Quyết định 1124/QĐ-UBND

Quyết định 1124/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Nội dung toàn văn Quyết định 1124/QĐ-UBND 2018 Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình 2025 2030


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1124/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 30 tháng 8 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/06/2015;

Căn cứ Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 29/11/2005;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/06/2014;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 19/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh và công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 10/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 350/TTr-KHĐT ngày 17/8/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với các nội dung chính sau:

I. Quan điểm quy hoạch

- Phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình phải phù hợp với Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình;

- Phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình nhằm khai thác có hiệu quả những lợi thế về tiềm năng du lịch, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, nhưng phải gắn với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, các giá trị văn hóa lịch sử và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng và phát triển bền vững;

- Tập trung phát triển du lịch nội địa, hướng tới các thị trường và sản phẩm du lịch có khả năng chi trả cao (nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa, lịch sử...); chú trọng thu hút các thị trường quốc tế (Tây Âu, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...);

- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh đặc trưng của địa phương về các yếu tố tự nhiên và văn hóa lịch sử... để phát triển du lịch, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội;

- Phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình không thể tách rời mối liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng sông Hồng; với các tỉnh trong cả nước và mối liên kết hợp tác quốc tế theo hành lang Đông - Tây;

- Phát triển du lịch Ninh Bình cần quan tâm đến lợi ích của cộng đồng dân cư; đảm bảo cho cộng đồng được tham gia và hưởng lợi từ hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch, từ đó nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.

II. Mục tiêu phát triển

1. Mục tiêu chung

Đến năm 2020, Ninh Bình trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước; đến năm 2030, ngành du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

2. Mục tiêu cụ thể

- Về khách du lịch: Năm 2020 thu hút 1,0 triệu lượt khách quốc tế (trong đó có 200 nghìn lượt khách lưu trú) và 7,0 triệu lượt khách nội địa (trong đó có 1 triệu lượt khách lưu trú); Năm 2025 thu hút 1,5 triệu lượt khách quốc tế (trong đó có 500 nghìn lượt khách lưu trú) và 9,0 triệu lượt khách nội địa (trong đó có 2,25 triệu lượt khách lưu trú); Năm 2030 thu hút 2,1 triệu lượt khách quốc tế (trong đó có 0,9 triệu lượt khách lưu trú) và 11,2 triệu lượt khách nội địa (trong đó có 3,9 triệu lượt khách lưu trú);

- Về tổng thu từ du lịch: Năm 2020 đạt trên 4.200 tỷ đồng (tương đương 191 triệu USD); Năm 2025 đạt trên 11.800 tỷ đồng (tương đương 540 triệu USD); Năm 2030 đạt trên 27.200 tỷ đồng (tương đương 1.240 triệu USD);

- Về cơ sở lưu trú: Năm 2020 có 7.000 buồng lưu trú, trong đó có 1.100 buồng xếp hạng từ 3-5 sao; Năm 2025 có 11.500 buồng lưu trú, trong đó có 2.300 buồng xếp hạng từ 3-5 sao; Năm 2030 có 22.800 buồng lưu trú, trong đó có 7.000 buồng xếp hạng từ 3-5 sao;

- Về nguồn nhân lực du lịch: Năm 2020 có 22.600 lao động du lịch, trong đó có 8.600 lao động trực tiếp; Năm 2025 có 32.000 lao động du lịch, trong đó có 12.000 lao động trực tiếp; Năm 2030 có 60.000 lao động du lịch, trong đó có 20.000 lao động trực tiếp.

III. Các định hướng phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình

1. Định hướng phát triển thị trường du lịch

- Thị trường khách du lịch nước ngoài gồm: Khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc; khu vực Đông Nam Á (ASEAN); khu vực Châu Âu (Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch); khu vực Bắc Mỹ (chủ yếu là Mỹ); khu vực Châu Úc (Úc và Newzeland);

- Thị trường khách du lịch nội địa.

2. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch

- Nhóm các sản phẩm du lịch tham quan danh lam thắng cảnh: Tham quan, nghiên cứu Quần thể danh thắng Tràng An; Tham quan, nghiên cứu Cố đô Hoa Lư, khu Tam Cốc - Bích Động, Thạch Bích - Thung Nắng, Thung Nham, Hang Bụt, Hang Ghé, Hang Chùa; tham quan, nghiên cứu khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; khu vực suối khoáng nóng Kênh Gà...

- Nhóm các sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh: Tham quan, nghiên cứu các di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư; tham quan, nghiên cứu các di tích lịch sử văn hóa khu vực Tam Cốc - Bích Động; Chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm; và hệ thống các đình, đền, chùa khác; Tham quan, nghiên cứu các lễ hội văn hóa tâm linh.

- Nhóm các sản phẩm du lịch sinh thái: Tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái ở khu quần thể danh thắng Tràng An; vườn quốc gia Cúc Phương; công viên động vật hoang dã Quốc gia; khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; tham quan nghiên cứu sinh thái vùng ngập nước ven biển Kim Sơn - Cồn nổi...

- Nhóm các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng: du lịch nghỉ dưỡng vùng sinh thái Vân Long; vườn quốc gia Cúc Phương (vùng đệm); Hồ Đồng Chương, Yên Thắng, Đồng Thái; Du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Kênh Gà, nước khoáng Cúc Phương; du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh bằng thảo dược Ninh Bình (gắn với lịch sử nghề trồng cây thuốc chữa bệnh tại Gia Sinh, Gia viễn của Quốc Sư Nguyễn Minh Không thời Lý); du lịch nghỉ dưỡng biển Cồn Nổi; du lịch nghỉ dưỡng nhà vườn...

- Nhóm các sản phẩm du lịch vui chơi giải trí, thể thao cuối tuần: du lịch chơi golf (Tràng An, Hoàng Gia...); du lịch thủy phi cơ, khinh khí cầu (Tràng An, hồ Đồng Thái...); du lịch vui chơi giải trí, thể thao cuối tuần (hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái); du lịch cuối tuần Thung Nắng, động Thiên Hà, Thung Nham, Vân Long, Cúc Phương...

- Nhóm sản phẩm du lịch biển, sinh thái biển: du lịch tắm, nghỉ dưỡng biển (Cồn Nổi); du lịch tham quan rừng ngập mặn Kim Sơn; du lịch tham quan khu vực nuôi thủy sản; thưởng thức đặc sản biển Kim Sơn...

- Các sản phẩm du lịch bổ trợ: du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm; các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch... (du lịch MICE); du lịch đô thị ở các trung tâm thương mại, mua sắm; vui chơi giải trí; các khu dịch vụ du lịch; chợ đêm; phố đi bộ...; du lịch tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm làng nghề (cói, rượu Kim Sơn; thêu ren Ninh Hải, chạm khắc đá Ninh Vân, gốm sứ Bồ Bát...); du lịch cộng đồng; du lịch tham quan, trải nghiệm nông thôn ở Gia Viễn, Kim Sơn, Hoa Lư, Yên Mô; du lịch tham quan, nghiên cứu các giá trị văn hóa Mường ở huyện Nho Quan.

3. Định hướng phát triển du lịch theo lãnh thổ

- Phát triển trung tâm du lịch chính: Thành phố Ninh Bình là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Với vị trí địa lý và các tiềm năng phát triển du lịch, thành phố Ninh Bình được định hướng phát triển trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, đầu mối phân phối khách du lịch cho toàn tỉnh để từng bước phát triển trở thành đô thị du lịch.

- Các trung tâm phụ trợ: Thành phố Tam Điệp, các thị trấn của các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn được định hướng phát triển là các trung tâm phụ trợ, với mục đích bổ trợ dịch vụ cho các khu, điểm du lịch phụ cận trên địa bàn theo từng địa phương.

- Phát triển khu du lịch quốc gia: Trên cơ sở kết quả đánh giá đặc điểm tài nguyên du lịch của, các điều kiện phát triển và chủ trương đầu tư, định hướng về phát triển các khu du lịch quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 2 khu du lịch quốc gia là Khu du lịch quốc gia quần thể danh thắng Tràng An và khu du lịch quốc gia Kênh Gà - Vân Trình (Khi dự án đầu tư được phê duyệt và tổ chức thực hiện).

- Khu du lịch cấp tỉnh: Định hướng phát triển các khu du lịch cấp tỉnh của Ninh Bình bao gồm 06 khu du lịch: Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động; Khu du lịch Cúc phương; Khu du lịch sinh thái Vân Long; Khu du lịch hồ Đồng Thái; Khu du lịch Thung Nham - Động Thiên Hà; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển Cồn Nổi.

- Phát triển các điểm du lịch, gồm:

+ Điểm du lịch thuộc thành phố Ninh Bình: gồm các điểm có tài nguyên du lịch có giá trị như: Núi Non Nước; Núi Kỳ Lân; Núi Ngọc Mỹ Nhân; Lâm viên núi Cánh Diều; Hồ Cá Voi; Công viên Văn hóa Tràng An; Bảo tàng Ninh Bình; Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế...

+ Điểm du lịch thuộc huyện Hoa Lư: Ngoài các điểm tham quan du lịch trong Khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, khu du lịch Thung Nham, các điểm du lịch gồm: Quần thể di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư; Thạch Bích - Thung Nắng; các làng nghề (chạm khắc đá Ninh Vân, thêu ren Ninh Hải, đồ gỗ Ninh Phong...).

+ Điểm du lịch thuộc huyện Gia Viễn: Ngoài các điểm du lịch thuộc khu du lịch Vân Long, định hướng phát triển các điểm du lịch ở Gia Viễn gồm: Động Hoa Lư, Thung Lá, Động và chùa Địch Lộng, Chùa Bái Đính, Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Đền Đức Thánh Nguyễn, Suối khoáng nóng Kênh Gà.

+ Điểm du lịch thuộc huyện Nho Quan: Hồ Đồng Chương, Hồ Yên Quang, Hồ Thường Xung, Hang động Vân Trình, động Thiên Hà, Khu du lịch Phủ Đồi Ngang, Công viên động vật hoang dã quốc gia, Sân Golf Tràng An, làng gốm Gia Thủy, căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu.

+ Điểm du lịch thuộc huyện Yên Mô: Hồ Đồng Thái; Hồ Yên Thắng; Cửa biển Thần Phù; Làng gốm Bồ Bát; Nhà bia tưởng niệm đồng chí Tạ Uyên; Chùa Hang, Núi Bảng xã Yên Mạc; Chùa Tháp...

+ Điểm du lịch thuộc huyện Yên Khánh: Đền Lưu Mỹ, Đền Văn Giáp, Đền Thượng, Đền thôn Đỗ, Đền chùa thôn Năm, Đền Kiến Ốc, Đền Tiên Yên, Đền Tam Thánh, Đền thờ Triệu Việt Vương, Đình Yên Phú...

+ Điểm du lịch thuộc huyện Kim Sơn: Nhà thờ đá Phát Diệm, Đền thờ Nguyễn Công Trứ, Bãi Ngang, rừng ngập mặn cửa sông Đáy, khu vực nuôi trồng thủy sản...

+ Điểm du lịch thuộc thành phố Tam Điệp: Phòng tuyến Tam Điệp, Sân golf Hoàng Gia, Đền Dâu, đền Quán Cháo, đền thờ Vua Quang Trung, Công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Làng nghề trồng Đào phai Đông Sơn...

- Phát triển các tuyến du lịch, gồm: Các tuyến du lịch nội tỉnh và các tuyến du lịch liên tỉnh và quốc tế.

4. Định hướng đầu tư phát triển du lịch

- Các khu vực ưu tiên đầu tư: Các khu vực này bao gồm: thành phố Ninh Bình và phụ cận (du lịch đô thị); khu du lịch quốc gia Tràng An (du lịch Di sản Thế giới); khu du lịch quốc gia Kênh Gà - Vân Trình (du lịch tổng hợp); khu du lịch Vân Long (du lịch sinh thái); khu vực Kim Sơn - Cồn Nổi (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển); khu du lịch vườn quốc gia Cúc Phương - Hồ Đồng Chương (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu động vật hoang dã...); Hồ Yên Thắng, Hồ Đồng Thái (du lịch thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng); Khu vực Đồng Giao - Tam Điệp (du lịch văn hóa, sinh thái nông nghiệp công nghệ cao).

- Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư:

+ Đầu tư xây dựng các khu du lịch quốc gia một cách đồng bộ, có chất lượng cao, với các sản phẩm du lịch đa dạng mang thương hiệu để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.

+ Đầu tư tăng cường hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chất lượng cao (khách sạn nghỉ dưỡng 4 - 5 sao, các phương tiện vận chuyển chuyên dùng, các hình thức và phương tiện vui chơi giải trí hiện đại, các dịch vụ bổ sung...); đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nhân viên du lịch; đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch...

+ Đầu tư cho các ngành dịch vụ có liên quan đến tổ chức hoạt động du lịch: sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ; trung tâm thương mại, phố đi bộ, chợ đêm...

+ Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng du lịch (giao thông, bến thuyền, cấp nước sạch, hệ thống xử lý chất thải... ở các khu, điểm du lịch).

5. Định hướng bảo vệ môi trường du lịch

- Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải: Bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần làm gia tăng giá trị tài nguyên du lịch và phát triển bền vững.

- Xây dựng cơ chế chính sách trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm môi trường du lịch: Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở hoạt động du lịch sử dụng năng lượng sạch, tái tạo để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Có chính sách thu phí, xử phạt... đối với các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường ở các cơ sở dịch vụ du lịch; có quy định bắt buộc đối với các cơ sở dịch vụ du lịch báo cáo định kỳ về kết quả bảo vệ môi trường với cơ quan có thẩm quyền.

- Nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp và xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường: Tuyên truyền, giáo dục, đào tạo về bảo vệ môi trường nhằm tăng cường hiểu biết cho cộng đồng và doanh nghiệp du lịch. Xây dựng nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, khả năng tư duy để quản lý, sử dụng bền vững, khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch.

IV. Các giải pháp và chính sách phát triển

1. Giải pháp về cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút đầu tư phát triển du lịch

- Thuế thu nhập doanh nghiệp: Rà soát và ban hành quy định về ưu đãi thuế; chuyển ưu đãi thuế theo hướng ưu đãi sau đầu tư (ưu đãi về thuế suất, miễn, giảm thuế) sang hướng ưu đãi trực tiếp cho nhà đầu tư tại các khu du lịch trọng điểm.

- Thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu: Kiến nghị được miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các trang thiết bị chuyên dùng, các vật tư xây dựng, các phương tiện vận chuyển khách du lịch công nghệ cao trong các dự án phát triển du lịch mà trong nước chưa sản xuất được phải nhập khẩu (như ôtô điện, tàu điện monorail, cầu trượt, máng trượt, canô, dù lượn, khinh khí cầu...). Đối với các loại hàng hóa là trang thiết bị của dự án đầu tư xây dựng khách sạn 3 - 5 sao trong các khu du lịch trọng điểm của tỉnh mà phải nhập khẩu, được kiến nghị cho phép miễn thuế nhập khẩu lần đầu. Đối với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng giả cổ, hàng lưu niệm và các loại hàng hóa khác được sản xuất tại địa phương mà khách du lịch quốc tế có nhu cầu mang theo, kiến nghị tạo mọi điều kiện về mặt thủ tục hải quan và miễn thuế xuất khẩu để khuyến khích xuất khẩu tại chỗ (cơ sở bán xác nhận nguồn gốc hàng hóa).

- Thuế sử dụng đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền thuê mặt nước: Đối với các nhà đầu tư vào các khu, điểm du lịch sinh thái; khu công viên văn hóa có các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí... được thực hiện theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

2. Giải pháp về tổ chức quản lý

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh; quản lý chặt chẽ các nhà hàng du lịch đạt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nghiên cứu xây dựng hoàn thiện các quy chế quản lý ở các khu, điểm du lịch, các khu di tích lịch sử... nhằm tạo hành lang pháp lý để quản lý, đầu tư, khai thác và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Tăng cường cơ chế liên kết, hợp tác, phối hợp trong hoạt động du lịch giữa các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch du lịch: Xác định ranh giới quy hoạch du lịch trên địa bàn các phân khu chức năng; các khu, điểm du lịch... làm căn cứ quản lý và đầu tư khai thác phục vụ phát triển du lịch; Từng bước lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch để triển khai các dự án.

3. Giải pháp về đầu tư phát triển du lịchð

- Đầu tư xây dựng đồng bộ các khu du lịch trọng điểm; Đầu tư phát triển hệ thống khách sạn và các công trình dịch vụ du lịch chất lượng cao; các công trình vui chơi giải trí, thể thao, các dịch vụ bổ trợ khác; đầu tư bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa lịch sử và phát triển các lễ hội, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch.

- Tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch quan trọng. Tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí trong Chương trình hành động quốc gia về du lịch, nguồn vốn ODA để đầu tư vào hạ tầng du lịch, bảo tồn các di tích cấp quốc gia... Nguồn ngân sách địa phương tập trung cho công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch; tổ chức các sự kiện; bảo vệ môi trường... Thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch

4. Giải pháp về phát triển thị trường và đa dạng hóa sản phẩm du lịch

- Nâng cao năng lực hoạt động cho các công ty du lịch lữ hành quốc tế trên địa bàn tỉnh; mở rộng hành lang liên kết du lịch với các thị trường du lịch trong và ngoài nước, với các đơn vị tổ chức du lịch để tăng hiệu quả kinh doanh du lịch.

- Xác định xu hướng phát triển du lịch trên thế giới, trong khu vực, trong nước, xác định các thị trường mục tiêu, thị trường trọng điểm với các đặc điểm, nhu cầu cụ thể... trên cơ sở đó xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch phù hợp cho từng thị trường, có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh nhằm thu hút khách du lịch và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

5. Giải pháp về đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch

Nghiên cứu, xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chuyên môn (đặc biệt là về quản lý quy hoạch, quản lý và thẩm định các dự án du lịch, quản lý và bảo vệ môi trường, về xúc tiến quảng bá du lịch...) đối với các cán bộ quản lý nhà nước về du lịch; có chính sách hỗ trợ cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về ứng xử văn hóa, văn minh du lịch.

6. Giải pháp về tăng cường xúc tiến đầu tư, xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch

Tổ chức các chương trình giới thiệu về du lịch Ninh Bình ở trong và ngoài nước, đặc biệt là ở những thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Trung Quốc... và ở trong nước như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh. Xây dựng chương trình giới thiệu về Tiềm năng, Điểm đến, Cơ hội đầu tư và Con người Ninh Bình, Tổ chức, giới thiệu dưới nhiều hình thức để cung cấp thông tin về du lịch Ninh Bình tại các đầu mối giao thông (sân bay, nhà ga, bến xe), tại các khu, điểm du lịch, tại các khách sạn... Liên kết, hợp tác với các địa phương trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

7. Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch

Ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch trong các khách sạn, khu du lịch nhằm góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững. Sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường trong xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đảm bảo hạn chế việc thay đổi môi trường cảnh quan trong xây dựng.. .Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng vật liệu tre luồng và các vật liệu khác thân thiện môi trường trong các công trình du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống du lịch thông minh trong quản lý tài nguyên du lịch, các khu, điểm du lịch; trong công tác điều hành, trong kinh doanh du lịch.

8. Giải pháp liên kết và hợp tác trong phát triển du lịch

Phát triển du lịch Ninh Bình phải nằm trong chiến lược liên kết, hợp tác chung của du lịch cả nước và vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm liên kết hợp tác trong việc xây dựng kết nối các tuyến du lịch, xây dựng các tour du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch và liên kết, hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao.

9. Giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch và ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng

- Tuyên truyền, giáo dục đến cộng đồng, đến các doanh nghiệp và khách du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại các cơ sở lưu trú du lịch, tại các khu điểm du lịch... Xây dựng bổ sung nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn tại các điểm du lịch.

- Nâng cao nhận thức toàn xã hội về tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với hoạt động phát triển du lịch; lồng ghép các phương án thích ứng với biến đổi khí hậu trong các quy hoạch và các dự án đầu tư du lịch (đặc biệt là các dự án ven biển).

- Khuyến khích phát triển du lịch sinh thái và các loại hình du lịch thân thiện với môi trường phù hợp với thực tiễn ở Ninh Bình.

- Xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng trong lĩnh vực du lịch

- Khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, tái tạo trong các cơ sở dịch vụ du lịch.

10. Giải pháp khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng tham gia hoạt động du lịch

Chú trọng nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư và tạo điều kiện để cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch. Nghiên cứu chính sách về khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng địa phương tham gia đầu tư phát triển du lịch.

V. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

1. Sở Du lịch

- Tổ chức hội nghị công bố “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

- Là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai quy hoạch du lịch có hiệu quả. Xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai quy hoạch, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định trong quy hoạch. Định kỳ hàng năm, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện quy hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng các chương trình liên ngành tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch.

- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan điều chỉnh các quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn toàn tỉnh phù hợp với nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống chính sách; quy chế quản lý các hoạt động du lịch; quy chế quản lý các khu du lịch trên địa bàn toàn tỉnh phù hợp với các điều kiện, đặc thù của địa phương để trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét ban hành. Đây là những công cụ quản lý có hiệu quả đối với các hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, tham gia thẩm định các dự án đầu tư du lịch, tổ chức và tham gia các sự kiện trong nước và quốc tế về du lịch...

- Xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố phụ cận. Trước mắt xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác cụ thể với Hà Nội trong việc thu hút khách đến Ninh Bình; với Hải Phòng, Quảng Ninh trong việc xây dựng các chương trình du lịch liên vùng để khai thác giá trị sản phẩm du lịch biển để bổ sung cho sản phẩm du lịch Ninh Bình...

- Xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, khả năng giao tiếp cho nguồn nhân lực du lịch và cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Văn hóa và Thể thao

- Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp và Sở Du lịch trong việc xây dựng quy chế quản lý và khai thác các khu di tích văn hóa lịch sử, danh thắng phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích và phát triển du lịch.

- Chủ trì và phối hợp với Sở Du lịch xây dựng quy chế quản lý và khai thác các khu di tích danh thắng, các di tích văn hóa lịch sử phục vụ phát triển du lịch.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Có trách nhiệm phối hợp với Sở Du lịch, các sở, ban, ngành có liên quan và chính quyền các cấp trong việc quản lý Nhà nước về đất đai, giao đất cho các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh; trong việc xây dựng quy chế về bảo vệ tài nguyên và môi trường trong các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan lập danh sách các công trình, dự án đầu tư cho lĩnh vực du lịch có sử dụng đến đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, tổng hợp, trình duyệt đảm bảo triển khai các dự án được thuận lợi, đúng quy định.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch và các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng danh mục các dự án ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ du lịch. Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước đối với các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Du lịch tham mưu xây dựng các đề án, dự án nhằm thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, báo cáo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thẩm định các dự án trong lĩnh vực du lịch, sử dụng nguồn vốn trong và ngoài ngân sách.

5. Sở Xây dựng

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Du lịch; chính quyền địa phương các cấp và các đơn vị liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định, xét duyệt các dự án, đề án về quy hoạch phát triển du lịch; trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án về du lịch trên địa bàn tỉnh...

- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong các công trình du lịch và các công trình công cộng trong các khu, điểm du lịch.

6. Sở Giao thông vận tải

- Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Du lịch, chính quyền địa phương các cấp xây dựng và triển khai đề án phân luồng, tuyến giao thông ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển khách du lịch vào các khu, điểm du lịch trong mùa du lịch cao điểm, mùa lễ hội... trên địa bàn toàn tỉnh. Kiểm tra, xử lý các phương tiện vận tải không đủ tiêu chuẩn phục vụ, đảm bảo an toàn cho khách du lịch; xây dựng đề án lắp đặt hệ thống biển báo, biển hướng dẫn tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.

- Đối với các tuyến giao thông đang được xây dựng, nâng cấp, mở rộng do Sở Giao thông vận tải là chủ đầu tư, cần tập trung hoàn thiện đúng tiến độ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và du lịch.

7. Sở Tài chính

Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí phục vụ phát triển du lịch.

8. Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm trong việc phát triển các làng nghề truyền thống, các sản phẩm và hàng hóa, dịch vụ đặc trưng của tỉnh để phục vụ phát triển du lịch.

9. Các sở, ban, ngành có liên quan

Các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch tổ chức thực hiện các nội dung quy hoạch; tổ chức thực hiện quy hoạch theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

10. UBND các huyện, thành phố

Căn cứ vào không gian phát triển du lịch, UBND các huyện, thành phố nơi có nguồn tài nguyên du lịch đã được xác định trong quy hoạch, có các biện pháp bảo tồn, tôn tạo tài nguyên du lịch, cảnh quan, môi trường tự nhiên và xã hội; thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về du lịch có trách nhiệm, thực hiện nếp sống văn minh du lịch; có trách nhiệm phối kết hợp với các ngành chức năng trong việc triển khai thực hiện các nội dung dự án tại địa phương.

Điều 2. Giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan tổ chức công bố quy hoạch theo đúng quy định hiện hành, đồng thời tổ chức thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt, gửi lưu trữ hồ sơ Quy hoạch theo quy định; định kỳ 6 tháng, cuối năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa và Thể thao, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, VP 2, 5, 4, 6.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Chung Phụng

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1124/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu1124/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành30/08/2018
Ngày hiệu lực30/08/2018
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật6 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1124/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 1124/QĐ-UBND 2018 Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình 2025 2030


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 1124/QĐ-UBND 2018 Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình 2025 2030
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu1124/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Ninh Bình
                Người kýĐinh Chung Phụng
                Ngày ban hành30/08/2018
                Ngày hiệu lực30/08/2018
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật6 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Quyết định 1124/QĐ-UBND 2018 Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình 2025 2030

                      Lịch sử hiệu lực Quyết định 1124/QĐ-UBND 2018 Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình 2025 2030

                      • 30/08/2018

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 30/08/2018

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực