Quyết định 14/2007/QĐ-UBND

Quyết định 14/2007/QĐ-UBND về đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động dạy nghề trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2010

Nội dung toàn văn Quyết định 14/2007/QĐ-UBND đẩy mạnh xã hội hoá dạy nghề Đà Nẵng đến 2010


UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2007/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 14 tháng 2 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân thành phố và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục - thể thao;

Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;

 Căn cứ Quyết định số 48/2002/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2002, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề giai đoạn 2002 – 2010;

 Căn cứ Quyết định số 1000/2005/QĐ-BLĐTBXH ngày 07 tháng 6 năm 2005, của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt Đề án phát triển xã hội hóa dạy nghề đến năm 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 47/2006/NQ-HĐND ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Hội đồng nhân dân thành phố về xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục - thể thao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2010 và các chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động dạy nghề trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2010.

Điều 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố về việc thực hiện Đề án nêu trên.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội , Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TV-TU, TT-HĐND thành phố;
- Bộ Lao động TB &XH;
- Bộ Tư pháp;
- Đoàn đại biểu QH thành phố
- CT, các PCT UBND TP;
- UBMTTQVN TP;
- Ban XHXH HĐND TP;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- HĐND, UBND các quận, huyện;
- Đài PT-TH, Báo Đà Nẵng;
- Trung tâm Công báo thành phố;
- Website Chính phủ;
- Lưu: VT,VX, TH.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

ĐỀ ÁN

ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2010
(Đính kèm Quyết định số 14 /2007/QĐ-UBND ngày 14 tháng 2 năm 2007 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Phần I

THỰC TRẠNG XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC:

1. Về nhận thức:

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 90/CP ngày 21 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và 8 năm thực hiện Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao , nhận thức của các cơ quan, đơn vị và nhân dân thành phố về xã hội hoá trong các lĩnh vực nói trên đã có những chuyển biến tích cực. Đảng bộ và chính quyền các cấp, cũng như các đoàn thể, tổ chức ngày càng quan tâm đến sự phát triển của hoạt động dạy nghề và xã hội hoá hoạt động dạy nghề.

2. Về chỉ đạo điều hành:

Hệ thống văn bản quy định về cơ chế, chính sách đối với hoạt động dạy nghề được trung ương ban hành đồng bộ và được địa phương thể chế hóa thông qua việc ban hành quy chế quản lý hoạt động dạy nghề, áp dụng chính sách thuế phù hợp, … góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành và các cơ sở dạy nghề. Nhờ đó, các thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và người dân được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia phát triển dạy nghề.

3. Về phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề:

Các trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, các doanh nghiệp có đăng ký hoạt động dạy nghề (gọi chung là cơ sở dạy nghề và sau đây viết tắt là CSDN) phát triển nhanh về số lượng. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố, năm 2000 có 21 CSDN, đến nay có 47 CSDN, thời điểm cao nhất có đến 54 CSDN hoạt động.

Chính sách xã hội hoá hoạt động dạy nghề (sau đây viết tắt là XHHHĐDN) đã thúc đẩy sự phát triển của CSDN về số lượng, chất lượng và quy mô. Trước khi có Nghị quyết số 90/CP, trên địa bàn thành phố chỉ có 01 CSDN ngoài công lập, đến nay có 19 cơ sở (chiếm 40,43% tổng số CSDN). Bên cạnh đó, trước năm 2000 chưa có doanh nghiệp nào tham gia đào tạo nghề thì đến nay có 10 doanh nghiệp mở cơ sở dạy nghề. Sự phát triển nhanh chóng của các CSDN đưa quy mô đào tạo nghề từ 17.000 học viên năm 2002 lên 32.000 học viên năm 2006

Sự phát triển đa dạng các loại hình trường, trung tâm dạy nghề, doanh nghiệp dạy nghề, mở rộng các thành phần kinh tế tham gia dạy nghề, đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong dạy nghề. Các CSDN ngoài công lập đã góp phần giải quyết gánh nặng về ngân sách, mặt khác, tạo động lực thúc đẩy các CSDN công lập nhanh chóng đổi mới nội dung hoạt động, nâng cao chất lượng đào tạo.

4. Tuyển sinh đào tạo nghề:

Năm 2000, tuyển được 9.475 học viên tham gia học nghề, đến năm 2005 tuyển được 18.512 học viên học nghề (tăng gần 2 lần); trong đó, học nghề dài hạn từ 26,04% tăng lên 32,28%. Đây là kết quả tích cực góp phần phát triển đội ngũ thợ lành nghề về cả số lượng và chất lượng.

Mặc dù số lượng CSDN ngoài công lập có tăng đáng kể, song quy mô đào tạo không lớn, nên tỉ lệ học viên ngoài công lập thấp - 14,98% so với tổng số học viên học nghề. Số học viên đóng học phí để học nghề mới đạt 46,6%.

5. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực dạy nghề:

Từ năm 2000 đến nay ,việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho dạy nghề được huy động từ nhiều nguồn: ngân sách Nhà nước, Chương trình mục tiêu nâng cao năng lực CSDN, học phí, vốn của các tổ chức, cá nhân, vốn đầu tư nước ngoài, tài trợ của các tổ chức quốc tế… Tổng nguồn vốn đầu tư của các CSDN đạt 375 tỷ đồng, trong đó CSDN ngoài công lập - 35,32 tỷ đồng, chiếm 9,42%; tổng giá trị thiết bị đầu tư cho hoạt động dạy nghề là 110 tỷ đồng, trong đó giá trị thiết bị đầu tư cho các CSDN ngoài công lập là 14,16 tỷ đồng, chiếm 12,87%.

Trong nguồn chi thường xuyên về dạy nghề, giai đoạn 2001-2005, nguồn đóng góp từ xã hội hoá chiếm 56,8%; trong đó, nguồn tài trợ quốc tế và hoạt động liên kết với doanh nghiệp chiếm 12,1%. Riêng đối với CSDN thuộc địa phương quản lý, nguồn xã hội hoá đạt 69,7% trong tổng nguồn lực đảm bảo hoạt động dạy nghề.

Mức độ đầu tư vào trang thiết bị phục vụ dạy học, thực hành của các CSDN khác nhau. Nhìn chung, các trường công lập, đặc biệt là các trường trực thuộc Bộ, ngành Trung ương, được đầu tư mạnh, trang bị tương đối đồng bộ phòng học, nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị ban đầu, và trong quá trình hoạt động. Đối với CSDN ngoài công lập, bên cạnh số ít cơ sở có đầu tư đáng kể (như Trường Dạy nghề Kỹ thuật- Kinh tế Cao Thắng, Trường Dạy nghề Công kỹ nghệ Đà Nẵng - Petrolimex, Trung tâm Đào tạo nghề Mai Linh, Trung tâm Đào tạo lái xe ôtô môtô thuộc Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ Đà Nẵng, Trung tâm Dạy nghề Phan Tiến Bé, Trung tâm Dạy nghề thẩm mỹ Sài Gòn), phần lớn CSDN phải thuê mướn nhà xưởng, thiết bị.

Tổng diện tích đất của các CSDN trên địa bàn thành phố là 335.432 m2, trong đó diện tích xây dựng là 105.000 m2; trong đó, diện tích đất của các CSDN ngoài công lập chỉ có 14.970m2 , chiếm 4,46%. Hầu hết CSDN ngoài công lập không có nhà luyện tập thể chất, khu nội trú, sân chơi. Một số trường có thư viện nhưng không đạt chuẩn vì không đảm bảo diện tích sử dụng.

II. TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN:

1. Tồn tại:

- Tốc độ XHHHĐDN những năm qua tương đối nhanh, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng về nguồn lực trong xã hội. Số CSDN thuộc Hội đoàn thể và trung tâm khác có dạy nghề khá nhiều nhưng qui mô nhỏ, rất ít giáo viên cơ hữu. Số doanh nghiệp tham gia dạy nghề còn ít, quy mô nhỏ.

- Phần lớn CSDN ngoài công lập có quy mô nhỏ, manh mún; cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thiết bị, chủ yếu tận dụng máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu; nhà xưởng thực hành chật hẹp. Nhiều đơn vị chưa đủ điều kiện đầu tư phải thuê phòng dạy học và chủ yếu tập trung khai thác một số nghề có chi phí đầu tư thấp, thu hồi vốn nhanh, ít tính đến việc đáp ứng nhu cầu lao động thực tế. Phòng học và nhà xưởng chưa được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn. Một số CSDN ngoài công lập tuyển sinh học nghề không đạt quy mô tối thiểu theo quy định.

- Công tác triển khai XHHHĐDN chưa theo kịp yêu cầu phát triển, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong việc thực hiện các chính sách, nhất là giải quyết nhu cầu sử dụng đất (giao đất hoặc cho thuê đất), chính sách đất đai, chính sách tài chính - tín dụng.

2. Nguyên nhân:

- Nhận thức về học nghề và XHHHĐDN của các cấp, các ngành và trong xã hội chưa đầy đủ, xem xã hội hoá chỉ là biện pháp huy động sự đóng góp của nhân dân trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp; chưa thấy hết ý nghĩa của việc càng XHHHĐDN, Nhà nước càng có điều kiện đầu tư mạnh hơn và hiệu quả hơn vào lĩnh vực này. Các CSDN công lập còn nặng tư tưởng, thói quen bao cấp, ỷ lại Nhà nước, chủ yếu dựa vào phân bổ chỉ tiêu đào tạo, chưa thật sự năng động để thu hút người học nghề. Các CSDN ngoài công lập chưa xây dựng được thương hiệu, thiếu mạnh dạn trong đầu tư trang bị máy móc, thiết bị, mở rộng cơ sở, nhằm nâng cao năng lực đào tạo.

- Cơ chế, chính sách của Trung ương chưa được thể chế hoá, thiếu đồng bộ, chưa phát huy tác dụng trong cuộc sống. Thành phố chưa có quy định cụ thể về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển CSDN; chưa thực hiện được việc phân bổ chỉ tiêu dạy nghề theo đơn đặt hàng cho các CSDN ngoài công lập; chưa thành lập được Quỹ hỗ trợ dạy nghề; chưa có cơ chế ràng buộc nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo.

- Chưa phát huy đầy đủ vai trò quản lý Nhà nước đối với XHHHĐDN, bộ máy quản lý dạy nghề chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.

- Trong xây dựng đội ngũ, chưa quan tâm hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, giáo viên trong các CSDN ngoài công lập.

- Các CSDN ngoài công lập phân bổ không đồng đều, phần lớn tập trung trên địa bàn quận Hải Châu và quận Thanh Khê, nên quỹ đất để mở rộng rất khó khăn.

Phần II

MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ ĐẾN NĂM 2010

I. MỤC TIÊU:

- Huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển hoạt động dạy nghề. Nhà nước tiếp tục tăng cường đầu tư cho sự nghiệp phát triển dạy nghề, ưu tiên hỗ trợ đào tạo những ngành nghề trọng điểm, kỹ thuật cao, những nghề đào tạo khó huy động nguồn lực từ xã hội.

- Tạo điều kiện để mọi người dân có cơ hội học nghề và được thụ hưởng các thành quả dạy nghề ở mức độ ngày càng cao, đặc biệt là các đối tượng chính sách, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, người nghèo, con em đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng miền núi, nông dân bị thu hồi đất canh tác.

- Thu hút số lượng học viên học nghề trong 5 năm là 105.000 người, trong đó hệ trung cấp nghề và cao đẳng nghề đạt 30 - 35%, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 25,7% lên 37- 38%, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung từ 37% lên 50%. Tăng tỷ lệ học viên tham gia học nghề đóng học phí đạt trên 70% trong tổng số học viên học nghề.

- Trước năm 2010, hoàn thành việc chuyển toàn bộ các cơ sở dạy nghề công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ; khuyến khích phát triển các CSDN ngoài công lập, đi đôi với nâng cao chất lượng dạy nghề, bảo đảm cơ cấu ngành nghề, trình độ đáp ứng nhu cầu lao động của các ngành kinh tế, kỹ thuật trên địa bàn thành phố.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội hoá hoạt động dạy nghề:

Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các CSDN thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về học nghề, về XHHHĐDN. Tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách về XHHHĐDN. Phát động thi đua, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến về XHHHĐDN.

2. Tiếp tục đổi mới chính sách và cơ chế quản lý:

- Về chính sách khuyến khích XHH hoạt động dạy nghề: Căn cứ Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập và Thông tư số 53/2006/NĐ-CP">91/2006/TT-BTC ngày 02/10/2006 của Bộ Tài chính Hướng dẫn Nghị định này; và, Nghị quyết của HĐND thành phố, UBND thành phố sẽ cụ thể hoá và ban hành các chính sách của Thành phố (UBDN thành phố có Tờ trình riêng về chính sách khuyến khích xã hội hoá trình HĐND thành phố trong kỳ họp tháng 12/2006).

- Bổ sung, sửa đổi quy chế quản lý hoạt động dạy nghề phù hợp với Luật Giáo dục sửa đổi. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc thành lập CSDN và đăng ký hoạt động dạy nghề.

- Thực hiện tốt chính sách dạy nghề đối với bộ đội xuất ngũ, lao động nông thôn, thanh niên đồng bào dân tộc và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

- Tạo điều kiện thuận lợi để Hiệp hội dạy nghề Đà Nẵng hình thành và đi vào hoạt động, nhằm phát huy tối đa năng lực của các CSDN trên địa bàn.

- Nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ dạy nghề của thành phố.

- Khuyến khích liên kết giữa các CSDN với nhau, giữa các CSDN với doanh nghiệp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh trong hoạt động dạy nghề.

- Hàng năm, thành phố cân đối kinh phí từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia nâng cao năng lực dạy nghề để hỗ trợ tổ chức bồi dưỡng sư phạm, bồi dưỡng cập nhật chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên làm việc tại các CSDN trong và ngoài công lập; hỗ trợ kinh phí tổ chức một số hoạt động cấp thành phố, gồm: Hội thi giáo viên dạy nghề giỏi, Hội thi tay nghề lao động trẻ, Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm…

3. Quy hoạch phát triển xã hội hóa dạy nghề:

Phát triển nhanh số lượng và chất lượng các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và các lớp dạy nghề, nhất là loại hình CSDN ngoài công lập. Chuyển đổi các CSDN công lập sang cơ chế hoạt động khác hoặc chuyển sang ngoài công lập. Cụ thể:

a) Trường dạy nghề:

- Về số lượng: Từ 06 trường hiện nay tăng lên 09 trường vào năm 2010, (03 trường ngoài công lập; nâng tổng số lên 7 trường ngoài công lập và 2 trường công lập)

- Từ năm 2007, chuyển các đơn vị công lập: Trường Kỹ thuật - Kinh tế Đà Nẵng (thuộc Sở LĐTBXH) và Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Giao thông - Công chính (thuộc Sở Giao thông Công chính, giảng dạy nghiệp vụ giao thông công chính, cơ khí, tin học, lái xe môtô, ôtô) chuyển sang hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên.

- Không thành lập mới các cơ sở dạy nghề công lập. Nâng cấp trường Kỹ thuật - Kinh tế thành trường Cao đẳng nghề.

- Các trường dạy nghề mới thành lập đều là cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển trường cao đẳng nghề tại khu vực quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang.

b) Trung tâm dạy nghề:

- Về số lượng: Từ 13 trung tâm hiện nay tăng lên 20 trung tâm vào năm 2010, trong đó: tăng thêm 3 trung tâm công lập và 4 TT ngoài công lập.

- Từ năm 2008 chuyển các cơ sở dạy nghề công lập: Trung tâm Đào tạo nghề Hòa Vang (thuộc UBND huyện Hoà Vang) , Trung tâm Đào tạo nghề Liên Chiểu (thuộc UBND quận Liên Chiểu) sang hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên.

- Cuối năm 2006, thành lập Trung tâm Đào tạo nghề Thanh Khê (thuộc UBND quận Thanh Khê) là đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên.

- Đối với các trung tâm dạy nghề công lập thuộc hội đoàn thể gồm Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên (Thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên TPĐN): Trung tâm Dịch vụ việc làm Phụ nữ (thuộc Hội LH Phụ nữ thành phố), Trung tâm giới thiệu việc làm Liên đoàn lao động (do Tổng Liên đoàn LĐVN thành lập, trực thuộc LĐLD TP Đà Nẵng) chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn.

- Các cơ sở công lập khác có dạy nghề gồm: Trung tâm giới thiệu việc làm KCN và chế xuất Đà Nẵng (thuộc Ban quản lý Khu chế xuất ĐN) , Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng (thuộc Sở Du lịch), Trung tâm Xúc tiến Thương mại (thuộc Sở Thương mại), Trung tâm Tư vấn, Hỗ trợ HTX và Doanh nghiệp vừa và nhỏ (thuộc Liên minh HTX Đà Nẵng): Đảm bảo mảng dạy nghề chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn.

- Doanh nghiệp có dạy nghề: Thành phố khuyến khích phát triển dạy nghề trong doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở cơ sở dạy nghề.

4. Tăng cường chức năng quản lý nhà nước về dạy nghề:

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Củng cố và nâng cao chất lượng các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2010 đã được phê duyệt tại Quyết định số 178/2005/QĐ-UBND ngày 22/12/2005 của UBND thành phố Đà Nẵng.

- Phát triển nghề đào tạo phù hợp với định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Rà soát lại danh mục nghề cần khuyến khích đào tạo để có bổ sung hợp lý.

- Tăng cường giám sát việc xây dựng và phê duyệt chương trình dạy nghề và thanh tra, kiểm tra chất lượng đào tạo ở các CSDN. Chống bệnh thành tích, tiêu cực trong tuyển sinh và kiểm tra, thi tốt nghiệp.

- Thực hiện phân luồng học sinh ở bậc học THCS và THPT; triển khai thực hiện liên thông trong đào tạo theo Luật Giáo dục sửa đổi (2005) một cách hợp lý, nhằm đảm bảo cơ cấu đào tạo, quy mô tuyển sinh học nghề.

- Đa dạng hoá các hình thức đào tạo, bao gồm đào tạo dài hạn, ngắn hạn, kèm cặp, truyền nghề, đào tạo bổ sung; đào tạo tại chỗ, đào tạo lưu động; đào tạo theo hợp đồng, đặt hàng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

- Củng cố và tăng cường bộ máy quản lý nhà nước về dạy nghề; rà soát việc bố trí và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý dạy nghề ở quận, huyện.

- Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập các CSDN ngoài công lập và tạo điều kiện thuận lợi để các CSDN ngoài công lập tiếp cận các dự án và nhận tài trợ từ các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế.

- Xúc tiến thành lập cơ sở đào tạo sư phạm kỹ thuật để đảm bảo việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề.

- Tạo điều kiện cho các CSDN thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của cơ sở dạy nghề.

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực dạy nghề theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án này, Uỷ ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm cụ thể như sau:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện Đề án.

- Xây dựng trình các cấp thẩm quyền Đề án thành lập trường Đại học Sư phạm kỹ thuật hoặc Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật tại Đà Nẵng.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án ở các ngành và các địa phương.

- Phối hợp với Sở Tài chính trình Uỷ ban nhân dân thành phố quy định mức hỗ trợ các CSDN ngoài công lập tham gia các hội giảng, hội thi về dạy nghề cấp thành phố và toàn quốc.

- Lập dự toán kinh phí triển khai thực hiện Đề án gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có kế hoạch triển khai thực hiện tốt Đề án XHHHĐDN. Tăng cường tư vấn phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh THCS và THPT. Triển khai tích cực và nghiêm túc việc liên thông trong đào tạo theo Luật Giáo dục sửa đổi (2005) và theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chỉ đạo các Trường Trung cấp chuyên nghiệp, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động giáo dục, đào tạo;

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành rà soát, thẩm định nhu cầu sử dụng đất của các cơ sở dạy nghề; tổng hợp, đề xuất để Uỷ ban nhân dân thành phố bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 - 2010) của thành phố.

4. Cục Thuế:

Phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu hướng dẫn các CSDN ngoài công lập về hồ sơ, thủ tục và quy trình thực hiện chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí.

5. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến khích đối vớic sở ngoài công lập; đề xuất cân đối nguồn vốn, kinh phí cho các cơ sở dạy nghề công lập. Cân đối nguồn vốn để đảm bảo triển khai Đề án.

6. Sở Ngoại vụ:

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh các hoạt động kêu gọi đầu tư, tài trợ từ các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ để giúp các cơ sở dạy nghề tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giáo viên, xây dựng chuyển giao chương trình, giáo trình dạy nghề tiên tiến.

7. Sở Nội vụ:

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất cơ chế chuyển CSDN công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ hoặc chuyển sang loại hình ngoài công lập; Tham mưu cho UBND thành phố về việc thuyên chuyển công tác của giáo viên từ CSDN công lập sang CSDN ngoài công lập hoặc ngược lại.

8. UBND các quận, huyện:

Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án theo thẩm quyền. Đánh giá thực trạng dạy nghề của địa phương để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới CSDN do quận, huyện thành lập và quản lý theo hướng xã hội hóa; có giải pháp điều chỉnh quy mô, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ đào tạo phù hợp với năng lực đào tạo của các CSDN và nhu cầu của thị trường lao động.

9. Các cơ quan, đơn vị, các hội, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng:

Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, nhân dân làm cho mọi người dân chuyển biến nhận thức về học nghề, nắm bắt và nhận thức đầy đủ chủ trương, chính sách của trung ương và địa phương về XHHHĐDN.

10. Trách nhiệm của các cơ sở dạy nghề:

Các CSDN công lập và CSDN ngoài công lập thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về dạy nghề và nội dung Đề án này; đồng thời tuân thủ các quy định về hoạt động dạy nghề, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dạy nghề.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, tổ chức triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả; định kỳ hàng năm đánh giá kết quả gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

Trong quá trình thực hiện Đề án, nếu có vướng mắc, phát sinh, cần kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 14/2007/QĐ-UBND

Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 14/2007/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 14/02/2007
Ngày hiệu lực 24/02/2007
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội, Lao động - Tiền lương
Tình trạng hiệu lực Không còn phù hợp
Cập nhật 18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 14/2007/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 14/2007/QĐ-UBND đẩy mạnh xã hội hoá dạy nghề Đà Nẵng đến 2010


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản sửa đổi, bổ sung

Văn bản bị đính chính

Văn bản được hướng dẫn

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Quyết định 14/2007/QĐ-UBND đẩy mạnh xã hội hoá dạy nghề Đà Nẵng đến 2010
Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 14/2007/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Trần Văn Minh
Ngày ban hành 14/02/2007
Ngày hiệu lực 24/02/2007
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội, Lao động - Tiền lương
Tình trạng hiệu lực Không còn phù hợp
Cập nhật 18 năm trước

Văn bản thay thế

Văn bản gốc Quyết định 14/2007/QĐ-UBND đẩy mạnh xã hội hoá dạy nghề Đà Nẵng đến 2010

Lịch sử hiệu lực Quyết định 14/2007/QĐ-UBND đẩy mạnh xã hội hoá dạy nghề Đà Nẵng đến 2010

  • 14/02/2007

    Văn bản được ban hành

    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

  • 24/02/2007

    Văn bản có hiệu lực

    Trạng thái: Có hiệu lực