Nội dung toàn văn Quyết định 113-TTg chính sách giá cả hợp tác xã mua bán ở xã
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 113-TTg | , ngày 22 tháng 11 năm 1963 |
QUYẾT ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ CHÍNH SÁCH GIÁ CẢ ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ MUA BÁN Ở XÃ
Hiện nay, tổ chức hợp tác xã mua bán ở xã đã được phát triển rộng rãi trong toàn miền Bắc, cần phải được Nhà nước chỉ đạo về mặt giá cả. Nhưng vì thời gian hoạt động của tổ chức này còn ngắn, kinh nghiệm chỉ đạo của ngành thương nghiệp và các cấp ủy ban hành chính còn ít, nên theo đề nghị của Hội đồng vật giá, Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm thời một số điểm về chính sách giá cả đối với hợp tác xã mua bán ở xã như sau:
1. Nguyên tắc chung của chính sách giá cả đối với hợp tác xã mua bán ở xã, là:
Tuỳ theo điều kiện hoạt động ở từng vùng (đồng bằng, trung du, miền núi, vùng rẻo cao…) tuỳ theo từng hình thức hoạt động (tự mua tự bán, mua hộ bán hộ, đại lý mua hoặc đại lý bán cho mậu dịch quốc doanh…) và tuỳ theo tính chất mặt hàng (hàng công nghiệp tiêu dùng, tư liệu sản xuất hay hàng thực phẩm, chi phí kinh doanh cao hay thấp, dễ hoặc khó vận chuyển, bảo quản …) mà bảo đảm cho hợp tác xã mua bán ở xã bù đắp đầy đủ những chi phí lưu thông cần thiết và có một mức lãi hợp lý nhằm thông qua nguyên tắc lợi ích vật chất để khuyến khích tính tích cực phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống của tổ chức đó.
2. Về cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quy định:
a) Về giá bán lẻ đối với những loại hàng mà hợp tác xã mua bán ở xã làm đại lý bán cho mậu dịch quốc doanh: giá bán lẻ cho người tiêu dùng tại xã là giá bán lẻ của Nhà nước áp dụng tại cửa hàng mậu dịch quốc doanh khu vực hoặc cửa hàng mậu dịch quốc doanh huyện (nếu giá bán lẻ quy định thống nhất trong toàn huyện). Hợp tác xã mua bán ở xã được hưởng một tỷ lệ hỏa hồng tạm thời quy định như sau:
- Đối với vùng đồng bằng và trung du: bình quân 3,7% trên giá bán lẻ hàng hóa;
- Đối với vùng thấp của miền núi: bình quân 5,5% trên giá bán lẻ hàng hóa.
Bộ Nội thương sẽ căn cứ vào mức hỏa hồng này mà quy định mức hỏa hồng bình quân cho từng tỉnh và hướng dẫn cho các khu, thành phố, tỉnh định cụ thể cho từng nhóm hàng, từng huyện, từng khu vực cho sát.
b) Về giá thu mua đối với những loại hàng mà hợp tác xã mua bán ở xã làm đại lý mua cho mậu dịch quốc doanh:
Giá thu mua mà hợp tác xã mua bán ở xã trả cho người sản xuất là giá thu mua của Nhà nước áp dụng tại cửa hàng mậu dịch quốc doanh khu vực hoặc huyện (nếu giá thu mua quy định thống nhất trong toàn huyện). Ở những nơi và đối với những mặt hàng mà hợp tác xã mua bán ở xã làm đại lý thu mua cho mậu dịch quốc doanh (bao gồm các khâu vận động, tổ chức thu mua, bao bì đóng gói…) thì hợp tác xã mua bán ở xã được hưởng một tỷ lệ hoả hồng nhất định trên số lượng và trị giá hàng thu mua được; tỷ lệ hoả hồng này cao hay thấp tùy theo từng loại hàng. Nếu hợp tác xã mua bán ở xã lại chở hàng từ xã lên kho cửa hàng khu vực hoặc huyện để giao thì được trả thêm tiền phí tổn vận chuyển.
Nếu hợp tác xã mua bán ở xã không trực tiếp tổ chức thu mua mà chỉ giúp mậu dịch quốc doanh nắm tình hình sản xuất, đi sát các cơ sở hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và hộ nông dân để vận động bán cho Nhà nước, giữ liên hệ giữa cơ quan thu mua với người sản xuất để đặt lịch cân nhận, giao hàng, thanh toán.. thì chỉ được hưởng một khoản thù lao nhất định, nhiều ít tuỳ theo từng loại hàng. Tỷ lệ hoả hồng và thù lao trên đây do bộ Nội thương quy định.
c) Về giá thu mua và giá bán lẻ đối với những loại hàng mà hợp tác xã mua bán ở xã tự thu mua và tự bán:
- Đối với những loại hàng đã có giá chỉ đạo của ủy ban hành chính và của ngành thương nghiệp địa phương thì hợp tác xã mua bán ở xã phải thu mua và bán ra theo giá chỉ đạo.
- Đối với những loại hàng chưa có giá chỉ đạo thì hợp tác xã mua bán ở xã thu mua và bán ra theo giá thoả thuận với người sản xuất và người tiêu thụ.
- Đối với những loại hàng không tiêu thụ hết ở xã mình thì hợp tác xã mua bán có thể bán lại cho tổ chức hợp tác xã mua bán xã gần nhất hoặc cho tổ chức hợp tác xã hay cửa hàng mậu dịch quốc doanh khu vực hoặc huyện theo giá chỉ đạo nếu có hoặc theo giá thoả thuận với nhau. Nói chung, mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán ở huyện, khu vực cần mở rộng việc tiêu thụ những loại hàng này, không nên để cho hợp tác xã mua bán ở xã phải phát triển việc kinh doanh theo lối đường dài. Trường hợp thật cần thiết, không thể giải quyết tiêu thụ ở địa phương được, thì hợp tác xã mua bán ở xã phải được phòng thương nghiệp huyện cho phép đem hàng đi xa bán; đến những nơi ấy cần ưu tiên bán hàng cho các cơ sở mậu dịch quốc doanh hoặc hợp tác xã mua bán. Nếu cần bán ra thị trường tự do, cũng cần được cơ quan thương nghiệp địa phương giúp đỡ trong việc bố trí nơi bán và hướng dẫn về giá cả.
d) Về giá cả đối với những loại hàng mà hợp tác xã mua bán ở xã đi mua hộ hoặc bán hộ cho xã viên và nhân dân: Trong trường hợp xã viên và nhân dân trong xã nhờ hợp tác xã mua bán ở xa đi mua hoặc bán hộ hàng hóa thì hai bên tự thỏa thuận với nhau về giá mua, giá bán đối với những loại hàng chưa có giá chỉ đạo của Nhà nước; đối với những loại hàng đã có giá chỉ đạo, hợp tác xã mua bán ở xã phải tính cho xã viên và nhân dân theo giá chỉ đạo mua, bán của Nhà nước, còn khoản chi phí lưu thông và tiền thù lao cho việc mua, bán hộ do hai bên tự thoả thuận với nhau trên tinh thần hợp tác xã mua bán ở xã làm tốt việc này và không ngừng phấn đấu giảm chi phí lưu thông đến mức tối thiểu để phục vụ xã viên và nhân dân được nhiều hơn.
3. Về việc lãnh đạo giá cả đối với hợp tác xã mua bán ở xã:
Vì trong hoạt động của các hợp tác xã mua bán ở xã, một bộ phận quan trọng là tự kinh doanh và mua hộ, bán hộ, rất nhiều loại hàng của hợp tác xã mua bán ở xã kinh doanh chưa có giá chỉ đạo của Nhà nước, nên ngành nội thương và các cấp ủy ban hành chính cần chú ý lãnh đạo chặt chẽ các hợp tác xã mua bán ở xã trong việc chấp hành chính sách giá cả. Muốn thế, trước hết, điều quan trọng là phải tổ chức cho các cán bộ phụ trách hợp tác xã mua bán ở xã học tập để nắm vững chính sách giá cả của Nhà nước, biết cách vận dụng vào việc kinh doanh hàng ngày của mình và có ý thức nghiêm chỉnh chấp hành những chính sách, những quy định cụ thể về giá cả của Nhà nước; phải đấu tranh với những tư tưởng kinh doanh đơn thuần, chạy theo lãi mà không thấy việc phục vụ sản xuất, phục vụ nhân dân là chủ yếu. Mặt khác, để việc lãnh đạo giá cả đối với hợp tác xã mua bán ở xã được sát và kịp thời, các cơ quan thương nghiệp khu, thành phố, tỉnh cần hướng dẫn, giúp đỡ các phòng thương nghiệp trong ủy ban hành chính huyện tăng cường chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện giá những loại hàng mà Nhà nước đã chỉ đạo, hướng dẫn các hợp tác xã mua bán ở xã định giá những loại hàng tự kinh doanh và mua hộ, báo hộ cho hợp lý.
4. Về chính sách thuế đối với tổ chức hợp tác xã mua bán ở xã:
Bộ Tài chính sẽ cùng Bộ Nội thương nghiên cứu gấp trình Hội đồng Chính phủ quyết định cho phù hợp với điều kiện cụ thể của hợp tác xã mua bán ở xã.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |