Nội dung toàn văn Quyết định 14/2006/QĐ-TTg Quy hoạch phát triển giao thông bền vững đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang 2010-2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2006/QĐ-TTG | Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG BỀN VỮNG ĐẢO PHÚ QUỐC, TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ kết luận của Bộ Chính trị tại thông báo số 85/TB/TW ngày 30 tháng 10 năm 2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ năm 2001 - 2010;
Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại tờ trình số 6122/TTr-BGTVT ngày 03 tháng 10 năm 2005,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông bền vững đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang giai đoạn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu quy hoạch:
Phát triển giao thông bền vững đảo Phú Quốc bao gồm: đường bộ, cảng biển, cảng hàng không nhằm tăng khả năng giao lưu giữa đảo Phú Quốc với đất liền, với các đảo ở vùng biển phía Tây Nam và với các nước trong khu vực để phục vụ mục tiêu xây dựng phát triển đảo Phú Quốc trở thành một trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao, đồng thời bảo vệ an ninh, quốc phòng.
2. Nhiệm vụ quy hoạch:
Quy hoạch phát triển hệ thống đường ô tô, cảng biển, cảng hàng không để đảm bảo thông qua lượng hành khách và hàng hóa đến đảo Phú Quốc giai đoạn đến năm 2020:
- Bằng đường hàng không: 2,3 triệu hành khách/năm.
- Bằng đường biển: 0,99 triệu - 1,03 triệu hành khách/năm.
- Lượng hàng hóa thông qua cảng biển: 1,075 triệu tấn/năm.
3. Định hướng quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020:
a) Đường ô tô:
- Yêu cầu: đảm bảo giao thông thông suốt giữa các khu dân cư, khu kinh tế, khu du lịch, khu nghỉ mát tham quan với hệ thống đường bộ chất lượng cao, không lớn nhưng đảm bảo tốc độ nhanh, cảnh quan hai bên đường sạch đẹp.
- Cụ thể:
+ Đường trục chính Nam - Bắc đảo: Từ An Thới - Dương Đông - Suối Cái - Bãi Thơm dài 49km, trong đó:
. Đoạn An Thới - Suối Cái dài 38km, lộ giới 47m, bề rộng nền đường 26m và có dải phân cách.
. Đoạn Suối Cái - Bãi Thơm dài 11km, lộ giới 30m, bề rộng nền đường 16,5m.
+ Đường vòng quanh đảo dài 132km, quy mô từng đoạn tuyến như sau:
. An Thới - Cửa Lấp quy mô 4 làn xe, lộ giới 42m, bề rộng nền đường 26m và có dải phân cách.
. Cửa Lấp - Dương Đông - Cửa Cạn quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m.
. Các đoạn còn lại quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 7,5m.
+ Các đường nhánh gồm 17 đoạn tuyến dài 87,1km, trong đó: nâng cấp 11 tuyến có sẵn dài 61,1km, xây dựng mới 6 đoạn tuyến dài 26 km với quy mô sau:
. Đoạn phía Nam sân bay Dương Tơ quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 26m và có dải phân cách.
. Đoạn Cửa Lấp nối trục Nam - Bắc, đoạn Suối Tranh - Hàm Ninh quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m.
. Các đoạn còn lại quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 7,5m.
Những đoạn đi qua khu du lịch nghỉ mát khoảng cách giữa đường bộ và bờ biển phải đủ rộng để phục vụ mục đích khai thác du lịch.
Những đoạn qua rừng nguyên sinh phải hạn chế mức tối thiểu ảnh hưởng đến môi trường, dải cây xanh hai bên đường theo quy hoạch của Bộ Xây dựng.
+ Hệ thống giao thông công cộng: xây dựng các tuyến xe buýt, các bến xe, bãi đỗ xe.
b) Cảng biển:
Đảm bảo tiếp nhận hết lượng hành khách, hàng hoá ghi tại khoản 2 Điều 1 của Quyết định này, quy hoạch cụ thể các khu vực cảng như sau:
- Tại khu Vịnh An Thới: quy hoạch 1 bến nhô để neo đậu tàu có trọng tải đến 3.000 DWT, xây dựng 2 bến phao để neo đậu tàu có sức chở 2.000 hành khách hoặc tàu hàng có trọng tải đến 30.000 DWT.
- Tại Vịnh Đầm: quy hoạch 1 bến phao để neo đậu tàu có sức chở 2.000 hành khách; quy hoạch cảng khách nội địa ở phía Bắc vịnh gồm các bến nhô để neo đậu 8 tàu khách nội địa; quy hoạch khu cảng hàng hoá ở phía Nam vịnh để đậu tàu từ 1.000 đến 3.000 DWT; quy hoạch khu trú bão cho tàu cá ở phía trong vịnh.
- Tại Dương Đông: quy hoạch 1 bến phao để neo đậu tàu có sức chở 2.000 hành khách, 1 bến cho tàu khách ven biển, xây dựng đê chắn sóng và cải tạo luồng ở cửa sông Dương Đông.
- Tại Mũi Đất Đỏ: quy hoạch cảng hành khách để neo đậu tàu có sức chở 2.000 hành khách.
- Bến tàu du lịch: quy hoạch các bến để đậu tàu du lịch, thuyền buồm tại các vị trí có tổ chức du lịch, tham quan và khu dân cư.
c) Cảng hàng không:
- Giữ nguyên cảng hàng không Dương Đông để khai thác, tiếp nhận các loại máy bay ATR72, FOKKER70 đảm bảo công suất 300.000 hành khách/năm.
- Xây dựng mới cảng hàng không Dương Tơ đảm bảo công suất từ 2 triệu đến 2,5 triệu hành khách/năm.
4. Quy hoạch giai đoạn đến năm 2010:
a) Đường ô tô:
- Đường trục Nam - Bắc dài 49 km đầu tư theo quy hoạch, mặt đường bê tông nhựa.
- Đường vòng quanh đảo đầu tư đoạn An Thới - Cửa Lấp - Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu - Bãi Thơm - Hàm Ninh, dài 110 km, mặt đường bê tông nhựa.
- Các đường nhánh: nâng cấp 11 tuyến đường hiện có dài 61 km, mặt đường bê tông nhựa, xây dựng mới cầu Dương Đông, xây dựng hoàn chỉnh các công trình giao thông tĩnh.
b) Cảng biển:
- Tại An Thới: xây dựng Cảng An Thới gồm 1 cầu tàu có thể tiếp nhận tàu hàng đến 3.000 DWT và 1 bến phao có thể tiếp nhận tàu khách có sức chở 2.000 khách hoặc tàu chở hàng có trọng tải tới 30.000 DWT.
- Tại Vịnh Đầm: xây dựng 1 bến phao cho tàu khách có sức chở tới 2000 khách, 1 cầu dẫn và 2 bến nhô có thể tiếp nhận được 4 tàu khách ven biển hoặc tàu cao tốc, thuyền du lịch biển.
- Tại Dương Đông: xây dựng cảng gồm 1 bến phao để tiếp nhận được tàu khách có sức chở 2.000 khách, 1 bến cho tàu khách nội địa; đầu tư xây dựng đê chắn sóng và cải tạo luồng Dương Đông.
- Tại Mũi Đất Đỏ: nghiên cứu xây dựng cảng hành khách để tiếp nhận tàu khách có sức chở tới 2000 khách.
- Xây dựng các bến đỗ thuyền du lịch loại nhỏ.
c) Cảng hàng không:
Xây dựng cảng hàng không Dương Tơ và đưa vào khai thác sau năm 2010.
5. Nguồn vốn đầu tư:
- Các công trình hạ tầng: đường trục chính, đường Suối Cái - Gành Dầu, đường vòng quanh đảo, cảng biển dùng vốn ngân sách trung ương; địa phương có trách nhiệm đóng góp 50% kinh phí giải phóng mặt bằng.
- Thu xếp các nguồn vốn thích hợp để đầu tư sân bay Dương Tơ.
- Các đường nhánh và các công trình khác sử dụng nguồn vốn đổi đất lấy công trình, BT, BOT và các nguồn vốn khác.
Điều 2. Quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch:
- Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức công bố và quản lý quy hoạch.
- Các công trình hạ tầng chính như sân bay, cảng biển đường trục chính, đường Suối Cái - Gành Dầu, đường vòng quanh đảo do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
- Các công trình thuộc đô thị, phục vụ du lịch, dân dụng do địa phương quản lý.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |