Quyết định 135-LN/QĐ

Quyết định 135-LN/QĐ năm 1970 về quy trình tạm thời về khai thác rừng chuyên kinh doanh trụ mỏ do Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 135-LN/QĐ quy trình tạm thời về khai thác rừng chuyên kinh doanh trụ mỏ


TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 135-LN/QĐ

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 1970

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY TRÌNH TẠM THỜI VỀ KHAI THÁC RỪNG CHUYÊN KINH DOANH TRỤ MỎ

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 140-CP ngày 29 tháng 09 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Lâm nghiệp ;
Căn cứ Nghị định số 586-TTg ngày 03 tháng 10 năm 1955 của Thủ tướng Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời về khai thác gỗ, củi ;
Căn cứ Quyết định số 603-B/LN ngày 24 tháng 08 năm 1963 của Tổng cục Lâm nghiệp ban hành quy trình tạm thời về khai thác gỗ ;
Căn cứ Nghị định số 124-CP ngày 24 tháng 08 năm 1963 của Hội đồng Chính phủ quy định việc nghiên cứu, xét duyệt, ban hành và quản lý các quy phạm, quy trình kỹ thuật dùng trong sản xuất công nghiệp;
Theo đề nghị của các ông Cục trưởng Cục khai thác chế biến lâm sản, Cục trưởng Cục bảo vệ lâm nghiệp và sau khi Hội đồng khoa học kỹ thuật Tổng cục Lâm nghiệp đã thảo luận và có ý kiến,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy trình tạm thời về khai thác rừng chuyên kinh doanh gỗ trụ mỏ áp dụng cho tất cả các khu rừng gỗ trụ mỏ được phép khai thác.

Điều 2. – Các Uỷ ban hành chính tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, các ông Cục trưởng Cục khai thác chế biến lâm sản, Cục thưởng Cục bảo vệ lâm nghiệp, Trưởng ty lâm nghiệp, Giám đốc công ty công nghiệp rừng, Giám đốc lâm trường trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP




Nguyễn Tạo

 

QUY TRÌNH TẠM THỜI

VỀ KHAI THÁC RỪNG CHUYÊN KINH DOANH GỖ TRỤ MỎ

(ban hành kèm theo Quyết định số 135-LN/QĐ ngày 23 tháng 02 năm 1970 của Tổng cục Lâm nghiệp)

Điều 1. – Quy trình này quy định cách làm, trình tự tiến hành, tiêu chuẩn kỹ thuật, chế độ trách nhiệm của từng khâu trong công tác kinh doanh rừng gỗ trụ mỏ nhằm chuyển một số loại rừng gỗ lớn, rừng trồng thành rừng chuyên kinh doanh gỗ trụ mỏ để bảo đảm yêu cầu bảo vệ rừng, không ngừng nâng cao năng suất lao động, thực hiện tái sản xuất mở rộng tài nguyên rừng, giải quyết vững chắc nhu cầu về gỗ trụ mỏ, củi cho công nghiệp và đời sống, tiết kiệm nguyên vật liệu, bảo đảm chất lượng và quy cách sản phẩm, bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ công cụ thiết bị.

Điều 2. - Tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức khi được phép tiến hành khai thác rừng gỗ trụ mỏ đều phải tuân theo quy trình này.

Chương 1:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 3. – Có hai hình thức tổ chức khai thác gỗ trụ mỏ là : hình thức tổ chức kinh doanh của Nhà nước (quốc doanh) và hình thức tổ chức kinh doanh của hợp tác xã. Cả hai hình thức tổ chức này đều phải áp dụng đầy đủ quy trình này.

Điều 4. - Một số những khu rừng tự nhiên thuộc loại IIIa, IIIb đang phục hồi hoặc có triển vọng phục hồi, có điều kiện vận xuất, vận chuyển thuận lợi và không ở quá xa nơi tiêu thụ, phải được chuyển thành rừng chuyên kinh doanh gỗ trụ mỏ.

Những khu rừng tự nhiên có trên 30% toàn bộ trữ lượng là gỗ thuộc các nhóm I, II, III và có diện tích trên 5 hécta thì không được chuyển thành rừng chuyên sản xuất gỗ trụ mỏ, trừ trường hợp đặc biệt được Tổng cục Lâm nghiệp cho phép.

Điều 5. – Phương thức kinh doanh rừng trụ mỏ là áp dụng cả hai phương thức tái sinh bằng chồi và tái sinh bằng hạt. Trong việc nuôi dưỡng rừng trụ mỏ phải bảo đảm cả hai thành phần cây chồi, cây hạt, nhưng thành phần cây chồi là chủ yếu.

Điều 6. – Phương thức khai thác rừng trụ mỏ là chặt chọn. Sản lượng khai thác không được vượt quá 30% trữ lượng của rừng. Trong quá trình chuyển rừng gỗ lớn thành rừng gỗ trụ mỏ phải tiến hành chặt cây lớn, cây cong queo, cây bị sâu bệnh để chuyển dần rừng đó thành rừng trụ mỏ.

Điều 7. – Luân kỳ khai thác rừng gỗ trụ mỏ tạm thời quy định từ 07 đến 10 năm. Muốn rút ngắn thời gian của luân kỳ phải được Tổng cục Lâm nghiệp duyệt. Trong thời gian mỗi luân kỳ phải tiến hành chặt nuôi dưỡng, tỉa một số cây để bảo đảm tái sinh rừng và tận dụng gỗ, củi.

Chương 2:

QUY HOẠCH VÀ CHUẨN BỊ KHAI THÁC

Mục 1 – Quy hoạch rừng.

Điều 8. – Việc quy hoạch và duyệt quy hoạch phải theo đúng những quy định của quy trình tạm thời về khai thác gỗ (mục 1 chương II).

Điều 9. – Phân khoảnh, lô khai thác :

1. Phân khoảnh : phải dựa vào điều kiện tự nhiên và tình hình rừng để phân rừng ra thành từng khoảnh có diện tích từ 50 đến 80 hécta.

Nếu đã có quy hoạch chính thức thì dựa vào khoảnh của quy hoạch. Các khoảnh phải có cọc mốc như đã quy định ở điều 14 của quy trình tạm thời về khai thác gỗ.

2. Phân lô : Lô là đơn vị kinh doanh chủ yếu. Phải dựa vào địa hình để phân khoảnh ra thành từng lô có diện tích từ 5 đến 8 héc ta  và có đường ranh giới rộng 1 mét.

Mục 2 – Giao nhận và thu hồi khoảnh khai thác.

Điều 10. – Việc giao nhận khoảnh khai thác phải theo đúng quy định của quy trình tạm thời về khai thác gỗ (mục 2 chương II). Cán bộ quản lý rừng và đội trưởng phải trực tiếp giao lô khai thác cho tổ khai thác tại hiện trường.

Điều 11. – Trình tự khai thác các lô phải theo đúng bản thiết kế khai thác đã quy định. Trường hợp chưa làm hoàn chỉnh hệ thống đường vận xuất thì có thể khai thác ở nơi đã có đường hoặc ở nơi gần trước.

Điều 12. – Việc kiểm tra và thu hồi khoảnh, lô khai thác phải theo đúng các quy định ở các điều 29 và 30 trong quy trình tạm thời về khai thác gỗ.

Mục 3 - Chuẩn bị rừng khai thác.

Điều 13. – Phải luồng phát rừng trước khi khai thác ít nhất là 2 tháng. Khi luồng phát phải chặt hết dây leo và một số cây bụi có hại. Dây leo phải chặt sát gốc và ngang tầm với, cây bụi phải chặt thấp. Trong luồng phát phải chú ý bảo vệ các cây có ích như dây nâu, mây, song, cây thuốc (sa nhân, hà thủ ô, v.v…)

Điều 14. – Việc bài cây là trách nhiệm của cán bộ quản lý rừng và phải theo đúng yêu cầu đối với từng loại rừng như sau :

1. Rừng đang phục hồi (loại II) :

a) Rừng tự nhiên : bài chặt những cây to chèn ép nhiều cây con, cây già cỗi, cây bị sâu bệnh, cây cong queo, cây bị thoái hoá.

b) Rừng trồng : khi cây đã có đường kính trên 10 centimét mà có hiện tượng cạnh tranh nhau thì bài chặt những cây bị thoái hoá.

2. Rừng loại IIIa1 : bài chặt một số cây cong queo, cây bị sâu bệnh, cây rỗng ruột, cây chèn ép nhiều cây con và bài chặt tỉa một số cây có đường kính trên 20 centimét ở những nơi quá dầy.

3. Rừng loại IIIa2, IIIa3, IIIb : đối với những loại rừng này là những loại rừng chủ yếu để khai thác gỗ trụ mỏ, phải chặt mạnh tầng trên, tỉa thưa tầng giữa, chăm sóc tầng dưới và xúc tiến tái sinh thiên nhiên. Việc bài cây chặt phải theo từng tổ đường kính như sau :

a) Tổ đường kính từ 5 đến 12 centimét : chỉ bài chặt những cây cong queo, cây bị sâu bệnh, cây bị thoái hoá, cây mọc ở chỗ quá dầy.

b) Tổ đường kính từ 13 đến 15 centimét : bài chặt những cây bị thoái hoá, chặt tỉa những cây mọc dầy.

c) Tổ đường kính từ 17 đến 23 centimét : gồm những cây đã thành thục để khai thác gỗ trụ mỏ, phải bài chặt mạnh, nhất là cây có từ 20 đến 23 centimét.

d) Tổ đường kính từ 24 đến 30 centimét : bài chặt hết, chỉ cần giữ lại từ 15 đến 20 cây trên 1 hécta rải đều trên toàn diện tích để dành làm cây gieo giống. Cây giống phải thẳng, đẹp, mọc nhanh, có đoạn thân dưới cành dài, tán lá nhỏ và trung bình.

e) Tổ đường kính trên 31 centimét : phải bài chặt triệt để. Độ tàn che tối thiểu của rừng sau khai thác là 0,3 đến 0,4.

Điều 15. – Đánh dấu cây bài : các cây bài phải được đánh dấu ở trên thân cây bằng các ký hiệu :

- Dấu cây bài chặt là “X" (dấu nhân) ở tầm ngang ngực.

- Dấu cây bài chừa là “-“ (vạch ngang) dưới gốc cây trên mặt đất 5 centimét phía trên dốc.

- Dấu ken (bóc vỏ cho cây chết đứng) là “0” (dấu không) ở tầm cao ngang ngực.

Điều 16. – Lý lịch khoảnh, lô : sau khi bài cây, cán bộ quản lý rừng phải viết lý lịch khoảnh, lô khai thác. Nội dung bản lý lịch phải ghi rõ :

a) Đặc điểm tình hình rừng.

b) Diện tích khoảnh, lô.

c) Trữ lượng gỗ.

d) Số cây bài chặt, cây chừa, cây gieo giống, cây ken chết.

e) Sản lượng được phép khai thác.

g) Cự ly vận xuất bình quân.

h) Ngày cho khai thác, ngày đóng rừng.

Kèm theo lý lịch phải có một bản đồ khoảnh, lô với tỷ lệ 1/5.000, trên bản đồ ghi rõ diện tích, trữ sản lượng của từng lô.

Điều 17. - Chuẩn bị khai thác :

Trước khi chuẩn bị khai thác phải tiến hành thiết kế khai thác. Việc chuẩn bị khai thác phải theo đúng các điều 18 và 19 của quy trình tạm thời về khai thác gỗ.

Chương 3:

TIẾN HÀNH KHAI THÁC

Mục 1 - Chặt hạ.

Điều 18. – Khi tiến hành khai thác phải chặt cây lớn trước, chặt cây lấy gỗ trụ mỏ sau. Khi chặt hạ phải hết sức bảo vệ cây con, chọn hướng đổ ít hại cây con. Không được chặt cây con mà phải tận dụng cành ngọn để làm đòn xeo, đà kê.

Điều 19. - Chỉ được phép chặt cây trong lô đã giao nhận. Khi chặt hạ chỉ được chặt và phải chặt hết những cây có dấu bài chặt. Chiều cao của gốc cây chặt đo từ mặt đất ở phía trên dốc đến mép gốc cây, được quy định như sau :

1. Gỗ lớn : Theo như quy định ở điều 39 của quy trình tạm thời về khai thác gỗ.

2. Gỗ trụ mỏ : những cây có đường kính từ 13 đến 23 centimét gốc chặt thấp từ 10 đến 15 centimét. Những cây có đường kính từ 5 đến 12 centimét gốc chặt không được cao quá 6 centimét.

Mặt gốc chặt theo hình như một mái nhà xuôi theo sườn dốc. Mặt gốc phải gọt nhẵn, không được dập vỡ, sơ xước.

Phải dùng cưa đơn và dao tạ để chặt hạ và cắt khúc cây.

Điều 20. – Trong khi khai thác có những cây bị dập gẫy, cây chống chày thì phải chặt để tận dụng làm gỗ củi. Những cây còn sức đâm chồi phải gọt gốc.

Điều 21. - Cắt khúc gỗ trụ mỏ phải theo đúng các quy định hiện hành của Tổng cục Lâm nghiệp về kích thước, quy cách, phẩm chất. Trong chặt hạ, cắt khúc gỗ trụ mỏ phải bảo đảm tận dụng gỗ đến mức cao nhất.

Điều 22. - Dọn rừng sau khi khai thác :

Khai thác xong mỗi lô phải dọn rừng ngay. Nội dung công việc dọn rừng bao gồm các công việc cụ thể sau đây :

1. Sau khi đã tận dụng làm củi, cành nhánh còn lại phải cắt thành đoạn ngắn và dập nằm sát mặt đất rừng.

2. Bóc vỏ những cây có bài dấu ken, chiều dài phần vỏ bị bóc là 20 centimét.

3. Chặt tỉa một số chồi xấu trên gốc cây mẹ có nhiều chồi. Đối với những khu rừng đã khai thác và dọn rừng đúng theo quy định nhưng sau đó tình hình sinh trưởng kém thì phải tiến hành những biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng như : tra dậm hạt, chặt tỉa cây bụi, dây leo… Phải hết sức phòng chống đất rừng bị thoái hoá.

Mục 2 - Vận xuất, vận chuyển.

Điều 23. - Vận xuất : việc vận xuất phải tiến hành theo các quy định sau đây :

1. Phải bảo đảm lấy hết gỗ, củi ra và không làm hại cây con;

2. Có đường vận xuất mới được khai thác;

3. Khi làm đường vận xuất không được tiện đâu mở đấy, mà phải theo đúng bản thiết kế khai thác và phải tận dụng đường ranh lô làm đường kéo lết, xe quệt;

4. Phải phát triển máng lao, dây cáp ở những nơi có điều kiện để nâng cao năng suất vận xuất và tận dụng gỗ, củi;

5. Phải tận dụng và cải tạo khe suối để vận xuất gỗ.

Điều 24. - Vận chuyển :

1. Nơi nào có điều kiện phải mở đường ô tô để vận chuyển bằng cơ giới, đưa nhanh gỗ trụ mỏ, củi về nơi tiêu thụ, tránh tình trạng để gỗ bị mục, mọt ;

2. Phải vận chuyển gỗ trụ mỏ, củi bằng đường thuỷ ở những nơi có sông ngòi thuận tiện;

3. Những đoạn đường vận chuyển ngắn phải dùng xe thô sơ cải tiến để vận chuyển.

Điều 25. – Phải bảo đảm thời hạn vận xuất hết gỗ trụ mỏ, củi ra khỏi rừng và thời hạn để gỗ củi tại bãi theo như quy định ở các điều 23 và 49 của quy trình tạm thời về khai thác gỗ.

Mục 3 – Bãi bến, bảo quản.

Điều 26. – Bãi gỗ trụ mỏ, củi phải làm ở nơi cao ráo, không đọng nước và có đường cho xe ra vào thuận lợi. Phải thường xuyên tu sửa, dọn vệ sinh bãi.

Điều 27. - Gỗ, củi đã khai thác phải tập trung ở các bãi nhất định và xếp theo từng loại như sau :

1. Gỗ lớn : theo như quy định ở các điều 47 và 48 của quy trình tạm thời về khai thác gỗ.

2. Gỗ trụ mỏ : xếp từng loại riêng, thành từng đống theo hình cũi lợn. Chiều cao của mỗi đống ngang vai người đứng (khoảng 1,5 mét).

3. Củi :

a) Loại củi có đường kính từ 1 đến 5 centimét phải bó thành từng bó, xếp thành từng hàng cao 1 mét, chiều dài không hạn định.

b) Loại củi có đường kính trên 5 centimét phải xếp thành từng bảng cao 1 mét, chiều dài không hạn định.

Điều 28. - Bảo quản gỗ :

1. Đối với gỗ lớn phải theo như quy định ở các điều 52 và 53 của quy trình tạm thời về khai thác gỗ.

2. Đối với gỗ trụ mỏ thì chủ yếu là phải có kế hoạch vận xuất, vận chuyển nhanh đến nơi tiêu thụ ; trong thời gian còn phải tập trung ở bãi thì phải kê xếp đúng như quy định ở điều 27 trên đây.

Điều 29. - Gỗ củi mang tới bãi tập trung phải đo và đánh dấu trước khi chuyển đi nơi khác.

1. Đối với gỗ lớn : theo như quy định ở điều 48 của quy trình tạm thời về khai thác gỗ.

2. Gỗ trụ mỏ : mỗi đống gỗ phải ghi ký hiệu vào một cây gỗ ở trên và ngoài cùng bằng sơn đỏ theo thứ tự : chiều dài cây gỗ bằng mét, đường kính bằng centimét, số lượng cây trong đống.

Ví dụ : 2,5 x 21 x 50

3. Củi : ở đầu mỗi hàng phải có bảng ghi chiều dài của hàng, khối lượng si-te.

Ví dụ : 15m x 12 si-te

Người phụ trách bãi gỗ phải giữ một quyển sổ xuất nhập ghi rõ khối lượng từng loại sản phẩm. Sổ xuất nhập phải ghi chép cho cập nhật.

Chương 4:

TRÁCH NHIỆM VÀ THƯỞNG PHẠT

Điều 30. – Quy trình này phải được phổ biến sâu rộng tới toàn thể cán bộ, công nhân, sơn tràng và trong nhân dân ở những nơi có rừng chuyên kinh doanh gỗ trụ mỏ.

Các trường đại học, trung cấp, sơ cấp lâm nghiệp, các lớp huấn luyện ngắn ngày cho cán bộ, công nhân khai thác phải đưa nội dung bản quy trình này vào chương trình giảng dạy và huấn luyện.

Điều 31. – Giám đốc lâm trường, bộ phận quản lý rừng, cán bộ phụ trách bộ phận khai thác chịu trách nhiệm về toàn bộ công tác khai thác và những vụ vi phạm quy trình của công nhân, xã viên nghề rừng của hợp tác xã trong đơn vị mình.

Đối với những vụ vi phạm quy trình, sẽ tuỳ theo trường hợp mà xử lý theo điều 13 của “điều lệ tạm thời về khai thác gỗ củi” ban hành kèm theo Nghị định số 596-TTg ngày 03 tháng 10 năm 1955 của Thủ tướng Chính phủ, hoặc điều 44 của Nghị định số 10-CP ngày 26 tháng 04 năm 1960 của Hội đồng Chính phủ quy định chế độ tiết kiệm gỗ.

Đối với những cán bộ, nhân viên vi phạm những điều quy định trong quy trình này thì ngoài việc xử lý theo những điều đã nói trên còn có thể bị thi hành kỷ luật về mặt hành chính.

Điều 32. - Những tổ chức và cá nhân khai thác tích cực thi hành quy định này sẽ được khen thưởng thích đáng tuỳ theo thành tích.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 135-LN/QĐ

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu135-LN/QĐ
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành23/02/1970
Ngày hiệu lực10/03/1970
Ngày công báo31/03/1970
Số công báoSố 5
Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 135-LN/QĐ

Lược đồ Quyết định 135-LN/QĐ quy trình tạm thời về khai thác rừng chuyên kinh doanh trụ mỏ


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 135-LN/QĐ quy trình tạm thời về khai thác rừng chuyên kinh doanh trụ mỏ
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu135-LN/QĐ
                Cơ quan ban hànhTổng cục Lâm nghiệp
                Người kýNguyễn Tạo
                Ngày ban hành23/02/1970
                Ngày hiệu lực10/03/1970
                Ngày công báo31/03/1970
                Số công báoSố 5
                Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
                Cập nhật18 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản gốc Quyết định 135-LN/QĐ quy trình tạm thời về khai thác rừng chuyên kinh doanh trụ mỏ

                        Lịch sử hiệu lực Quyết định 135-LN/QĐ quy trình tạm thời về khai thác rừng chuyên kinh doanh trụ mỏ

                        • 23/02/1970

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 31/03/1970

                          Văn bản được đăng công báo

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 10/03/1970

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực