Nội dung toàn văn Quyết định 1240/QĐ-TTg 2004 chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Bi Doup Núi Bà thành Vườn quốc gia
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1240/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
VỀ VIỆC CHUYỂN KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN BI DOUP-NÚI BÀ, THÀNH VƯỜN QUỐC GIA BI DOUP-NÚI BÀ, TỈNH LÂM ĐỒNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001.
Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 1991.
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng; Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2003 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ.
Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn số 2726/BNN-KL ngày 10 tháng 11 năm 2004; đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tại công văn số 4346/UB ngày 28 tháng 10 năm 2004.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Bi Doup-Núi Bà, thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng thành Vườn quốc gia Bi Doup - Núi Bà trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, gồm các nội dung sau:
1. Tên gọi của Vườn quốc gia là: Vườn quốc gia Bi Doup-Núi Bà.
2. Tổng diện tích tự nhiên: 64.800 ha.
Thuộc địa bàn 5 xã: xã Lát, xã Đasar, xã Đachais, xã Đưng K’Nớ và một phần phía Tây xã Đạ Tông, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Tọa độ địa lý:
- Từ 12°00’04” đến 12°52’00” vĩ độ Bắc
- Từ 108°17’00” đến 108°42’00” kinh độ Đông
3. Mục tiêu và nhiệm vụ:
- Bảo tồn các hệ sinh thái rừng trong vùng khí hậu á nhiệt đới, núi cao và các loài động vật, thực vật rừng đặc hữu, quý hiếm, gắn kết với các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên kế cận để tạo thành một vùng bảo tồn thiên nhiên rộng lớn, góp phần cho việc bảo tồn đa dạng sinh học ở cao nguyên Đà Lạt, vùng Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
- Góp phần phòng hộ đầu nguồn nước cho hệ thống sông Đồng Nai và các hồ chứa nước ở hạ lưu nhằm phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lâm Đồng, vùng Nam Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và duyên hải cực Nam Trung Bộ.
- Bảo tồn các sinh cảnh rừng nguyên sinh để tôn tạo và phát triển kiến trúc đô thị của thành phố Đà Lạt, bảo tồn các đặc trưng văn hóa bản địa nơi cội nguồn của thành phố Đà Lạt, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục về rừng nhiệt đới, phát triển du lịch sinh thái và góp phần củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên.
4. Các phân khu chức năng:
Vườn quốc gia Bi Doup-Núi Bà có 3 phân khu chức năng sau đây:
a) Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt:
Diện tích 28.731 ha, bao gồm các tiểu khu rừng số : 24, 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54, 85, 86, 87, 88, 89, 90, 103, 125, 126, 127, 127B, 128, 129 và 130.
Chức năng và nhiệm vụ chủ yếu của phân khu này là bảo tồn các khu rừng nguyên sinh chưa bị tác động, nơi phân bố của các loài động, thực vật rừng đặc hữu và quý hiếm.
b) Phân khu phục hồi sinh thái:
Diện tích 36.059 ha, Bao gồm các tiểu khu rừng số: 22, 25, 26, 27, 43, 44, 45, 45B, 55, 56, 57, 58, 59, 60, 76, 77, 78, 79A, 79B, 80, 81, 82, 83, 84, 91, 92, 100, 101, 102, 113, 114, 124 và 145.
Chức năng và nhiệm vụ chủ yếu của phân khu này là phục hồi các hệ sinh thái rừng, khôi phục sự đa dạng sinh học và các giá trị khác của khu rừng, phát triển du lịch sinh thái.
c) Phân khu hành chính-dịch vụ, gồm 2 địa điểm:
Địa điểm 1: Số nhà 5 E, đường Trần Hưng Đạo, phường 10, thành phố Đà Lạt; Diện tích khuôn viên 834 m2. Là văn phòng của Vườn quốc gia Bi Doup - Núi Bà.
Địa điểm 2: Tại tiểu khu rừng số 91 (trạm bảo vệ rừng K’long Lanh). Diện tích 10 ha. Là nơi bố trí các công trình: Trung tâm diễn giải môi trường; Trụ sở của Hạt Kiểm lâm; Trung tâm điều hành các hoạt động du lịch sinh thái; Đội bảo vệ rừng cơ động và các bộ phận trực thuộc khác của vườn quốc gia.
5. Vùng đệm của Vườn quốc gia:
Vùng đệm của Vườn quốc gia Bi Doup-Núi Bà có diện tích 32.238 ha, thuộc địa bàn các xã: xã Lát, xã Đasar, xã Đachais và xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
6. Các chương trình hoạt động của Vườn quốc gia:
Vườn quốc gia Bi Doup-Núi Bà có các chương trình hoạt động sau đây:
- Chương trình bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học;
- Chương trình phục hồi sinh thái rừng;
- Chương trình phòng cháy chữa cháy rừng;
- Chương trình nghiên cứu khoa học;
- Chương trình phát triển du lịch sinh thái;
- Chương trình tuyên truyền giáo dục về bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên;
- Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn vùng đệm;
- Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và trang thiết bị kỹ thuật;
- Chương trình hợp tác quốc tế.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng:
1. Trực tiếp quản lý Vườn quốc gia Bi Doup - Núi Bà.
2. Chỉ đạo lập Dự án đầu tư xây dựng Vườn quốc gia Bi Doup-Núi Bà, Dự án đầu tư vùng đệm của Vườn quốc gia Bi Doup-Núi Bà và Dự án Phát triển du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Bi Doup-Núi Bà, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đầu tư theo các quy định hiện hành của nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng.
3. Phối hợp với Bộ Nội vụ quyết định về cơ cấu tổ chức và biên chế của Vườn quốc gia Bi Doup - Núi Bà theo quy định tại Quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên ban hành kèm theo Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2001 của Thủ Tướng Chính phủ và các quy định hiện hành khác của nhà nước.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nội vụ, Thủy sản, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |