Nội dung toàn văn Quyết định 12/2002/QĐ-TTg thành lập khu rừng Văn hoá-lịch sử Chàm Riệc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2002/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 14 tháng 1 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 12/2002/QĐ-TTG NGÀY 14 THÁNG 01NĂM 2002 VỀ VIỆC THÀNH LẬP KHU RỪNG VĂN HÓA-LỊCH SỬ CHÀNG RIỆC, HUYỆN TÂN BIÊN, TỈNH TÂY NINH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992.
Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 12 tháng 8 năm 1991.
Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Công văn số 4021/BNN-KL ngày 24 tháng 12 năm 2001), Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh (Công văn số 329/TT-UB ngày 03 tháng 12 năm 2001).
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Khu rừng Văn hóa - Lịch sử thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam.
Tên gọi của Khu rừng Văn hoá - Lịch sử là: Khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc.
Điều 2. Vị trí, tọa độ địa lý và quy mô diện tích Khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc:
1. Vị trí địa lý:
Khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc bao gồm phạm vi đất đai của hai xã Tân Lập và Thạnh Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Phía Bắc và phía Tây giáp biên giới Việt Nam - Campuchia; phía Đông giáp huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh; phía Nam giáp xã Thạnh Bình, Tân Lập huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
2. Tọa độ địa lý:
- Từ 110 0030 đến 110 3513 vĩ độ Bắc.
- Từ 1060 0000 đến 1060 0710 kinh độ Đông.
3. Quy mô diện tích và các phân khu chức năng:
Tổng diện tích là: 11.488 ha
Trong đó gồm:
- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 6. 423 ha
- Phân khu phục hồi sinh thái: 5. 065 ha
Phân khu hành chính, dịch vụ: 0,2-0,5 ha
(Phân khu hành chính, dịch vụ nằm ngoài phạm vi khu rừng đặc dụng)
Vùng đệm của Khu rừng Văn hóa-Lịch sử Chàng Riệc có diện tích 3.200 ha, bao xung quanh khu rừng, có phạm vi tính từ ranh giới khu rừng: 1 - 1,5 km (về phía Bắc, phía Tây và phía Nam), và 100 m (về phía Đông).
Điều 3. Mục tiêu, nhiệm vụ của Khu rừng Văn hóa-Lịch sử Chàng Riệc:
- Bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng để phát huy các giá trị và tiềm năng của khu rừng về đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường, góp phần tôn tạo các di tích lịch sử quốc gia đã được nhà nước xếp hạng (Khu di tích lịch sử Trung ương cục Miền Nam, Khu di tích lịch sử Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, Khu di tích lịch sử Ban an ninh Trung ương cục Miền Nam).
- Bảo tồn các cảnh quan tự nhiên của khu rừng và các trảng cỏ ngập nước theo mùa trong phạm vi khu rừng, duy trì và nâng cao độ che phủ của rừng để góp phần phòng hộ vùng biên giới và bảo vệ môi trường, sinh thái, đồng thời phục vụ công tác tham quan, du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học.
Điều 4. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh trực tiếp quản lý Khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh chỉ đạo việc trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng và phát triển Khu rừng Văn hóa-Lịch sử Chàng Riệc, Dự án đầu tư xây dựng và phát triển vùng đệm của Khu rừng Văn hóa-Lịch sử Chàng Riệc theo đúng quy định hiện hành.
Hàng năm, trong nguồn vốn thuộc kế hoạch ngân sách đầu tư cho tỉnh Tây Ninh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi rõ khoản mục vốn cấp cho các Dự án thuộc Khu rừng Văn hóa-Lịch sử Chàng Riệc nói trên, để việc triển khai đảm bảo đúng nội dung và tiến độ theo Dự án được phê duyệt.
Điều 5. Về tổ chức và bộ máy của Khu rừng Văn hóa-Lịch sử Chàng Riệc:
Giao Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định về tổ chức và bộ máy của Khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc trên cơ sở những quy định tại Quy chế quản lý rừng đặc dụng ban hành kèm theo Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ.
Điều 6. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Công Tạn (Đã ký) |