Nội dung toàn văn Quyết định 1261/QĐ-UBND quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Bắc Kạn 2016
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1261/QĐ-UBND | Bắc Kạn, ngày 10 tháng 8 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT, GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
Căn cứ Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Căn cứ Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2014 của Bộ Giao thông Vận tải Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;
Căn cứ Nghị quyết số 10/2016/NQ-HĐND ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;
Căn cứ Quyết định số 2208/QĐ-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt đề cương quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh;
Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 89/TTr-KH&ĐT ngày 29 tháng 7 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển:
Vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển giao thông vận tải và điều kiện thực tế mạng lưới giao thông vận tải. Các tuyến xe buýt phải kết nối được với nhau và kết nối với các phương thức vận tải khác trong đô thị, ngoài đô thị; kết nối được các khu đô thị trên địa bàn, các điểm tập trung dân cư, các khu công nghiệp và các hành lang vận tải và kết nối được tất cả các trung tâm huyện trong tương lai. Góp phần hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, ổn định xã hội… Đảm bảo cho người dân dễ dàng tiếp cận với mạng lưới vận tải hành khách công cộng nhằm phát huy lợi thế hơn so với các phương tiện cá nhân, đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân.
Từng bước kiểm soát, vận hành hệ thống vận tải bằng xe buýt, tiến tới xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phát triển bền vững.
2. Mục tiêu phát triển:
2.1. Mục tiêu tổng quát:
- Mục tiêu đến năm 2020, đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực đô thị, khu công nghiệp. Đến năm 2030, đáp ứng được 20% nhu cầu đi lại của người dân đô thị. Từng bước tổ chức xe buýt thay thế tuyến vận tải khách cố định nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân ở những cự ly vận chuyển hợp lý.
- Xây dựng mạng lưới tuyến hợp lý, có khả năng kết nối cao về tuyến và phương tiện vận chuyển khác, bảo đảm cho người dân dễ tiếp cận và sử dụng mạng lưới VTHKCC. Hình thành mạng lưới tuyến xe buýt từ trung tâm thành phố Bắc Kạn đến trung tâm các huyện, giữa trung tâm các huyện với nhau và kết nối với các tỉnh lân cận.
- Sử dụng chủng loại phương tiện, trọng tải theo đúng tiêu chuẩn quy định đối với VTHKCC, bảo vệ môi trường, từng bước tiếp cận với kỹ thuật mới để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân và người tàn tật.
2.2. Mục tiêu cụ thể: Xây dựng mạng lưới xe buýt hợp lý, đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại của người dân từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh và được phân chia làm 02 giai đoạn:
- Giai đoạn đến hết năm 2017: Thí điểm và mở các tuyến có lưu lượng hành khách lưu thông cao có khả năng khai thác tốt và hiệu quả đến trung tâm một số huyện và khu du lịch hồ Ba Bể nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân và khách du lịch.
- Giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: Mở thêm một số tuyến mới đến trung tâm một số huyện, thị tứ có nhu cầu đi lại của nhân dân tăng cao.
3. Nội dung quy hoạch và thứ tự ưu tiên đầu tư:
3.1. Quy hoạch mạng lưới tuyến xe buýt đến năm 2017.
- Tuyến số 1: Từ trung tâm thành phố Bắc Kạn đi dọc theo Quốc lộ 3 đến thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới và ngược lại. Tần suất hoạt động trung bình 40 phút/chuyến; gồm 25 điểm dừng, đỗ và 05 nhà chờ.
- Tuyến số 2: Từ trung tâm thành phố Bắc Kạn đi thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông - thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể - hồ Ba Bể. Tần suất trung bình 60 phút/chuyến; gồm 45 điểm dừng, đỗ và 04 nhà chờ.
- Tuyến số 3: Từ trung tâm thành phố Bắc Kạn đi thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn - xã Nam Mẫu (bờ hồ Ba Bể) và ngược lại. Tần suất hoạt động trung bình 50 phút/chuyến; gồm 50 điểm dừng, đỗ và 04 nhà chờ.
3.2. Quy hoạch mạng lưới tuyến xe buýt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030:
- Tuyến số 4: Thành phố Bắc Kạn - huyện Ngân Sơn và ngược lại. Tần suất trung bình 60 phút/chuyến; gồm 38 điểm dừng, đỗ và 09 nhà chờ.
- Tuyến số 5: Thành phố Bắc Kạn - Thác Giềng - huyện Na Rì và ngược lại. Tần suất trung bình 60 phút/chuyến; gồm 45 điểm dừng, đỗ và 09 nhà chờ.
- Tuyến số 6: Thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể - Bộc Bố, huyện Pác Nặm và ngược lại. Tần suất trung bình 60 phút/chuyến; gồm 14 điểm dừng, đỗ và 04 nhà chờ.
- Tuyến số 7: Thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn - Định Hóa (Thái Nguyên) và ngược lại. Tần suất trung bình 60 phút/chuyến; gồm 15 điểm dừng, đỗ và 05 nhà chờ.
- Tuyến số 8: Thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì - Lãng Ngâm - Nà Phặc - thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể. Tần suất trung bình 60 phút/chuyến; gồm 40 điểm dừng, đỗ và 09 nhà chờ.
- Tuyến số 9: Thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì - thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới và ngược lại. Tần suất trung bình 60 phút/chuyến; gồm 30 điểm dừng, đỗ và 08 nhà chờ.
4. Nhu cầu quỹ đất là: 2.855,5 m2.
5. Kinh phí thực hiện quy hoạch:
Kinh phí thực hiện chủ yếu là nguồn vốn doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội hóa và vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác; ngân sách nhà nước chủ yếu đầu tư cho công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, cắm biển dừng, đỗ và nhà chờ… Cụ thể phân chia từng giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Từ nay đến năm 2017 là: 19.919,1 triệu đồng, trong đó:
+ Nhà nước đầu tư: 795,5 triệu đồng.
+ Nguồn vốn xã hội hóa: 19.123,6 triệu đồng.
- Giai đoạn 2: Đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là: 41.397,1 triệu đồng, trong đó:
+ Nhà nước đầu tư: 1.514,1 triệu đồng.
+ Nguồn vốn xã hội hóa: 39.883,0 triệu đồng.
6. Các giải pháp thực hiện quy hoạch:
- Có cơ chế chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích đầu tư phương tiện, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;
- Tăng cường thu hút đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư mở tuyến. Lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực, uy tín, kinh nghiệm quản lý, khai thác và vận hành hoạt động mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;
- Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và tuyên truyền vận động người dân tham gia giao thông bằng xe buýt;
- Ứng dụng công nghệ hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;
- Khuyến khích các thành phần doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh đồng thời có chính sách ưu đãi phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương như trợ giá hoặc hỗ trợ chi phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;
- Tăng cường khả năng kết nối với các phương thức vận tải khác.
Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch:
1. Sở Giao thông Vận tải:
- Chủ trì thực hiện các nội dung quản lý Quy hoạch theo quy định; thực hiện công bố mở tuyến; điều chỉnh điểm đỗ dừng, tần suất, biểu đồ chạy xe phù hợp với tình hình thực tế; quản lý hạ tầng, chất lượng dịch vụ.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực phát triển VTHKCC bằng xe buýt, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.
- Phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông tỉnh hàng năm xây dựng kế hoạch phục vụ việc bố trí kinh phí cho công tác thông tin, truyền thông nhằm khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt.
- Tổ chức áp dụng, triển khai thực hiện hệ thống chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đối với hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh;
- Phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến toàn dân về hoạt động VTHKCC bằng xe buýt;
- Chủ trì nghiên cứu, đề xuất, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông phục vụ VTHKCC bằng xe buýt.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Căn cứ Quy hoạch phát triển VTHKCC bằng xe buýt đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính và các ngành liên quan tính toán cân đối huy động các nguồn lực, xây dựng các kế hoạch dài hạn, ngắn hạn để thực hiện. Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các Sở, ban, ngành triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển VTHKCC bằng xe buýt.
3. Sở Tài chính:
- Nghiên cứu đề xuất và trình UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển VTHKCC bằng xe buýt;
- Chủ trì phối hợp các ngành, địa phương trong thực hiện quản lý giá vé; xác định mức hỗ trợ và quyết toán kinh phí hỗ trợ giá vé cho các doanh nghiệp.
4. Sở Xây dựng:
Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết các đô thị có xét đến quy hoạch vị trí các trạm trung chuyển, nhà chờ, bãi đỗ, điều kiện hạ tầng phục vụ người tàn tật, phục vụ hoạt động VTHKCC bằng xe buýt.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Hướng dẫn và quản lý việc tổ chức quảng cáo trên phương tiện và tại các khu vực bến bãi, nhà chờ, biển báo.
6. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chủ trì thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn người dân trong tỉnh tham gia sử dụng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Cân đối quỹ đất để thực hiện quy hoạch phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.
8. Sở Khoa học và Công nghệ:
Chuyển giao, ứng dụng các mô hình quản lý bằng công nghệ tiên tiến đối với các doanh nghiệp kinh doanh VTHKCC bằng xe buýt.
9. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông tỉnh trong công tác thông tin, truyền thông để khuyến khích học sinh, sinh viên sử dụng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt.
10. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp trong việc xây dựng và quản lý quy hoạch chi tiết vị trí các trạm trung chuyển, nhà chờ, bãi đỗ;
Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải quản lý, giám sát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội trong hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |