tổng hợp kết quả và lập biên bản kiểm phiếu.
- Tại hội nghị này cán bộ, công chức thuộc phòng có thể giới thiệu thêm nguồn quy hoạch ngoài danh sách (nếu có).
- Thủ trưởng đơn vị cử cán bộ làm việc với cấp uỷ hoặc chính quyền cơ sở nơi cư trú của cán bộ, công chức được giới thiệu quy hoạch để lấy ý kiến nhận xét, đánh giá về tư cách công dân của bản thân và gia đình.
- Cấp uỷ đơn vị nhận xét đánh giá về nhân sự được giới thiệu quy hoạch bằng văn bản gửi thủ trưởng đơn vị.
Bước 3 : Trên cơ sở kết quả phiếu giới thiệu của Hội nghị cấp phòng, thủ trưởng đơn vị phối hợp với cấp uỷ cùng cấp tổ chức Hội nghị chủ chốt, thành phần gồm: lãnh đạo đơn vị, cấp uỷ đơn vị, lãnh đạo các phòng, trưởng các đoàn thể thuộc đơn vị. Thủ trưởng đơn vị công bố kết quả phiếu giới thiệu của các phòng, Hội nghị thảo luận và ghi phiếu giới thiệu, tổ chức kiểm phiếu, tổng hợp kết quả và lập biên bản kiểm phiếu.
Bước 4 : Tập thể lãnh đạo đơn vị căn cứ kết quả phiếu giới thiệu của các Hội nghị, thảo luận thống nhất trình Ban cán sự đảng (qua Vụ Tổ chức cán bộ) xem xét quyết định phê duyệt quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp phòng.
Hồ sơ trình gồm có:
+ Trích ngang lý lịch nhân sự giới thiệu quy hoạch;
+ ý kiến đánh giá của cấp uỷ nơi cư trú đối với cán bộ được giới thiệu quy hoạch;
+ Bản nhận xét, đánh giá của thủ trưởng đơn vị, tập thể lãnh đạo đơn vị và cấp uỷ cùng cấp đối với từng cán bộ thuộc diện quy hoạch;
+ Kết quả và tỷ lệ phiếu giới thiệu quy hoạch (gồm phiếu của Hội nghị thuộc phòng và phiếu của Hội nghị chủ chốt);
+ Biên bản Hội nghị;
+ Tờ trình Ban cán sự đảng.
Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp kết quả giới thiệu quy hoạch lãnh đạo cấp phòng của các đơn vị báo cáo Ban cán sự, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước để xem xét, quyết định quy hoạch cán bộ.
Bước 5 : Trên cơ sở kết quả phiếu giới thiệu quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp phòng của các đơn vị, Ban cán sự đảng thảo luận và ghi phiếu quyết định quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp phòng, các đồng chí được trên 50% tổng số uỷ viên Ban cán sự đảng ghi phiếu tán thành thì đưa vào danh sách quy hoạch.
2. Định kỳ xây dựng và xem xét, bổ sung quy hoạch
2.1. Xây dựng quy hoạch
Vào năm thứ hai của nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cho nhiệm kỳ tới như quy trình trên.
2.2. Xem xét, bổ sung quy hoạch
Hàng năm Ban cán sự đảng, tập thể Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước tiến hành xem xét, bổ sung nhân tố mới đủ điều kiện và tiêu chuẩn vào quy hoạch, đưa những cán bộ không còn đủ điều kiện và tiêu chuẩn ra khỏi quy hoạch.
Khi xem xét bổ sung quy hoạch, Ban cán sự đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiến hành bổ sung các chức danh quy hoạch trên cơ sở kết quả đánh giá cán bộ, công chức hàng năm theo trình tự:
- Quy hoạch các chức danh Lãnh đạo của Kiểm toán Nhà nước thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý : Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu tổng hợp kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hàng năm (đối tượng quy hoạch các chức danh Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước) trình Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước xem xét, những trường hợp cán bộ, công chức được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, được ghi nhận có thành tích trong năm, có chiều hướng triển vọng phát triển ; Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước thống nhất, lập tờ trình, đề xuất, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương) xem xét quyết định bổ sung quy hoạch các chức danh Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước.
- Quy hoạch các chức danh lãnh đạo cấp vụ: Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hàng năm; xem xét những trường hợp cán bộ, công chức được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, được ghi nhận có thành tích trong năm; thủ trưởng đơn vị thống nhất trong lãnh đạo đơn vị và cấp uỷ cùng cấp, lập tờ trình, báo cáo đề xuất trình Ban cán sự đảng (qua Vụ Tổ chức cán bộ) xem xét bổ sung quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp vụ bằng hình thức bỏ phiếu kín.
- Quy hoạch các chức danh lãnh đạo cấp phòng : Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tổng hợp kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hàng năm; xem xét những trường hợp cán bộ, công chức được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, được ghi nhận có thành tích trong năm; thủ trưởng đơn vị thống nhất trong lãnh đạo đơn vị và cấp uỷ cùng cấp, lập tờ trình, báo cáo đề xuất trình Ban cán sự đảng (qua Vụ Tổ chức cán bộ) xem xét bổ sung quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp phòng bằng hình thức bỏ phiếu kín.
- Đối với các trường hợp cán bộ, công chức thuộc diện quy hoạch có kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ; vi phạm kỷ luật; không còn đủ tiêu chuẩn hoặc quá tuổi theo quy định, đưa ra khỏi quy hoạch, theo trình tự :
+ Đối với các chức danh quy hoạch Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước : Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương) xem xét quyết định đưa ra khỏi danh sách quy hoạch chức danh lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước.
+ Đối với các chức danh quy hoạch lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng : Thủ trưởng đơn vị thống nhất trong lãnh đạo đơn vị và cấp uỷ cùng cấp, lập tờ trình báo cáo, đề xuất Ban cán sự đảng (qua Vụ Tổ chức cán bộ) xem xét quyết định đưa ra khỏi danh sách quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm giúp Ban cán sự đảng và Tổng Kiểm toán Nhà nước hướng dẫn, triển khai thực hiện, kiểm tra công tác quy hoạch cán bộ theo Quy định này; phối hợp với các đơn vị tổ chức đánh giá, xây dựng và bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tổng hợp kết quả đánh giá và bổ sung quy hoạch trình Ban cán sự đảng và Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét, phê duyệt quy hoạch.
2. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện công tác quy hoạch cán bộ của đơn vị mình; quy định này được phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ở các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện có vấn đề phát sinh chưa được quy định hoặc khó khăn vướng mắc phản ánh kịp thời về Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp báo cáo Ban cán sự đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.