Nội dung toàn văn Quyết định 1208/QĐ-UBND Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông Nam Định
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1208/QĐ-UBND | Nam Định, ngày 26 tháng 6 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU CÔNG NGHIỆP DỆT MAY RẠNG ĐÔNG TỈNH NAM ĐỊNH ĐẾN NĂM 2035
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư số 19/2008/TT-BXD ngày 20/11/2008 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế;
Căn cứ các văn bản liên quan đến công tác lập quy hoạch;
Căn cứ ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tại Văn bản số 100/HĐND-TT ngày 26/6/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông tỉnh Nam Định đến năm 2035;
Xét đề nghị tại Tờ tình số 21/TTr-BQLCKCN ngày 15/6/2015 của Ban quản lý các khu công nghiệp, Tờ trình số 20/2015/TTr-CTY ngày 15/6/2015 của Công ty cổ phần đầu tư Vinatex, cùng hồ sơ kèm theo; Tờ trình số 53/TTr-SXD ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Sở Xây dựng về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông tỉnh Nam Định đến năm 2035,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông tỉnh Nam Định đến năm 2035, với nội dung chính như sau:
I. Phạm vi, ranh giới, tính chất:
1. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch:
- Phạm vi nghiên cứu khoảng 600 ha.
- Tổng diện tích quy hoạch là: 519,6 ha.
- Ranh giới quy hoạch:
+ Phía Bắc giáp lưu không đê 1958-1960 thuộc thị trấn Rạng Đông;
+ Phía Nam giáp lưu không đê Pam;
+ Phía Đông giáp lưu không kênh cấp 2 đường Thanh Niên thuộc xã Nghĩa Phúc;
+ Phía Tây giáp lưu không kênh cấp 1 đường Đông Nam Điền.
2. Tính chất: Là Khu công nghiệp phục vụ các ngành công nghiệp nói chung, trọng tâm là dệt may, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất kinh doanh.
II. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật:
Dự báo quy mô dân số Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông đến năm 2035 khoảng 100.000 người.
1. Quy hoạch sử dụng đất:
- Khu công nghiệp được chia thành 05 khu chức năng chính:
+ Khu hành chính, dịch vụ;
+ Khu xí nghiệp sản xuất;
+ Khu hạ tầng kỹ thuật;
+ Khu cây xanh, mặt nước;
+ Khu kho tàng bến bãi.
- Khu Nhà ở cho công nhân: Được bố trí tách riêng với Khu công nghiệp, (nằm tại điểm đầu Khu công nghiệp), diện tích 11,12ha.
Bảng cơ cấu quy hoạch sử dụng đất
TT | Danh mục | Diện tích (ha) | Tỷ lệ (%) |
I | Khu công nghiệp | 503,38 | 100 |
1 | Đất hành chính, dịch vụ | 6,09 | 1,21 |
2 | Đất xây dựng các nhà máy, xí nghiệp | 321,91 | 63,95 |
3 | Đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật | 45,56 | 9,05 |
4 | Đất cây xanh, mặt nước | 68,47 | 13,61 |
5 | Đất kho tàng, bến bãi | 17,74 | 3,52 |
6 | Đất giao thông | 43,61 | 8,66 |
II | Kênh tưới Thủy sản I hiện trạng (Địa phương quản lý) | 5,10 | - |
III | Khu nhà ở cho công nhân | 11,12 | - |
| Tổng cộng (I+II+III) | 519,60 | - |
2. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật
a. Quy hoạch giao thông:
- Khu công nghiệp (KCN) được tổ chức xây dựng khép kín, giao thông đối ngoại thông qua hệ thống cổng được xây dựng tại 04 vị trí, phân bố đều trong toàn khu:
+ Cổng G1: ở phía Đông KCN, kết nối đường trục chính KCN (đường N2) với đường trục phát triển vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định.
+ Cổng G2: ở phía Bắc KCN, kết nối đường trục dọc KCN (đường D5) với tuyến đê 1958-1960.
+ Cổng G3: ở phía Tây KCN, kết nối KCN với trục đường Nam Điền.
+ Cổng G4: ở phía Nam KCN, kết nối KCN với đường đi khu du lịch nghỉ dưỡng Rạng Đông.
- Trục đường chính của KCN được kết nối với đường trục phát triển vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định, đóng vai trò là xương sống chính và trục cảnh quan chính của KCN. Bên cạnh đó là các trục đường xương cá phân chia các khu chức năng hợp lý, thuận tiện cho lưu thông cũng như góp phần tạo dựng cảnh quan chung.
Trục đường chính được thiết kế với vận tốc 50km/h (3,50m/làn xe). Đường liên khu vực (đường chính) được bố trí theo lưới đường từ 380-750m. Đường khu vực được bố trí theo lưới đường 380-690m. Còn lại đường nội bộ được chi tiết hóa trong các đồ án quy hoạch tiếp theo, với mật độ lưới đường từ 60-120m, vận tốc thiết kế <50km/h tương ứng 3,50m/làn xe.
- Quy mô và phân cấp tuyến đường:
+ Đường trục chính khu công nghiệp:
4,5mhè+ 10,5mlòng đường + 3m dải phân cách + 10,5m lòng đường + 4,5m hè = 33 m.
4mhè + 17m lòng đường +4mhè = 25m.
+ Đường liên khu vực:
2,5mhè+ 10m lòng đường + 2,5mhè =15m.
b. Quy hoạch san nền, thoát nước mưa
- Quy hoạch cao độ nền phải đảm bảo khu đất không bị ngập lụt, phù hợp với hệ thống thoát nước mặt, hệ thống thủy lợi và hệ thống công trình bảo vệ khu đất (đê, kè, tường chắn...); triệt để tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, hạn chế khối lượng đào đắp, không ảnh hưởng đến khả năng thoát nước mặt của khu vực hiện hữu; giảm thiểu thiệt hại do tác động của thiên tai (lũ, lũ quét, bão, triều cường, trượt, sạt lở đất...), ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Hệ thống thoát nước mưa được thiết kế theo nguyên tắc tự chảy, đặt mạng lưới cống hợp lý, đảm bảo chiều dài ngắn nhất, tránh nước chảy vòng.
- Cao độ nền xây dựng cho KCN Dệt may Rạng Đông ≥ +3,1m.
- Mạng lưới đường trong khu vực thiết kế chọn độ dốc dọc đường idọc = 0,0% và thiết kế rãnh răng cưa cho các tuyến đường với irãnh = 0,4%.
c. Quy hoạch thoát nước:
- Hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải riêng hoàn toàn.
- Xây dựng mới cống thoát nước xuyên qua đê PAM (cống cách điểm giao cắt đường D5 và N3 khoảng 1.000 m về phía Tây) để dẫn nước ra biển.
- Xây dựng hồ điều hòa trong khuôn viên cây xanh để điều tiết nước cho KCN.
- Xây dựng một trạm bơm (vị trí xem bản vẽ thoát nước) để bơm cưỡng bức qua đê PAM dẫn thẳng ra biển Đông khi xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ.
- Lưu vực thoát nước quy hoạch: Toàn bộ nước mặt KCN được thoát ra mương phía Nam của khu qua 8 cửa xả (nằm cuối các đường từ D2 đến D9) được chia thành 9 lưu vực, lấy đường trục từ D2 đến D9 làm đường tụ thủy.
- Dùng cống tròn BTCT đi ngầm ở vỉa hè, mạng lưới hình xương cá. Đối với các đoạn đường có độ dốc dọc idọc = 0,0% chọn độ dốc i = 0,2% nếu chiều dài đoạn cống tuyến cống quá lớn thì chọn icống ≥ 1/d. Độ sâu chôn cống: trên đường h ≥ 0,7m, trong khuôn viên cây xanh h ≥ 0,5m.
d. Quy hoạch cấp nước:
- Tiêu chuẩn cấp nước:
+ Nước công nghiệp: 22 - 45 m3/ha-ngđ.
+ Nước tưới cây, rửa đường: 8-10m3/ha- ngày
+ Nước sinh hoạt cho CBCNV: Trung bình 90 l/người. ngày
+ Nước dự phòng, rò rỉ: 20% tổng nhu cầu dùng nước.
+ Nước cho yêu cầu riêng của nhà máy xử lý nước: 8% tổng nhu cầu dùng nước.
Các tiêu chuẩn liên quan khác theo quy định hiện hành.
- Xây dựng nhà máy nước với diện tích 7,65ha nằm trong khu đất hạ tầng của KCN với công suất 170.000 m3/ngày.
- Nguồn nước: Dự kiến lấy nước thô từ đoạn sông nằm giữa cống Lý Nhân (thuộc xã Nghĩa Sơn) và Tam Tòa (thuộc xã Nghĩa Châu), khoảng cách nguồn nước thô đến nhà máy 27,5 - 32,5 km.
Giải pháp cấp nước:
- Mạng lưới đường ống thiết kế mạch vòng khép kín, đường kính ống từ Ø200÷Ø800 mm với tổng chiều dài 22,6 km, đường ống cấp nước đặt dưới hè, tại các góc chuyển và vị trí van, tê, cút có bố trí gối đỡ BTCT. Vật liệu đường ống chọn ống gang dẻo, nối miệng bát, riêng ống dùng trong trạm bơm dùng ống thép. Tại các nút mạng lưới bố trí van khoá để có thể sửa chữa mạng lưới khi cần thiết.
- Áp lực mạng lưới đảm bảo cấp nước đến điểm xa nhất, điểm cao nhất và cấp nước chữa cháy.
- Hệ thống cấp nước cứu hoả cho khu công nghiệp dự kiến là hệ thống cứu hoả áp lực thấp. Các trụ cứu hoả được bố trí dọc theo các tuyến đường với khoảng cách trung bình 150m/trụ. Ngoài ra, ở khu vực gần các mương thoát nước, hồ điều hòa cần tận dụng nguồn nước này để tiến hành cứu hoả khi có cháy xảy ra.
e. Quy hoạch cấp điện
- Tiêu chuẩn cấp điện:
+ Điện công nghiệp: Công nghiệp dệt, may mặc 200KW/ha;
+ Kho tàng: 50KW/ha;
+ Cây xanh công viên: 10-15KW/ha;
+ Chiếu sáng đường: 10KW/ha.
- Nguồn điện: Trong giai đoạn xây dựng hạ tầng khu công nghiệp nguồn cấp cho KCN được lấy từ đường dây 22 kV lộ 471 - trạm biến áp 110/35/22 kV Nghĩa Lạc. Giai đoạn sau, KCN Dệt may Rạng Đông sẽ được cấp điện từ trạm biến áp 110kV Rạng Đông. Vị trí, công suất của trạm 110kV Rạng Đông sẽ được xác định trong Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Nam Định giai đoạn 2016 ÷ 2025 có xét đến năm 2035 được Bộ Công Thương phê duyệt.
- Xây dựng 02 trạm trung gian 110/22kV với công suất 2x25MVA/ trạm nằm trong ranh giới KCN.
- Các đường trung thế 22kV được thiết kế mạch vòng, vận hành hở. Mạng lưới mạch vòng này được cấp điện từ 2 trạm trung gian 110kV.
- Điện chiếu sáng đường giao thông: Các đường có mặt cắt ngang lòng đường từ 11m trở lên đèn chiếu sáng cao áp bố trí ở hai bên hè đường; các đường có mặt cắt ngang lòng đường nhỏ hơn 11m, bố trí đèn chiếu sáng cao áp ở một bên hè đường.
f. Quy hoạch thoát nước thải và VSMT:
- Hệ thống thoát nước thải của khu công nghiệp bao gồm 01 nhà máy xử lý nước thải công suất 110.000 m3/ng.đ và mạng lưới đường ống thu nước thải từ các nhà máy xí nghiệp dẫn đến nhà máy xử lý nước thải.
- Nước thải của khu vực thiết kế bao gồm 02 loại: Nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp.
+ Nước thải sinh hoạt sẽ xử lý bằng bể tự hoại trước khi thoát ra hệ thống cống thoát nước thải về nhà máy xử lý tập trung.
+ Nước thải công nghiệp được bơm về nhà máy xử lý tập trung. Đối với những nhà máy có nước thải độc hại cao phải được xử lý sơ bộ loại bỏ các độc tố kim loại nặng theo QCVN - 40/2011-BTNMT trước khi bơm vào hệ thống cống thoát nước thải.
- Nước thải sau khi qua nhà máy xử lý tập trung của khu công nghiệp phải đạt giới hạn A theo QCVN - 40/2011-BTNMT trước khi thoát ra mương phía Nam của KCN. Bố trí hệ thống giám sát tự động chất lượng nước thải tại những vị trí thích hợp.
- Mạng lưới đường ống: hệ thống cống thoát nước thải là hệ thống chảy có áp. Các tuyến cống thoát nước thải được bố trí đi nổi trên hè đường hoặc dải cây xanh. Dọc theo các tuyến cống thoát nước thải bố trí các ga thăm với khoảng cách trung bình 30m nhằm thu nước và kiểm tra mạng lưới. Các tuyến cống thoát nước sử dụng ống chuyên dụng cho thoát nước thải.
g. Quy hoạch chất thải rắn (CTR)
- Chất thải rắn trong khu công nghiệp được phân loại tại các nhà máy sản xuất (bao gồm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp). Quy hoạch 1 trạm trung chuyển CTR nằm trong khu đất hạ tầng của khu công nghiệp.
- Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn: có 2 thành phần chính CTR hữu cơ và CTR vô cơ. CTR vô cơ (thuỷ tinh, giấy, nhựa, kim loại, sắt thép...) sẽ được thu hồi để tái chế. CTR hữu cơ và các CTR còn lại không sử dụng được xử lý tại khu xử lý chất thải.
+ Chất thải rắn công nghiệp tập kết về trạm trung chuyển bố trí tại khu đất hạ tầng của KCN, phân loại thành CTR thông thường và CTR nguy hại, tùy loại CTR để đem đi xử lý tại cơ sở chuyên xử lý.
h. Quy hoạch hệ thống thông tin liên lạc
Dịch vụ thông tin liên lạc do Viễn thông tỉnh Nam Định đáp ứng. Dự kiến hệ thống thông tin liên lạc gồm một Chi cục viễn thông, một Chi cục bưu chính và hệ thống mạng lưới đường cáp quang, hộp nối.
Trong khu điều hành đầu tư xây dựng 01 tổng đài điện thoại và hệ thống ống chờ luồn cáp quang đặt theo hè các trục đường và các hố cáp.
i. Quy hoạch hệ thống cung cấp năng lượng
Xây dựng một Trạm nồi hơi quy mô 350T/h trong khu đất hạ tầng của KCN cung cấp nhiệt cho các xí nghiệp sản xuất qua hệ thống đường ống hơi DN200 - DN700, hệ thống đi nổi trên hè và dải cây xanh.
III. Đánh giá các tác động:
1. Đánh giá tác động đến quốc phòng, an ninh:
Khu vực xây dựng khu công nghiệp là vùng đất bồi, hiện UBND huyện Nghĩa Hưng giao đất cho các cá nhân, tổ chức nuôi trồng thủy sản có thời hạn, không bố trí các công trình quân sự, nên khi triển khai xây dựng KCN sẽ không ảnh hưởng tới quy hoạch xây dựng khu vực phòng thủ ven biển cũng như quy hoạch xây dựng hệ thống đồn, trạm biên phòng. Khu vực biên giới biển tại đây do Đồn biên phòng Ngọc Lâm quản lý. Hiện tại, Đồn Biên phòng Ngọc Lâm đóng quân tại khu vực Cồn Xanh - Nghĩa Hải (cách KCN dệt may Rạng Đông khoảng l,5km); Hải đội 2 biên phòng và Trạm kiểm soát Ninh Cơ 2 - Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Hải Thịnh đóng quân tại Nghĩa Phúc và Nghĩa Thắng (cách KCN dệt may Rạng Đông từ 1,5÷2,0 km)
KCN dệt may Rạng Đông hình thành sẽ là nơi tập trung các hoạt động kinh tế, kỹ thuật kéo theo dân số cơ học tăng. Đặc biệt, các đối tượng tham gia lao động phức tạp hơn: trình độ lao động, người từ nơi khác đến sẽ phát sinh yếu tố vùng miền, yếu tố nước ngoài... dẫn đến công tác quản lý an ninh, trật tự nội bộ trong KCN sẽ khó khăn và phức tạp hơn.
Khi KCN hình thành và phát triển sẽ phát sinh mối quan hệ giữa lực lượng lao động trong KCN với cộng đồng dân cư xung quanh. Hoạt động của KCN sẽ tác động, ảnh hưởng đến xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu của người, phương tiện, hàng hóa tăng lên. Do đó, sẽ phát sinh các vấn đề về an ninh, trật tự xã hội ở khu vực biên giới biển.
Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất của KCN sẽ phát sinh các vấn đề môi trường mới kể cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Vì vậy, đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu công nghiệp và vùng xung quanh.
2. Đánh giá môi trường chiến lược:
Đồ án đã sàng lọc, phân tích đánh giá cơ bản các hiện trạng môi trường trong quá trình hình thành, hoạt động của KCN, đồng thời đề xuất các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực cũng như các giải pháp, chương trình quản lý, giám sát môi trường.
Điều 2. - Giao Chủ đầu tư làm việc với Sở Xây dựng, các sở, ngành và các cơ quan có liên quan thực hiện các thủ tục, công việc theo quy định.
- Giao Sở Xây dựng, các sở, ngành liên quan hướng dẫn chủ đầu tư tổ chức thực hiện theo quy định.
Điều 3. - Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký;
- Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Nghĩa Hưng, Ban quản lý các khu công nghiệp, Công ty cổ phần đầu tư Vinatex và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |