Nội dung toàn văn Quyết định 133/2001/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch chi tiết huyện Thanh Trì - Hà Nội, Tỷ lệ 1/5.000 (Phần quy hoạch sử dụng đất quy hoạch giao thông
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:133/2001/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT HUYỆN THANH TRÌ -HÀ NỘI, TỶ LỆ 1/5.000. (PHẦN QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT VÀ QUY HOẠCH GIAO THÔNG).
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội;
Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ ban hành Điều lệ Quản lý quy hoạch đô thị;
Căn cứ Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 322/BXD-ĐT ngày 28 tháng 12 năm 1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành quy định lập các đồ án Quy hoạch Xây dựng đô thị;
Xét đề nghị của Kiến trúc sư trưởng Thành phố tại tờ trình số 545/2000/TTr-KTST ngày 09 tháng 10 năm 2000 và bản giải trình bổ sung số 605/KTST ngày 23/11/2001.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết huyện Thanh Trì - Hà Nội, tỷ lệ 1/5.000 (phần quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông) do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập tháng 5 năm 2000, với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Vị trí, phạm vi, ranh giới và quy mô lập quy hoạch chi tiết.
1.1. Vị trí, phạm vi, ranh giới.
Huyện Thanh Trì gồm 24 xã và một thị trấn, nằm tại phía Nam Hà Nội, có tổng diện tích đất tự nhiên theo địa giới hành chính là 9.791 ha và được giới hạn như sau:
+ Phía Bắc giáp quận Hai Bà Trưng và quận Đống Đa.
+ Phía Tây Bắc giáp quận Thanh Xuân và huyện Từ Liêm.
+ Phía Tây và Nam giáp tỉnh Hà Tây.
+ Phía Đông giáp sông Hồng.
1.2. Quy mô.
* Tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện: 9.791 ha.
* Diện tích quỹ đất xây dựng đô thị và các điểm dân cư: 4.929,7 ha.
Trong đó :
- Khu vực phát triển đô thị nằm trong quy hoạch thành phố trung tâm: 2.615 ha.
- Khu vực đang đô thị hoá ngoài phạm vi quy hoạch thành phố trung tâm : 1.240 ha.
- Khu vực ngoài đô thị (phần còn lại của huyện): 1.074,7 ha.
* Tổng dân số hiện trạng toàn huyện (tính đến 31/12/2000): 227.300 người.
Trong đó:
- Số dân hiện trạng nằm trong khu vực quy hoạch thành phố trung tâm: 72.346 người.
- Số dân ngoài khu vực quy hoạch thành phố trung tâm (phần còn lại của huyện): 154.954 người.
2. Nội dung quy hoạch chi tiết.
2.1. Tính chất, mục tiêu.
- Huyện Thanh Trì là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội là một trong những huyện sản xuất nông nghiệp cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp cho thành phố, là khu vực tập trung nhiều công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật của thành phố. Một phần đất tự nhiên của huyện nằm trong quy hoạch phát triển thành phố trung tâm.
- Quy hoạch chi tiết nhằm cụ thể hoá Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và xác định chức năng sử dụng đất, quỹ đất xây dựng đô thị trên địa bàn huyện.
- Định hướng mạng lưới công trình văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, dịch vụ thương mại trên địa bàn huyện.
- Xác định các khu vực cấm hoặc hạn chế xây dựng theo quy định của pháp luật về: bảo vệ đê điều, quốc lộ, di tích lịch sử văn hoá, công trình điện, sông mương thoát nước của thành phố.
- Xác định mạng lưới giao thông chính trên địa bàn huyện.
2.2. Các chỉ tiêu quy hoạch đạt được.
* Tổng diện tích đất đai toàn huyện: 9.791 ha
* Dự báo dân số đến năm 2020: 286.500 người.
* Quỹ đất xây dựng đô thị và các điểm dân cư: 4.929,7 ha
Trong đó:
A- Khu vực phát triển đô thị (nằm trong quy hoạch thành phố trung tâm).
Tổng diện tích: 2.615 ha
Dân số đến năm 2020: 113.200 người (chiếm 39,5% dân số toàn huyện).
BẢNG TỔNG HỢP CÁC CHỈ TIÊU ĐẤT ĐAI ĐÔ THỊ.
(Trong phạm vi quy hoạch thành phố trung tâm)
TT | Hạng mục đất | Diện tích (ha) | Tỷ lệ (%) | Chỉ tiêu (m²/người) |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) |
I | Đất dân dụng | 1.337,4371 | 51,1 | 118,15 |
1 | Đất công trình công cộng | 42,1484 | 1,6 | 3,72 |
2 | Đất cây xanh TDTT | 339,2237 | 13,0 | 29,97 |
3 | Đất giao thông | 129,6900 | 5,0 | 11,46 |
4 | Đất khu ở | 826,375 | 31,5 | 73,00 |
II | Đất dân dụng khác | 136,068 | 5,2 | 12,02 |
1 | Đất CQ, văn phòng, viện N/C, trường đào tạo | 119,078 | 4,6 | 10,52 |
2 | Đất di tích | 16,9900 | 0,6 | 1,50 |
III | Đất ngoài dân dụng | 1.141,495 | 43,7 | 100,83 |
1 | Đất CN, TTCN, kho tàng | 208,1935 | 8,0 | 18,39 |
2 | Đất quốc phòng, an ninh | 120,2635 | 4,6 | 10,62 |
3 | Đất công trình đầu mối HTKT và hành lang cách ly | 179,0727 | 6,9 | 15,82 |
4 | Hồ điều hoà | 283,6000 | 10,8 | 25,00 |
5 | Sông, mương thoát nước và hành lang bảo vệ | 124,3260 | 4,7 | 10,98 |
6 | Đất giao thông | 48,8500 | 1,9 | 4,32 |
7 | Đất cây xanh cách ly, nghĩa trang | 177,1893 | 3,0 | 15,65 |
| Tổng cộng | 2.615,0000 | 100,0 | 231,00 |
BẢNG TỔNG HỢP CÁC CHI TIÊU ĐẤT ĐAI KHU Ở
TT | Hạng mục đất | Diện tích (ha) | Tỷ lệ (%) | Chỉ tiêu (m²/người) |
1 | Đất công trình công cộng | 40,6080 | 4,9 | 3,58 |
2 | Đất cây xanh, TDTT | 36,5359 | 4,4 | 3,23 |
3 | Đất đường khu ở | 81,0200 | 9,8 | 7,16 |
4 | Đất đơn vị ở | 668,2111 | 80,9 | 59,03 |
| Cộng | 826,3750 | 100,0 | 73,00 |
B- Khu vực đang đô thị hoá ngoài phạm vi quy hoạch thành phố trung tâm.
Tổng diện tích đất : 1.240 ha
Dân số đến năm 2020: 69.010 người (chiếm 24,1% dân số toàn huyện)
BẢNG TỔNG HỢP CÁC CHỈ TIÊU ĐẤT ĐAI ĐÔ THỊ.
(Ngoài phạm vi quy hoạch thành phố trung tâm).
TT | Hạng mục đất | Diện tích (ha) | Tỷ lệ (%) | Chỉ tiêu (m²/người) |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) |
I | Đất dân dụng | 635,6476 | 51,3 | 92,10 |
1 | Đất công trình công cộng | 19,0670 | 1,6 | 2,76 |
2 | Đất cây xanh, TDTT | 23,6230 | 1,9 | 3,42 |
3 | Đất giao thông | 71,6200 | 5,8 | 9,07 |
4 | Đất khu ở | 521,3376 | 42,0 | 75,50 |
II | Đất dân dụng khác | 41,3338 | 3,3 | 6,00 |
1 | Đất CQ, viện N/C, trường đào tạo | 34,7110 |
| 5,03 |
2 | Đất di tích | 6,6228 |
| 0,96 |
III | Đất ngoài dân dụng | 563,0074 | 45,4 | 81,60 |
1 | Đất CN, TTCN, kho tàng | 49,1020 |
| 7,11 |
2 | Đất quốc phòng, an ninh | 5,0750 |
| 0,74 |
3 | Đất công trình đầu mối HTKT | 43,5854 |
| 6,33 |
4 | Sông, mương thoát nước và hành lang bảo vệ | 54,4588 |
| 7,89 |
5 | Hồ điều hoà | 25,2600 |
| 3,66 |
6 | Đất giao thông đối ngoại | 153,0000 |
| 22,17 |
7 | Đất cây xanh đặc biệt | 50,0000 |
| 7,25 |
8 | Đất dự phong phát triển | 182,5262 |
| 26,45 |
| Tổng cộng | 1.239,9888 | 100,0 | 179,70 |
C- Các điểm dân cư ngoài đô thị (phần còn lại của huyện).
* Tổng diện tích đất: 1.074,7 ha
* Dân số đến năm 2020 : 104.290 người.
Trong đó:
C 1. Trung tâm vùng huyện (Liên Ninh - Ngọc Hồi).
+ Tổng diện tích đất: 190 ha
+ Dân số đến năm 2020: 14.000 người (chiếm 4,6% dân số toàn huyện)
(dự phòng phát triển khu công nghiệp vừa và nhỏ của huyện 80 ÷ 100 ha ở phía Tây đường 1A)
BẢNG TỔNG HỢP CÁC CHỈ TIÊU ĐÂT ĐAI KHU TRUNG TÂM VÙNG HUYỆN.
TT | Hạng mục đất | Diện tích (ha) | Tỷ lệ (%) | Chỉ tiêu (m²/người) | Ghi chú |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) |
1 | Đất đơn vị ở | 112,3 | 59,1 | 80,2 | (trong đó hiện có 32,3 ha) |
2 | Đất công cộng khu vực | 4,2 | 2,2 | 3,0 |
|
3 | Đất cây xanh, TDTT khu vực | 6,0 | 3,2 | 4,3 |
|
4 | Đất CN, TTCN | 14,0 | 7,4 | 10,0 |
|
5 | Đất giao thông, HTKT | 28,8 | 15,1 | 20,6 | Kể cả giao thông đối ngoại |
6 | Đất cơ quan, trường đào tạo | 5,8 | 3,0 | 4,1 | Thuộc trung ương và thành phố |
7 | Đất an ninh, quốc phòng | 18,9 | 10,0 | 13,5 | đóng trên địa bàn |
| Tổng cộng | 190,0 | 100,0 | 135,7 |
|
(Chưa kể khu công nghiệp vừa và nhỏ của huyện)
C 2. Các điểm dân cư nông thôn:
Tổng diện tích đất : 884,7 ha
Dân số đến năm 2020 : 90.290 người (chiếm 31,5% dân số toàn huyện)
BẢNG TỔNG HỢP CÁC CHỈ TIÊU ĐẤT ĐAI QUY HOẠCH
(Khu vực dân cư nông thôn)
TT | Hạng mục đất | Diện tích (ha) | Tỷ lệ (%) | Chỉ tiêu (m²/người) | Ghi chú |
1 | Đất ở | 632,1 | 71,4 | 70,0 | (làng xóm hiện có 523,7 ha) |
2 | Đất công trình công cộng, trường học | 90,3 | 10,2 | 10,0 |
|
3 | Đất cây xanh tập trung, TDTT | 27,0 | 3,1 | 3,0 |
|
4 | Đất sản xuất TTCN, kho tàng | 45,0 | 5,1 | 5,0 |
|
5 | Đất giao thông, HTKT | 90,3 | 10,2 | 10,0 |
|
| Tổng cộng | 884,7 | 100,0 | 98,0 |
|
* Ghi chú: Đất quy hoạch khu vực dân cư nông thôn bao gồm đất các khu trung tâm tiểu vùng huyện, các thị tứ làng xã và đất các khu vực làng xóm, không kể đất nông nghiệp và các loại đất khác.
2.3. Quy hoạch sử dụng đất.
A- Khu vực phát triển đô thị trong phạm vi quy hoạch thành phố trung tâm đến năm 2020.
* Quy hoạch các khu ở:
- Làng xóm nằm trong khu vực đô thị: trên cơ sở hiện trạng được tổ chức cải tạo, nâng cấp theo hướng đô thị hoá, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình công cộng, cây xanh đơn vị ở, mở rộng một số tuyến đường chính kết hợp nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Giảm mật độ dân cư và đưa sản xuất tiểu thủ công nghiệp độc hại ra ngoài các làng xóm để cải thiện điều kiện môi trường sống của người dân trong khu vực.
Tầng cao bình quân trong khu vực khoảng: 1,5 - 2 tầng.
Mật độ xây dựng trung bình: 25 - 30%.
- Các khu nhà ở được xây dựng theo cơ cấu đơn vị ở, đảm bảo chỉ tiêu đối với các công trình công cộng và cây xanh trong đơn vị ở theo đô thị hiện đại.
Tầng cao bình quân trong các khu đô thị mới : 3 - 3,5 tầng.
Mật độ xây dựng trung bình: 35 - 40%.
* Quy hoạch hệ thống trung tâm công cộng.
- Trung tâm công cộng cấp quận và thành phố bao gồm :
+ Trung tâm thương mại tại Pháp Vân - Thịnh Liệt.
+ Trung tâm dịch vụ du lịch tổng hợp tại khu vực hồ Linh Đàm.
+ Trung tâm dịch vụ công cộng, TDTT tại Tân Triều - Kim Giang.
+ Trung tâm hành chính, chính trị của huyện kết hợp văn hoá, cây xanh TDTT tại Văn Điển.
+ Ngoài ra còn có các điểm trung tâm công cộng, dịch vụ trong các khu vực quy hoạch được bố trí tại các điểm đầu mối giao lộ của các trục đường chính thành phố.
- Công cộng các khu ở và đơn vị ở gồm có :
+ Trong các khu ở tổ chức các công trình công cộng với chỉ tiêu bình quân đất xây dựng là 3,6 m²/người. Vị trí các khu đất được xác định phù hợp với tính chất và chức năng của công trình.
+ Trong các đơn vị ở, các công trình công cộng thiết yếu phục vụ hàng ngày (bao gồm cơ quan hành chính cấp phường, trường học, nhà trẻ, trạm y tế, câu lạc bộ cho người già và trẻ em, khu cây xanh, sân chơi, chợ, bãi đỗ xe, nơi thu gom rác) đảm bảo quy mô công trình và bán kính phục vụ phù hợp với quy chuẩn xây dựng.
* Các khu cây xanh công viên.
Hình thành vành đai sinh thái của thành phố trên địa bàn huyện xây dựng các khu cây xanh công viên, thể dục thể thao.
- Cấp thành phố: có công viên kết hợp hồ điều hoà Yên Sở, khu cây xanh TDTT Đai Kim - Thanh Liệt, khu cây xanh và hồ điều hoà Linh Đàm.
- Cấp khu vực: có công viên Định Công (khu Đầm Hồng), công viên Quang Lai (khu vực thị trấn Văn Điển).
- Ngoài ra còn có hệ thống cây xanh cách ly hai bên hệ thống sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu liên hệ với hệ thống hồ điều hoà tạo thành một hệ thống cây xanh liên tục.
* Cơ quan, viện nghiên cứu, trường đào tạo.
- Các cơ quan, trường đào tạo, viên nghiên cứu hiện có trên địa bàn huyện đã được xây dựng, được giữ lại cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp tạo bộ mặt đô thị hiện đại.
- Một số khu vực đất cơ quan và các trường đào tạo dự kiến xây dựng mới nằm trong các khu phát triển đô thị (khu phía Nam thị trấn Văn Điển, khu vực Cầu Bươu, khu vực Tân Triều - Kim Giang…)
* Các khu công nghiệp kho tàng.
- Cải tạo, nâng cấp, đầu tư chiều sâu cho các khu công nghiệp hiện có tại: Vĩnh Tuy - Thanh Trì, Giáp Bát, Thịnh Liệt, Pháp Vân, Văn Điển, Cầu Bươu. Tại khu vực Văn Điển, Cầu Bươu có một số cơ sở công nghiệp hoá chất, phân bón cần được bố trí cây xanh và đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh môi trường đô thị.
- Dự kiến bố trí thêm một số khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp nhỏ sạch đảm bảo vệ sinh môi trường phân tán trong các khu ở để giải quyết một phần lao động cho dân cư phi nông nghiệp.
* Các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật.
Trên địa bàn huyện có một số công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật của thành phố.
- Nhà máy nước (Nam Dư, Pháp Vân).
- Các khu xử lý nước thải (Tân Triều, Yên Sở).
- Khu chôn lấp phế thải (Tam Hiệp).
- Nghĩa trang thành phố (Văn Điển).
- Trạm bơm Yên Sở.
- Hệ thống đê sông Hồng.
- Hệ thống hồ điều hoà và sông, mương thoát nước thành phố: hồ Yên Sở, Linh Đàm, Định Công, Thanh Liệt, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, mương Yên Sở…).
- Khu vực bãi ăng ten Triều Khúc.
B- Khu vực xây dựng đô thị ngoài phạm vi quy hoạch thành phố trung tâm đến năm 2020.
* Quy hoạch các khu ở .
- Khu vực làng xóm cũ được giữ nguyên, cải tạo nâng cấp và bổ sung thêm hệ thống đường và các công trình hạ tầng kỹ thuật theo hướng từng bước đô thị hoá, nâng cao đIều kiện môi trường sống cho dân cư.
- Các khu ở mới bao gồm đất dãn dân trong khu vực và dự trữ cho các nhu cầu phát triển đô thị của thành phố và của huyện.
* Hệ thống công trình công cộng .
- Công cộng cấp khu vực trong các khu đang đô thị hoá được tổ chức thành các khu trung tâm công cộng phục vụ dân cư khu vực với chỉ tiêu đất bình quân 3 m²/người (tại Trần Phú, Yên Sở, Tứ Hiệp).
- Trong các đơn vị ở bố trí các công trình công cộng phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày (trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, nhà văn hoá, khu cây xanh công cộng, chợ, bãi đỗ xe, nơi thu gom rác…) .
* Các khu cây xanh.
- Trong các khu vực đang được đô thị hoá: Tổ chức các khu cây xanh công cộng, TDTT kết hợp với hệ thống hồ điều hoà và cây xanh cách ly dọc hệ thống mương thoát nước, tạo thành một hệ thống cây xanh kết hợp với mô hình xây dựng nhà ở kinh tế vườn, vừa tạo cảnh quan cải thiện môi trường vừa đáp ứng lợi ích kinh tế.
* Các khu công nghiệp, TTCN.
Trong các khu đô thị hoá ngoài một số cơ sở công nghiệp kho tàng của trung ương và thành phố đã xây dựng trong các khu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Trần Phú, Yên Sở dự kiến một số khu đất xây dựng cụm công nghiệp nhỏ, cụm TTCN để làm cơ sở phát triển công nghiệp, TTCN huyện Thanh Trì (các khu Vĩnh Tuy, Yên Sở, Tứ Hiệp, Tân Triều).
C- Khu vực dân cư nông thôn đến năm 2020.
* Đối với làng xóm : Trên cơ sở giữ nguyên làng xóm cũ, bổ sung thêm các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đồng thời có dự báo quỹ đất dãn dân cho khu vực và các nhu cầu xây dựng khác.
* Các trung tâm vùng và tiểu vùng (huyện).
- Trung tâm vùng phía Nam dự kiến tại Liên Ninh - Ngọc Hồi có dự trữ phát triển khu công nghiệp vừa và nhỏ của huyện tại phía Tây đường 1A (hiện tại đã có một số cơ sở sản xuất, nhà ở tập thể của các cơ quan, xí nghiệp trung ương và thành phố, đơn vị quốc phòng… đóng tại địa bàn) .
- Các trung tâm tiểu vùng (Tả Thanh Oai, Đông Mỹ)
Trong các trung tâm vùng và tiểu vùng dự kiến quỹ đất để xây dựng công trình công cộng, cơ sở sản xuất công nghiệp, các cụm TTCN, các làng nghề truyền thống tập trung, trạm trại kỹ thuật của huyện phục vụ phát triển kinh tế vùng và tiểu vùng (huyện). Ngoài ra còn có một số khu đất xây dựng nhà ở cho dân cư khu vực.
2.4. Quy hoạch giao thông.
* Các công trình giao thông đầu mối quốc gia.
a) Đường thuỷ:
Cảng Khuyến Lương trong ranh giới huyện có khả năng tiếp nhận tàu biển pha sông trọng tải 1000 T, được cải tạo mở rộnglên quy mô diện tích 20 ha, công suất xếp dỡ có thể đạt trên 1 triệu T/năm, nối với đường vành đai 3 bằng một tuyến đường vận tải 40 m tại nút giao thông khác cốt Yên Sở.
b) Đường sắt:
- Các đầu mối giao thông đường sắt cấp quốc gia:
+ Ga Giáp Bát: là ga lập tàu hành khách, thay thế chức năng của ga Hà Nội hiện nay và sẽ được cải tạo mở rộng quy mô diện tích khu vực dành cho ga và các công trình liên quan khoảng 40 ha.
+ Ga Ngọc Hồi: là ga lập tàu hàng nằm ở ngã ba tuyến đường sắt Bắc Nam và tuyến đường sắt vành đai thành phố vớí diện tích ga khoảng 67,5 ha trong đó có bố trí các xưởng bảo dưỡng sửa chữa toa xe, đầu máy, các kho hàng.v.v…Ga Ngọc Hồi liên hệ với quốc lộ 1 mới bằng 1 tuyến đường vận tải rộng 40m.
- Ga Văn Điển và ga Yên Sở là ga xép. Về lâu dài ga Văn ĐIển sẽ trở thành ga đường sắt đô thị.
- Tuyến đường sắt Bắc Nam (dài 9,8 km, đường đơn) sẽ cải tạo nâng cấp, tuyến đường sắt vành đai thành phố hiện nay sẽ được tiếp tục sang phía Gia Lâm để tạo thành vòng khép kín thành phố (chiều dài qua huyện khoảng 16,3 km, nền đường đôi).
c) Đường bộ:
Quốc lộ 1A trên địa bàn huyện sẽ trở thành tuyến đường chính đô thị hướng tâm phía Nam thành phố, thay thế cho tuyến QL1A hiện nay, trước mắt sẽ là tuyến tránh 1A Pháp Vân - Cầu Giẽ. Về lâu dài tuyến QL1A đoạn qua huyện Thanh Trì sẽ nhập vào đường vành đai 3 tại nút giao thông Yên Sở và cầu Thanh Trì. Dự kiến hành lang quốc lộ 1A mới có chiều rộng 60m.
* Mạng lưới giao thông đường bộ trong địa bàn huyện.
- Các đường chính thành phố và đường liên khu vực:
+ QL1A và đường Giải Phóng hiện nay sẽ trở thành tuyến đường hướng tâm phía Nam Thành phố có chiều dài khoảng 9,4 km. Tuyến đường này theo Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và các quyết định, văn bản của Bộ Giao thông vận tải và UBND thành phố có chiều rộng 37,5 ÷ 46m gồm 6 làn xe cơ giới, 4 làn xe thô sơ, hè phố và các dải phân cách.
+ Đường vành đai 3 đoạn qua huyện vừa là đường quốc gia vừa là đường chính thành phố có chiều dài 11,59km có chiều rộng mặt cắt ngang từ 51 ÷ 70m, gồm 6 ÷ 8 làn xe chạy nhanh, 4 làn đường gồm 2 bên, hè và dải phân cách.
+ Đường vành đai 4: có chiều dài khoảng 11,25 km , mặt cắt ngang rộng 39m (nếu kể cả hành lang đường sắt vành đai là 55m) cho 4 làn xe ôtô cao tốc.
+ Đường 70: dài khoảng 8,06 km là đương liên khu vực với mặt cắt ngang 50 m bao gồm: 4 làn xe cơ giới, 4 làn xe thô sơ, hè phố và các dải phân cách.
+ Đường phía Tây trương đua ngựa (Đại Kim - Tân Triều) là đường liên khu vực, nối đường vành đai 4 với đường vành đai 3 với chiều dài khoảng 2,56 km có mặt cắt ngang rộng 53,5 m bao gồm : 6 làn xe cơ giới, 4 làn xe thô sơ, hè phố và các dải phân cách.
+ Đường đê sông Hồng đoạn từ xã Thânh Trì đến vành đai 3 được cải tạo mở rộng (Kết hợp dự án cải tạo đê) với quy mô 6 làn xe.
- Các đường khu vực và phân khu vực: Quy hoạch chung thành phố đã xác định mạng lưới đường bộ đến các đường phân khu vực phần phía Bắc đường 70 và thị trấn Văn Điển. Trong đồ án này tiếp tục bổ sung thêm các đường khu vực và phân khu vực tại các khu vực khác để đảm bảo mật độ mạng lưới đường và khoảng cách giữa các tuyến đường.
+ Các đường khu vực: có mặt cắt ngang rộng 40 m (6 làn xe) gồm các tuyến: Thượng Đình - Giáp Bát - Lĩnh Nam - đường vành đai 3, đường Tam Trinh, đường phía Tây khu công nghiệp Vĩnh Tuy - khu xử lý nước thải thành phố, đường vành đai 3 - Cảng Khuyến Lương, đường ga Ngọc Hồi - QL1 mới, có tổng chiều dài khoảng 14,86 km.
+ Đường phân khu vực: có mặt cắt ngang rộng 30 m, 27 m và 25 m (lòng đường rộng 15 m, hè 2 bên rộng 5 - 7,5 m).
- Các tỉnh lộ:
+ Đường 70B (dài 6 km) đoạn qua khu dân cư được cải tạo mở rộng thành đường có mặt cắt ngang rộng 17,5 m . Các đoạn ngoài khu dân cư dự kiến là đường cấp III đồng bằng (nền đường rộng 7 m, mặt đường rộng 12 m).
+ Đường đê sông Hồng (đoạn từ đường vành đai 3 đến hết địa phận huyện Thanh Trì, dài 12,2 km) được cải tạo nâng cấp thành đường cấp III đồng bằng.
- Các đường liên xã cơ bản sẽ được cải tạo, nâng cấp trên cơ sở đường hiện có tương đương với đường cấp IV đồng bằng (mặt đường rộng 6 m, lề 2 bên rộng 1,5 m) đối với đoạn ngoài các khu dân cư. Các đoạn đi qua các khu dân cư sẽ mở rộng mặt đường lên 7,5 m, xây dựng hè phố hai bên rộng từ 3 - 5 m. Bổ sung thêm 2 tuyến liên xã dọc theo sông Nhuệ thuộc địa bàn xã Hữu Hoà và Tả Thanh Oai để thay thế các tuyến hiện có chạy dọc hai bên bờ sông Nhuệ, Không có khả năng mở rộng và một tuyến đường liên xã mới từ Đại áng đi thôn Siêu Quần (xã Tả Thanh Oai) nối các khu vực dân cư ở phía Tây Nam huyện với khu vực trung tâm vùng (huyện) Liên Ninh.
* Đường sắt đô thị.
Gồm có hai tuyến:
- Tuyến chạy dọc theo đường Giải Phóng và QL1 từ trung tâm thành phố đến ga Văn Điển có chiều dài trên địa bàn huyện khoảng 4,6 km có thể tiếp tục kéo dài đến Ngọc Hồi.
- Tuyến chạy theo đường vành đai 3 tử Tân Triều đến khu vực ga Giáp Bát có chiều dài khoảng 4,4 km. Trên tuyến đường này riêng đoạn từ sông Tô Lịch đến ga Giáp Bát có hai phương án hướng tuyến :
+ Phương án 1: Tuyến chạy dọc theo bờ Nam sông Lừ và phía Nam khu đô thị mới Đại Kim - Định Công rồi rẽ vào ga Giáp Bát.
+ Phương án 2: Tuyến tiếp tục đi cùng hành lang với đường vành đai 3 qua hồ Linh Đàm sau đó nhập vào tuyến đường sắt đô thị chạy dọc theo đường Giải Phóng và QL1.
* Bến bãi đỗ xe.
- Các bến xe tải và đề pô xe buýt thành phố: Gồm có các bến xe tải Yên Sở (diện tích 5 ha), bến xe tải Thanh Liệt (diện tích 2 ha) và đề pô tại xã Tân Triều (diện tích 2 ha). Bến xe đầu mối tại Ngũ Hiệp và phía Tây khu vực ga Giáp Bát.
- Các nhà để xe, bãi đỗ xe đô thị: Dự kiến dành khoảng 1 ÷ 2% quỹ đất đô thị để làm nhà để xe, bãi đỗ xe. Các bãi đỗ xe tập trung được bố trí chủ yếu trong các khu cây xanh, hành lang kỹ thuật, gần các nút giao thông chính. Diện tích từng bãi đỗ xe được xác định phù hợp với diện tích các khu quy hoạch và cân đối trong quy hoạch sử dụng đất.
Các chỉ tiêu đạt được :
* Khu vực phát triển thành phố trung tâm:
- Mật độ mạng lưới đường phân khu vực: 2,05 km/km².
- Tổng diện tích đất giao thông đến đường phân khu vực: 245,71 ha (9,4%).
Trong đó:
+ Mạng đường: 210,71 ha (8,06%).
+ Giao thông tĩnh: 35 ha (1,34%).
* Khu vực đang đô thị hoá ngoài thành phố trung tâm: 1.240 ha.
- Mật độ mạng lưới đường phân khu vực: 1,39 km/km².
- Tổng diện tích đất giao thông đến đường phân khu vực: 74,05 ha (5,97%).
Trong đó:
+ Mạng đường: 62,65 ha (5,05%).
+ Giao thông tĩnh: 11,4 ha (0,92%).
* Khu vực trung tâm vùng huyện Liên Ninh - Ngọc Hồi: 190 ha.
- Mật độ mạng lưới đường nhánh: 7,2 km/km².
- Diện tích đất giao thông đến đường nhánh: 41,53 ha (21,86%).
Trong đó:
+ Mạng đường: 37,53 ha (19,75%).
+ Giao thông tĩnh: 4 ha (2,11%).
4. Quy hoạch xây dựng đợt đầu (đến năm 2005)
Khu vực xây dựng đợt đầu gồm: đường vành đai 3 (đoạn từ Quốc lộ 6 đến Pháp Vân), các khu đô thị mới Định Công, Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công, Khu Du lịch dịch vụ tổng hợp Hồ Linh Đàm, Khu trường đua ngựa Đại Kim - Tân Triều, Khu trung tâm TDTT Công an nhân dân, Khu đô thị mới Pháp Vân - Văn Điển, khu trung tâm hỗ trợ trẻ em đặc biệt Yên Sở, khu công nghiệp vừa và nhỏ Vĩnh Tuy, bến xe đầu mối tại Ngũ Hiệp và phía Tây ga Giáp Bát… và một số công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật của thành phố nhằm tập trung vốn đầu tư, sớm hình thành bộ mặt kiến trúc đô thị và hoàn thiện các điều kiện về kỹ thuật hạ tầng.
Song song với việc xây dựng các đô thị mới, tiến hành cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội các khu làng xóm nằm trong khu vực đô thị hoá.
Điều 2: Căn cứ Quy hoạch chi tiết huyện Thanh Trì Hà Nội, tỷ lệ 1/5.000 ( phần quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông) được phê duyệt, Kiến trúc sư trưởng Thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, ký xác nhận hồ sơ, bản vẽ thiết kế kèm theo; tổ chức công bố công khai quy hoạch chi tiết được duyệt cùng các dự án xây dựng kêu gọi đầu tư để các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết, thực hiện; Căn cứ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và thông tư số 10/2000/TT-BXD ngày 8/8/2000 của Bộ Xây Dựng, chỉ đạo Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội tổ chức nghiên cứu, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với đồ án quy hoạch chi tiết này, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định và phê duyệt.
Giao cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Trì chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch và xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Kiến trúc sư trưởng Thành phố; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Giao thông công chính, Kế hoạch và đầu tư, Địa chính - Nhà đất, Tài chính - Vật giá, Khoa học công nghệ và môi trường; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Trì; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thuộc huyện Thành Trì; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức, cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |